Menu Close

Maine du ký – Kỳ 1

Sau hành trình ở đảo quốc Nam Mỹ Trinidad & Tobago. Andy thông báo đi chụp Loon – một loài chim lặn gần tuyệt chủng đang trong mùa sinh sản ở Maine. Tôi coi bản đồ, Maine là một tiểu bang thuộc vùng New England nước Mỹ. Phía đông bắc giáp New Brunswick, một tỉnh bang của Canada. Cái tiểu bang lẻ loi này nằm xa nhất về hướng bắc của New England, phía tây giáp New Hampshire.

alt

Andy trấn an rằng “chỉ mất” có hai mươi mấy tiếng chạy xe chớ mấy. Chưa đi mà tôi đã nghe ngán. 2.30 sáng rời nhà. Chiếc Camry màu đỏ chót mướn của hãng Budget. Andy nói loại xe này đỡ hao xăng.

Sớm, tôi tranh thủ ru giấc mộng vàng. Gần trưa, tỉnh giấc lơ mơ hỏi Andy đã tới đâu rồi vậy. Đường xa, chặng nghỉ nhiều nhất là mấy cái rest area, trạm xăng, mấy tiệm fastfood.  Đi Trinidad về, tôi tuyên bố say no với MacDonald’s. Vậy mà trời nóng đã khó dằn lòng được với vanilla ice cream.

Ngồi xe, tôi chỉ thích ngắm cảnh và ngủ. Trong lãnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên ngành wildlife. Tôi vác máy nhiều đến độ là ngày đau nhức, đêm ê ẩm. Và chỉ mong có được cơ hội thư giãn. Tác nghiệp với những hình ảnh info cho phóng sự báo, tôi chỉ cần móc trong túi ra cái point and shoot camera và bấm. Hình ảnh sinh hoạt thường ngày, lỡ khi làm biếng… sống, thì chỉ cầm cái iPhone và click là xong.

Và chỉ những hình ảnh thuộc thể loại chuyên đề wildlife và nghệ sĩ, tôi gởi gắm  nơi  trang nhà www.hanhphoto.com . Nơi đây là một thế giới đặc thù của riêng tôi, và rất tôi. Với tôi, nghệ thuật của thị giác là thế giới quan của khả năng tiếp nhận đời sống bằng ngôn ngữ hình tượng. Và để trở thành nhà nhiếp ảnh sáng tạo, tầm nhìn phải vượt qua thứ nhiếp ảnh thông thường. Bức ảnh phải là một chất liệu được mô tả bằng chức năng thẩm mỹ, không phải là một sản phẩm photoshop nhào nặn.

Gần chập tối, hai lãng tử mới lái  đến South Carolina. Thị trấn heo hút, lẻ loi một cái tên New Hong Kong buffet trong GPS. Vừa bước vô tôi đã nghe chán. Cái tiểu quán eo xèo, ghế bàn gãy gọng. Bà chủ quán xí xô tiếng Quảng, đứng vón vén khay thức ăn, trông hà tiện. Tôi nhìn mấy tray food lưng chừng, lèo tèo vài món ăn. Dừng mắt  ở quầy salad, trơ trọi vài trái trứng luộc nằm lỏng chỏng trong khay. Tôi lấy qua loa đĩa thức ăn về bàn. $9.95/dinner, tôi nghe gã bàn bên đang càm ràm chửi thề.

Ra khỏi quán là dông suốt. Hành trình đêm luôn đơn độc. Ngồi xe chán, tôi cầm cell dựng đầu đứa bạn thân từ thuở khi xưa ta bé để cỏn chuyện. Tôi hiếm bạn, chỉ còn mỗi đứa bạn chí cốt bao năm chưa hề …quánh lộn. Andy cho biết, tối nay sẽ ngủ ở “khách sạn không sao”. Hai lãng tử bụi bặm, triền miên với nhà trọ lộ thiên rest area. Dẫu ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân luôn là điều cần thiết, nhưng lắm khi phải nhượng bộ cho sự cần kiệm thời gian. Andy đùa rằng, lười tắm và ở bẩn là bí quyết tạo nên hình ảnh quyến rũ của chàng ma cà rồng đẹp trai trong bộ phim Chạng Vạng (Twilight). Robert Pattinson đã hồn nhiên tâm sự trên trang cá nhân của mình. Và rằng mái tóc bồng bềnh, lãng tử mà cả triệu người mơ ước của mình có được là nhờ không gội đầu và đội mũ cả ngày.

