Nghe kẻ viết bài kêu bứt rứt mỏi mệt, hay mộng mị hoảng hốt, một chị bạn là bác sĩ Hoa Nhung, người Hà Nội, thay vì chẩn đoán những bệnh liên quan đến thời kỳ mãn kinh của phụ nữ, lại kêu lên hoảng hốt “Bị chấm rồi!”. Nghĩa là sao? Là các Quan, các Chầu, các Cô, Cậu “chấm” mình, muốn bắt mình làm lính, làm đệ tử các Ngài. Phải sửa cái lễ, ra trình đồng. Bằng không, sẽ bị các Ngài “ốp”. Nhẹ thì ngơ ngẩn. Nặng thì không chết cũng hóa điên hóa dại.

Chị Nhung dẫn ra hàng loạt tên tuổi các thương gia thành đạt, các phu nhân quan quyền, cả các cô từng đi thi hoa hậu. Những người này có triệu chứng ban đầu giống kẻ viết bài. Đi du lịch, dùng thuốc an thần, lễ Phật, ngồi thiền, tập yoga đủ thứ, không ăn thua. Vậy nhưng ra đền Cửa Sông ở Hà Nam, đội bát nhang là khỏi ngay. Sẵn máu hiếu kỳ, kẻ viết bài giả cách ưng thuận nhưng đòi “phải dẫn đi xem thử thế nào đã”. Chị Nhung đồng ý, bảo sắm sẵn mâm lễ vật. Cuối tuần, có bà Phống “ra trình” ở đền Bà Cô Cây Bông, hẻm X. quận Tân Bình, chị sẽ dẫn tới giới thiệu. Y hẹn, kẻ viết bài hồi hộp cùng chị Nhung ngồi xe taxi, rẽ vào hẻm X. Ngoằn ngoèo qua vài ngách nhỏ, xe dừng trước một… tiệm tạp hóa.

Múa hầu đồng – Photo nguyenhuynhmai
Kẻ viết bài đội mâm trái cây nặng trĩu, leo lầu ba, mệt tối tăm mặt mũi. Chưa định thần đã nghe tiếng hỏi lao nhao vọng ra từ một căn phòng rộng chừng tám chiếc chiếu. Chị Nhung lôi “cái đầu đội mâm trái cây” đến trước một ông đứng tuổi, áng chừng là chủ đền Bà Cô Cây Bông, thẽ thọt nói “em nó có giọt giầu đến ăn mày cửa thánh. Anh nhận cho…”. Ông này không nói gì, chỉ gật đầu. Kẻ viết bài khép nép ngồi vào góc chiếu dưới cùng, đưa mắt nhìn quanh, thấy trên bàn thờ mờ tối, gần một chục tượng lớn nhỏ khác nhau, nhang khói đèn nến lung linh, ùn lên những mâm trái cây, bánh ngọt các loại. Có cả những mâm tiền giấy mệnh giá năm ngàn đồng, mười ngàn đồng cuốn thành hình ống, xếp thành hình hoa, hình bướm. Trên chiếc chiếu giữa, bà Phống ngồi nghiêm chỉnh, thẳng đơ, chắp tay, nhắm mắt. Hai bên là hai cô phụ đồng và bốn người khác, áng chừng là cung văn, vì thấy cầm sênh phách, đàn nguyệt, trống. Căn phòng có tường cách âm dày, gắn máy lạnh. Đàn hát không dùng loa, khuếch âm. Gần ba chục con người, tất cả ngồi chắp tay thành kính, lầm rầm. Nhân vật chính của buổi lễ, bà Phống, đại lý bán thức ăn gia súc bên quận Tư, trạc 60 tuổi, đang ngồi im bỗng lắc lư, đảo nửa thân trên nhè nhẹ, rồi đảo nhanh, đứng phắt dậy, hai bàn tay bắt đầu uốn éo múa may. Tiếng đàn, tiếng hát trổi lên. Tấm thân già cả, ục ịch trở nên nhẹ nhàng duyên dáng như thiếu nữ. Có tiếng khen nịnh “Lạy cô, cô bắt bướm đẹp quá! Cô múa đẹp quá!”. “Cô” cười khanh khách, bốc một nắm tiền trên mâm tung xuống…

