Menu Close

Chênh lệch cán cân quyền lực Hoa Kỳ – Trung Cộng

Gần đây, trên vùng Biển Đông dồn dập những sự kiện khiến nhiều người quan ngại trước sự lấn lướt hồ đồ, thậm chí có phần hiếu chiến của Trung cộng. Không ít dư luận đánh giá Trung cộng đã tích luỹ đủ tiềm lực siêu cường, nay như mãnh hổ có thể đơn phương thâu tóm cả Biển Đông. Thực hư sức mạnh anh khổng lồ này ra sao, có lẽ cần nhiều phân tích sâu xa. Trong loạt bài Trung cộng trên trang báo này, chúng tôi đã thử nêu lên vài ghi nhận về nền kinh tế thiên hướng cơ hội, gian dối, và cả… may rủi, hơn là dựa vào nội lực thật sự; cũng như một số vấn nạn xã hội ngầm, đe doạ sự bình ổn của Trung Hoa lục địa; lẫn thế đứng xem ra khá đơn độc của Trung cộng trong cuộc cờ Biển Đông thế kỷ 21.

alt
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong hội nghị song phương với Trung Cộng ngày 02/5/2012 – Nguồn morning whistle.com

Để hiểu rõ hơn sức mạnh của Trung cộng, có lẽ cũng cần so sánh tương quan của họ với siêu cường mạnh nhất thế giới ngày nay là Hoa Kỳ. Các khác biệt về kinh tế, quân sự, ảnh hưởng chánh trị, hệ thống giá trị… có thể giúp làm sáng tỏ thêm nội lực cũng như vị trí thực sự của Trung cộng trên bàn cờ thế giới.

Về kinh tế, nếu chỉ vì con số đo kích thước kinh tế Trung cộng đã qua mặt Nhật Bổn, chỉ nhỏ hơn Hoa Kỳ, rồi kết luận Trung cộng đã vươn vai lên hàng siêu cường, thậm chí sắp vượt luôn Hoa Kỳ – e rằng có phần hơi vội vã. Thực tế, cả nền kinh tế Trung cộng chỉ bằng khoảng 1/3 Hoa Kỳ, trong khi dân số đông hơn gấp 4 lần. Tính thu nhập trung bình đầu người, người Hoa được $4,500 / năm, là con số lẻ, khá khiêm tốn so với thu nhập $47,000 / người Mỹ / năm. Điều này có thể giải thích vì sao sức tiêu thụ của khách hàng nội địa ở Trung Hoa lục địa chỉ đạt 34% GDP — thuộc vào hàng khá thấp trên thế giới. Chỉ số tiêu thụ của người Mỹ là 70% GDP. Đây là các con số biết nói, vì nội lực của khách hàng, sức họ tiêu thụ hàng hoá, là những tiêu chí quan trọng để lượng định sức mạnh cả nền kinh tế. Có thể xét thêm các con số tổng sản lượng quốc dân. GDP của Hoa Kỳ là $14,800 tỉ, trong khi Trung cộng chỉ xấp xỉ $5,400 tỉ. Đến năm 2015, tỉ lệ nợ quốc gia đối với tổng sản lượng quốc dân của Trung cộng, theo ước đoán độc lập là 89%, cao hơn rất nhiều con số 79% của Hoa Kỳ.

Kinh tế Hoa Kỳ trên thực tế cũng là trung tâm của tất cả các ngành kỹ nghệ chánh yếu, nắm giữ sinh mạng kinh tế toàn cầu: tài chánh, quân sự, không gian, xe hơi, kỹ thuật cao, và nhiều ngành kỹ nghệ khác. Trong danh sách 10 đại công ty lớn nhất hoàn vũ, có 5 thuộc chủ quyền người Mỹ, còn Trung cộng hoàn toàn vắng bóng. Trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, điểm tín dụng của Hoa Kỳ có lúc bị đánh xuống, song vẫn luôn cao hơn Trung cộng. Ngược lại, một trong những vấn nạn lớn của kinh tế Trung cộng là chuyện chữ TÍN bất an. Các loại làm ăn gian dối, tham nhũng, giả tạo những chỉ số thống kê của chánh phủ… trong nhiều năm khiến uy tín Trung cộng bị tổn hại nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm tín dụng. Có lẽ không khó hiểu, với cách điều hành kinh tế nhiều phần… chụp giật, coi trọng hên xui hơn phẩm chất, mà ngày nay hơn phân nửa dân số Hoa Lục vẫn còn sống trong những ngôi làng nghèo nàn, không hệ thống điện nước, con dân thiếu chăm sóc y tế, giáo dục, công ăn việc làm…

