Trong mỗi gia đình Việt, người cao tuổi được quan niệm như là nguồn cội, phúc đức, và là niềm tự hào của con cháu… Tuy thế, sống trong một đất nước có nền văn hóa, ngôn ngữ khác biệt, địa bàn cư trú quá rộng, khiến người Việt lớn tuổi ngại di chuyển và dễ cảm thấy lạc lỏng trong cộng đồng xã hội chung. Do đó, có một nơi gặp gỡ với người đồng hương trong những sinh hoạt hàng ngày, giải tỏa tâm lý buồn chán ngoài mái ấm gia đình là một điều cần thiết.

Cách đây mấy năm, ông bạn già của tôi tại Fort Worth rất phấn khích khi nghe tin ở Arlington có thành lập Hội Cao Niên. Hễ gặp người lớn tuổi bất kể thân quen, ông đều giới thiệu để người ta có thể đến sinh hoạt cho đỡ buồn trong thời gian nhàn rỗi. Thế nhưng riêng ông thì chưa lần nào đến đó do bận chuyện chăm sóc con cháu, chưa sắp xếp được thời gian. Mãi năm sau ông mới cho biết đã ghi danh tham gia. Ngoại trừ những lúc bận có khách đến thăm hoặc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thì thôi, chứ xem như ngày nào ông cũng đến hội cao niên uống cà phê, ăn sáng, tập thể dục dưỡng sinh, trò chuyện vui buồn với những người bạn già mới quen biết. Điều này cho thấy nhu cầu gặp gỡ, giao lưu bạn bè trong một cộng đồng riêng là có và là mối quan tâm chung của người lớn tuổi, nhất là những người vì lý do nào đó không sống chung với con cái hoặc không có bè bạn láng giềng gần.

Hầu hết các Hội Cao Niên người Việt trên toàn nước Mỹ nói chung chỉ mới hoạt động khoảng mười năm trở lại đây. Riêng đối với người Mỹ, Hội Cao Niên ra đời từ trăm năm nay. Vấn đề người cao niên rất quan trọng trong đời sống xã hội thay đổi khi kỹ nghệ phát triển cao, nhu cầu công ăn việc làm đã khiến gia đình phân cách, trái ngược với tình trạng các gia đình sinh sống gần gũi nhau trong các trang trại lớn vào đầu thế kỷ 20. Do đó, đa số người cao niên thường sống cô đơn trong ngôi nhà mà họ đã tạo lập từ thuở trung niên. Con cái họ thường là ở xa, có khi cách cả hàng ngàn cây số. Chính phủ còn trợ cấp cho các chương trình giúp đỡ người cao niên do các cộng đồng địa phương thực hiện. Đời sống người cao niên phụ thuộc vào khả năng tài chính họ dành dụm và tiền hưu trí sau mấy chục năm đi làm. Họ có thể sống trong những khu nhà đầy đủ tiện nghi vật chất sang trọng và dịch vụ y tế đi kèm. Nhưng đó cũng là thiểu số. Phần đông người cao niên hạn hẹp tài chính phải nhờ vả gia đình thân thích hoặc các cơ quan chính phủ, cơ sở cộng đồng và các tổ chức từ thiện.
Hiện trong nước có 49 triệu hội viên cao niên đang sinh hoạt, kinh phí hoạt động có sự đóng góp của hội viên (khoảng 20 đô/năm), đặc biệt là hội có nhiều hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp để kêu gọi sự đóng góp tài chính hàng năm. Có nhân viên trẻ trực tiếp tham gia công việc.
Với tôi, Hội Cao Niên Tarrant County gây một sự bất ngờ. Cơ sở khang trang, rộng và tiện nghi. Thật ra đây là sự hỗ trợ tinh thần xã hội rất lớn của cơ sở Arlington Adult Day Health Care (ADC). Anh Nguyễn Vũ, Giám đốc Điều Hành ADC cho biết: “Hội Cao Niên, Câu Lạc Bộ Chiến Hữu VNCH và Cộng Đồng người Việt Fort Worth sử dụng chung văn phòng sinh hoạt tại đây. Cơ sở này do ông Tony Chong làm chủ và cho các hội đoàn người Việt sử dụng miễn phí, chỉ trả tiền điện nước. Ngay cả dùng xe chuyên chở người lớn khuyết tật đến trung tâm chăm sóc có thể phối hợp luôn việc đưa đón những người cao niên không có điều kiện xe cộ đến nơi sinh hoạt. Ngoài chuyện sinh hoạt cao niên, cơ sở còn có một vài bạn trẻ tình nguyện viên xã hội đến giúp các cụ gặp những khó khăn về giấy tờ như điền đơn thi quốc tịch, foodstamp hay xin trợ giá điện thoại…”.

