Menu Close

Trời tháng bảy bên bờ hồ Waymouth

Bạn ơi,

Lâu lắm rồi, có lẽ có tới hơn hai năm tôi mới về lại Boston, thành phố mà trước đây hai mươi năm tôi bắt đầu những ngày mới tới nơi này. Boston với riêng tôi là một nơi tôi có rất nhiều kỷ niệm dù nơi này là xứ lạ quê người. Cứ mỗi lần nhắc đến Boston là mỗi lần tôi nhớ mình thường đi lạc subway, ngã rẽ về Savin Hill thì mình lại đón xe Brantree, và cứ thế là lạc đường hoài. Rồi còn nhiều lắm những gian khó buổi đầu về nhiều việc như ngôn ngữ, công ăn việc làm, việc phải dời nhà mỗi lần thay chỗ ở, về trăm thứ khó khăn khác nữa, và một dịp khác tôi sẽ kể cho bạn nghe về những ngày nắng mưa giữa dòng đời ngày ấy. Còn hôm nay, tôi muốn mời bạn ghé thăm hồ Weymouth (Whitman’s Pond), một hồ nước thiên nhiên nơi vùng Massachusetts này, cách Boston chừng 20 phút lái xe, nằm về hướng Đông Nam, theo con đường số 3 nối liền giữa Boston và Cap Code, nơi những cư dân đầu tiên đến Mỹ họ định cư vào khoảng năm 1662.

alt

Bạn ơi, hồ Weymouth mà bức ảnh mở đầu như bạn thấy nó bao la và đẹp lạ kỳ. Vì cùng nhớ về bến nước Châu Đốc, Tân Châu ngày nào, vợ chồng tôi tìm tới nhà anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng, người quê quán Châu Đốc-Châu Phong cũng đang mê hồ, mê cá và những đàn vịt trời thơi thới thả trôi theo làn nước mát, nên anh chị đã dời nhà cũ đã ở có tới trên hai mươi năm để đến dựng nhà mới bên bờ hồ này gần hai năm nay. Và may mắn, chúng tôi được anh chị giới thiệu về những mảnh đời chim cá nơi này mà anh chị đã có dịp gần gũi với chúng cùng thời gian dựng nhà bên bờ hồ nước mát ấy.

Đến đây vào buổi sáng, chúng tôi được anh chị chờ trước sân và dẫn ngay chúng tôi xuống bờ hồ nước mát. Mặt hồ rộng thênh thang. Xa xa lúp xúp những căn nhà không cao lắm nằm nép mình dưới những bóng cây xanh mà nghe anh chị kể lại là nơi hồ nước này cây cối tuổi thọ có tới mấy trăm năm và bảo vệ cái nét nguyên sinh của nước, của chim chóc, của cây rừng nơi hồ Weymouth này là ưu tiên hàng đầu. Do vậy mà mọi thay đổi như chặt cây, cất nhà, nhất nhất phải xin phép, không ai có thể tự ý đốn cây bừa bãi được. Có lẽ nhờ vậy mà cảnh quan hồ nước xanh mát này khiến nhiều người mơ có một bến nước để ngồi ngắm vịt trời bơi bơi trên mặt nước, nhìn cá lội thành từng đàn vào những ngày cá dại dưới đáy nước trong leo lẻo ấy.

alt

Ba con ngỗng con lạc mẹ với miếng ăn từ tay người thương cảm cảnh lạc loài – Ảnh Lộc Tưởng

Hồ Weymouth có cái hay là lòng hồ nhiều cát và đá nên nước rất trong. Dù cát và đá cứng như vậy nhưng bạn cũng sẽ thấy trước mặt bạn thấp thoáng những vạt bông súng xanh xanh rải rác khắp nơi, mà nhiều nhất là những nơi nước cạn gần bờ hồ.

Ở đó bạn câu cá là một trong những thú nhàn nhã nhất. Bạn không cần phải ngồi câu thật lâu. Bạn chỉ cần móc mồi vào lưỡi câu rồi quăng câu ra xa bờ nếu bạn muốn câu cá trê, sau khi hút chưa tàn điếu thuốc, là bạn sẽ có cá trê vàng ú nu. Còn nếu bạn muốn có cá ăn ngày mai, chiều nay bạn móc mồi và quăng câu ra xa, cắm cần câu bên bờ hồ, sáng ra bạn kéo câu lên là cá đang chờ bạn gỡ chúng. Anh Đoàn Đông, người mê câu cá tài tử ấy, thường câu theo cách này và cá bắt được anh thường mang tặng bạn bè quen biết. Nghe anh kể mùa cá dại, cá nhiều lắm, đủ các loại nào là cá lòng tong mương, cá rô, cá trê, lươn lịch, không biết từ đâu chúng ùn ùn kéo ngang qua bến hồ sau nhà anh chị đầy trong nước, nếu có chài mà vãi vài chài thì cá ôi thôi là cá vì mùa này cá không ăn câu, chắc có lẽ trời còn lạnh, răng bị ê nên cá không ăn mồi.

