Những năm sau này, Trung cộng đi nhiều nước cờ lấn lướt, nhất là trên Biển Đông, khiến dư luận quốc tế quan ngại, đặc biệt đối với người Việt, vốn có nhiều ân oán lịch sử lâu đời với Trung Hoa. Thời gian gần đây, Trung cộng tiếp tục đưa quân chiếm đóng tiền đồn Tam Sa, lập “thành phố”, tổ chức khai thác dầu hoả trên vùng biển Việt Nam, cùng lúc đẩy hằng ngàn ngư thuyền vào đánh cá tận thềm lục địa Trung phần VN. Liệu những hành động phiêu lưu, có phần quá khích này, có phải là một loại chủ nghĩa Đại Hán mới mà người Việt cần đề phòng ? Liệu Trung cộng có sách lược lâu dài hoặc sức mạnh quân sự, ngoại giao đủ mạnh để một mình khuynh đảo Biển Đông ?

Để nhìn rõ hơn mưu đồ của Trung cộng, ảnh hưởng đối với VN, có lẽ ta cần xét không chỉ tương quan tại vùng Biển Đông, mà cả tiềm lực thật của Trung cộng, và bối cảnh thế giới hiện đại.
Biển Đông ngày nay đang là điểm nóng, là tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, Biển Đông có thể chỉ là một phần trong chiến lược Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Biển Đông chứa nhiều tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng. Không phải vô cớ mà người Mỹ lập đi lập lại chủ trương thông thương và tự do di chuyển trên vùng biển này. Xác quyết như vậy, một khi Trung cộng muốn độc chiếm Biển Đông, là đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.

Khi bàn đến Biển Đông và các hành động diễu võ dương oai của hải quân Trung cộng, không ít dư luận cho rằng, nay Trung cộng đã lên hàng cường quốc, đủ sức đối đầu Hoa Kỳ trên đại dương. Một vài so sánh có thể cho thấy dự báo này chưa hữu lý. Ước lượng mỗi năm Trung cộng chi khoảng $105 đến $150 tỉ cho quốc phòng. Đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với ngân sách quốc phòng $719 tỉ của người Mỹ. So với hải quân Hoa Kỳ có mặt khắp các đại dương, những chiến hạm (thậm chí hàng không mẫu hạm), chiến đấu cơ, cùng khả năng không vận chiến thuật… của Trung cộng hiện thời đều bị giới hạn tầm hoạt động ở quanh vùng — chỉ vừa đủ để chống cự Đài Loan (Taiwan) và… nắn gân vài lân quốc nhỏ hơn quanh vùng Biển Đông.
Khác Hoa Kỳ, Trung cộng cũng chưa có đủ uy tín, đạt được sự thừa nhận, hậu thuẫn, cũng như tài chánh dồi dào để xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự quanh thế giới. Duy nhất người Mỹ có thể có mặt để can thiệp bất cứ nơi nào vào bất cứ khi nào, kể cả Biển Đông.
Những manh động của Trung cộng có lẽ đã manh nha từ hơn 3 thập niên trước. Với các chương trình “Hiện Đại Hoá” của Đặng Tiểu Bình, đến nay Trung cộng thặng dư nhiều món… đồ chơi. Cuộc diễu võ dương oai trên Biển Đông có thể chỉ là màn diễn hành của hằng trăm chiến hạm, hằng ngàn binh sĩ… hiện chưa biết dùng vào đâu. Trung cộng không thể phiêu lưu lên biển Bắc Á, nơi án ngữ của “song long” Nga và Nhật Bổn. Chỉ còn đường xuống Biển Đông. Nhưng chính nơi đây, Trung cộng rơi vào thế mãnh hổ nan địch quần hồ, trong ma trận của người Mỹ.
Làm sao hải quân Trung cộng có thể đi xa, khi cả hệ thống tiếp liệu năng lượng tuỳ thuộc vào Hoa Kỳ — thế lực kiểm soát các mỏ dầu và những đường vận chuyển dầu trên các đại dương. Xét về phương diện lịch sử, khác Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương, người Trung Hoa cũng chưa từng là kẻ mang dòng máu chinh phục. Trung cộng không đủ sức đe doạ láng giềng Ấn Độ (India) với dân số gần bằng họ, và cũng có võ khí hạch tâm. Xưa nay, Trung Hoa cũng không thôn tính nổi Thailand, Cambodia, Laos, hay Miến Điện (Burma). Đã nhiều lần họ đến VN, nhưng rồi sớm muộn cũng phải bỏ của chạy lấy người…
Xét về quốc sách, khó nói Trung cộng có chiến lược rõ ràng. Các chánh sách ngoại giao hầu như chỉ chú trọng thương mại, làm ăn, hoặc viện trợ để lấy lòng (như trường hợp các nước Phi Châu). Khác Hoa Kỳ, Trung cộng chưa từng thiết lập được hệ thống đồng minh chiến lược, sẵn sàng yểm trợ nhau khắp thế giới, như kiểu tổ chức NATO. Ngay cả Nga cũng ít nhiều nghi kỵ Trung cộng. Sợ bị bắt chước làm nhái, Moscow thậm chí từ khước bán cho Bắc Kinh các võ khí tối tân nhất, và giới hạn nguồn tiếp liệu… Nhìn quanh, bên biển Bắc Á, có Nhật Bổn (Japan), Nam Hàn (South Korea), cũng như tại Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia…), không thiếu anh hào, song đến nay Trung cộng chưa thiết lập nổi khối đồng minh tương trợ nào đáng kể.
Khi Trung cộng chưa kịp định hình chiến lược, thì các thế lực đối trọng đã đi bước trước. Ấn Độ nỗ lực canh tân quân đội: sắm sửa hàng không mẫu hạm, mua hoả tiễn tầm xa và tàu ngầm nguyên tử. Hoa Kỳ bắt tay với Úc Châu để mở căn cứ, cắt đặt Thuỷ Quân Lục Chiến đồn trú dài hạn trong vùng. Hai năm qua, hải quân Mỹ liên tục mở các cuộc tập trận quy mô với Nhật Bổn và Úc Châu, các nước khối ASEAN, và ngay cả kẻ cựu thù CSVN.
Các diễn biến này cho thấy thái độ khá rõ ràng của các lân quốc trong vùng Biển Đông. Sự lấn lướt, hiếp đáp ngày càng lộ liễu của (một mình) Trung cộng chỉ thúc đẩy các quốc gia nhỏ đi tìm sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ ráo riết hơn.