Bà Phạm Thúy, Hội trưởng Hội Cao Niên, giới thiệu sinh hoạt chung: “Tại đây, các cụ ông cụ bà thoải mái uống cà phê, trà vào buổi sáng. Tâm sự chuyện gia đình hay bàn luận thời sự xã hội hoặc muốn động não hơn thì có cờ tướng, domino, bài tứ sắc cho các cụ giải trí một cách lành mạnh. Còn ai thích vận động chân tay thì có bóng bàn, có phòng thể dục. Xong rồi ăn bát cháo cho nhẹ bụng, chờ đến 10 giờ tập trung lại hội trường tập thể dục dưỡng sinh có huấn luyện viên hướng dẫn bài bản. Sau đó, các cụ tự do sinh hoạt đến 12 giờ ăn cơm trưa. Tuy Hội mở cửa đến 5 giờ chiều, nhưng chừng 2 giờ là các cụ về nhà”. Hỏi số lượng người cao niên sinh hoạt mỗi ngày, vị Hội trưởng cho biết thêm: “Ngày thường chừng trăm cụ đến, nhưng ngày Thứ Sáu đông vui lắm. Hội có khoảng hai trăm người ghi danh, nhưng nhiều khi các cụ đến đông hơn”.

Tôi nán lại một chút để được thưởng thức món cơm trưa. Kinh phí cơm trưa do cơ quan từ thiện United Way cung cấp qua các nhà hàng thầu nấu. Giá một khẩu phần trước đây là 3 đô, nhưng hiện nay ngân sách bị cắt giảm còn 2,5 đô. Tuy vậy, các cơ sở thầu vẫn cung ứng đồ ăn khá hấp dẫn theo thực đơn mỗi ngày cho hợp khẩu vị Tây-Ta. Hôm nay bên thức ăn Việt có salad, rau cải xào thịt bò, gà kho sả, cơm trắng, trái cây tráng miệng và sữa đậu nành. Mọi món đều nóng sốt, vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng phù hợp tiêu hóa với người lớn tuổi.

Thức ăn ngon cũng chỉ là một trong những yếu tố cho bữa ăn ngon miệng của người già. Vấn đề chính là Hội Cao Niên đã tạo ra một môi trường làm vơi bớt nỗi trống vắng trong tâm hồn của họ. Một cuộc khảo sát về ích lợi của bữa ăn tập thể đối với người cao niên cho thấy, người già có khả năng hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn dùng bữa ăn một mình ở nhà. Có thể đây cũng là một yếu tố tâm lý chứng minh người cao tuổi cần một môi trường gia đình đầm ấm bên con cháu hay tập thể bạn bè đồng lứa để tâm hồn được vui vẻ, đưa đến sự cải thiện tốt cho sức khỏe của thể chất lẫn tinh thần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe như sau: “Sức khỏe không chỉ là không có bệnh và tật mà là một trạng thái hoàn toàn dễ chịu về thể chất, tinh thần và xã hội”. Cho nên khi nói đến sức khỏe con người không thể không đề cập đến trạng thái tinh thần, đặt biệt ở người cao niên. Bác Thịnh, nhà ở Arlington, 83 tuổi rồi mà đi đứng còn khỏe khoắn, khuôn mặt hồng hào. Bác tâm sự: “Sống trong chung cư quanh quẩn ra vô có bốn bức tường, ít hoạt động dễ làm sinh bệnh và buồn chán. Ngày nào tôi và bà xã cũng đều tới đây sinh hoạt, tính ra đã được hai năm. Tinh thần thấy thoải mái hơn nhiều”. Có bác vui miệng góp vô: “Ở đây tôi già nhất, nhưng trẻ hơn ông này ba tuổi”. Vâng, một nơi người già gặp gỡ, lại có những người trẻ trung tinh thần lạc quan như thế mới thật là tốt.
