Menu Close

Một năm sau thảm họa Breivik – Thiên Đường bị bắn, một Na Uy trong vòng tay Thế giới

Thiên Đường tìm thấy

Tôi tìm (lại) chính mình ở Stockholm. Sự tĩnh lặng tuyệt mỹ. Rừng xanh. Gió tơ. Nước trong. Vịnh. Trời xanh. Khí lành. Sự êm ả của đời sống. Nhiều cảnh đẹp tuyệt vời, lái xe hàng giờ vẫn không thấy bóng người.

2004. Lappis, khu ký túc xá bên cạnh Đại học Stockholm. Con đường đất từ ký túc xá qua khuôn viên trường sực nức mùi quê hương, ngọt ngào những ký ức của đồng bằng Cửu Long, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.

1994-2004. Mười năm sống tại Quận Cam hối hả nhộn nhịp, và tôi quên mất cái cảm-vị của sự tĩnh lặng. Ở đó, trong sự tĩnh lặng của Stockholm, tôi gặp lại chính mình. Tôi đã trở về nhà.

Từ sự gắn bó với thiên nhiên đến những gặp gỡ với người dân Bắc Âu trong năm 2004-05 với tư cách là một học giả Fulbright, tôi ôm ấp miền đất này như thiên đường ở hạ giới, mặc dù tôi có những quan điểm khác biệt trong một số vấn đề liên quan đến lối sống tại đây.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi sống trong thời tiết bốn mùa. Một trong những vị giáo sư đỡ đầu của tôi, Ts. Craig Ihara, thuộc Đại học tiểu bang California tại Fullerton, lo rằng tôi không chịu nổi Đông giá. “Chắc là cô ấy sẽ khăn gói quay về sớm thôi,” Thầy tôi nghĩ. Nhưng đó không phải là ý định của tôi. Tuy mùa Đông có lạnh giá và rất khác biệt, tôi đón đợi nó một cách náo nức. Tuyết đồng trinh rơi sớm đầu tháng 11 năm 2004. Mây đầy kịch tính với những viền sáng bạc và những màu sắc hư ảo vào buổi rạng đông hay xế tà. Sự khỏa thân của cây, trần trụi và tiềm sinh. Tôi đã sống sót mùa Đông Bắc Âu của mình. Tôi đã tương tư nó.

Mỗi sáng, tôi mở tung cửa sổ lớn trong phòng, để khí lạnh cắt da ùa vào, trong lành và buốt giá. Tôi tập yoga. Có lẽ đó là bí quyết. Tôi ôm lấy mùa Đông. Mùa Đông ôm lấy tôi. Tôi đã không đổ bệnh. Tôi đã ngạc nhiên khi vài đồng nghiệp của tôi tại Đại học Stockholm – những anh chàng Viking như tháp cao bên cạnh tôi – đều nhức đầu, sổ mũi, ho hen.

Mùa Hè là mùa được tôn sùng nhất trong năm. Mặt trời là lý do chính. Nhưng mặt trời không có gì mới mẻ đối với tôi. Nghĩ cho cùng thì tôi đã trải qua ngót hai thập niên tại đất nước Việt Nam nhiệt đới.

alt


Thanh bình – Thiên đường – Cả hai


Người Việt tại Na Uy

Không phải người Việt nào cũng mê Bắc Âu như tôi, nhất là những vị thuộc thế hệ di dân thứ nhất đang sống tại vùng này. Đối với họ, Bắc Âu lạnh quá, yên tĩnh quá, và quá thiếu vắng đời sống Việt.

Số người Việt sinh sống tại các quốc gia phía Bắc cũng khá cao, tuy thấp hơn nhiều so với số người Việt tại Bắc Mỹ, Úc Châu, hay Tây Âu. Trong tất cả các nước Bắc Âu, Na Uy là nước có cộng đồng Việt đông đảo và dồi dào sức sống nhất. Oslo thực sự là ‘thủ đô’ của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Bắc Âu. Có khoảng 25,000 người Việt tại Na Uy, 20,000 tại Thụy Điển, 14,000 tại Đan Mạch, và 6,000 tại Phần Lan.

alt

Sinh viên Việt tại các nước Bắc Âu gặp gỡ, hè Upsalla 2005

Một số người Việt tại đây có thể nghĩ rằng cuộc sống trong tất cả các nước Bắc Âu đều như nhau. Tuấn Bá Cao, một người di dân gốc Việt, nhận xét rằng “CHÍNH SÁCH đối với người Thiểu Số và Tỵ Nạn tại các quốc gia Bắc Âu, gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, không khác nhau. Lắm lúc tôi tự hỏi tại sao họ không là một nước Bắc Âu khi khó mà tìm được sự khác biệt của họ.”

