– Chiều mai chị qua em ăn đám giỗ nghe!
– Rứa hả?
– Dạ, Em làm đám giỗ bà chị.
– Rồi tui sẽ qua!
Đó là điện thoại của mụ Lợi. Tôi cố nhớ xem mụ Lợi có bà chị nào không? Tôi quen mụ mấy năm nay, tuy không bao giờ hỏi thăm về gia đình nội ngoại của mụ, nhưng mụ đã kể cho tôi nghe về gia đình của mụ từ hồi ở Việt Nam cho tới bên này, và hình như tôi chưa biết về người chị đã mất của mụ.

Bảo Huân
Tôi gặp mụ năm 2003, lúc làm tờ Báo Nhà. Ngày ấy, sau tai nạn xe cộ, tôi không dám lái xe nữa, nên việc đi lại rất trở ngại, nhất là phải đến tòa soạn mỗi ngày. Tôi đã nhờ tất cả những người tôi quen, mỗi người một ngày, rồi xoay tua…Vẫn biết mọi người đều tốt và sẵn lòng, nhưng không thể kéo dài việc này. Tôi ngỏ ý với ôn Lợi (là người quen trong cộng đồng, hồi xưa cũng ở Đà Nẵng, và cũng là nạn nhân cho tôi quá giang xe nhiều lần) giúp tìm giùm một người đưa đón tôi một thời gian cho đến khi tôi lái xe trở lại. Ôn Lợi cười lớn: “Chị tìm mô cho xa, mụ vợ tui nì, mụ đi bán xe lunch. Mụ đi sớm, về lúc 3, 4 giờ chiều, như rứa rất tiện giờ của chị”, “Rứa hả? răng hồi mô tới chừ tui không biết mụ lái xe hè?”, “Trời ơi, mụ lái xe còn độc hơn tui nữa, tại chị không biết đó chớ, từ hồi dẹp cái tiệm thực phẩm, mụ đi bán xe lunch. Mỗi ngày mụ đi bán về, mụ lái xe chỗ ni chỗ tê mua thịt mua cá, mua nước ngọt để bán ngày mai, tui đi làm đâu phụ mụ được, he he, không ai bằng mụ mô.” Qua cách giới thiệu mụ vợ của ôn Lợi. Tôi vừa vui vừa lo. Vui vì tìm được người giúp phương tiện đi lại, lo vì câu nói “mụ lái xe còn độc hơn tui nữa”.
Tôi điện thoại cho mụ Lợi, nhờ mụ cho tôi quá giang hằng ngày. Mụ nói: “Có chi mô, rứa thì sáng em đi hồi 4 giờ, em sớt chị, rồi thả chị xuống tòa báo, tới chiều, lúc em đi chợ, em đón chị về cỡ 4, 5 giờ, khỏe re có chi mô nờ!” Tôi nói đi như thế thì sớm quá. Mụ nói: “Có chi mô, chị tới sớm làm sớm, về sớm. Chị làm việc chữ nghĩa thì muốn làm lúc mô mà không được, như em đây mới phải làm theo giờ của người ta, mình bán bữa sáng, thành chi phải đi sớm, rồi tới bữa trưa, phải chờ cho khách ăn xong mình mới được về!”, “Mụ nói rứa chứ, tui cũng phải làm theo giờ của mọi người là từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều!”, “Rứa thì làm răng mà em chở chị được?”, “Thôi tạm thời mụ cho tui quá giang về, còn lúc đi thì tôi sẽ tính cách khác vậy!”
Thế là mỗi sáng tôi vẫn phải đi nhờ người quen gần nhà, hoặc các em trong toà soạn, nhưng mỗi chiều về, tôi đi chung với mụ Lợi. Đúng như lời của ôn Lợi, mụ là anh hùng xa lộ. Mụ lách qua phải, lách qua trái, hoặc sang “len” cái rẹt, chận ngang đầu xe người ta và quay lại cười ruồi với tài xế. Tôi cài seatbelt thật chặt, và hai chân luôn luôn tự đạp thắng… gió. Đã có lần mụ phải thắng xe gấp, tôi xanh cả mặt, nói mụ từ từ, lái xe cẩn thận, mụ cười khanh khách và trả lời: “Chị đừng lo, em lái xe lâu năm rồi, mấy thằng ni hắn chàng ràng trước mặt mình, em lấn lên cho hắn biết mặt thôi!”. Riết, tôi cũng quen cách lái “độc” của mụ.
Thời gian đi chung xe cũng khởi đầu cho tình bạn thân thiết giữa tôi và mụ Lợi. Mỗi ngày chở tôi về, mụ kể cho tôi nghe về đời của mụ. Cách kể chuyện vui tươi dí dỏm, dù ở những đoạn buồn nhất, đã khiến tôi thương quý mụ nhiều hơn. Ngày nào cũng vậy, khi chiếc xe van chở đầy nước ngọt, thịt cá rau quả của mụ, đậu trước nhà, tôi đều bịn rịn không muốn bước xuống. Hôm nào về đến nhà, câu chuyện kể còn dang dở, mụ tắt máy xe, tôi ngồi lỳ trên xe bắt mụ kể hết chuyện mới chịu xuống.
