Menu Close

Trên giấy tờ

Trước 1975 tôi trốn lính. Vào thời bấy giờ, tờ giấy hoãn dịch là vô cùng quan trọng. Muốn có được tờ giấy này bạn phải là người tàn tật, là con duy nhất trong gia đình có cha mẹ trên 60 tuổi, là sinh viên đang theo học. Nhưng nếu chỉ thi rớt một năm thì kể như là xong, là phải lên đường đi giết giặc hoặc bị giặc giết. Ra đường phải mang theo giấy căn cước, giấy hoãn dịch, giấy giải ngũ, giấy chứng nhận tại ngũ, giấy xe… Nếu không có giấy tờ sẽ bị tình nghi là địch, là lính đào ngũ, là trốn quân dịch. Ngã tư nào cũng có quân cảnh hỏi giấy tờ. Từ ngoại ô vào thành phố cũng phải đi qua những trạm kiểm soát giấy tờ. Mà tôi thì không có giấy tờ. Vì thế, câu nói mà tôi sợ phải nghe nhất là: Yêu cầu cho xem giấy tờ!

Nếu không có giấy tờ thì lên xe vào đồn cảnh sát. Trước khi bị tống vào nằm chung với những người không giấy tờ hoặc giấy tờ giả mạo, người ta sẽ hỏi tên anh để ghi vào giấy tờ.

Hội nghị Paris kết thúc. Báo chí, đài phát thanh ra rả những từ ngữ mà cả dân tộc mong đợi: Ngưng bắn, đình chiến, giải trừ quân bị, trao trả tù binh, thiết lập hòa bình. Tôi mừng lắm, phen này ra đường ắt hẳn không còn nơm nớp sợ bị hỏi: Anh kia! Giấy tờ đâu?

Nhưng sao… ngưng bắn rồi mà đêm nào hỏa châu vẫn sáng rực một góc trời, từ xa vẫn đì đùng tiếng súng. Vài ngày sau, tôi được biết rằng ngưng bắn, hòa bình, hiệp định ba bên, bốn bên gì gì đó… là chỉ có trên giấy tờ.

Chuyện giấy tờ khiến tôi nhớ đến quyển “Hoàng Tử Bé” của Saint Exupery. Xin bạn đọc thưởng thức một đoạn trong kiệt tác này có liên quan đến giấy tờ. (Vì kể lại theo trí nhớ nên chắc chắn có sai sót ít nhiều)

“…Ông hoàng nhỏ đã đến tinh cầu thứ tư. Tinh cầu bé tí tẹo vừa đủ kê hai chiếc giường này là của một nhà doanh nghiệp. Ông đang cúi đầu trên mớ giấy tờ. Ông bận rộn đến nỗi không ngẩng được đầu lên khi ông hoàng nhỏ tới.

– Chào ông. Điếu thuốc của ông tắt rồi.

– Ba với hai là năm. Năm với bảy là mười hai. Mười hai với ba là mười lăm. Chào chú. Mười lăm với bảy là hăm hai. Hăm hai với sáu là hăm tám. Chẳng có thời giờ mà nói chuyện với chú nhỏ. Hăm sáu với năm ba mươi mốt. Xong! Tất cả là năm trăm linh một triệu sáu trăm năm mươi hai nghìn bảy trăm ba mươi mốt.

– Năm trăm triệu cái gì vậy?

– Hử? Thế chú vẫn còn đấy chưa đi à? Năm trăm linh một triệu…  ta cũng chẳng biết là cái gì nữa. Ta có quá nhiều công việc! Ta rất đứng đắn, ta không thích những trò nhảm nhí! Hai với năm là bảy…

– Năm trăm linh một triệu cái gì?

Ông hoàng nhỏ lặp lại, suốt đời, không bao giờ ông hoàng nhỏ chịu bỏ qua câu hỏi một khi đã nêu nó ra.Nhà doanh nghiệp ngẩng đầu lên:

– Năm mươi bốn năm rưỡi ta ở trên cái hành tinh này, ta chỉ bị quấy rầy có ba lần. Lần đầu cách đây hai mươi hai năm do một con bọ hung chẳng biết từ đâu rơi xuống. Nó gây nên một tiếng động và làm cho ta cộng sai bốn chỗ trong một bài tính cộng. Lần thứ hai, là cách đây mười một năm, do một cơn cảm cúm. Ta không tập thể dục. Ta không có thì giờ chơi bời trác táng cũng như tập thể dục. Ta, ta là một người đứng đắn! Lần thứ ba… là lần này! Lại là chú. Bực mình! Khi ta đang tính tới năm trăm linh một triệu…

– Triệu cái gì?

Nhà doanh nghiệp biết rằng không hy vọng gì được yên thân với cậu nhỏ này nên buộc lòng phải trả lời:

– Triệu những vật nho nhỏ nhìn thấy trên trời ấy!

– Những con ruồi?

– Không phải, những vật nhỏ lấp lánh ấy.

– Những con ong vàng?

– Không! Những vật nho nhỏ xanh biếc vẫn làm cho bọn người vô tích sự chúng nó mơ màng ấy. Ta, ta là một người đúng đắn! Ta không có thì giờ đâu mà mơ với màng.

– À! Những ngôi sao.

– Đúng rồi đấy. Những ngôi sao.

– Thế ông làm gì với năm trăm triệu ngôi sao?

