Tại Olympic mùa hè năm nay, có những người đóng góp một phần nhỏ nhưng quan trọng và đôi khi đóng góp của họ không được bạn bè và đồng nghiệp biết đến. Họ không phải là vận động viên, không phải là huấn luyện viên và cũng không phải là các nhà tài trợ…

Đội tuyển nữ bóng đá Hoa Kỳ hát Quốc Ca khi lãnh huy chương vàng
Dù buổi lễ khai mạc có quy mô đến đâu thì phần nhạc được nghe nhiều nhất trong dịp Olympic vẫn là 216 bài quốc ca (hoặc quốc thiều) của các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tham dự Olympic vừa qua. Dù có chiến thắng được huy chương nào hay không thì các bản quốc ca này sẽ được tấu lên ít nhất một lần, khi các vận động viên bước vào sân trong lễ khai mạc.
Người sáng tác các bản quốc ca đôi khi ít ai biết đến, dù tác phẩm của họ được hàng triệu người hát mỗi ngày. Thông thường, người ta sẽ nghĩ tác giả các bản quốc ca đã qua đời hàng trăm năm trước, ví dụ như bài Quốc Ca Hoa Kỳ The Star-Spangled Banner được viết năm 1814 hay bài God Save the Queen (Quốc ca Anh) còn được viết trước đó nữa. Nhưng vẫn còn một số tác giả quốc ca vẫn đang sống khỏe và câu chuyện họ viết quốc ca khá ly kỳ. Viết nên bài quốc ca có thay đổi cuộc sống của tác giả?
Nigeria (quê hương của Fela Kuti)
“Cuộc sống tôi đã thay đổi thế nào sau khi viết quốc ca? Không một chút nào hết” ông Sota Omoigui cười lớn. Người đàn ông 52 tuổi này đang là giám đốc của một viện điều dưỡng ở Los Angeles và là tác giả Quốc Ca Nigeria. “Đúng ra tôi nhận được phần thưởng là vài cuốn sách nhưng cuối cùng cũng chẳng thấy đâu. Thật ra tôi cũng không quan tâm lắm nhưng nếu được ghi nhận chút ít thì cũng vui”
Năm 1977, Nigeria mở cuộc thi… viết Quốc Ca và Omoigui, năm đó mới 16 tuổi và đang là một sinh viên y dược ở Lagos đã hăm hở tham dự. Năm đó, Nigeria vừa thoát khỏi những năm tháng nội chiến và các lãnh đạo đất nước mong muốn có một bài hát đoàn kết được nhiều dân tộc ở Nigeria lại với nhau.
Cuộc thi viết quốc ca đó được khoảng 1500 người tham dự và bài thơ của Omoigui kêu gọi hòa bình và thống nhất – đã vượt trội hơn và được chọn cùng với 4 người khác để ráp lại thành bản nhạc cuối “Hãy đứng lên hỡi các đồng bào.”
Nhưng thật không may, theo lời Omoigui, Nigeria không bao giờ theo được như những lời mà ông đã viết ra. “Khi tôi viết, đó là giấc mơ của tôi muốn đất nước tiến lên và có được vị trí sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Nhưng tiềm năng đó đã bị tước đoạt mất bởi sự lãnh đạo yếu kém. Đôi khi tôi tự hỏi không biết chúng tôi đã sẵn sàng để độc lập hay chưa.” Omoigui đã rời Nigeria chỉ vài năm sau khi viết lời cho quốc ca vì tin rằng đó là cách duy nhất để xây dựng được sự nghiệp.
Câu chuyện của Omoigui gần như giống hệt những gì mà Babatunde Ogunnaike, người cũng tham gia viết lời cho Quốc Ca Nigeria kể ra. Hiện tại, ông đang là Trưởng Khoa Cơ Khí tại đại học Delaware (Mỹ). Khi có cuộc thi viết lời, Ogunnaike đang là chàng sinh viên 21 tuổi và không hề có ý định tham gia cuộc thi. Nhưng sau khi báo chí in lời một số bài thơ tham gia đầu tiên, theo ông là quá dở nên ông cảm thấy có lẽ mình cần đóng góp.