Và cũng từ hôm đi chung xe với mụ Lợi, tôi không phải nấu cơm chiều. Mụ luôn dành cho tôi một hộp cơm đầy ắp thịt cá rau cải, mụ nói: “Em sắp cho chị đầy đủ thức ăn đây, chị ăn cho có protein, chứ em thấy chị xanh mét”. Thật tình tôi không xanh mét, hay gầy ốm như mụ Lợi nói, nếu có xanh, thì chỉ những lúc mụ lái xe quá nhanh, tôi phải nhắm mắt lại và cầu nguyện. Tôi biết sự chăm sóc của mụ dành cho tôi là do tấm lòng bác ái vô cùng của mụ. Mụ lo cho tôi, như đã từng lo cho nhiều người khác.
Mụ kể, tên thời con gái của mụ là Vết. Quê mụ ở An Cựu, Huế. Mụ học không nhiều, nhưng rất thích nấu ăn. Mụ có khiếu nấu ăn, chỉ cần ngửi mùi vị hoặc nếm một món ăn lạ, mụ có thể nấu ngay được món ăn ấy. Cũng vì… tài nghệ này của mụ, mà đã có lúc ôn Lợi rỉ rả: “Mụ vợ tui hắn ưa nấu ăn, hắn muốn ăn chi là hắn nấu món nớ. Tây Tàu Mễ chi hắn cũng chơi hết, báo hại tui với đám con ăn ngất ngư luôn. Mà cái tật hắn ưa nấu nhiều, làm mình ăn hoài mấy bữa cũng không hết, bắt ớn!”.
Mụ lanh lẹ, nên sau khi lấy chồng, mụ sanh một hơi năm đứa con trai gái đầy đủ. Một tay mụ làm ăn nuôi chồng con, quán xuyến nhà cửa. Chồng mụ không phải làm chi nhiều. Ôn Lợi là người chồng thứ hai của Mụ. Mụ vượt biên một mình và gặp ôn ở trại cấm Hồng Kông. Lúc đó mụ là trưởng trại nữ coi mấy trăm người. Lúc đó cũng là lúc mụ gặp lại năm đứa con đã đi vượt biên với chồng mụ hai năm trước. Chồng mụ khi vừa tới trại tỵ nạn, đã kịp lấy một người khác, khi mụ gặp lại, thì người đàn bà đó đang mang bầu sắp sanh. Mụ tranh đấu với cao ủy và chỉ xin nhận lại năm đứa con.
Tôi đã khóc sướt mướt khi nghe mụ kể lúc gặp lại các con, tôi cũng cười muốn đứt ruột khi nghe mụ tả cảnh học tiếng Hoa và nói tiếng Anh, cũng như hồi hộp theo dõi những lúc mụ cãi nhau với giám thị trại và phần thắng lúc nào cũng về phía mụ.
Tôi lặng người khi nghe mụ kể về hoàn cảnh của ôn Lợi và tấm lòng của mụ đối với các con của ôn. Ôn là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ôn cũng có năm đứa con. Khi VC vô miền Nam, ôn bị đi tù cải tạo, vợ ôn ở nhà bị bệnh lao, không có thuốc chữa nên qua đời. Một năm sau, khi được thả về, ôn mới biết tin, và biết năm đứa con nhỏ được hai bên nội ngoại đem về nuôi dưỡng. Ôn buồn chán đi lang thang, gặp bạn bè giúp cho đi vượt biên, tới trại tỵ nạn Hồng Kông, và ôn gặp mụ.
Khi được định cư ở Mỹ, ôn đi cắt cỏ, mụ đi bán hàng ở chợ trời, để có tiền mua cái nhà, làm tài sản cho việc bảo lãnh các con của ôn Lợi. Chính mụ nhận là mẹ ruột các con của ôn Lợi và đứng đơn bảo lãnh.
Từ lâu tôi thường nghĩ chỉ những người có một căn bản học đường nào đó, thì mới có những hành xử tương đối được gọi là hào hiệp và đúng đắn, thế nhưng tôi đã rất sai trong trường hợp của mụ Lợi. Càng thân thiết với mụ, tôi càng quý mụ. Mụ Lợi là hình ảnh của người có tấm lòng nhân ái và đức độ. Mụ là người vợ hiểu biết, người mẹ thương con mình và con chồng hết mực, và là người bạn chân tình hiếm có. Vì thế, tôi luôn nghĩ rằng, nếu tôi có viết một cuốn truyện dài nào trong đời, thì truyện của mụ Lợi sẽ là cuốn truyện đó.
– Chị Diễm Hương hả? chiều mai ghé tui hỉ?
– Có chuyện chi rứa ôn?
