Chiếc xe Honda kiểu SUV bon bon trên xa lộ, nắng cuối ngày nhưng vẫn rạng rỡ. Chúng bám theo xe loang loáng trên mặt kính. Huấn nói: “Hương kéo tấm chắn nắng xuống cho đỡ chói mắt.”, “Dạ, anh Huấn kể tiếp đi”, “Sau khi lên tàu, mọi người tự tìm chỗ nằm hay ngồi. Huấn cũng tìm được một chỗ, ngồi đại xuống vì quá mệt. Vì từ sáng sớm, một người đàn ông đến gõ cửa bảo phải đi ngay, thế là Huấn quơ cái túi, mợ sắp sẵn từ đêm trước và chạy theo ông ta. Bây giờ nghĩ lại mới nhớ lúc ấy chẳng chào tạm biệt mợ Huấn. Huấn nhớ mợ nói: “Con đi nhá”. Huấn không trả lời, cắm cúi chạy vì sợ mất dấu người dẫn đường. Ông ta với Huấn đi mấy chặng xe lam mới đến được nơi tập trung, thì trời đã quá trưa. Mọi người chờ tới chiều tối, mỗi người được phát một ổ bánh mì thịt. Đến nửa khuya thì xuống ghe nhỏ ra tàu lớn. Tàu chạy được khoảng 15 phút thì có tiếng súng bắn đuổi theo.” Huấn bỗng lặng thinh.

Bảo Huân
Huấn là anh họ của tôi. Con của Bác Ba. Huấn thua tôi 5 tuổi. Ngày còn ở Việt Nam trước năm 75, tôi ít chú ý đến Huấn, một phần vì nhỏ tuổi hơn tôi, một phần vì Huấn rất ít nói. Tôi chỉ thân với anh Tùng, chị Duyên là anh chị của Huấn. Tôi nhớ, ngày xưa mỗi lần gặp tôi, Huấn len lén nhìn và mỉm cười, rồi rút vào nhà trong hoặc chạy bay ra đường. Khuôn mặt có nét lai Tây, ánh mắt thơ ngây và hiền lành lắm. Tôi không hiểu tại sao, các con trai của Bác Ba, bác ruột của tôi, người nào cũng có nét lai Tây. Trong khi con gái thì rõ ràng là thị mít da vàng mũi tẹt.
Sau 75, cuộc đời mọi người thay đổi, bố tôi bị đi tù cải tạo. Gia đình chúng tôi sống khép kín. Bà con ít gặp nhau. Từng gia đình bí mật tìm đường cho con ra đi tìm tự do. Sau chuyến vượt biên đầy kinh hoàng của chị Nhung, chuyến đi của Huấn đến Mã Lai bình an, cả nhà mừng khôn tả. Hai năm sau gia đình tôi vượt biên và định cư ở Úc. Những chuyến đi không thể hẹn trước này, đã khiến anh chị em chúng tôi xa nhau hàng chục năm trời, cho đến lúc tôi sang Hoa Kỳ.
Tôi hẹn đến nhà thăm Huấn, nhưng Huấn nại cớ nhà khó tìm, hẹn gặp tôi tại Grand Century Mall ở San José. Tuy đã dặn nhau màu áo để dễ nhận diện, nhưng tôi vẫn không nhận ra Huấn. Trước mắt tôi, một người đàn ông cao lớn lịch thiệp, mái tóc có nếp quăn bồng bềnh với những sợi bạc, nét mặt như tài tử màn bạc Richard Geer nhìn tôi mỉm cười hỏi nhỏ: “Có nhận ra ai không, Huấn đây”.
