Menu Close

Tết Ramưwan của người Chàm Ninh Thuận

Năm nay, người Chàm (Chăm) đón Tết trong ba ngày 18,19 và 20 tháng 7 dương lịch (tức ngày 29, 30-4 và 1-5 theo Chàm lịch). Hằng năm, cứ đến những ngày này, đồng bào Chàm làm ăn từ các nơi xa quy tụ về quê hương để tận hưởng ngày quan trọng nhất trong năm.

Ninh Thuận là một tỉnh thuộc Nam Trung Phần Việt Nam. Nơi đây được biết đến với số lượng sắc tộc Chàm sinh sống nhiều nhất trong cả nước với khoảng hơn 70 ngàn người. Người Chàm ở đây theo 2 tín ngưỡng chính là Balamon, ảnh hưởng Ấn Độ Giáo và Bani, tức là Islam giáo nhưng đã bị cư dân bản địa pha trộn những tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó còn có tôn giáo Islam chủ yếu sống ở thôn Văn Lâm. Nếu đối với người Chàm Balamon, Kate là lễ hội lớn nhất, thì đối với người Chàm Bani, Ramưwan là ngày hội lớn nhất. Đó giống như ngày Tết của người Kinh. Ngày Tết Ramưwan của người Chàm diễn ra trong 3 nghi thức chính, đó là: Tảo mộ, Cúng gia tiên và làm lễ trên Thánh Đường.

Để có những lễ vật, thức ăn cho ngày Ramưwan, từ những ngày trước khi Ramưwan diễn ra, người Chàm đã làm những lễ vật để chuẩn bị cho ngày trọng đại này. Công việc này đa phần là dành riêng cho phụ nữ.

alt

Trên con đường vào làng, những biểu ngữ được treo đầy 2 bên đường để chào mừng ngày Ramưwan.

alt

Đêm hôm trước khi đi Tảo mộ, ngay tại sân vận động của thôn Văn Lâm (palei Ram) xã Phước Nam, huyện Thuận Nam diễn ra chương trình văn nghệ với sự tham gia của những nghệ sĩ trong làng.

alt

Những chức sắc, người có quyền chức trong xã hội Chàm được ngồi ghế, xung quanh là trẻ em Chàm và những người lớn tuổi khác.

alt

Nếu trước đây, khi đời sống còn nghèo nàn thì trên con đường cát dẫn đến khu nghĩa địa là một đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau đi. Ngày nay, đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau đã được thay thế bằng những chiếc xe gắn máy, giàu có hơn là những chiếc xe Hoa Kỳ để chở đến nơi mà người thân họ an nghỉ. Trong nghi lễ Tảo mộ, vai trò của đàn ông Chàm rất ít. Có chăng chỉ là vai trò trong chức năng của những ông thầy cúng.

alt

alt

Từ khoảng 6g sáng, trên khắp con đường trong làng đã nhộn nhịp tiếng cười đùa, réo gọi của trẻ con, tiếng thúc giục của người lớn tuổi để lên nghĩa địa làm lễ Tảo mộ. Phụ nữ Chàm đảm đương nhiệm vụ đội trên đầu hoặc nách bên hông những chiếc rổ được trang hoàng bằng những màu sắc sặc sỡ chứa những lễ vật để cúng dâng lên tổ tiên.

alt

Vật phẩm để dâng lên tổ tiên.

alt

Phụ nữ Chàm đang chuẩn bị lễ vật cho nghi lễ Tảo mộ.

alt

Bắt đầu nghi thức cho buổi Tảo mộ, thầy cúng Chàm sử dụng ấm nước để tưới lên khu vực mộ của một dòng họ.

alt

alt

alt

Một dãy mộ của dòng họ. Mộ được đánh dấu bởi những cục đá có hình dạng hơi bầu được đặt ở phần đầu và phần chân của người đã qua đời. Một hàng thầy cúng Chàm đứng trước dãy mộ của một dòng họ. Mỗi người để trước mình là rổ đựng lễ vật để dâng lên tổ tiên. Phía đối diện là những thân nhân của người chết. Họ nằm phủ phục và có một người phụ nữ trong dòng họ khóc than trong khi các thầy cúng đang làm bổn sự của mình

alt

alt

Một người đàn bà là con của người đã khuất đang mồi thuốc để dâng lên cho cha mình

alt

Nghĩa trang của những người Chàm theo Islam giáo nằm sát bên nghĩa trang của người Chàm Bani, nó chỉ cách nhau một hàng rào được trồng bằng những cây gai xương rồng. Trong ngày Ramưwan, người Chàm theo Islam cũng lên tảo mộ để tưởng nhớ về người thân đã qua đời. Song trong phần nghi thức thì đơn giản hơn nhiều. Những người thân trong gia đình đi bẻ những nhánh cây chung quanh đó để cắm lên phần mộ của người thân. Có số ít trong họ có mời thầy cúng Bani sang để cầu nguyện cho người đã khuất. Thầy cúng phải là người thân trong gia đình.

alt

Trên một khoảnh đất rộng lớn là nơi diễn ra nghi lễ tảo mộ của người Chàm theo tín ngưỡng Bani và tôn giáo Islam.

PT