Menu Close

Nhớ hồi nớ…

Tụi em sẽ tới Toronto. Sau đó đi Montreal, rồi từ Montreal đi ngược lại Toronto để tới San Francisco. Thường thì chị đi từ SF tới Sacramento bằng gì? Ngoài máy bay còn phương tiện gì khác không, chị cho tụi em biết liền nghe.”

“Trời, đi chi mà lung tung vậy. Đã ở Montreal sao không đi thẳng tới Xăng Phăng mà phải trở lại Toronto?”

“Dạ không, tụi em không đi Xăng Phăng, tụi em tới San Francisco. Chị cho em biết phương tiện đi từ San Francisco tới Sacramento nghe!”

“Thì Xăng Phăng là San Francisco đó!”

“O.K, nhưng từ Xăng Phăng tới Sacramento ngoài máy bay còn cách nào khác không?”

“Thì mấy đứa tới Xăng Phăng chị sẽ đón.”

“Dạ, chị đi bằng gì tới Xăng Phăng? rồi mình đi về Sacramento bằng cái gì?

“Chị sẽ nhờ người bạn chở chị lên Xăng Phăng, đón mấy em, rồi mình về Sacto luôn”

“O.K. vậy là tốt rồi. Tụi em sẽ tới Xăng Phăng lúc 8 giờ 45 tối ngày 5 tháng 8. Kèm theo đây là chi tiết của chuyến bay từ Montreal tới Xăng Phăng.

“Ừ, chị sẽ đón mấy đứa ở phi trường Xăng Phăng há?”

“Dạ, tụi em sẽ gặp chị sau nghe.”

“Ừ, chị nấu sẵn nồi bún riêu cho mấy đứa. Nếu Bé ăn thịt như hồi trước, thì chị nấu nồi bún bò rồi, kiểu bún bò chị Nuôi ở Cư xá Đoàn Kết Đà Nẵng hồi xưa đó.”

“Dạ, bún riêu là ngon rồi. Nhưng chị cũng đừng nấu nướng chi nhiều. Tụi mình đi chơi, nhiều khi đụng đâu ăn đó cho tiện.”

“Ừ, chị hẹn mấy đứa ngày 5 tháng 8 nghe.”

“Dạ, tối ngày 5 tháng 8 nghe chị.”

“Ủa, vậy hả, không phải 8 giờ sáng sao?”

“Dạ không, 8 giờ 45 tối ngày 5 tháng 8.”

“Răng mấy đứa chọn cái giờ chi mà trễ vậy? Răng không đi chuyến sớm hơn? Như rứa là người bạn chị tính nhờ, không lái xe ban đêm được. Phải tính cách khác rồi!”

“Dạ, đó là lịch trình chuyến bay, vậy để tụi em mua vé máy bay từ Xăng Phăng tới Sacto luôn.”

“Thôi, máy bay từ Xăng Phăng tới Sacto nhỏ xí, đi ghê lắm.”

“Vậy tụi em sẽ nhờ anh Tuấn đón ở Xăng Phăng, ở lại Xăng Phăng tối ngày 5, hôm sau sẽ nhờ anh Tuấn chở xuống Sacto. Như vậy chị khỏi đi đâu hết, cứ ở nhà chờ tụi em tới.”

“Chị sợ anh Tuấn đi làm, không chở mấy đứa xuống chị được. Sao mấy đứa không đi vào weekend cho tiện mọi người mà lại nhè đi ngày trong tuần vậy?”

“Chị ơi, chương trình của tụi em đã sắp xếp rồi. Ba đứa em phải thu xếp ngày nghỉ để đi chung với nhau nên cũng khó lắm. Thôi, để tụi em hỏi anh Tuấn xem sao? Có gì tụi em sẽ bàn với chị sau nghe.”

“Ừ.”