Chúng tôi ăn sáng, ăn trưa, hàn huyên hoài không hết chuyện. Đến 4 giờ chiều, tôi phải lên xe đò về lại Sacto, Huấn nói: “Để Huấn chở Hương về, mình còn nhiều chuyện quá, chưa nói hết”. Tôi nói đùa: “Bộ Huấn tính chúng ta chỉ gặp nhau lần này thôi sao?” Huấn cười: “Không phải, nhưng có vài chuyện Huấn chỉ muốn nói với Hương”. Sau đó, Huấn điện thoại nói với một người: “Hôm nay anh về trễ em nhé!” Tôi phân vân nghĩ về hoàn cảnh của Huấn, cả nhà nói vợ Huấn bỏ đi mấy năm nay rồi. Huấn nói chuyện điện thoại tình tứ như vậy, chắc Huấn đang có bạn gái. Tôi hỏi: “Bạn gái của Huấn hả? giới thiệu đi”, “Không”. Tôi biết Huấn ít nói, nên thôi không hỏi thêm.
Nhớ câu chuyện vượt biên Huấn đang kể dở, tôi giục: “Thôi Huấn kể tiếp đi, lúc tàu bị bắn, rồi sao nữa”, “Lúc đó, Huấn nghĩ đến cậu mợ, các anh chị, các em, và nghĩ tới mình nữa. Nếu tàu bị bắn chìm, mọi người sẽ chết hết”, “Chắc lúc đó sợ lắm phải không?”, “Sợ và tiếc”, “Tiếc gì?”, “Tiếc sao không ở lại”, “Tại sao?”, “Vì ở lại thì vẫn còn sống, còn gặp gia đình”, “Tại sao Huấn quyết định đi”, “Huấn biết gì mà quyết định, ông bà già lo hết!”, “Lúc đó Huấn lớn rồi mà”, “Đúng, lúc đó Huấn đã 24 tuổi, nhưng gia đình nhà mình khác người ta, cha mẹ nuôi con, che chở con, sợ con hư, nên giữ rịt trong nhà, không dám cho ra ngoài, thành ra tụi mình lớn tồng ngồng nhưng có biết gì đâu, bố mẹ bảo sao thì nghe vậy”, “Ừ đúng rồi, nghĩ lại hồi đó tụi mình như con nít. Anh Huấn kể tiếp đi, tàu bị bắn, rồi sao nữa, không có ai hề hấn gì chứ?”, “Không, tàu mở hết tốc lực, chạy trốn khỏi tầm nhắm của công an, ra tới hải phận quốc tế là 3 giờ sáng. Nhưng đến tối thì tàu gặp hải tặc”. “Trời, mới ra mà đã gặp hải tặc rồi?”, “Cũng là cái số”. Tôi ngập ngừng hỏi: “Rồi mọi người có bị gì không?” Thốt nhiên, tôi nhớ đến chuyến đi của người chị họ cũng bị hải tặc. Huấn vẫn không trả lời. Không khí tự nhiên trĩu nặng. Bỗng Huấn nói: “Bị hải tặc có ai thoát khỏi bị ô nhục chứ!? Đã mấy chục năm rồi, mỗi lần nhớ lại, Huấn có cảm tưởng như mọi việc mới xảy ra hôm qua, Huấn vẫn còn nghe tiếng click khô khan từ họng súng của tên hải tặc”, “Hả, tụi nó bắn người hả?”, “Không, nó bắn Huấn”. Tim tôi đập thình thịch, xe vừa rẽ khỏi xa lộ, còn khoảng hơn 10 phút sẽ về đến nhà, tôi bảo Huấn: “Thôi Huấn đừng kể nữa, về đến nhà hãy kể tiếp, bây giờ chăm chú lái xe đi.”, Huấn mỉm cười, phảng phất nét thơ ngây ngày xưa.
Tôi chưa bao giờ nghe chuyện Huấn bị hải tặc bắn, chỉ biết tàu của Huấn bị hải tặc, nhưng mọi người đến bến bờ bình an.
Tôi nắm nhẹ tay Huấn, bàn tay lạnh ngắt rin rít mồ hôi. Tôi nói: “Về đến nhà, em sẽ pha trà nóng, chúng ta uống trà và kể chuyện, em chưa nghe bất kỳ ai trong nhà nói về chuyện này”, “Huấn nghĩ chuyện chẳng có gì, nên cũng không kể, hôm nay không hiểu sao lại nói đấy chứ!”