Tuy cái nhìn của Tuấn có thể khởi đi từ hoàn cảnh sống tương tự và một phần lịch sử chung của các nước này, nhận xét của anh không phản ảnh được những lịch sử và sự hình thành rất khác biệt giữa các nhóm người Việt tại Bắc Âu.

Trong một bữa cơm tối thân mật của một nhóm thân hữu gốc Việt vào tháng 11 năm 2004 tại Malmo, Thụy Điển, những người có mặt bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với đồng hương tại Oslo. D., một doanh nhân, cảm thán rằng không thể tìm được một người Việt trong bất cứ vai trò chuyên môn nào tại Thụy Điển, nhưng có vô số người Việt chuyên môn trong mọi lãnh vực tại Na Uy, từ bác sĩ, luật sư, vân vân. “Phải chi mình được như họ,” anh nói. “Hay được như người Việt tại Mỹ,” Khánh, bạn của anh ta, cũng là một doanh gia, tiếp lời.

Vào tháng 10 năm 2004, tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu tại Stockholm với Linh mục Thadeus Trần Chánh Thành, Tuyên úy của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Thụy Điển và Aland Islands, một quần đảo trong Biển Ban Tích. Là một thuyền nhân, Cha đã có những kinh nghiệm trực tiếp về quá trình định cư đến các nước Bắc Âu. Cha kể rằng chính Công Chúa Na Uy, sau khi biết được thảm cảnh của thuyền nhân, đã thân chinh đến đảo để thiếp lập các trại tỵ nạn và thủ tục để đưa người tỵ nạn về quê hương mình. Tuy nhiên, Thụy Điển không tiếp nhận người tỵ nạn Việt Nam vì quốc gia này đứng về phía Bắc Việt trong thời gian chiến tranh Việt Nam, và hầu như chỉ tiếp nhận người Việt gốc Hoa sau trận chiến biên giới Việt-Hoa, khi mà chính quyền Việt Nam trục xuất người Hoa hàng loạt ra khỏi Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại Oslo có vẻ là một điểm đến thường xuyên của đồng hương tại các nước khác ở Châu Âu. Micae Nguyễn Hữu Xuân Điềm, một sinh viên du học từ Việt Nam, đi từ Roma, Ý Đại Lợi, sang Oslo trong những năm du học, và thường ở Oslo vài tuần để giúp các trại hè của Mục Vụ Giới Trẻ Công Giáo. Anh nói về sự quảng đại của các chương trình xã hội ở Na Uy, tạo điều kiện cho những vị cao niên biết dè sẻn có thể dành dụm để về thăm gia đình ở Việt Nam trong sáu tháng mùa Đông.

Số người Việt tập trung đông tại Oslo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một cộng đồng xã hội, và duy trì những sinh hoạt thường xuyên mà đồng hương của họ ở trong cùng khu vực không thể làm được.

Thiên Đường bị bắn

Tôi nghĩ nếu chỉ đến thăm Bắc Âu vào mùa Hè là một sự ăn gian. Phải sống qua mùa Đông dài đằng đẵng ít nắng và nhảy cò cò qua mùa Xuân nở bừng thì mới thấy mùa Hè tuyệt vời đến thế nào. Và tuy ba mùa kia cũng có cái duyên riêng của chúng, người Bắc Âu vốn tôn sùng mặt trời. Một chút hơi hướm mùa Hè, và người ta thảy áo tắm lên người để dụ dỗ mặt trời. Tôi chưa bao giờ có thể khẳng định được rằng mặt trời mọc cho người xứ này, hay chính họ hiệu triệu mặt trời.

Cho dù có tôn thờ mặt trời hay không, mùa Hè vẫn là mùa đẹp và vui nhộn nhất ở vùng Bắc Âu. Không thể nào nhấn mạnh đủ vai trò của những lễ hội trong suốt mùa Hè với ngày dài vô tận. Du khách lũ lượt đến Bắc Âu trong những tháng ve kêu. Khi đó, họ ung dung hưởng cả thành phố một mình, vì người bản xứ đều đi nghỉ mát ở những miền đồng quê cách xa thành phố lớn như Oslo và Stockholm, tận hưởng nhà nghỉ mát mùa Hè của họ hay du lịch gia đình. Ôi, thanh bình!