Về quân sự, cán cân chênh lệch cũng khá rõ ràng. Như chúng tôi đã đề cập trước đây, ngân sách quốc phòng Trung cộng chỉ được khoảng  $100 đến $150 tỉ / năm. Hoa Kỳ những năm gần đây thắt lưng buộc bụng, cắt giảm đủ thứ tiêu xài, vẫn còn ngân sách quốc phòng mỗi năm cao hơn Trung cộng nhiều lần: $719 tỉ. Sau khoảng 3 thập kỷ “hiện đại hoá”, đa phần quân đội và binh sĩ Trung cộng vẫn phải dựa vào võ khí quân cụ với kỹ thuật lỗi thời. Bộ binh Trung cộng nặng nề, sức di động kém hẳn lục quân Mỹ. Những ước lượng lạc quan nhất, của chính các chiến lược gia quân sự Trung cộng, cũng xác định anh khổng lồ này đi sau người Mỹ ít nhất 20 năm trong lãnh vực kỹ thuật quân sự. Một võ khí lợi hại của Trung cộng là kho võ khí hạch tâm. Song ở đây, họ cũng thua sút nhiều so với Mỹ (mời xem minh hoạ).

alt

Một quân đội nặng phần trình diễn

Những yếu kém này, dù Trung cộng khéo che đậy, không thể không ảnh hưởng đến chiến lược quân sự và kế sách bang giao của họ. Thiếu khả năng ứng chiến tức thì, ở bất cứ nơi nào trên địa cầu, như của quân lực Hoa Kỳ, Trung cộng bèn chọn bài ngoại giao nặng phần trình diễn, mua chuộc để tìm… đối tác. Trường hợp các nước nghèo ở Phi Châu, và mới đây Cam Bốt theo Trung cộng… phản phé nhóm ASEAN trong vấn đề Biển Đông — là những minh hoạ sinh động. Không như người Mỹ xây đắp  được các khối đồng minh hùng mạnh (như NATO), và thiết lập nhiều căn cứ quân sự khắp thế giới, Trung cộng chưa đủ sức mở rộng hậu cứ quân sự của họ, ngoại trừ kéo quân lập tiền đồn trên hải đảo của một Việt Nam thân cô thế cô. Tuy nhiên, ngay trong tình thế tế nhị này, người Mỹ vẫn xoay xở tìm ra cách tiếp cận Biển Đông, thông qua các quan hệ chiến lược với Nhật, Nam Hàn, Úc, và kể cả CSVN – kẻ cựu thù đang rụt rè chân trong chân ngoài trước các đòi hỏi cải cách hệ thống chánh trị.

Vì các mối bang giao rộng rãi, Hoa Kỳ có lợi thế trong thương thảo song phương lẫn đa phương. Trung cộng chỉ mới gầy dựng các quan hệ nhỏ, ít ảnh hưởng. Họ có thể áp lực Cam Bốt để gây khó dễ cho Việt Nam và ASEAN, song lá bài này vô nghĩa khi đặt lên bàn cân với chú Sam. Ngược lại, Hoa Kỳ có muôn cách áp lực trực tiếp Trung cộng.

