Menu Close

Về những chiều trăn trở

Lời Tòa Soạn: Dù báo Người Việt có đưa ra lời xin lỗi về sự việc họ đã đăng lá thư của ông Sơn Hào, được xem là cổ vũ nhà cầm quyền Hà Nội, thì sự việc xảy ra, và đã xảy ra không chỉ một lần, dù vô tình hay cố ý, thì cũng đã xát muối vào vết thương không bao giờ lành của hàng vạn người tị nạn. Họ biểu tình, họ chống đối. Chỉ vì họ không thể quên căn cước của mình. Trong đó, không chỉ là lớp đi trước, mà cả thế hệ sinh vào (hay sau) năm 75. Bài viết dưới đây là một lời lên tiếng, dù nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, gửi đến những ai cố tình quên đi quá khứ, từ một người sinh ra sau chiến tranh.


alt

Đi tìm hôm qua

Thế hệ của tôi chào đời khi văn hóa dân tộc bị đóng gông và thả trôi trên dòng sông máu. Tức tưởi, thầm lặng, văn hóa chết chìm trên biển đen của một cuộc đổi đời, linh hồn vất vưởng trên ngọn sóng đầu non. Rồi như một ngọn núi lửa nung nấu trong lòng mình bao uất hận, từ trong cái chết, văn hóa bừng lên, hiện về, nhập vào những nhân sinh mới chập chững vào đời, bắt buộc họ phải biết mình. Linh hồn văn hóa dân tộc sải đôi cánh rộng, ôm choàng lấy những cánh chim Việt đang rong ruổi trên nhiều miền thế giới. Cái gông một ngày kia bỗng tự tan ra, như cái xiềng xích của chế độ đô hộ hay những chủ nghĩa độc tài đã một ngày rơi tõm vào vực thẳm của nguyền rủa và khước từ trên toàn thế giới. Một ngày mới đã tới, không vì ngày hôm qua đã vĩnh viễn đi qua, mà vì ngày hôm qua vẫn còn trong ký ức của ngày hôm nay.

Sau những đứt khúc trong đời sống của dòng sinh linh Việt tộc, người ta có lúc ngỡ rằng quá khứ đã nằm yên trong một nấm mồ vô danh nào đó. Nhưng cũng có người cảm nghiệm rằng, không ai có thể sống thực sự khi không nhận chân được huyết mạch lịch sử của đời mình. Gia phả tinh thần của một con người không thuộc về bản thân họ, mà thuộc về cả một thế hệ đồng trào và bao thế hệ phía trước và phía sau. Đi tìm hôm qua, cũng là đi tìm nguyên mạch cho chính mình, cho hôm nay.

alt

Thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968 – Xin đừng quên tội ác này

Khi chiều nổi gió

“Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa.” Mỗi buổi chiều, từ ban công, tôi đứng nhìn ra đại dương. Biển Thái Bình thật mỹ miều, rực rỡ trong ánh nắng cuối ngày.  Vào mùa đông, hoàng hôn đẹp rực rỡ, như thể chuộc lỗi cho cái se lạnh của mùa này. Thật ra, nói là lạnh, nhưng chỉ là lạnh so với nhiệt độ quanh năm ở đây thôi. Chứ nói La Jolla lạnh vào mùa Đông thì có lắm người sẽ bị bối rối, không hiểu tại sao một nơi nắng ấm cây lành như nơi này mà có một ngày lạnh. Người dân Liên Xô vẫn coi La Jolla cũng như San Diego là thiên đường ở hạ giới. Khí hậu thật ôn hòa, cây xanh nắng nhẹ, bốn mùa êm ả.