Và Anders Behring Breivik xuất hiện. Bản tin làm tôi bị chấn động. Như thể tất cả những tin tức đang lan đi trên các hệ thống truyền thông là không có thật. Thật là kinh hoàng khi chứng kiến những cuộc tấn công của Breivik được mưu tính và hành động vào khoảng thời gian này trong năm. Một mưu đồ chín năm.

Thật là một hành động ác nhân khi tước lấy sinh mạng của người khác như Breivik đã làm trong bất cứ ngày nào của năm, nhưng còn tàn độc hơn nhiều vì mùa Hè luôn là thời gian của êm đềm, tình bạn, gặp gỡ gia đình, nghỉ ngơi. Như nã đạn vào một đôi tình nhân trong ngày cưới của họ. Hay bóp cò nhắm vào một cô bé đang bước vào khu vườn tuổi thơ. Khi tôi sống tại Lappis mùa hè 2005, tất cả các bạn bè trong ký túc xá đều về thăm nhà. Họ về để tìm lại những hương vị tuổi thơ.

Tôi phải đối diện với biến cố này như thế nào? Tôi mất cả mấy ngày trời để định thần và tập trung tư tưởng cho bài viết này. Tôi không biết phải tiếp cận bài viết này từ góc độ nào. Tôi vật vã để kết ý nghĩ của mình thành con chữ. Tôi cảm thấy bị xúc phạm. Phần đất ấy của thế giới cũng là nhà tôi. Nếu thử thách làm giàu có cái nhìn của một con người, thì Bắc Âu với những thử thách của chính nó cũng làm cho tôi phong phú. Trong chuyến đi về phía Bắc, tôi đã chuyển hóa.

Suy ngẫm về kinh nghiệm Bắc Âu, Tuấn nghĩ rằng “Bản chất hiền hòa và nhân ái của dân Bắc Âu không thể chối bỏ được, cho dù CƠ HỘI TIẾN THÂN của người Thiểu-Số không được dễ dàng như ở Mỹ, Úc, Canada etc. Bảo Thủ là bản chất của họ.”

Phân tích bi kịch tại Oslo, Tuấn phát biểu, “Biến cố Breveik là kết quả của sự TỨC GIẬN của một nhóm nhỏ của người bản xứ đối với giống dân thiểu số đã lợi dụng lòng nhân đạo của họ để rồi gây rối loạn xã hội của họ. Sự lo sợ BỊ MẤT CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC của họ.”

Người Bắc Âu rất lịch lãm, lặng lẽ, và kín đáo. Người di dân gốc Việt mà tôi gặp trong thời gian ở đó thường hỏi tôi làm cách nào tôi đối diện với những bạo động quá đầy dẫy ở Mỹ. Thanh bình là một lý tưởng tối hậu, nên Thụy Điển tự hào về nền hòa bình không sứt mẻ trong suốt 200 năm của mình. Phan Hiển Mạnh, một thương gia ở Malmo, cho tôi biết anh đã quyết định đến tỵ nạn tại Thụy Điển chỉ vì một tấm bưu thiếp về Stockholm. Lúc ấy, anh còn là một người phi chính phủ ở Đông Đức, tránh né cảnh sát, lúc nào cũng phải trốn chạy. Anh mệt mỏi. Và nhìn thấy tấm bưu thiếp với hình ảnh Stockholm. Anh muốn cuộc sống ấy. Anh muốn sự thanh bình ấy. Anh vượt biên giới, xin vào trại tỵ nạn ở Thụy Điển, và gần mười năm sau, anh nhận được quy chế tỵ nạn.

Thanh bình. Đó là tính cách chủ đạo. Thanh bình đã ảnh hưởng đến tôi sâu đậm nhất trong một năm tôi ở đó.

Na Uy trong vòng tay của thế giới

Trong khi biến cố Breivik đang gây sự chú ý cho toàn thế giới trong thời gian gần đây, tôi không muốn nó là hình ảnh gắn liền với Na Uy. Thực hiện bài viết này là cả một công án.  Cách tiếp cận nào thích hợp? Tôi sẽ đưa ra được một cái nhìn hữu ích nào đây? Đâu là những đề tài có thể được thảo luận bên cạnh tinh thần da trắng độc tôn, ngoa ngôn chống di dân, đả kích việc đa sắc đa chủng, nền an ninh toàn cầu, trách nhiệm cá nhân, tính bài ngoại, và bạo động chống Hồi giáo?

