Tòa án Nga hôm 22 tháng 8 vừa qua đã tuyên án 2 năm tù giam cho 3 thành viên của ban nhạc rock Pussy Riot. Họ đã bị truy tố vì đã trình diễn một bài hát nhạo báng Tổng thống Vladimir Putin tại một nhà thờ.
Các nữ ca sĩ nói rằng buổi biểu diễn của họ tại nhà thờ chính của thành phố là để phản đối mối quan hệ khăng khít giữa giáo hội Chính thống giáo và chính phủ.

Bên ngoài tòa án, cảnh sát đã bắt một số người trong số hàng trăm người tụ tập ủng hộ ban nhạc, trong đó có cả các nhà hoạt động đối lập nổi tiếng như nhà cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov.
Những người chỉ trích ông Putin cho rằng phiên tòa là một ví dụ cho thấy sự thiếu khoan dung đối với giới bất đồng. Thẩm phán tuyên bố bản án dựa trên kết luận cho rằng các nữ ca sĩ có động cơ gây hận thù tôn giáo.
Những kẻ gây rối là Nadezhda Tolokonnikova, 23 tuổi; Maria Alyokhina, 24 tuổi; và Yekaterina Samutsevich, 29 tuổi; thành viên của nhóm nhạc Pussy Riot. Vào ngày 21.2.2012, cả ba đã đeo mặt nạ, mặc áo hở vai và váy ngắn, bước lên bệ thờ của nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moscow, vừa hát vừa gào một bài ca có câu: “Mẹ Mary xin hãy đuổi Putin đi”. Các thành viên bị bắt giam ngay sau đó, và bị đưa ra xét xử từ hôm 30.7 với cáo buộc “quậy phá có động cơ thù hằn hay chống đối tôn giáo”.
Tại tòa ngày 30.7, thành viên Tolokonnikova phát biểu: “Màn trình diễn của chúng tôi không chứa đựng sự thù hằn đối với công chúng chỉ là một mong ước liều lĩnh để thay đổi tình hình ở Nga theo hướng tốt hơn”. Pussy Riot cho rằng những hành vi của họ ở nhà thờ Chúa Cứu thế Moscow không phải là phỉ báng tôn giáo, mà là để bày tỏ sự phản đối của họ với ông Putin, và phản đối sự ủng hộ của nhà thờ Nga với ông Putin.
Các phiên xét xử ở tòa án Khamovnichesky không chỉ thu hút sự quan tâm của báo chí Nga. Hơn 20 nhóm truyền hình quốc tế của các hãng tin nổi tiếng thế giới như BBC, CNN, Reuters, AP, v.v… cũng theo sát diễn biến ở Khamovnichesky. Thậm chí, trong ngày xét xử đầu tiên, diễn biến phiên tòa còn được phát trực tiếp trên YouTube vài ba tiếng trước khi bị đề nghị ngưng lại. Và các luồng thông tin về vụ việc này vì thế cũng hết sức đa dạng.
Báo quốc doanh Nước Nga Ngày Nay có các tường thuật hài hước với các chi tiết về việc bị can Maria mặc váy mà ngả người và gác chân lên thành khoang giam, việc một nhân viên ở tòa la lên “Có đe dọa đánh bom!” khiến mọi người chạy tán loạn, rồi việc phải đưa một con cảnh khuyển ra khỏi phòng xét xử vì luật sư biện hộ… sợ chó. Trong khi đó, các bản tin của đài Tiếng Nói Nước Nga cho thấy một thái độ trung lập với những trích dẫn từ người theo đạo, cho rằng hành vi của các cô gái Pussy Riot là xúc phạm tín ngưỡng, bên cạnh những phân tích để làm rõ động cơ chính trị hay tôn giáo của các cô gái gây rối.
Báo The Guardian của Anh lại đăng tải những dòng nhật ký pháp đình của Pyotr Verzilov, chồng của bị can Nadezhda Tolokonnikova. Những ghi chép này lại cho thấy những hành vi của ba cô gái Nga trước tòa là “hiên ngang”, “mạnh mẽ”. Các phương tiện truyền thông quốc tế ngoài các tường thuật về phiên tòa, còn dẫn lời các phía liên quan như chức sắc nhà thờ, giới nghệ sĩ, giới chính khách, và các nhà hoạt động nhân quyền.
Ba ngày sau khi Pussy Riot bị đưa ra xét xử, ông Putin đến London trong chuyến thăm không chính thức nước Anh. Đứng trước báo giới Anh, được hỏi về quan điểm cá nhân trước vụ xét xử ba cô gái Nga nổi loạn, ông Putin vào cuối ngày 2.8 trả lời: “Không có gì tốt trong những việc mà họ đã làm, nhưng tôi không nghĩ là họ phải bị xét xử quá nghiêm khắc. Tôi hy vọng tòa án sẽ ra quyết định đúng đắn, hợp lý”.
(Tổng hợp)