Mụ Diệu đọc tới đọc lui mấy cái email của ba đứa em viết cho mụ về chuyến đi qua Mỹ và sẽ ghé thăm mụ. Mụ thương mấy đứa muốn thắt ruột vậy. Tụi hắn tuy lớn tuổi, trên 50 hết rồi, nhưng vẫn còn khờ khạo lắm, nên mới mua vé bay tới bay lui như vậy. Phải chi tụi hắn hỏi mụ thì đỡ rồi. Mụ sẽ chỉ đường cho tụi hắn bay từ Montreal thẳng tới Sacto. Không lẽ Canada và Mỹ văn minh cỡ hàng đầu thế giới mà không có đường bay đó? Mụ nghĩ  hãng máy bay hắn bắt chẹt mấy đứa em của mụ… Phải chi có mụ đi chung với tụi hắn, thì đâu có ai ức hiếp tụi hắn được. Mụ lại nghĩ, cha mẹ mụ nhân đức, mấy đứa em mụ đứa nào đứa nấy hiền khô, nên trời sẽ che chở, chắc không sao, mọi chuyện thế nào cũng êm xuôi.

Mụ hồi hộp chờ đợi. Chị em mụ gặp nhau hà rầm qua email. Mỗi năm mụ về thăm nhà một, hai lần, nhưng khi nghe ba đứa sẽ ghé thăm mụ, mụ cảm động. Khi không, mụ cảm thấy lẻ loi, đơn chiếc, mụ muốn gặp mấy đứa liền liền.

o O o

“Anh Tuấn hả, máy bay landing chưa vậy?”. “Rồi, tao đang chờ tụi nó đây”, “Dạ, khi mô gặp mấy đứa, anh Tuấn nói tụi nó gọi cho em nghe”, “Rồi, yên tâm”.

Nồi bún riêu sôi lăn tăn, bốc mùi thơm khắp căn condo nhỏ. Mụ Diệu nghĩ đến lúc mấy đứa húp xùm xụp tô bún riêu mụ nấu, khi không mắt mụ đỏ hoe. Thiệt tình mụ không hiểu nổi. Cái tình chị em nhà mụ, hắn ăn sâu trong máu, đâm chồi mọc rễ trong da thịt mụ. Càng lớn tuổi, mụ càng thương mấy đứa hơn. Mụ có năm đứa em, hai trai, ba gái. Hễ nhắc tới một đứa là mụ nhớ đứa đó từ hồi hắn còn nhỏ xí, tới lúc lớn, rồi bồ bịch lăng xăng lít xít, rồi lấy vợ lấy chồng, con cái đăng đăng đê đê….

Hồi còn ở nhà, mụ nấu cho mấy đứa ăn hà rầm, chứ đâu phải hiếm hoi gì. Vậy mà bữa nay nấu nồi bún riêu, mụ lọng cọng, quên đầu quên đuôi, xém chút nữa, mụ quên phứt mấy bìa đậu hũ!

Reng… reng… reng… Mụ chụp điện thoại: “Chị hả, tụi em tới rồi nghe, bây giờ lên xe về nhà anh Tuấn, mai mình gặp!”. “Ờ, mấy đứa khoẻ hết há, không có đứa nào bị gì hết há?”

“Dạ, đi máy bay mà chị, có gì đâu, tụi em khoẻ re như con bò kéo xe! Bye chị nghe, mai gặp!”

Điện thoại đầu kia đã tắt, mà mụ còn nghe tiếng mấy đứa cười hắc hắc và tiếng ồn ào chung quanh. Mụ tưởng tượng tới khung cảnh nhộn nhịp của phi trường. Mụ nhớ những lần mụ về thăm nhà, cha mẹ và mấy đứa em ra đón từ sáng sớm. Vừa thấy bóng nhau, mắt mụ đã đỏ hoe, mụ thấy cha mẹ làm như già đi nhiều, rồi mấy đứa em, làm như tụi hắn cũng không còn trẻ như mụ nghĩ. Mấy năm sau này, từ hồi mẹ của mụ mất, chuyện mụ về thăm nhà, biến thành chuyện về giỗ mẹ. Ra phi trường đón mụ chỉ còn mấy đứa em. Gặp nhau, mụ hay khóc vì không thấy bóng dáng mẹ như ngày trước và nghĩ tới cảnh côi cút của mấy chị em. Về tới nhà, mụ lại khóc một chặp nữa khi thấy cha già một mình một bóng.

o O o

“Dễ sợ, đường từ Xăng Phăng tới Sacto kẹt xe tàn bạo luôn”, “Bởi rứa, chị mới nói mấy đứa phải đi sớm”, “Thì tụi em đi sớm đó, đi hồi 9 giờ”, “9 giờ là quá trễ rồi, phải khởi hành lúc 6 giờ thì mới không bị kẹt”. Anh Tuấn xen vô: “Mi tưởng đi 6 giờ không kẹt hả? Vẫn kẹt như thường vì nhiều người nghĩ giống mi, xe cũng đổ ra đường giờ đó. Nói chung vì quá nhiều người di chuyển trên con đường đó, nên kẹt xe là chuyện thường ngày ở huyện”. Anh Tuấn là ông anh, con ông bác ruột của mụ. Ông nớ tính tình dễ chịu, nên mụ cũng không muốn tranh cãi.