Ngủ ở rest area có an toàn không hả? Nhiều đêm trường bụi bặm ở những nhà nghỉ lộ thiên này, tôi chưa hề gặp qua những trường hợp bất trắc. Vì thường, chúng tôi chọn những vùng an ninh “night time security”; luân phiên có cảnh sát và nhân viên thường trực. Kiếm chỗ đậu xe nơi có đèn sáng choang, đi restroom nên cần có “body guard” hộ tống, nếu là phụ nữ. Một bạn đọc  gởi email khuyên tôi nên tìm học môn võ Karate để tự vệ. Ông còn chỉ thêm lỡ gặp những trường hợp nguy cấn, hãy lướt vài cú yoko geri vào hông, hiểm nhất là thụi mấy quả kin geri vào…chỗ “hiểm hóc”  của đối phương. Tôi chưa thử mà đã ngán.

Sớm café ở MacDonald’s. Tôi mơ về một tô hủ tiếu. Andy nói sẽ dừng ở Virginia ăn trưa. Giờ ngọ. Hai lãng tử lần quần ở khu thương xá Eden. Tô hủ tiếu Nam Vang ăn một lần nhớ mãi, vậy mà tôi lại quên béng cái tên tiệm.

Dọc ngang hàng thực đơn dán trước cửa mỗi quán ăn, dài như sớ táo quân. Chưa đọc đã nghe tẩu hỏa. Andy đói bụng, giục tôi quyết định lẹ lên chớ, cái dạ dày xuống đường rồi.

Thôi kệ. Có còn hơn không, có còn hơn không. Thà như giọt mưa…!

Vô nhà hàng La Cai, kêu đại hai tô hủ tiếu thập cẩm. Tôi ăn xong và chợt hối tiếc. Phải chi nghe lời của nhà thơ Hoàng Định Nam thì đã thử qua Hải Ký Mì Gia rồi.

Nữ waitress phục vụ với thái độ nhã nhặn, ân cần. Tô hủ tiếu dẫu chẳng mấy ngon miệng, khách vẫn cảm giác hài lòng để lại tiền tip công xứng. Tôi chợt nhớ đến một tiệm phở ở California, khi gia đình tôi đi ăn phở. Vô quán, một nhân viên chạy bàn, giọng cộc lốc:

Hỏi: – Mấy người?

Trả lời: – 2 người

(Nhân viên chỉ tay: – Ngồi kia. Rồi đưa menu, đặt xuống bàn đĩa rau giá)

Hỏi: – Ăn gì?

Trả lời: – Cho chúng tôi 2 tô phở tái nạm gầu

Hỏi: – Lớn, nhỏ?

Trả lời: – 2 tô nhỏ, một tô ít thịt

Hỏi: – Uống gì?

Trả lời: – 2 ly nước lạnh, được rồi

Chừng chập sau, hai tô phở bưng ra, đặt cái rụp xuống bàn, rồi bỏ đi.

Ăn xong, tôi đến quầy tính tiền.

Hỏi: – Bàn nào?

Trả lời: – Cái bàn đó (chỉ tay về hướng bàn ngồi)

Tôi trở lại bàn, chần chừ. Rồi móc bóp để lại 1 đô tiền tip. Nhân viên tiết kiệm lời, khách cần kiệm tiền tip. Công bằng trong cách ứng xử ở thái độ phục vụ. Tôi được biết, các nhân viên chạy bàn, bán hàng ở Cali này họ chỉ được trả lương, không tip nên thường có những biểu hiện bất cần, khiếm nhã với khách hàng. Và ngược lại, người mua đôi khi ỷ lại ở thái độ có tiền để hạch sách.

Văn hóa mua-bán là cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, thái độ xử sự giữa những con người trong xã hội. Ở một xã hội văn minh, tính chuyên nghiệp ở thái độ phục vụ luôn là tiêu chuẩn hàng đầu ở bất kỳ ngành nghề. Điều này, thể hiện sự giáo dục sâu xa ở ý thức văn hóa giao tiếp giữa người và người. Và thế, đồng tiền chẳng phải là điều quyết định nhân cách của một con người. 