Và cũng theo anh Đoàn Đông, vào mùa mưa cá đẻ trứng, lúc bấy giờ những vạt rong đuôi chồn, bông súng, mã đề cặp mé bờ là nơi lý tưởng nhất để cá quậy ổ đẻ trứng. Vào mùa ấy cá dạn lắm vì chúng mê trứng mê con nên không sợ ai câu mình, nên chúng lại càng quậy ổ gần bờ. Nếu bạn muốn câu cá mùa này cũng là dịp cá dễ ăn câu vì loài cá càng mê ổ hễ có cái gì rục rịch bên ổ là chúng hả miệng táp mồi liền vì bẩm sinh chúng rất sợ những loài rắn ếch rình bắt cá con nên chúng táp mồi là để bảo vệ ổ cá của chúng. Nên mùa này, như cá đồng, cá sông, ở đây cá hồ cũng có cùng đặc tính giữ con, giữ ổ nên cá dễ dính câu lắm.

alt

Vợ chồng Hai Trầu bên bờ hồ mà nhớ bến sông xưa

Còn loài vịt trời hay ngỗng trời thường làm ổ đẻ trứng mùa hè, nên khi mùa đông con cái của chúng đã lớn nên ở đây chim chóc sống trên mặt nước nhiều lắm. Ở đây chúng có đủ thứ cần cho đời sống như nước cạn làm ổ, nước sâu bơi lội, rong đuôi chồn, bông súng, mã đề làm kho chứa thức ăn và nhất là cư dân nơi này rất thương mến chúng nên các loài chim loài vịt trời sanh sôi nẩy nở nhiều lắm, không kể xiết…

Loài vịt trời, ngỗng trời có cái vui là mùa Đông chúng cũng sống được trên mặt nước lạnh, nhưng có cái khác biệt này nữa, chẳng hạn như vịt thì ăn cá tép, ốc cua, còn ngỗng thì thích ăn rong cỏ, mã đề, thành ra chúng sống chung trong cảnh trời đất này cũng ít có tranh chấp, giành giựt vì miếng ăn. Bỗng một hôm mưa giông, theo lời chị Lộc Tưởng kể lại, thì vợ chồng cặp ngỗng với năm đứa con mà bạn thấy chúng đang quây quần bên nhau trong hình bên dưới, không biết sao, trong số năm con ngỗng con ấy chúng có ba con bị lạc cha lạc mẹ, sống cù bơ cù bất nơi mặt hồ này. Chúng cứ lội và cứ kêu cha mẹ hoài nhưng vợ chồng ngỗng cùng hai con ngỗng con khác cứ mãi mãi nơi đâu không thấy quay về.

Cảm thương cảnh lạc loài ấy, chị Lộc Tưởng mới chăm sóc chúng, rải thức ăn cho chúng ăn và lâu dần chúng mến chị lắm. Mỗi lần thấy bóng dáng chị xuống mé nước hoặc nghe tiếng chị gọi là chúng mau mau lội về bến cũ tìm mồi. Rồi đàn vịt trời cũng tháp tùng với ba chú ngỗng mồ côi tấp nập bên hồ nhà chị mỗi lần thấy chị nơi bến nước tình thương này.

Vợ chồng tôi rất vui khi nghe anh chị kể về những mảnh đời cá chim nơi hồ Weymouth này. Có những sum họp tao phùng và cũng có những lạc loài côi cút ấy của cá, của chim. Và nhất là, bên đời sống ẩn dật ấy của anh chị, còn có tình bằng hữu, tình người và niềm thân ái giữa những người cùng quê hương, cùng sông nước Châu Đốc, Tân Châu một thời nữa. Thật đáng quý biết bao!

alt

Những người bạn Long Xuyên-Châu Đốc ghé thăm

LTT
Weymouth, ngày 22 tháng 07 năm 2012.