Chỉ vài tuần sau khi gửi bài thơ, ông rời Nigeria để đến Mỹ học. Và đến năm 1978, ông nhận được bức điện tín từ bố, kể lại rằng phần lời của ông viết đã được chọn và sẽ nhận được phần thưởng 50 naira (khoảng 31 cent). “Đó là một món tiền đáng kể vào thời điểm đó nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được.” Trong thập niên 80, Ogunnaike có trở lại Nigeria nhưng chỉ được vài năm thì quay lại Mỹ.
Dù họ có thất vọng ở đất nước Nigeria nhưng cả hai đều tự hào khi viết lời cho bài hát và thành tích đó luôn được họ viết một cách rất trân trọng trong lý lịch của mình.

Babatunde Ogunnaike. Tác giả Quốc Ca Nigeria
Barbados (quê hương của Rihanna)
“Tôi không thể viết quốc ca theo điệu calypso được,” Irving Burgie, người sáng tác quốc ca Barbados thoạt tiên bị sốc với đề xuất này. “Mẹ tôi nghĩ rằng calypso là một điều tục tĩu”. Dĩ nhiên có lý do khi trò chuyện về calypso với Irving Burgie, năm nay đã gần 90 tuổi và đang sống ở New York. Ông ấy là cha đỡ đầu của điệu nhạc này.
Trong thập niên 50, ông là người viết nhạc chính cho Harry Belafonte với các bản nhạc quen thuộc như “Day-O” (bản nhạc rất quen thuộc, gần đây được Jason Derulo sử dụng lại trong bài Don’t wanna go home), “Island in the Sun” và “Jamaica Farewell” (lời Việt là Lời yêu thương “Ngày nhộn nhịp về trên khu phố, Có cô em tung tăng, đôi môi cười hoa thắm”).
Năm 1966, một cách tình cờ, ông viết bài Quốc Ca Barbados. Mẹ ông là người Barbados nhưng Burgie lớn lên ở Brooklyn. Ông chưa bao giờ đến đất nước này mãi đến năm 30 tuổi. Ông xem bài quốc ca mình viết ra giống như một đóng góp cho trào lưu nhân quyền toàn thế giới. Ông nhìn nhận phần lời mình viết ra là khá mạnh mẽ, với ý chống thực dân nhưng chính quyền Barbados đã có chút sửa đổi, làm mềm đi để tránh động chạm đến nước Anh.
Quần đảo St Kitts & Nevis
Năm 1983, Kenrick Georges 28 tuổi và viết nên bài quốc ca cho St Kitts & Nevis, một quần đảo ở Caribe.
Sau khi ca khúc được chọn, ngay lập tức, ông nhận được lời mời viết nhạc ở Châu Âu cho một chương trình truyền hình. Ông phải lựa chọn giữa ở lại để chứng kiến sự độc lập của quê hương với việc theo đuổi và thỏa mãn tham vọng cả đời. “Tôi chẳng có chút xíu gì muốn ở lại. Nhưng mẹ tôi nói với tôi ‘Kenrick, con là người đầu tiên trong gia đình đạt được một điều gì đó. Mẹ muốn con có mặt để nhận giải thưởng.’ Và tôi đã ở lại phải ở lại và mất đi hợp đồng viết nhạc kia.” Đêm trao giải đó dĩ nhiên là vui vẻ nhưng sau đó, ông nhận ra mình bị kẹt lại ở đảo với cơ hội rất ít ỏi và liên tục bị thất vọng bởi hướng đi chính trị của chính quyền.
Chỉ 3 năm sau đó, ông rời đi New York để làm việc xây dựng. “Tôi ở khu Bronx và khó để có được một việc làm ổn định bởi tôi không phải là công dân Mỹ.” Khi bạn bè ông ở Mỹ nghe kể ông là người sáng tác quốc ca, họ không thể hiểu được tại sao ông không sống một cuộc sống vương giả.
Nhưng câu chuyện của ông có cái kết có hậu. Bảy năm trước, một nhà báo tài tử đã liên lạc và nói rằng cô đến từ St. Kitts và đang nghiên cứu về bài quốc ca. Cô rất ngạc nhiên khi biết rằng ông còn sống và mong muốn được gặp. “Thật tình là tôi rất tự hào về bài quốc ca, đó là đóng góp của tôi đối với đất nước. Và đóng góp đó không phải là công cốc vì người phụ nữ mà tôi cưới, cô ấy đã tìm đến tôi bởi vì bài quốc ca đó và cô ấy là phần tốt đẹp nhất của cuộc đời tôi.” Cô nhà báo kia cuối cùng đã kết hôn với ông.