Tôi vỗ vỗ vào tay Huấn: “Khi nói ra, thì sẽ nhẹ đi, không còn nhớ nữa!”. Huấn gật đầu, mỉm cười.
“Thấy bọn hải tặc nhảy qua tàu, mọi người hét lên, phụ nữ dựa sát vào nhau, cố dán thân vào những khe gỗ ở thành tàu, và áp mặt sát sàn tàu. Có người nói to: “Đưa tiền hay vàng cho tụi nói đi!” Như một mệnh lệnh, mọi người tháo dây chuyền, nhẫn, bông tai đưa cho chủ tàu. Ông này sợ xanh cả mặt, nhưng vẫn cố gắng đứng lên đưa đống nữ trang cho tên hải tặc gần ông nhất. Tên này vung tay ra dấu cho ông ngồi xuống. Sau đó, bọn chúng từng đứa một, lôi xềnh xệch những phụ nữ ra khỏi nơi ẩn nấp thô sơ. Huấn và những người đàn ông khác bất lực ngồi chịu trận. Lúc đó người Huấn nóng ran, miệng Huấn khô không có một giọt nước miếng, môi nứt chảy máu đau điếng. Bỗng có tiếng la thất thanh: “Đừng đừng tha cho con tôi, nó mới 11 tuổi, ông ơi ông tha cho con tôi”. Huấn nhìn lên thấy tên hải tặc đang kéo đứa bé gái. Không hiểu một sức mạnh nào đã kéo Huấn đứng dậy, chạy đến bên đứa bé, Huấn nói bằng tiếng Anh: “Bỏ nó ra”, tên hải tặc khựng lại, nhìn Huấn, cười sằng sặc. Huấn nói tiếp: “Muốn làm gì đứa bé này, thì hãy giết tôi trước đã”. Tên hải tặc nhíu mày, ngừng cười, nhìn Huấn, không nói không rằng, rút khẩu súng đeo bên hông, kê ngay giữa trán Huấn và bấm”. Tôi lắp bắp: “Huấn nghĩ gì lúc đó? tại sao Huấn lại hành động như thế?”, “Vì đôi mắt thất thần của con bé lướt qua mọi người và dừng lại ở Huấn, kế nữa là không chịu đựng nổi cảnh nhục nhã; và ai cũng phải chết, Huấn nghĩ chọn cái chết có chút giá trị”. “Rồi sao nữa, tại sao tên hải tặc không bắn Huấn”, “Nó bắn, nhưng đạn bị kẹt, nó bấm lần thứ hai, đạn vẫn bị kẹt.” Khuôn mặt Huấn chợt tái, tôi vội đưa cho Huấn tách trà: “Kinh khủng quá, thế mà Huấn không kể, cả nhà có biết gì đâu!”. “Để Huấn kể nốt, sau khi nó thấy súng không nhả đạn hai lần, nó hạ súng xuống, nhìn Huấn rồi cúi đầu, bỏ đi. Đồng bọn của nó cũng rút lui và cho tàu chạy nhanh. Chỉ một chốc, nó chỉ còn là cái chấm đen ở chân trời”. Tôi thở hắt ra: “Phước đức nhà mình lớn lắm, nếu không thì…”, Huấn nhìn tôi: “Ừ, Huấn cũng tin như vậy, mọi người trên tàu cũng tin như vậy.”, “Rồi sao nữa?”, “Khi tới đảo, biết Huấn không có thân nhân ở ngoài này, nên mẹ cô bé nhận Huấn làm em, và cho Huấn đi chung với gia đình chị ấy sang Mỹ”, “Huấn vẫn còn liên lạc với họ chứ? Con bé chắc đã có gia đình rồi?”, “Sau khi đến Mỹ, Huấn dọn ra ở riêng, vừa đi làm vừa đi học. Một thời gian sau gia đình chị ấy dọn sang Âu Châu đoàn tụ với đại gia đình. Lâu rồi, Huấn không liên lạc nữa, mọi người đã có đời sống an bình, quá khứ đã được gói kín, không ai muốn gặp lại những người đã chứng kiến nghịch cảnh của họ, mình nên hiểu như thế”.
