Menu Close

Nợ áo cơm!

Hồi năm nẳm, trò Phạm Minh Tày của Collège de Can Tho, được nhà văn Thanh Tịnh (Hàng năm cứ vào độ cuối thu…) khuyến khích, đã xâm mình, lớn lối rằng: “Lớn lên tao viết văn”.

Thằng bạn đồng song với trò Tày đã “I can you”. “Viết văn nghèo lắm!”

Ông già phải đem cầm bộ lư và chân đèn trên bàn thờ ông bà cho “trò” đi học, vì không muốn “trò” phải sống với cây tràm, cây trâm bầu, lặn hụp bắt cá lóc! Ba “trò” hổng muốn “trò” nghèo như ổng, sao trò không: “thông ngôn, ký lục, bạc chục không xài”… hay “sáng rượu sâm banh, tối sữa bò..?!”

Trò Phạm Minh Tày nói là làm. Cái này gan! Bây giờ nhiều thầy chú trong nước cũng như ngoài nước nói… mà có làm cái ‘khỉ mốc’ gì đâu?! Cái lưỡi dài hơn cái tay mà!…

Mà không phải bạn đồng song mới lo đâu, mẫu thân trò cũng lo sốt vó, lặn lội từ U Minh lên Sài Gòn coi thằng Tám chết sống ra sao?

“Mầy lên đây làm gì để sống?”

“Viết văn!”

Bà già hỏi lại, “Viết văn là làm gì? Viết văn có sống được không?”

“Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày!”

Hỡi ôi? Đạp xích lô ngày nào người ta cũng đạp. Còn viết văn đâu phải là bửa củi. (Câu này hổng phải của tui mà là của Tản Đà). Một tháng được một bài… thì còn thua đạp xích lô xa!

Viết văn là đói nhăn răng. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Nhà văn viết lia chia.

“Trước 1975, tôi đồng thời viết cho bảy tờ báo. Sau năm 1975, tôi tiếp tục cộng tác với nhiều tờ báo. Thật ra, tôi mê viết văn hơn viết báo và với tôi, viết văn bao giờ cũng là trọng tâm. Tôi viết báo để kiếm sống và để giải trí…”

Viết lia chia không phải là viết ẩu à nha!

“Tôi tập trung tất cả sức lực và thời gian cho công việc mình theo đuổi, đến mức không làm tròn trách nhiệm của một người cha đối với con cái.

Đối với con cái thì vậy còn đối với phụ thân?

Hãy nghe:

Từ cầu kênh Thứ Sáu vào đến Ấp Giữa, đò máy chạy khoảng một tiếng đồng hồ. Ở phía cầu, gần lộ, còn thấy nhà gạch, vô sâu thấy nhiều nhà lá, hoặc chắp vá nửa lá nửa tôn, hay vài thứ vật liệu tạm bợ gì đó. Không chỉ kiểu nhà cửa sơ sài, mà toàn khung cảnh nửa hoang vu chung quanh đồng toát lên một không khí xa vắng ơ hờ, gợi cho những người thuộc thế hệ tôi cảm giác đi qua ‘vùng kinh tế mới’ ba mươi năm trước. Ngóc nhìn lên hai bờ kênh, nhiều đoạn chỉ thấy lau sậy xanh rì, bông trắng phất phơ. Thỉnh thoảng trước một ngôi nhà xộc xệch có mảnh vườn rau nhỏ, dây lang dây bí bò lan man. Hiếm có cây ăn trái. Những thứ cây mọc lơ thơ quanh nhà hay dọc bờ kênh, tôi không biết tên, ít gặp ở miền Đông đất trũng, nhiễm mặn, chỉ mọc các cây mắm, giá, không có giá trị kinh tế, xứ này ngày xưa còn nhờ cá và rừng, khai thác cạn kiệt, lần hồi tàn mạt…

Sơn Nam chỉ vào ngọn rạch mịt mùng nói:

“Quê nội trong đó!”.

Tôi hỏi ông: “Có muốn ghé qua nhà không?”

“Không có tiền, về làm gì?”.Thiệt là đứt ruột!

Còn mẫu thân thì sao?

Khi mẹ qua đời, Sơn Nam hay tin, về đến Rạch Giá, ngồi tàu đò về quê chịu tang. Tàu chạy chừng mười mấy cây số, một người ngủ nãy giờ ở đằng sau tàu chợt thức dậy nhìn thấy ông, bèn chen chân qua đám đông hành khách, tới đứng trước mặt ông.

Ông thấy quen quen, hỏi: “Ai vậy?” Người đó không xưng tên, mà đưa tay vạch túi áo trái của ông ra, nhìn vào không thấy tiền bạc, vạch tiếp túi áo phải, cũng không có tiền. Sơn Nam hỏi lại: “Ai vậy?” Người đó vẫn không nói, lục tiếp hai túi dưới của cái áo ký giả Sơn Nam đang mặc, mò luôn hai túi quần tây, rồi nói: “Người ở Sài Gòn gì mà mặc đồ sáu bảy túi, hổng có đồng xu nào”.

Sơn Nam ngồi trân người hỏi lại nữa: “Ai vậy?”

Người đó mới nói: “Tôi là người vừa chôn má anh. Bà mất cách đây một tuần, ở tại nhà tôi”. Người này em cô cậu của Sơn Nam, thứ tư.

Viết xong bài này, buồn quá… tôi “quất” vài ly rượu vang đỏ… rồi đi ngủ. Trong mơ, tôi thấy Sơn Nam về nói: “Thu ơi! tao biết mầy mần văn còn tệ hơn tao! Đăng báo nước ngoài, nghe ‘oách’… mà hổng có cắc nào. Nhưng nghe nói bên Úc, mày còn ăn thất nghiệp được mà, hổng lo đói. Lúc nào về thăm, nhớ đốt tiền vàng bạc cho bác Sơn Nam nhe, nhớ đô Úc, vì tiền Úc bây giờ có giá hơn tiền Mỹ.

Nằm ở đây, Nghĩa Trang Công Viên Bình Dương, buồn thấy mẹ! Hàng xóm toàn là nhà giàu mà hà tiện thấy bà! Sáng, tao đi lên đi xuống, tụi nó: “đui” hết trơn, hổng có thằng nào đãi một ly cà phê hay mời điếu thuốc.

Tôi trả lời rằng: Bác nằm trật chỗ rồi, hổng phải chỗ đó đâu?

Chưa hết lời, thì Sơn Nam nói: “Bữa khác nhen! bây giờ có thằng đến đặt bài, tao phải đi… “vì bụng không… cái mông cũng chết” (trong Hình bóng cũ)

Huống gì cái tình văn nghệ giữa bác cháu tụi mình.?

Nợ áo cơm!

Chết rồi! Mà Sơn Nam trả vẫn chưa xong!

DXT
Melbourne