Thế lưỡng nan của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế không chỉ dừng ở đây. Xu thế thế giới ngày nay chuộng hệ thống chánh trị với các cuộc bầu cử dân chủ, thường xuyên. Số này chiếm hơn 60% trên toàn thế giới. Sự biến đổi này khiến Trung cộng ngày càng khó tìm đồng minh tương thích. Thế kỷ 21, các quốc gia với hệ thống chánh trị tương đồng với Trung cộng giảm nhiều so với thời 1960/1970 — cao trào của phong trào cộng sản. Điều này có thể giúp giải thích lý do Trung cộng lặn lội sang tận Phi Châu, nơi còn nhiều quốc gia chậm tiến, để chiêu nạp… bồ tèo.
Tóm lại, Trung cộng vừa thiếu chuẩn bị, không có phương hướng chiến lược, lại sớm tự mãn với sức mạnh ảo của mình. Chỉ riêng tại Trung Hoa Lục Địa, họ còn có nhiều nguy cơ xung khắc nội tại. Phần lớn bộ đội Trung cộng phải giăng ra đồn trú lãnh thổ khổng lồ. Đây là nhược điểm về cấu trúc căn bản, khiến Trung cộng không dễ điều binh khi có biến, đặc biệt lúc phải đối phó thế lực bên ngoài mạnh hơn (như Hoa Kỳ), hay láu lỉnh hơn (như Việt Nam và các nước ASEAN).
Trung cộng cũng phán đoán sai lầm về sự thoái trào của Hoa Kỳ. Họ nhầm lẫn giữa suy thoái đoản kỳ và cường thịnh trường kỳ. Thay vì khiêu khích, Trung cộng vẫn cần hợp tác với Mỹ cũng như với các quốc gia khác trong vùng. Trung cộng chưa thể hành xử hồ đồ như kiểu một siêu cường thế giới. Siêu cường, như Hoa Kỳ, phải có nền kinh tế kỹ thuật phát triển cao, giáo dục toàn diện, và một quân lực hiện đại. Siêu cường phải có khả năng yểm trợ khắp toàn cầu: quân viện, kinh viện, ảnh hưởng lối sống…
Ngay cả trong những ngày… quang vinh nhất, Nga Sô thời Chiến Tranh Lạnh phần nào có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ trên phương diện quân sự, nhưng lại kém về nhiều mặt khác: giáo dục, thương mại, du lịch… Đây là những lỗ hổng đưa đến sự sụp đổ của họ. Trung cộng cũng có không ít lỗ hổng như vậy. Phiêu lưu quân sự trên Biển Đông sẽ chỉ khiến Trung cộng sa lầy, tốn máu xương, gia tăng hoạ ly tán ngay tại nội địa, như đã từng xảy ra không ít lần trong lịch sử.
Trong tất cả các dân tộc lân bang ở Đông Nam Á, có lẽ người Việt ít sợ hãi nhất trước những cảnh… múa gậy vườn hoang của Trung cộng. Hết lần này qua lần khác, người Việt đã tự chứng tỏ, trước hoạ Bắc xâm, họ luôn tìm được cách hợp lực để kháng cự. Phương cách hữu hiệu của thế kỷ 21 có thể là triệt hạ đảng cộng sản, mở đường thu phục nhân tâm, xây dựng xứ sở hùng cường. Bạch Đằng Giang hôm nay không hẳn là bãi cọc đâm thuyền Đại Hán, mà là sự khôn ngoan, ý chí quật cường đã giữ dân tộc Việt trường tồn nhiều ngàn năm.