Huấn uống trà, và ngỏ ý muốn về. Tôi nói: “Huấn có hẹn hả? Sao không giới thiệu? Thằng bé Vinh có đồng ý không?” Huấn nhìn tôi, không trả lời, một lát sau, Huấn hỏi nhỏ: “Hương nghĩ sao về người đàn bà bỏ chồng?”, “Cũng tùy anh Huấn à, chuyện gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó. Khó có thể nghĩ một người đang hạnh phúc lại muốn rời bỏ hạnh phúc, thể nào cũng có chuyện gì khó giải bày!”, “Hương biết chuyện của Huấn như thế nào?”, “Thì em cũng nghe cả nhà nói chị ấy bỏ đi. Sơ sơ thôi, vì không ai biết gì nhiều”. Huấn mỉm cười: “Vậy thì tốt”. Tôi dè dặt hỏi: “Hai người lấy nhau được bao lâu thì chị ấy bỏ đi vậy?” Huấn nhìn tôi, vẫn với nụ cười mỉm ngày còn nhỏ: “Tính điều tra hả? Không sao. Cô ấy ở với Huấn được hơn 10 năm, khi đó thằng Vinh gần 10 tuổi, thì cô ấy bỏ đi”, “Huấn có biết tại sao không?”, Huấn không nhìn tôi: “Có lẽ cô ấy không hạnh phúc với Huấn”, “Ở với nhau đến 10 năm mới biết không hợp ư?”, “Đôi lúc cần chừng đó thời gian hoặc hơn, mới có thể hiểu được mình muốn gì. Nhiều khi phải sống với nhau thật lâu, mới nhìn thấy những khuyết điểm mà mình không thể nào chịu nổi”, “Huấn có khuyết điểm gì? Cả giòng họ đều khen Huấn. Chính mấy chị em gái trong nhà cứ ước ao phải chi có được ông chồng giống Huấn”. Huấn cười: “Đừng ham như thế, nguời ít nói như Huấn, không hay đâu. Vợ Huấn thường phàn nàn, ở với Huấn chán lắm, vì không biết nói chuyện!”, “Thì ra khuyết điểm của Huấn là ít nói”, “Có thể thế, ít nói sẽ khiến môi trường chung quanh buồn tẻ, không có sức sống”. Tôi chưa biết nói gì, Huấn nhìn tôi nói nhỏ: “Cô ấy đã trở về”. Tôi chưng hửng: “Hả? chị ấy đã trở về, từ hồi nào? Bây giờ chị ấy ở đâu?” Huấn thong thả: “Cô ấy bỏ đi 5 năm và đã trở về hơn hai năm nay. Đang ở nhà với Huấn và cháu Vinh. Cô ấy xin Huấn tha thứ. Ban đầu Huấn không biết phải làm thế nào. Huấn nghĩ đến con, nó cần có mẹ. Nhưng thực sự, ánh mắt của cô ấy khi Huấn ra mở cửa, là ánh mắt của con bé ở trên tàu. Ánh mắt khiến lòng mình mở ra, khiến mình hiểu mình là cái phao duy nhất và cuối cùng của họ giữa đại dương. Một sức mạnh vô hình đã khiến Huấn dq 1 v ang hai tay đón cô ấy, an ủi cô ấy.” Tôi nhìn Huấn: “Huấn tha thứ cho chị ấy?”, Huấn gật đầu: “Trong cuộc đời, nếu mình được là người quyết định, thì nên có quyết định nhân ái”. Tôi còn đang lặng người vì quan niệm của Huấn, thì Huấn có điện thoại, tôi nghe Huấn nói: “Chờ anh về ăn cơm với em”.