– Không phải năm trăm triệu mà là năm trăm linh một triệu, sáu trăm năm mươi hai nghìn, bảy trăm ba mươi mốt ngôi sao! Phải nói chính xác như thế!

– Thế ông làm gì với những ngôi sao?

– Chẳng làm gì. Ta chiếm hữu chúng.

– Ông chiếm hữu những ngôi sao?

– Phải.

– Nhưng tôi biết một ông vua cũng…

– Các ông vua không chiếm hữu gì cả.

Họ chỉ “trị vì” ở trên, thế thôi. Rất khác nhau.

– Thế việc sở hữu những ngôi sao giúp gì cho ông?

– Nó giúp ta giàu.

– Giàu giúp ông được gì?

–  Mua những ngôi sao khác.

Cái ông này, ông hoàng nhỏ nghĩ thầm, ông ta lý sự như người say rượu.

Tuy thế, em vẫn hỏi thêm:

–  Làm thế nào mà ông sở hữu được những ngôi sao? Chúng nó đâu phải của ông?

–  Thế của ai nào? Nhà doanh nghiệp vặn lại, giận dữ.

– Không của ai cả.

– Thế thì chúng là của ta, bởi ta nghĩ tới trước nhất.

–  Chỉ thế là đủ ư?

– Đủ rồi. Khi chú tìm thấy một viên ngọc không là của ai cả, thì nó là của chú. Khi chú tìm thấy một hòn đảo không phải là của ai cả, thì hòn đảo ấy là của chú. Khi chú là người đầu tiên có một sáng kiến, chú đăng ký tác quyền cho sáng kiến đó, nó là của chú. Ta là chủ những ngôi sao kia, vì chưa hề có ai trước ta nghĩ đến việc chiếm hữu chúng làm của riêng mình.

– Điều này thì đúng. Thế ông dùng chúng để làm gì?

– Ta quản lý chúng. Ta đếm đi đếm lại. Khó đấy.

Nhưng những vì sao đó là của ta, không tranh cãi!Ông hoàng nhỏ vẫn chưa bằng lòng:

– Nếu tôi có một bông hoa, thì tôi có thể hái bông hoa đó. Còn ông đâu có thể hái các ngôi sao!

–  Cần gì! Ta bỏ chúng vào két sắt.

– Những vì sao bỏ trong két sắt? Nghĩa là thế nào?

– Nghĩa là: Ta viết tên chúng nó lên giấy tờ. Sau đó ta khoá chặt mớ giấy tờ ấy trong một cái két sắt.

– Chỉ thế thôi à?

– Thế đủ rồi. Trên giấy tờ ấy có ghi là những ngôi sao ấy của ta! Mà giấy tờ đã ghi là của ta thì nó phải là của ta! Chứ còn gì nữa?

Buồn cười thật, ông hoàng nhỏ nghĩ thầm.Có vẻ nên thơ đấy. Nhưng thế là thế nào?

Ông hoàng nhỏ suy nghĩ rất khác với người lớn.

– Có một bụi hoa dại mọc bên đường, nhưng tôi yêu mến nó, hôm nào tôi cũng tưới, cũng bắt sâu bọ, bón phân cho nó, hít hà nó… vì thế nó là của tôi, chẳng cần giấy tờ gì cả. Còn ông, ông có làm gì cho những ngôi sao đâu? Nhà doanh nghiệp chẳng biết trả lời sao. Và ông hoàng nhỏ ra đi.

Bọn người lớn thật là kỳ quái. Ông hoàng nhỏ lẩm bẩm như vậy suốt cuộc hành trình…”

Không phải chỉ có những vì sao của nhà doanh nghiệp hay hiệp định đình chiến Paris là ở trên giấy tờ. Khối cái cũng ở trên giấy tờ đấy chứ! Lương ông thủ tướng VN chỉ có bảy triệu rưỡi trên giấy tờ. Một ông chỉ thoát nạn mù chữ nhưng lại có bằng tiến sĩ trên giấy tờ. Rồi những mỹ từ độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, bác ái, từ bi cũng có trên giấy tờ đấy chứ!

Tôi không thích đi biểu tình, tôi chưa tham gia một cuộc biểu tình nào cả. Nhưng có hôm, tôi coi trên màn hình vi tính một cuộc biểu tình trong vụ tranh chấp Biển Đông. Một đoàn người hò hét, giương cao biểu ngữ:
Hoàng Sa, Trường Sa Là Của Việt Nam!

Đúng rồi, của Việt Nam! Trên bản đồ, trên giấy tờ đã ghi là của VN thì nó phải là của VN chứ còn của ai nữa! Cứ mặc xác những đoàn tàu lạ đến đánh cá, lên đảo xây căn cứ quân sự, xây khu du lịch, nhà hàng, khách sạn. Hoàng Sa, Trường Sa vẫn cứ là của VN trên giấy tờ! Không tranh cãi!

Người yêu tôi thỏ thẻ:

– Này anh!

– Gì em?

– Đám cưới xong rồi mình ra xã làm giấy tờ nghe.

– Giấy gì?

– Giấy hôn thú. Dù sao cũng phải có một miếng giấy tờ.

– Phải đấy, nhưng… chuyện chúng mình là phải bắt đầu ở trên giường, trước khi ở trên giấy tờ.

– Hứ! Em hổng có chịu đâu (à nha!) Trước hết là phải trên giấy tờ!

NQT