Xứ sở Hoa Kỳ vang danh từ xưa, và đến tận ngày nay, vẫn là miền đất hứa của tư tưởng tự do, cởi bỏ mọi trở ngại. Chính điều này tạo ra tinh thần khai phóng, sáng tạo mạnh mẽ về mọi lãnh vực. Đây là nội lực làm nên một bản lãnh Hoa Kỳ như thế lực cầm đầu thế giới đương đại. Vẫn có những quốc gia thù nghịch nước Mỹ, nhưng cùng lúc con số nhiều hơn thập phần các quốc gia đặt niềm tín thác nơi Hoa Kỳ. Các kế hoạch Marshall tái thiết Âu Châu hơn nửa thế kỷ trước, và những đồng minh tí hon của Hoa Kỳ nhưng đã đứng vững, và phát thịnh mấy chục năm qua như Đài Loan, Nam Hàn là những thí dụ dễ thấy. Ngược lại, ảnh hưởng Trung cộng bị bó hẹp nơi những xứ như Cambodia, Pakistan, Bắc Hàn, tiểu quốc Phi Châu, vài xứ Nam Mỹ, v.v…

alt

Kho đầu đạn hạch tâm của Nga lớn nhất, kế đến Hoa Kỳ. Trung cộng chỉ được xếp vào hàng… số lẻ chung với các nước còn lại.

Ảnh hưởng chánh trị của Hoa Kỳ còn biểu hiện qua lối sống, văn hoá và hệ thống giá trị của họ. Đề cao tự do cá nhân, xiển dương xã hội nhân bản, đưa Hoa Kỳ đến ngày nay nắm giữ hệ thống giáo dục lớn nhất, và một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Ngay cả những học sinh, sinh viên ưu hạng của Trung cộng cũng thích tiếp tục nghiệp đèn sách ở Mỹ nếu có điều kiện. Có thống kê ít nhất 125,000 công dân Trung cộng đang du học tại các trường học Mỹ Quốc. Học trò Trung Hoa đứng hạng đầu danh sách ứng viên nạp đơn xin vào các chương trình hậu đại học ở Mỹ. Có thể nói một phần sức mạnh cốt lõi, một phần tinh tuý của Hoa Kỳ, nằm chính nơi hệ thống giáo dục này. Nhờ nó, Hoa Kỳ đứng vững trên những giá trị nhân bản – tự do và dân chủ – là những triết lý được thế giới và nhân loại trân quý. Dựa theo đó, người Mỹ có một thông điệp thẳng thắn, hoàn mỹ, gởi đến nhân loại, trong lúc kêu gọi bè bạn đi tới phía trước với mình. Ngược lại, Trung cộng vẫn khư khư ôm chút ảo tưởng cộng sản còn sót lại nơi đôi ba xứ sở khốn khổ — những triết lý đã khánh tận và không còn hấp dẫn bao người trên thế giới.

Một vị thế siêu cường, vì vậy, không thể chỉ dựa trên sức mạnh đồng Dollar đi mua chuộc các tiểu quốc. Một siêu cường như Hoa Kỳ từng trỗi dậy từ các hoàn cảnh lịch sử và văn hoá đặc biệt: cầm đầu thế giới vượt qua 2 cuộc Thế Chiến I, II, và vượt lên cả cuộc Chiến Tranh Lạnh sau này với Nga sô. Qua những phen thử thách đó, bản lãnh của người Mỹ được vun đắp, sức mạnh quân sự và những quyền năng khác cũng tăng lên.

Tin tức mới đây, giới chức tình báo quân sự cao cấp nhất của Hoa Kỳ bắt đầu tỏ ý muốn triển khai một hệ thống radar chống hoả tiễn đặt ở Đông Nam Á. Cùng với hệ thống phòng thủ phi đạn, hải quân Hoa Kỳ có chiến lược đến năm 2018 sẽ điều thêm ít nhất 10 khu trục hạm có trang bị hệ thống đánh chặn hoả tiễn Aegis sang vùng biển Á Châu – Thái Bình Dương. Việc người Mỹ dần chuyển trọng tâm quân cụ, nhân lực từ Đông Bắc Á (Nhật Bổn, Nam Hàn), xuống Đông Nam Á (Philippines, Malaysia, Việt Nam…) là bước đi trước, chặn đầu, kềm chế mãnh lực Trung cộng. Đây là những nước cờ chớp của một tay cờ cao thâm.

alt


Siêu cường kinh tế hay xưởng gia công khổng lồ của thế giới ?
TD