Một Thanh Đồng đang hầu Cô Đôi Thượng Ngàn
Sau buổi xem trình đền, kẻ viết bài ra về với mớ “lộc Cô” gồm ba quả cau, hai chục tờ tiền năm ngàn và một gói bánh in. Nghe tổng kết sơ sơ buổi trình đồng của bà Phống hết 1,000 đô la: chủ đền 3 triệu, cung văn 4 triệu, đồ lễ 3 triệu chưa kể “đấm mõm” địa phương, phát lộc, thuê bảo vệ, giữ xe… kẻ viết bài không khỏi giật mình. Thời kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, công nhân vất vưởng với nỗi lo cơm áo mà dám “chơi” 1,000 đô một lúc, bằng lương tháng của hai chục công nhân xí nghiệp gạch ngói thì quả là “hoành tráng”. Chị Nhung nhún vai, “hoành tráng cái con khỉ!”. Ra Bắc mà xem đạo tràng ngoài ấy người ta hầu một buổi năm bảy chục triệu là thường.
Nhờ một Thạc sĩ khoa Văn Hóa Học Sài Gòn “xóa mù” cấp tốc, kẻ viết bài được biết những từ “lên đồng”, “ngồi đồng”, “đảo đồng”, “đồng ốp”… vốn phổ biến từ lâu trong ngôn ngữ Việt Nam, bắt nguồn từ tục hát hầu Mẫu. Mẫu có thể thờ trong chùa, phía sau gian thờ Phật, theo công thức “tiền Phật hậu Mẫu”, có thể thờ riêng trong điện, phủ, miếu. Thoạt đầu, người ta chỉ thờ ba vị Thánh Mẫu: Mẫu mặc áo đỏ ngồi giữa chủ việc trời, là Mẫu Thượng Thiên. Mẫu mặc áo trắng ngồi bên trái chủ sông nước, là Mẫu Thoải (thủy). Mẫu mặc áo xanh ngồi bên phải, chủ rừng núi, là Mẫu Thượng Ngàn. Vào thế kỷ XVI, chúa Liễu Hạnh, tục truyền là con gái Ngọc Hoàng thác sinh xuống trần. Bà đẹp người tốt nết, giỏi thơ ca (từng hóa thành cô hàng nước ven Hồ Tây – Hà Nội, xướng họa với Trạng Bùng-Phùng Khắc Khoan. Chỗ ấy nay dựng Phủ Tây Hồ, thờ Chúa Liễu Hạnh), lại có công giúp triều đình giữ nước. Sau khi hóa, bà được thờ chung với ba vị Thánh Mẫu có sẵn, ngồi thay vị trí Mẫu Thượng Thiên ở giữa, mặc áo đỏ. Tam Phủ bèn “bổ sung” thêm một Mẫu mặc áo vàng, chủ đất đai, thành ra Tứ Phủ. Dưới Tứ vị Thánh Mẫu có Ngũ vị Quan Lớn. Dưới Quan có Thập Nhị Chầu Bà. Dưới Chầu có Thập Hoàng. Dưới Hoàng có Thập Nhị Cô. Dưới Cô có các Cậu… Đạo Mẫu khởi đi từ miền Bắc, lan dần vào miền Trung (Huế, Nha Trang), miền Nam (Châu Đốc). Tại những nơi này, Mẫu “lai” với nữ thần Pô Na Ga của người Chăm, thành Thiên Y A Na hay Bà Chúa Xứ. Đạo thờ Mẫu và tục hát múa hầu đồng là tôn giáo bản địa, xuất hiện sớm hơn các tôn giáo ngoại nhập khác nhưng không phải là “đặc sản” của người Việt mà khá phổ biến ở các nước Châu Phi, Mỹ La Tinh, Châu Á khác với tên gọi chung là Shaman giáo (đạo phù thủy).