Mới bước vô nhà, mấy đứa em của mụ đã hít hà: “Úi, bún riêu thơm ác liệt, chắc ăn trước rồi tính chị hỉ”. Mụ thấy mát trong ruột. Mụ biết chỉ có ruột thịt hắn mới nghĩ giống mụ.

Mụ đã sắp bún sẵn ra tô, rau kinh giới xanh mướt đã bày ra đĩa, ớt tươi đỏ chói, chanh xanh ngắt, mọng nước đã cắt sẵn. Nồi bún riêu được nấu từ đêm qua, bữa nay nước sánh lại thơm ngon đúng mùi vị. Bé, cô em thứ ba của mụ múc riêu ra tô. Hai vợ chồng cậu em thứ tư, sắp đũa, muỗng và bưng tô bún ra bàn. Đúng như mụ nghĩ, từng đứa em của mụ bưng tô bún riêu húp sùm sụp khỏi cần muỗng, vừa húp vừa khen ngon. Ông Tuấn nói: “Mấy đứa mày ăn bún riêu là phải bưng tô lên mà húp. Ngày xưa ở ngoài Bắc, có cái tô đặc biệt cho bún riêu gọi là “bát chiết yêu”, cái miệng tô cũng to như các tô khác, nhưng từ giữa tô xuống tới đáy thì tóp chặt lại có chút xíu, nên khỏi cần muỗng, chỉ cần ba cái húp là hết sạch tô bún.” Bà Hà vợ ông Tuấn cũng nói: “Diệu nấu bún riêu ngon đó, bữa mô cho chị cái công thức hỉ?”, “Chị Diệu của em nấu là nhứt thế giới đó”. Khi không mụ muốn thổn thức, em mụ, hắn phải thương mụ hắn mới nói như rứa. Mụ nói nhỏ để không ai nhận ra tiếng nói đứt quãng: “Dạ, để đó rồi em gởi qua email cho chị” 

o O o

“Chị không nhớ rõ hồi nhà mình di cư vô Nam, nhưng chị nhớ hồi nhà mình ở Phú Thọ năm 58. Hồi đó Bé mới được 2 tuổi, Duy mới có mấy tháng, chị mặc áo đầm trắng bế Duy đứng trước cửa nhà cho Bố chụp hình. Chị nhớ hồi đó, chiều chiều, Bố hay dắt chị với Bé ra trường đua Phú Thọ chơi. Chị hơn Bé 4 tuổi, và cao nhồng. Chị nhớ hai chị em mặc áo đầm cùng kiểu, cùng màu, ngồi trên ghế đá đung đưa chân qua lại cười với nhau. Chị thấy tuổi thơ của tụi mình tuyệt vời quá. Chị cũng nhớ  hồi đó thấy bụng của Đức to, chị hỏi Bố sao bụng Đức to thế, Bố bảo bụng nó để nuôi giun!

Chị cũng nhớ hồi đó Bố tụi mình vừa thực tập ở nhà thương, vừa dạy học thêm buổi tối, nên cực lắm. Một buổi tối Bố đi dạy học về, cả người lẫn chiếc xe mô bi lét bị lọt xuống đường mương, mới đào hồi sáng nhưng chưa lấp lại. Rất may không bị gì. Nhưng trưa hôm sau, mẹ đang cho em Duy bú, thì có người tới nhà nói bố bị xe taxi đụng nặng lắm, đang nằm trong nhà thương Từ Dũ. Lúc đó, chị không biết mẹ gởi các em cho ai, nhưng mẹ dắt chị đi tìm Bố. Hai mẹ con đi bằng xích lô máy. Xe chạy nhanh, một tay chị nắm chặt tay mẹ, một tay cố giữ mái tóc uốn quăn rí đang rối mù trước làn gió thổi ngược. Lần đầu tiên được đi xích lô máy, chị lâng lâng sung sướng quên mất mình đang đi thăm bố bị tai nạn. Tới khi nghe mẹ xịt mũi, chị mới nhớ, trong khoảnh khắc, chị cũng khóc theo mẹ.”

