Trong loạt bài về Trung cộng, chúng tôi đã phân tích những ảo vọng siêu cường, phẩm chất kém của hàng hoá “Made in China” trong một nền kinh tế nhiều mối hoạ, uy tín thấp rủi ro cao. Còn những ẩn số khác khi nhìn về Trung cộng ngày nay: giáo dục yếu kém, kế hoạch phát triển bát nháo, nhân công tay nghề thấp, dân số lão hoá nhanh, xã hội chia rẽ, môi trường suy thoái… Các mối xung khắc chủng tộc có thể gây nên biến động chánh trị và xã hội bất cứ khi nào. Đây là những yếu huyệt bí mật của Trung cộng.

Vấn đề của Trung cộng không chỉ là sự gian dối trong kinh tế, hay hàng hoá mất uy tín vì phẩm chất kém, hoặc ngay cả nạn làm giả làm nhái. Sự gian lận còn… lậm vào ở mức độ cao nơi nền giáo dục. Cũng như đàn em Việt Nam, Trung cộng ngày nay có vô số tiến sĩ giả, tiến sĩ giấy — hoặc để thăng quan tiến chức, hoặc để mưu tìm một ngôi vị trong tháp ngà hàn lâm. Khi các vụ bê bối giáo dục bị phanh phui, thường thì chánh phủ lờ đi, không công khai và nghiêm minh xét xử.
Chương trình huấn luyện học đường vẫn còn yếu, chưa hoàn chỉnh. Thiếu nền móng chắc chắn, hiệu quả, các viện đại học, nghiên cứu vẫn nhiều phần thô sơ, mặc dù mỗi năm nhận ngân sách quốc gia không nhỏ. Chính vì lẽ này, cộng thêm nhu cầu cá nhân, ngày nay có khoảng 25,000 học sinh/sinh viên người Hoa đang du học ở Mỹ. Cũng tương tự như sinh viên/học sinh VN, đa phần sau khi ra trường, số du học sinh đều tìm cách ở lại, không trở về Hoa Lục. Sự hiện diện của các cư dân mới (và có trình độ) giúp bơm thêm tài chánh vào nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngược lại, Trung cộng vừa mất mát nhân tài, vừa lãng phí đầu tư.
Sự thiếu vắng nhân tài đã có thể đóng góp vào danh sách dài những quốc sách lạc hậu, ấu trĩ, được các hạt giống “thừa hồng thiếu chuyên” soạn thảo. Trong một kế hoạch phá sản nặng nề nhất, đảng cộng sản đề ra tham vọng xây thêm 20 thành phố mỗi năm. “Người người thi đua” xây dựng, bất chấp quy luật thị trường, khiến đến nay thặng dư hơn 65 triệu nhà cửa—đủ cho 200 triệu người cư ngụ—trên thực tế lại vắng chủ.

Đã biết vậy, Trung cộng vẫn bướng bỉnh xây thêm 50 triệu nhà cửa nữa trong tương lai gần. Ước tính, trong tổng sản lượng quốc gia (GDP), có khoảng 50% đến 60% hàm chứa các con số cao nhưng giả tạo từ việc xây cất vô tội vạ này.
Một lý do chánh khiến các khu dân cư mới mà… ế dài, là do giá cả đắt đỏ, vượt quá túi tiền người dân bình thường. Một hệ lụy khác, độ rủi ro cao khiến giới nhà băng gần đây xiết hầu bao. Các thủ tục vay mượn nợ nhiêu khê gấp nhiều lần. Điều này đẩy nhiều hãng thầu xây dựng đến bờ khánh tận.
Giới chủ nhân gặp khó, hạng thứ dân trong xã hội tình thế còn bi đát hơn. Trước hết là vấn đề tay nghề nhân công thấp. Đặt tại Mỹ, 1 nhân viên người Mỹ trung bình sản xuất nhanh khoảng 3 lần nhân viên Trung cộng, vì họ có máy móc tốt hơn, chưa kể các phương pháp vận chuyển, dây chuyền sản xuất hiện đại và hiệu quả hơn.
Có điều nghịch lý là mặc dù phẩm chất kém, giá nhân công Trung cộng lại gia tăng. Các yêu sách tăng lương bổng, quyền lợi, điều kiện làm việc… thêm áp lực lên nhiều nhà đầu tư, khiến họ nản lòng, dần dần bỏ đi, như chúng tôi đã phân tích trước đây.
Không chỉ thiếu tay nghề, nhân công Trung cộng còn nghèo, lạc hậu. Hai phần ba dân số Trung Hoa Lục Địa vẫn là nông dân chân lấm tay bùn. Hơn phân nửa dân số vẫn sinh sống trong các ngôi làng thô sơ, không có hệ thống nước sạch. Tiêu chuẩn chăm sóc y tế và giáo dục căn bản của Trung cộng còn thua xa nhiều nước tân tiến trên thế giới.
Một phần chiến lược tăng trưởng kinh tế của Trung cộng đến nay dựa vào khả năng tái huấn luyện dân số nông phu đơn giản này, biến họ thành nhân lực cho công nghệ kỹ thuật cao. Với đà đô thị hoá 1% mỗi năm, sẽ phải chờ thêm ít nhất 3 thập niên nữa, Trung cộng mới bớt số nông phu xuống còn 25% dân số. Hiện tại, hằng triệu nông phu bị bứng khỏi ruộng vườn, không nghề nghiệp chắc chắn, phải chen chúc sinh sống ở thành thị giá cả lên từng ngày.
Không dễ giải bài toán cải thiện đời sống cho hằng triệu nông phu hiện mắc kẹt trong mớ bòng bong của nạn thất nghiệp, bất bình đẳng về thu nhập, và tham nhũng lan tràn. Đây là một trong những ngòi nổ âm ỉ của xã hội Trung cộng. Từ ngàn xưa, vấn đề nông phu vẫn làm điên đảo triều đình Bắc Kinh. Hầu như mỗi cuộc biến động đưa đến thay đổi nền tảng xã hội đều khởi sự từ các cuộc nổi loạn của giới nông phu, khi cơn bất mãn trở nên tức nước vỡ bờ.
Và những bất mãn dường như không suy giảm. Đất đai của giới nông phu bị ô nhiễm, không khí hết trong lành, nguồn nước thì bị nhiễm độc. Ước tính nạn ô nhiễm môi trường giết hại khoảng 750,000 người mỗi năm, gây thiệt hại cho quốc gia xấp xỉ 8% tổng sản lượng quốc gia. Trung cộng ngày nay cũng là nước có môi trường bị huỷ hoại cao nhất toàn cầu; 16 trong 20 thành phố “chết” nằm ở Trung Hoa lục địa. Nhiều thành phố kỹ nghệ ô nhiễm đến mức không còn nhìn thấy ánh mặt trời.