Cái nóng giữa trưa vẫn đang hừng hực. Hai khách lạ đi lên đi xuống, rồi tạt vô mấy tiệm food to go. Tôi mua mấy cái bánh ít nhân đậu xanh, gỏi cuốn và hai vỉ bắp luộc. Vỉ gỏi cuốn hai cái, giá bán không khiêm nhường và sao trông cứ như là hai cái chả giò mini. Cái bánh ít nhân đậu, phần xác gói lá chuối  dày cộm rồi mới tới cái phần hồn tẻo teo chút bột và nhân. Táp chừng hai miếng là nhẵn sạch. Kinh tế đao nên cái gì cũng tuột dốc. Đáng mừng là Thương xá Eden cũng người Việt mình vẫn sầm uất. 

alt

Thương xá Eden, Virginia

Đến quầy trả tiền. Cô cashier vẻ mặt hình sự, lầm lì. Tương phản với hình ảnh đẹp của nhân viên chạy bàn ở nhà hàng Hủ tiếu La Cay. Cũng Cali, nếu bạn có cơ hội tạt qua vài tiệm food to go. Tôi chắc hẳn rằng thái độ phục vụ của các nữ “nhân viên FBI” ở đây, cũng sẽ cho bạn cái cảm giác…buồn lòng, khách dông!

Tài xế Andy cho biết chỉ còn được 10 phút sẽ đề-pa. Đi săn ảnh mà giặc giã như quân hành. Tôi tranh thủ đứng xếp hàng ở tiệm Thanh Sơn Tofu. Mắt soi mói vào mấy khay xôi bốc khói, dạ dày rộn rã. Ông khách lạ cạnh bên, giới thiệu “ngon lắm, cô ăn thử món xôi sầu riêng đi, tôi ăn xôi này mỗi ngày thế cơm”. Bị dụ, tôi dớt luôn 2 hộp và order thêm 2 ly chè ba màu tổ chảng. Mấy ly chè được dán kín sạch sẽ. Tiệm food to go này phục vụ nhanh gọn, tiêu chuẩn vệ sinh cao.

alt

Tác giả trong một tiệm thực phẩm người Việt trong thương xá

Ra xe, thử liền món xôi sầu riêng. Món xôi đặc biệt ngậy hương với đậu xanh và sầu riêng. Thầm cám ơn ông khách lạ, nhưng mà phải xực mỗi ngày thế cơm như ông, tôi chịu. Ngán tới đầu.

Ngồi xe lâu, thú vui với đường trường chỉ ăn vặt và coi phim, thỉnh thoảng tôi đọc sách. Một tủ sách “dăng học” mà hành trang mang theo chỉ là một cuốn thơ, một cuốn Tâm Bệnh Học của bác sĩ Phạm Toàn được ký tặng lúc tôi qua Dallas. Khí sắc rối loạn (chắc) nên tự dưng cảm hứng với mấy loại sách tâm thần học. Mới lướt qua vài trang chữ, mắt đã nhấp nháy như cái đèn xi-nhan. Tôi kill time bằng mấy cuốn phim chọn lọc mang theo. Coi phim trong laptop, trang bị thêm cái headphone là quên hẳn sự tất bật của dòng  xe cộ đang vèo vèo ngoài xa lộ. Phụ nữ Mỹ mê “Pretty Woman”, tôi say đắm với kinh điển “Ngục thất Shawshank” (The Shawshank Redemption). Tôi không nhớ mình đã xem bao lần rồi, đến đã nằm lòng từ diễn biến tình tiết và lời thoại phim. Với diễn xuất tuyệt vời của Tim Robbins, Morgan Freeman. Một kết thúc khó thể làm bạn thất vọng. The ending never fails to pump me up. Tuyệt!

alt

Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn trước quầy thực phẩm

Đường khuya, coi phim và gặm bắp luộc. 3 cuốn phim, 5 trái bắp; phải chừa lại 1 trái cho Andy vì cảm giác tội lỗi. Oh well, “get busy living or get busy dying” (lời thoại trong phim).
25 giờ đồng hồ trên xa lộ. Mới nửa đoạn trường mà cái mông đã dần tê liệt cảm giác. May, tôi lại có cái thú sưu tầm key chain nên đỡ chán. Đến mỗi tiểu bang, tôi kiếm mua xâu khóa. Andy nói tôi hay thích sưu tầm nhiều thứ lạ đời.

Bà Debra gọi phone Andy hỏi đã đến chưa. Và báo cáo tình hình rằng mấy con baby loon vẫn còn được cõng trên lưng mẹ. Debra nghiên cứu cầm điểu. Nghề wildlife photographer đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về động vật hoang dã. Và được làm việc với các nhà sinh vật học chuyên ngành luôn là điều lý thú với chúng tôi. 

Mệt, tôi chỉ mơ về cái bến đỗ. Giờ thì viết lui tới chỉ có mấy cái rest area, boring chết được.

alt

Tiệm bánh trong Eden Center

ĐMH
www.hanhphoto.com