– Dạ, ngày mai đám giỗ vợ tui, tui mời bà con với chị tới ăn đám giỗ cho vui!
– Hả, ôn nói cái gì? Đám giỗ vợ ông là răng?
– Dạ mụ làm đám giỗ cho vợ tui.
– Ồ! dạ, tui sẽ tới, cảm ơn ôn hỉ!
Đó là điện thoại của ôn Lợi. Tôi phải thu xếp thời giờ để đến với vợ chồng ôn Lợi. Với ôn Lợi, ngoài sự quen biết thân tình trong công việc, ôn Lợi còn là người ở Đà Nẵng. Tôi học trường Phan Chu Trinh, ôn Lợi học trường Kỹ Thuật. Hồi đó học sinh Kỹ thuật mặc đồng phục màu xanh nước biển, mỗi lần tan trường, họ ùa ra làm xanh ngắt cả một con đường dài. Trường Kỹ thuật toạ lạc gần bãi biển Thanh Bình, nên các bạn tôi lãng mạn nói rằng: “Mỗi khi Kỹ Thuật tan trường, bọn hắn làm nước biển dâng lên khắp phố!”.
Và với mụ Lợi, ngoài ân tình cho tôi quá giang mỗi chiều, mụ còn là người bạn đặc biệt của tôi. Mụ chăm sóc cho tôi từng miếng ăn. Mụ mua cho tôi quần áo, mặc dù ý thích về trang phục của tôi và mụ khác xa nhau. Trên hết, mụ cho tôi hưởng cái tình người bao la và chứa chan ân nghĩa.
Sacramento đang ở vào mùa hè, nên tuy đã 6 giờ chiều, nắng vẫn gay gắt và chói chang. Khí hậu nóng và khô, không khí như đậm đặc khó thở. Qua khỏi free way, không gian mới chợt dịu dàng, vì con đường dẫn đến nhà vợ chồng ôn Lợi có hoa Trúc đào, Tường Vy và cây Sồi hoa Vàng đang nở rộ.
Tôi bước vào nhà, mụ Lợi đón tôi với nụ cười tươi: “Em lo chị đi lộn đường, em tính nói để em lên đón chị”. Tôi nắm tay mụ: “Tui lái xe chừ ngon lành rồi, chỉ thua mụ thôi!”. Mụ cười giòn tan, kéo tôi vào nhà, mùi thơm của các món ăn quyện với mùi hương, khiến tôi lâng lâng. Tủ thờ có nhiều tầng được đặt sát tường ngay giữa phòng khách sáng choang với đèn và nến. Trên kệ cao nhất, thờ Đức Phật Bà Quan Thế Âm, với hoa trái tươi đẹp.
Kệ phía dưới là di ảnh của một phụ nữ trẻ, khuôn mặt thanh tao. Hai bên có hai bình hoa Lys trắng muốt thoang thoảng hương thơm. Tôi cố nhìn kỹ, không có một nét nào giống mụ Vết cả. Nhưng tôi tin đây là người chị mà mụ Vết làm đám giỗ hôm nay.
Bà con, bạn bè đến thật đông, các món ăn từ chay đến mặn, từ Việt đến Tàu, từ Tây đến Mễ được bày biện khá mỹ thuật trên bàn ăn. Mọi người yên lặng có ý chờ ôn Lợi lên tiếng tuyên bố lý do. Ôn Lợi đứng lên nói: “Bữa ni vợ tui làm đám giỗ cho vợ tui, tui cảm ơn vợ tui, chừ để vợ tui nói ít câu, rồi mình nhập tiệc”. Mụ Lợi đứng lên, với dáng điệu rụt rè, thẹn thùng mà tôi chưa bao giờ gặp, mụ nói: “Dạ, bữa ni, em làm bữa tiệc, trước là để làm đám giỗ cho chị vợ anh Lợi, và sau là để xin nhận chị là chị của em để em tiện bề hương khói. Chị chết tức tưởi chỉ vì không có tiền mua thuốc, khi anh Lợi bị tù tội. Nếu hoàn cảnh không cay nghiệt như rứa, thì chị vẫn còn sống, thì em sẽ không gặp được anh Lợi. Nên chi cái chết của chị là nhường hạnh phúc cho em. Em đã hứa với lòng mình là khi mô lo cho các con ăn học thành tài, em sẽ hương khói cho chị cho trọn nghĩa. Chừ 10 đứa con riêng của hai vợ chồng em đã thành tài, có vợ có chồng. Hai đứa con chung cũng vô đại học. Em rước hình chị về để thờ. Bữa ni trước mặt bà con anh Lợi, bà con bên chị và bên em, trước mặt các con và các anh các chị bạn, em xin mọi người chứng giám cho lòng em….” Giọng mụ Lợi đứt quãng và nhỏ dần.
Tim tôi thổn thức. Nước mắt chảy tràn trên má. Tôi xúc động và biết mình đang rất hạnh phúc vì Mụ Vết, bạn tôi là một người đáng quý trọng.