Menu Close

Vài loài bông trong vườn – Kỳ 5

Rồi bạn cũng sẽ thấy bên dòng con rạch nhỏ những nhánh bần đầy bông mà nhà vua có lần gọi loại bần này là một loài “thủy liễu”, trong dân gian nơi các bến sông đọc trại ra “thúy liễu”. Những cánh hoa màu trắng được bao chung quanh những đài hoa màu xanh treo tòn ten từ trên cao như những cái lồng đèn ngôi sao lung linh trong gió. Với hương thơm nhẹ, gió đưa hương “thủy liễu” đi xa và dòng nước nhẹ đưa những cánh hoa trôi theo gió làm thành mặt nước con kinh lấm chấm những nét vẻ trắng muôn hình. Ngày qua ngày bông tàn đi, những nhánh bần còn lại những trái bần chua chua gọi mời cái thèm trưa nắng của chim chóc, con người. Trái bần chín có hương thơm thật hấp dẫn như trái cà na hình bầu dục khi chín cũng để lại cái hương thơm đến thèm thuồng như vậy…

alt

Bông so đũa

Bạn có thấy me trong vườn trổ bông chưa? Những bông me lấm chấm trắng pha chút màu vàng rợp trên cành nhánh với ong bướm dập dìu vào mùa mưa làm cho khu vườn thêm hương sắc lạ. Những bông me rụng khi nhụy rữa hoa tàn đầy mặt đất đã cho nhà vườn những trái me non chua chua, những trái me già hột hơi chát chát, những trái me dốt mời mọc cái thèm chua, những trái me chín ruột tươm mật làm bạn chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ gợi cho vị giác của bạn muốn hái một trái me nếm thử!

Thỉnh thoảng có bao giờ bạn thấy cà phê trổ bông không? Ở miền quê này thuộc miệt ruộng, miệt vườn nên không phải là vùng trồng cà phê chuyên nghiệp nhưng đôi lúc bạn cũng bắt gặp những khu vườn đầy những bông cà phê màu trắng thơm thơm như bạn đang về vùng cao nguyên Đà Lạt, Lâm Đồng, Ban Mê Thuột, Đức Lập, Gia Nghĩa trên tận vùng Quảng Đức xa xôi trùng điệp giữa những núi rừng. Từ xa bạn đã nghe hương thơm rồi, cái hương thơm như mùi thơm bông lài nhưng hơi gắt hơn hương lài. Cả vườn trổ rộ và cả vườn để lại trên mặt đất những xác bông rụng như người ta xếp lên mặt đất từng cánh, từng cánh bông với màu trắng thanh khiết, tuyệt đẹp!

alt

Bông cà phê

Bạn có nghe bông so đũa có mật ngọt không? Loại cây có thân suôn đuột, thịt xốp, ngay băng với những trái dài như đũa vắt trong ống này đã cho người nhà quê những cái bông nấu canh ăn được, những nhụy hoa đầy mật ngọt mà trẻ con ở vườn thích hái bông hút lấy cái nhụy như loài ong mật. Hình dáng như cánh buồm hoặc như vầng trăng lưỡi liềm treo tòn ten trên nhánh cây lá nhỏ, sau cùng cho những trái dài ngoằng nhiều hột nhỏ như loài đậu đũa trên các giàn đậu ở rẫy… Bông so đũa cũng để lại nơi mũi bạn một chút dư hương của mùa nắng tháng Hai, tháng Ba. Và bạn ơi, những mùa bông so đũa cũng là mùa gọi mời một loài sâu lông bò lển nghển theo từng cánh lá nhỏ li ti… Nhiều lúc sâu nhiều quá đỗi dễ làm lòng người ghê rợn, rùng mình.

Nhưng nhắc bông so đũa tháng khô mà không nhắc bông điên điển vào những ngày nước lên dường như có chút gì chưa công bằng lắm! Thành ra, lác đác trong các bờ mương sau vườn vào những ngày tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín, bông điên điển đang vào mùa và với màu vàng của loài cỏ nội hoa đồng này đã làm sắc trời của những ngày nước ngập cũng nhuộm một màu vàng rực rỡ…“Điên điển vàng bông, trời cũng vàng!”

alt

Bông điên điển

alt

Bông phượng vỹ

Rồi nào là bông trúc đào màu hường lợt, bông sứ ngạt ngào hương toả khắp vườn như hương thơm của các loài kỳ hoa dị thảo. Nhưng bạn cũng gặp những loài bông hoa không hương thơm như bông sao, bông dầu, bông gòn vào những tháng nắng oi bức rơi rợp đất. Những bông sao, bông dầu như những trái vụ bay bay trong mùa khói đốt đồng làm nên nỗi nhớ những ngày thơ ấu đuổi bắt những cánh bông sao, bông dầu bay bay trong gió khi mùa nắng sắp cuối mùa.

Còn bông điệp màu vàng pha chút màu hồng lợt nữa như một loài phượng vĩ nhà quê, được đặc biệt dành để cúng Phật Trời vào những ngày rằm ngươn, ngày vía Phật… Còn bông điệp tây mà trong sách vở thường gọi là hoa phượng hay phượng vĩ là màu tuổi học trò. Sân trường nào cũng có vài ba gốc phượng vừa để che bóng mát cho học trò vừa làm đẹp sân trường để rồi khi hè về đến lúc học trò phải chia tay nghỉ hè mà màu hoa phượng cứ man mác nỗi nhớ chẳng những lúc tuổi còn đi học mà dường như nỗi nhớ cứ theo hoài khi tuổi già và theo hoài cho tới cả đời…

Ngay cả bông của cây đủng đỉnh nằm bên bờ mương rồi cũng nở rộ, được kết thành rồng thành phụng cho ngày lễ tân hôn hoặc vu quy để thấy các chàng trai, cô gái quê mùa nên duyên chồng vợ sống tới trăm năm với lòng rộn ràng cho một đời sống mới bên luống cà hoặc bên vạt lúa chín vàng đồng…

alt

Bông đủng đỉnh

alt

Vườn sao vào mùa hè – Hình LT

LTT