Thờ Tam Phủ tại chùa theo công thức ‘tiền Phật, hậu Mẫu’
Cung cấp thêm thông tin về đề tài lên đồng, ông chủ đền D. phố Hàng Nón tại Hà Nội giải thích: Hàng năm Xuân Thu nhị kỳ, Xuân là đầu tháng Giêng đến tháng Ba, Thu là quãng tháng Tám đến tháng Mười, đền, phủ, miếu các nơi đều mở hội, kết hợp diễn xướng thần tích, hát chầu văn. Dân địa phương, thủ đền, cung văn, người hầu đồng đều nghiêm chỉnh. Họ đi xem, đi lễ vì kính tin Thần Thánh có thể ban mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt cho làng xóm, gia tộc, bản thân. Người “có đồng” bắt buộc mỗi năm ít nhất phải một lần hầu Thánh (nhất niên nhất lễ). Vì thế, đối với họ, hầu là nghĩa vụ thiêng liêng, ít nhiều mang tính chất riêng tư. Trước năm 45, tín ngưỡng thờ Tứ Phủ, hát hầu đồng, lên đồng không bị cấm. Sau năm 45, mới bị nhà nước liệt vào hàng mê tín, cấm đoán gắt gao. Miếu, phủ, đền và những người hành nghề cung văn, người lên đồng phải lén lút, vừa “lên” vừa canh công an. Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khi có chính sách “Mở cửa”, nhiều phong tục, tín ngưỡng dân gian được “tháo khoán”, trong đó có tín ngưỡng thờ Tứ Phủ, thờ Đức Thánh Trần. Tưởng như thế văn hóa lên đồng sẽ tìm lại thời hoàng kim, không ngờ càng lúc càng bát nháo, thật giả khó phân.
Một Cung Văn già, bác Nguyễn Q, tâm sự với kẻ viết bài qua điện thoại cũng tỏ ra bất mãn vì lên đồng đang bị “giải thiêng” theo tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa. Để phục vụ đám “đồng đua, đồng đú” đền phủ nào cũng hoạt động hết cỡ. Ai có nhu cầu “lên”, phải ghi tên trước. Không ghi tên trước không có chỗ. Con trai bác Q, anh Tùng L., cũng theo nghiệp bố, làm Cung Văn “chạy sô” các đền phủ tư nhân, ngày đắt mối có khi hát ba suất, xác như vờ, xơ như nhộng. Bù lại, thu nhập cao ngất ngưởng, trên năm chục triệu một tháng! Vui miệng kể về thế giới lên đồng, anh Tùng L. bảo “ấn tượng” nhất trong gần chục năm theo nghề, là lần tham dự “Liên hoan lên đồng” năm 2009 tại đền Lãnh Giang (thờ Quan Đệ Tam) và đền Cửa Sông (thờ vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung) huyện Duy Tiên, Hà Nam. Ở đó, lần đầu tiên anh chứng kiến hình thức Body Art được cánh họa sĩ Hà Nội thể hiện trên cơ thể những người hầu dâng (phụ hầu). Ngồi dưới bóng đa đầu làng họ cầm cọ, tích cực quết mầu. Sau vài tiếng đồng hồ, trên cơ thể rám nắng của hầu dâng – vốn là nông dân thứ thiệt – vằn vèo, loang lổ những đường nét kỳ lạ. Soi vào gương, ông hầu nào cũng cười như mếu, vì “sợ về nhà đến con chó cũng không nhận ra mặt chủ”.

Một hầu dâng ở Hà Nam còn ướt sơn ‘body art’
Hiện nay, ở Việt Nam, khi đề cập đến thế giới đồng bóng, vẫn tồn tại nhiều cách nhìn nhận “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Nếu những người trong cuộc tuyên bố hùng hồn “có thể mất việc, bỏ chồng, bỏ Đảng nhưng không thể bỏ hầu đồng” thì người “khó tính bỏ mẹ” lại rất ác cảm với hoạt động lên đồng, coi đó trò bịp bợm, động cỡn, đáng “gọi công an”. Nhưng “gọi công an” làm sao khi “cái sự lên đồng” đang được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch rục rịch làm hồ sơ trình UNESCO, xin công nhận đó là di sản văn hóa thế giới với lý do Lên đồng là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, gắn liền với tục thờ Mẫu, làm nên giá trị văn hóa tâm linh của một bộ phận cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam!
Được hỏi về việc “chống hay theo” vụ làm hồ sơ xin vinh danh nghệ thuật hầu đồng, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền tại Cục Di Sản Văn Hóa, từng tham gia tổ chức Liên hoan hầu đồng ở đền Kiếp Bạc – Hải Dương hồi 2009, cho biết thế giới đã nghiên cứu rất kỹ và rất sớm về đạo Shaman. Tất cả các nghi thức lên đồng, trình tự lên đồng ở Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi, Châu Á đều được họ quay phim, chụp ảnh, mô tả đầy đủ. Việt Nam muốn làm, thì phải nêu bật được những nét độc đáo, bản sắc của “đồng nhà”, cho thấy khác “đồng người” thế nào thay vì chỉ dừng ở chỗ khoe mẽ những trò nhảy múa kiểu “yoga tinh thần”.

