Menu Close

Giá trị của một tấm hình (Kỳ 19)

Gần đây tôi vừa nhận một thư điện (email) xin một tấm hình cò lửa của tôi đã chụp. Ông ta đã thấy tấm hình đó trên website tôi (www.wildwingsphotography.com) và nhiều nơi khác trên mạng internet. Ông ta có nói rằng ông đã tìm kiếm nhiều hình cò lửa trên mạng nhưng những hình đó lại không “phức tạp” bằng tấm hình tôi chụp. Giờ ông nhất định xin cho được tấm hình này để in lớn rồi treo lên tường phòng mạch của ông. Ông ta là một bác sĩ đang hành nghề ở bang Arizona.

Đến lúc tác giả xin liệt kê sơ sơ vài chi phí để nghe chơi:

– $84 tiền xăng chạy xe đến chỗ chụp rồi chạy về.

– Cái máy chụp hình tốn $1600. Cái ống kính tốn $1800.

– Về nhà, bỏ hình lên máy điện toán mua khoảng $1200. Rồi dùng phần mềm Lightroom để bỏ hình lên, tốn $200. Xong còn phải chỉnh thêm bên Photoshop, cái software đó lại tốn khoảng $500.

– 84+1600+1800+1200+200+500 = $5,384

alt


Hình cò lửa đã đoạt được nhiều giải thưởng và được xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Giá tiền $5,384??? –  Photo: Andy Nguyễn

Vậy nếu tôi trả lời ông bác sĩ A. giá tiền để mua tấm hình đó là Năm Ngàn Ba Trăm Tám Mươi Bốn đô la, thì điều đó cũng không hẳn là sai. Thật sự, nếu ông ta muốn có được một tấm hình tương đương như vậy, thì cũng phải bỏ ra những tốn kém đó, và rất có thể còn thêm nhiều chi phí khác.

Nếu dùng lý luận là sẽ đăng tên tôi để trao đổi cho công lao chụp tấm hình, thì thật là một chuyện … huề vốn. Ông nói phòng mạch của ông có hàng chục người ra vào mỗi ngày, và tên của tôi sẽ được quảng bá rộng rãi. Nói thật, ông ta đã tìm được hình của tôi trên mạng, thì có nghĩa là đã được quảng bá khắp thế giới rồi. Nói như vậy cũng giống như giao điều kiện khi đi ăn ở tiệm Phở “cho tui ăn free đi rồi tui sẽ quảng cáo với tất cả bạn của tui đến ăn.”


Công lao của tác giả tấm ảnh

Làm việc trong ngành thông tin lâu nay, chúng tôi cũng đã từng chứng kiến những sự vi phạm bản quyền đối với tác giả của những hình ảnh. Ngoài vấn đề luật pháp còn có vấn đề tế nhị, hoặc biết cách xử sự trong xã hội; nhất là nếu người vi phạm lại là một cơ quan thông tin có tên, có tuổi.

Một trường hợp mới xảy ra cách đây vài tuần, khi nghệ sĩ Lữ Liên qua đời. Trong hầu hết các trang web hoặc báo chí của người Việt Nam (ở hải ngoại và trong nước) đều có dùng tấm hình chân dung của n/s Lữ Liên đang ngồi nói vào microphone. Sở dĩ chúng tôi đã nhận dạng tấm hình này vì đích thân chúng tôi đã cùng vài phóng viên nổi tiếng khác đến nhà Lữ Liên ở Westminster để thực hiện cuộc phỏng vấn hôm đó. Đặng Mỹ Hạnh là người đã cầm máy, và chụp nhiều hình trong nhà, ghi lại những tư liệu cho cuộc gặp mặt hi hữu đó.

alt


Một lượt tìm kiếm (search) trên Google, kết quả có cả chục hình Lữ Liên mặc áo sọc xanh, đều bị các cơ quan thông tin sử dụng… bất hợp pháp.

Nhưng, vì lý do nào đó, những cơ quan thông tin kia lại “đánh mất” lời ghi chú với tên của tác giả Đặng Mỹ Hạnh có kèm trên tấm hình đó. Nếu chỉ một tờ báo hoặc một trang web thì có thể gọi là sự sơ sót vô tình. Sau khi so sánh với hình gốc, chúng tôi thấy rõ chỗ để tên của tác giả ở góc dưới tấm hình đã bị “cuốn theo chiều gió”, xóa đi không còn dấu tích.

Nếu không phải ở vấn đề làm ăn, điều này đã thấy kỳ, huống gì những cơ sở này lại kiếm tiền bằng những quảng cáo. Nói theo lẽ phải, thì người tác giả ở mức tối thiểu phải nhận được chút ít credit (công lao) chứ; vì nếu tác giả ĐMH không có mặt hôm đó thì những cơ sở này cũng không có hình đó để minh họa. Đây chưa nói đến chuyện tiền bạc, nhưng chỉ nêu lên sự tôn trọng cho công lao của một người chuyên môn.

alt

NAG Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn đã có mặt tại tư gia và chụp hình chung với vợ chồng bác Lữ Liên (2007)
Công dụng của Watermark

Watermark (dấu ướt) là một hình dạng đóng “mộc” lên hình của bạn để chứng minh bạn là chủ của tấm hình đó. Chữ “watermark” có gốc từ thời xưa khi những bức mật thư có đóng dấu đặc biệt của người viết, chỉ có thể thấy được khi lá thư được cầm và rọi lên ánh đèn. Ngày nay, mỗi lần bạn trả tiền xăng bằng tờ $100 thì cũng thấy phương pháp rọi đèn được áp dụng để thấy watermark in trên tiền, và biết là tiền giả hay tiền thiệt.

Dấu watermark trên hình thường được bắt đầu với mẫu tự C với vòng tròn xung quanh © để biểu hiện cho chữ “copyright” (bản quyền), và được tiếp theo với tên của tác giả. Dấu này phần nhiều sẽ bảo vệ bản quyền của bạn, ngoại trừ trong trường hợp nói trên, và đó là một ngoại lệ, hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

alt


Batch Watermark Creator, một loại software gắn watermark vô những tấm hình của bạn. Xem chữ “Do Not Copy” ở góc dưới – Photo: internet
A.N., Orlando, July 2012
Email: info@wildwingsphotography.com
Facebook: www.facebook.com/wildwingsphotography
Trang nhà: www.wildwingsphotography.com