“Em không nhớ rõ lắm hồi nhà mình ra Đà Nẵng, rồi mướn nhà bà Đội Bể phải không chị, căn nhà mà hàng xóm đồn là có con ma tóc dài ở bụi tre gần cái giếng đó. Nhưng em nhớ, hồi nớ mỗi cuối tuần, tụi mình được đi biển Mỹ Khê. Lúc đó Út mới 3 tuổi, còn nhỏ xí. Mẹ làm cá chuồn chiên sốt cà chua ăn với bánh mì. Em còn nhớ mùi cá chuồn thơm dễ sợ. Ngồi trên xe mà em đói cồn cào. Ra tới biển cơn đói còn khủng khiếp hơn, chỉ mong được ăn liền. Nhưng tuổi thơ dễ quên, vừa  bước xuống xe, chân vừa chạm cát biển mịt rít, mắt vừa thấy sóng, thì cơn thèm bánh mì cá chuồn cũng bị cuốn trôi ra biển. Tắm đã đời, tới khi chiều vừa xuống, chui lên khỏi nước, đứa nào đứa nấy lạnh run. Chạy tới bên mẹ, mỗi đứa được một ổ bánh mì cá chuồn sốt cà chua. Răng mà hắn ngon! Em nhớ mới cắn hai ba cái đã hết, phải xin mẹ thêm một ổ nữa. Hồi nớ ăn nhiều ghê mà đứa mô cũng ốm nhom như mấy người tu khổ hạnh. Em nhớ hồi nớ thỉnh thoảng cá chuồn bay từng đàn là đà trên mặt nước biển, tụi mình chạy theo té sấp té ngửa, uống nước no bụng. Bố dạy tụi mình bơi, nhưng bơi hoài không được!”, “Ờ, làm như mạng mấy chị em mình… kỵ thủy!”, “Đúng rồi, không những tụi mình kỵ thủy mà dâu rể nhà mình đều kỵ thủy hết!”, “Ủa vậy hả?”. “ Dạ, vợ em, vợ anh Đức, chồng của Thanh, chồng của Út tất cả đều sợ nước.”

“… Chị nhớ hồi nớ nhà mình dọn từ nhà bà Đội Bể xuống cư xá Đoàn Kết, có chị Nuôi bán bún bò. Chị Nuôi ở dãy nhà thứ ba, cũng là dãy cuối cùng của cư xá. Mỗi sáng chị Nuôi gánh nồi bún bò ngang qua nhà mình, mùi thơm ác liệt. Mà hồi đó, mỗi sáng tụi mình chỉ được ăn xôi trắng với thịt kho mẹ nấu, rồi đi học. Chỉ đến cuối tuần, khi chị Nuôi bán gần hết nồi bún trở về, nghe tiếng rao nhỏ nhẹ “Bún bò khôn” chị em mình  chạy ra nhìn nồi bún thòm thèm. Khi nớ, Mẹ gọi chị Nuôi vào sân, thế là chị Nuôi múc cho mỗi đứa một tô hậu hĩ, nhiều nước nhưng ít bún. Trời ơi, sao mà hắn ngon!. Thêm mấy miếng thịt bò xắt mỏng có gân mềm mềm dai dai. Tới bây chừ, nghĩ tới bún bò chị Nuôi, chị vẫn thèm chết luôn, vì vậy, mỗi lần nấu bún bò, chị cố nấu sao cho đúng mùi bún bò chị Nuôi. Cái chi của tuổi nhỏ cũng là tuyệt diệu và vô giá”.

Có tiếng ngáy nhẹ nhẹ, mụ Diệu ngừng nói nhìn qua, mấy đứa em mụ mắt đã nhíp chặt. Mụ kéo chăn đắp cho từng đứa. Tụi hắn vẫn thơ ngây, khờ dại như hồi còn nhỏ…

PDH
8/12