Những hệ luỵ này có thể truy nguồn cơn từ thời 1950 và 1960, lúc đảng cộng sản thâu tóm cả Hoa Lục. Cuộc “Cải Cách Văn Hoá” giết chết hàng chục triệu người. Các cuồng vọng “Đại Nhảy Vọt” khuyến khích nông phu lạm dụng phân bón để mưu tìm vụ mùa bội thu. Những hành động này tàn phá đất đai, khiến đất canh tác hữu hiệu ngày càng thu hẹp.
Không lạ khi bức tranh xã hội Trung cộng có nhiều rạn nứt, bất ổn. Cuối thế kỷ 20, số phạm nhân bị tử hình lên đến 250,000 người. Mỗi năm, có hằng chục ngàn vụ đình công, biểu tình, phản kháng nổ ra. Một kịch bản khó chịu khác cho Trung cộng là các vấn đề xung khắc sắc tộc. Trung cộng ngay từ đầu vốn không phải là một quốc gia độc lập, pháp trị, nhưng giống một đế chế cộng sản hơn, với phần lãnh thổ rất lớn nằm ở Tây Tạng (Tibet) và Tân Cương (Xinjiang) — nơi từng được ví von là “Palestine của Trung cộng”.
Về phương diện lịch sử, kích cỡ dị thường của Trung cộng có được nhờ lãnh thổ to lớn và dân số khổng lồ. Đây là kết quả của sự chiếm đóng các phần đất không thuộc tộc người Hán ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông (Inner Mongolia) sau khi đảng cộng sản tiếm quyền cuối thập niên 1940. Về mặt lãnh thổ thuần tuý, nếu không kể Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, phần còn lại của Hán tộc Trung Hoa có lẽ chỉ đáng được gọi là một cường quốc trong vùng.
Trên những phần lãnh thổ đó, lâu nay không thiếu nhiều nhóm thiểu số muốn ly khai, tách khỏi quyền thống trị của đảng cộng sản từ Bắc Kinh. Thêm vào truyền thống liên kết lỏng lẻo giữa các địa phương, cạnh tranh giữa thành thị và nông thôn, sự tranh chấp văn hoá giữa miền Bắc và miền Nam… Thiếu những vùng thiểu số này, và tài nguyên to lớn của chúng, vị thế chiến lược của Trung cộng trên trường quốc tế cũng suy giảm đáng kể.
Trong nhiều năm, nhiều thập niên, (không khác chánh sách Hà Nội đưa cán binh, cán bộ cộng sản từ Bắc Việt vào Nam Việt sau 1975), Trung cộng đưa rất nhiều người Hán sang những vùng lãnh thổ chiếm đóng, không ngoài mục đích mua chuộc, chia rẽ, để đồng hoá. Cuộc cờ này có phần thất bại, không thể dập tắt tiếng nói dân bản địa. Những tranh đấu liên lỉ của người Tây Tạng lưu vong dưới sự điều hợp của Đức Dalai Lama, và các bạo loạn mấy năm qua nhất là ở Tân Cương minh chứng cho điều này. Giới lãnh tụ cộng sản chóp bu chỉ khư khư lo ôm giữ quyền bính của họ ở Bắc Kinh. Trong khi đó, có những rủi ro thật đe doạ chính sự bền vững của Trung Hoa lục địa, trong hình thể ta vẫn thấy trên bản đồ lâu nay. Nếu bạo loạn, nội chiến xảy ra, Trung Hoa rất có thể quay trở lại thời kỳ 1920, bị bể ra nhiều mảnh nhỏ.