Có nhiều đề tài nổi bật với cuộc thảm sát ở Oslo. Hồi giáo ở Châu Âu, người di dân Hồi giáo ở Châu Âu, chủ nghĩa đa văn hóa, sự đa dạng sắc tộc, an ninh vũ trang, sự tự do của người dân, tinh thần da trắng độc tôn. Nhưng có một điều ám ảnh tôi, và tiếp tục ám ảnh tôi sâu sắc nhất, là nỗi đau. Tôi không biết khi viết bài này thì nỗi đau ấy giảm đi hay tăng thêm. Nhưng khi viết, tôi cảm thấy như chính mình đang bơi/chìm trong nước, như những nạn nhân và/hoặc những người sống sót giữa lúc bị tấn công.

Trước biến cố Breivik, tôi không biết rằng lần sau trở lại Bắc Âu, tôi sẽ mang một tâm trạng khác. Vì một trong những ‘mái ấm’ của tôi đã bị đánh phá. Vì thanh bình đã bị thử thách.

Tôi biết rằng vẫn có sự căng thẳng, không chỉ cho những người quá khích như Breivik, nhưng cho những người dân thuộc mọi thành phần xã hội và thuộc mọi lập trường khác nhau. Tôi nghĩ là một người bản xứ sẽ cảm thấy khó chịu khi họ bị làm người ngoại cuộc khi hai người di dân nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Chủ nghĩa đa văn hóa có nhiều giới hạn. Sự độ lượng của con người cũng vậy. Nhưng chính những cơ hội mà chúng ta có hôm nay – cơ hội được sống ngay trong lãnh thổ của nhau, cơ hội được nếm trải không gian của người khác mà không bắt buộc phải sống trong đó – đã làm cho sự căng thẳng ấy có ý nghĩa, và hữu dụng.

Con người không bao giờ di chuyển một chiều, mà trong nhiều phương hướng. Hơn 500 người Đan Mạch hiện đang sống tại Việt Nam. 22,000 người Đan Mạch đến du lịch Việt Nam năm 2008. Tháng Giêng năm 2005, Thụy Điển chịu đựng một sự mất mát lớn khi hàng trăm người dân của họ bị hại trong trận sóng thần tại Thái Lan. Người dân Bắc Âu có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Và một phần của thế giới đang hiện diện tại đây.

Tôi đối diện với niềm đau một cách rất cá nhân. Nếu không, thì làm cách nào để chúng ta tiếp cận nó? Hay trưởng thành? Nhưng tôi cũng tin vào tình liên đới của nhân loại. Trong cái kinh động của bi kịch Breivik, chúng ta cần phải nhắc nhở chính mình rằng có hàng hà sa số người Na Uy đầy thiện chí khác vốn vẫn đứng lên để bảo vệ niềm tin vào sự đa dạng sắc tộc và sự chấp nhận người di dân.

Na Uy đã đi vào thế kỷ thứ hai mươi mốt – một lần nữa, nhưng đi một mình, trong năm 2011 – với bi kịch này. Cả vương quốc đã có một cơ hội để đối thoại một cách cởi mở và trực tiếp với thế giới về cái nhìn của họ trong một vấn đề nhức nhối nhất của thời đại chúng ta: di dân và hội nhập.

Giải Nobel Hòa Bình tại Oslo sẽ mang thêm một ý nghĩa khác, vì nội an đã bị quấy nhiễu. Sự thanh bình của Na Uy đã bị xuyên thủng. Khi người dân Na Uy giữ một phút mặc niệm để truy điệu những nạn nhân đã nằm xuống, họ sẽ nghe một thứ thinh lặng khác. Nhưng họ sẽ nghe trong vòng tay ủi an của thế giới.

Những cuộc đối thoại mới và được làm mới từ biến cố này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên các diễn đàn quốc tế trong thời gian sắp tới. Nhưng những cuộc đối thoại này sẽ đưa chúng ta về đâu? Câu trả lời tùy thuộc vào cách chúng ta tiếp tục thiết lập một sự cộng sinh trong an hòa, bình đẳng, và có ý nghĩa. Mỗi và mọi người chúng ta.

alt


Khung cảnh thanh bình