Menu Close

Chết vì không biết học theo “tấm gương đạo đức” Hồ Chí Minh

Vua Minh Mạng thế mà… sướng! Ngài không bao giờ phải bận tâm lo sắp đặt thời khóa biểu cho hàng trăm bà vợ của mình. Một năm có 365 đêm, muốn mấy bà cũng có, bà nào cũng được, giờ nào cũng xong! Mọi chuyện đều có một vị quan lo chuẩn bị chu đáo. Không như một vị đại gia bên Phi Châu thuộc xứ Nigeria.

alt

Uroko Onoka, một người đàn ông giàu có Nigeria và nhà từ thiện địa phương, đã chết vì được âu yếm bởi sáu người vợ của mình sau khi trở về nhà từ một quán bar đêm thứ ba tuần trước – Ảnh: Reuters

Ông Uroko Onaja giàu tiền bạc và lòng thương người. Ông là một nhà từ thiện tiếng tăm thường bỏ tiền giúp người nghèo. Có lẽ thuở thiếu thời ông cũng như nhạc sĩ Phạm Duy “mơ thành triệu phú, cứu vớt gái bơ vơ”.  Lâu lâu gặp cô nào thấy tội nghiệp, ông đều đưa về nhà làm… vợ. Mặc dù là đại gia, ông không thể thuê một người làm công việc giống như của vị quan (thái giám) ở trong cung để xếp đặt lịch trình cho mình với các bà vợ. Giá như ông chỉ có vài ba bà thì cũng đỡ. Đằng này ông có đến 6 bà (mà mỗi đêm chỉ có 5 canh)! Chia kiểu nào cũng thiếu trước hụt sau.

Không phải ông không biết làm tính chia số lẻ. Rắc rối ở chỗ giá trị của đơn vị thời gian trong phòng ngủ không phải là hằng số. Nói nôm na, đối với các bà vợ, thà một phút (huy hoàng) ở canh một còn hơn le lói suốt canh năm. Nếu mỗi đêm đấu với một bà thì cũng chưa chắc làm cho các bà vừa lòng (mà chính ông cũng không thỏa mãn). Về phía ông, nếu đêm đó ông thích đấu với bà Tư mà theo thứ tự phải gặp bà Hai thì sao? Về phía các bà, làm sao tránh được chuyện họ ganh ghét với nhau. Chẳng hạn, bà Cả có thể tra vấn ông: “Nghe con Út Sáu nói ông chấm tọa độ tài lắm; cho pháo vào chỗ nào là trúng ngay chỗ đó! Với tôi thì ông nhắm kiểu gì mà chẳng nghe thấy gì trơn?” Chẳng lẽ ông lại nói thẳng: “Bà sắp làm bà… ngoại rồi mà đi ví với cô Sáu mới ngoài 20? Tôi cứ nhắm đại mà lúc nào cô Sáu cũng kêu… Trời!” Hoặc bà Hai có thể cằn nhằn: “Nghe cô Ba mách là ông có nước cờ thế hay lắm; đi chỉ vài nước mà làm cổ chết cứng, hổng cựa quậy gì nổi! Sao gặp tôi thì ông cứ nhắm mấy con chốt thí mà đánh hoài cho… hết giờ?” Bà Tư thì không ganh với ai mà chỉ than rằng: “Ông đánh kiểu gì mà cứ lên Sĩ xuống Tượng hoài, không chịu qua sông? Có muốn chiếu tướng ông, tôi cũng hết cả hứng!” Bà Năm thì lại trách: “Tôi có phải là con Sáu đâu mà ông biểu tôi đi nước cờ  giống nó?” Có lẽ, chỉ có cô Sáu, may ra, không trách gì mà còn khen ông: “Anh đánh cờ lãng mạn quá làm em nhớ đến câu thơ gì đó của Hồ… Chí Minh là gặp thời một Tốt cũng thành công. Anh cho con Tốt chiếu hay ghê! Khi nào đánh cờ với chị Cả, anh nhớ cứ xài cặp Xe theo cách ông Hồ Chí Minh nói nghen!”

Có lẽ một tuần có 7 đêm nên tối Thứ Ba vừa qua ông không ngủ ở nhà mà đi nhậu đến 3 giờ sáng mới về. Ông vào thẳng phòng ngủ của cô Sáu làm một ván. Chưa kịp xếp lại bàn cờ thì 5 bà vợ kia hùng hổ lao vào phòng với gậy và dao trên tay và la to:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Mùa hè ở Phi Châu ai mà đắp chăn bông làm gì nhưng nếu lúc ấy có sẵn một cái trên giường thì có lẽ cuộc đời của ông Uroko Onaja đã đổi khác. Hay nói chính xác hơn, cuộc đời của ông đã không kết thúc sớm một cách… sung sướng như vậy. Nhìn mấy con dao loang loáng trên tay các bà vợ, ông thừa hiểu họ muốn “chém cha” cái gì chứ không phải “cái kiếp lấy chồng chung”! Trên tay không một… cái mền bông, ông đành đầu hàng chấp nhận sự ép buộc của các bà vợ. Ông phải lần lượt đấu cờ với tất cả 5 bà này. Lúc bà thứ năm, sau khi chờ 4 bà kia đấu xong, chuẩn bị kéo Pháo lên thì ông… tắt thở.

Hiện giờ 2 bà đã bị bắt còn 3 bà kia còn đang chạy trốn… trong rừng. Có lẽ về dưới ấy gặp cụ Mác, cụ Lê, và nhất là cụ Hồ, ông mới cảm thấy tiếc đã tính sai nước cờ. Phải chi cứ ở vậy như cụ Hồ mà vẫn… sướng. Nhìn cụ Hồ và nhớ đến các bà vợ, chắc thế nào ông cũng ngậm ngùi tức cảnh đọc (nốt) mấy câu thơ của bà Hồ Xuân Hương:

Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong!

Tiếc là ông Uroko ở Nigeria, chứ ở Việt Nam thì ông đã được vận động tìm hiểu và sống theo “tấm gương đạo đức” của Hồ Chí Minh từ lâu rồi.

HNH
chuyenkhongdau@gmail.com