Ở đây, câu thành ngữ mà ngày nào tôi vẫn nghe Mẹ tôi nhắc khi còn ở quê hương, nay đã không còn đúng ở xứ sở mới này. Chiều nào, nhất là vào mùa Đông, ráng trời cũng đỏ rực. Chỉ cần đứng nhìn từ ban công, tôi cũng biết trời sẽ không mưa, cho dù ráng rất đỏ. Khi vượt cả một đại dương, thì thiên văn hình như cũng phải điều chỉnh. Cho nên, có những buổi chiều không có ráng vàng, mà trời vẫn gió. Gió biển thổi về, mang theo hơi muối, làm không gian mặn mòi. 

alt

Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm – Xin đừng quên miền Nam Việt Nam đã có một thủa thanh bình

Có những trăn trở đa chiều

Khi còn bé, tôi ít được xem phim. Ai lớn lên ở Việt Nam thời hậu 1975 đều hiểu cái kinh nghiệm này. Nhà nào khá lắm thì mới có TV. Chương trình chỉ phát vào buổi tối, nội dung không có gì đáng quan tâm ngoại trừ một vài phim ngoại quốc được thuyết minh, hay những đêm cải lương cuối tuần. Họa hoằn lắm, thì mới được đi xem phim ở rạp, gọi là chiếu bóng thì đúng hơn vì kỹ thuật không tân tiến như thời nay.

Một kinh nghiệm xem phim mà tôi nhớ nhất là khi tôi được đi xem “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao.”  Tựa phim nghe rất mênh mang lãng đãng. Giữa một cái thời mà con người không được phép mơ mộng, chuyện các vì sao đánh nhau nghe ra thật là xa vời vợi. Tôi háo hức theo Mẹ và các anh chị em đi bộ đến rạp. Từ xa, tôi đã thấy một rừng người đứng chen chúc nhau.  Vì đó là lần đầu tiên tôi đi xem phim, nên tôi rất ngỡ ngàng với những danh từ như ‘ghế cánh gà’ hay ‘ghế hậu trường.’ Chẳng lẽ người ta gọi ‘ghế cánh gà’ vì nó có hình giống như cánh gà? Và phải ngồi làm sao?

Thật ra, nói ghế cho oai, chứ bên trong chỉ có những băng nhôm dài ngoẵng, người ta cũng chẳng phân định rõ ràng đâu là mỗi ghế. Ai nấy tự tìm chỗ mình rồi ngồi xuống. Bộ phim đó có nhiều cảnh giao đấu giữa các vị thần. Tôi chỉ nhớ có thế. Ký ức tuổi thơ mỗi ngày một hao mòn. Một ngày nào đó, có thể ký ức ấy sẽ trở nên như những tiểu hành tinh xa xôi, lịm tắt giữa ngân hà chập chùng ký ức.

Nếu một ký ức nào đó rơi vào hoàn cảnh của tiểu hành tinh yểu mệnh, thì điều gì sẽ xảy đến cho những ngôi sao lẽ ra phải được chiếu soi bởi những tiểu hành tinh ấy?  Có phải ra đi là vĩnh viễn bị xóa nhòa?

Thiên văn liên mạch

Buổi chiều. Một ngày tưởng sắp qua. Một vòng mặt trời sắp hết. Như giới hạn của một đời. Như giới hạn của một thời. Nhưng ai có thể đoan chắc rằng, ánh mặt trời cuối cùng của hôm qua không rạng rỡ trong buổi bình minh của ngày mai? Ai có thể nói rằng những cuộc bức tử của ngày nào sẽ không liên can gì đến những đứt đoạn của hôm nay?  Ai bảo rằng những gì đã xảy ra ở thế kỷ trước sẽ bị từ chối giấy thông hành vào thiên niên kỷ mới?  Nhân loại chúng ta luôn vẫn ưu tư về quá khứ mà chúng ta không hoàn toàn tỏ tường. Con người vẫn tìm về với chính mình, chính hôm qua của hôm nay, chính quá khứ của hiện tại, để sống trọn vẹn và dung hòa.  Đó là một nhu cầu tối ưu.

Để cho dù ở bên này bờ Thái Bình Dương, ráng vàng của chiều hôm nay vẫn chắp cánh cho con gió của ngày mai, và ngày mai, mưa vẫn rơi khi trời chiều nay loang loáng đỏ.

TD
Làng Thùy Dương, một chiều nhiều gió
*Bài và hình tác giả cung cấp