Menu Close

Nắng sớm

I.   

Chưa hẳn đã thật thân thiết, tôi vẫn hay mời bạn bè về nhà chơi thăm mẹ. Lần đầu tiên dắt Tuấn về ra mắt, mẹ chỉ nói ngắn gọn sau khi Tuấn về : “Ừ! được đó con. Con gái đã lớn rồi…”. Mẹ thì cứ hay đơn giản mọi chuyện. Chẳng chú ý nhiều đến chuyện gì khác, cứ thấy chàng nào lịch sự, tử tế cũng khen. Mà đàn ông con trai trước khi thành rể, ai chẳng nhũn nhặn, lễ phép với mẹ vợ tương lai. Tốt, xấu, be bét đều thế.

Tuấn có bằng cấp, thỉnh thoảng cũng hay xa gần rằng có tiền. Cao ráo, có nghề nghiệp, chạy xe đắt tiền …, quá đủ cho một cô gái đang kiếm chồng cần một cái “phông” để hãnh diện với làng nước. Nhưng tôi không hạp được với Tuấn. Càng quen, tôi càng thấy Tuấn nghèo nàn về hiểu  biết và cả sự cảm nhận về cuộc sống xung quanh. Ngoài cái công việc chuyên môn mỗi ngày và những buổi chiều chơi tennis, tất cả những chuyện khác với Tuấn là vô bổ, ngoại trừ chuyện kiếm tiền. Dăm lúc nói chuyện, tôi hào hứng :    “Anh biết ở Ấn Độ, các cô gái đã có chồng thường trang điểm một chấm giữa đôi mắt để phân biệt …”.

Tuấn, ậm ừ, gật đầu. Nhưng nhìn mắt Tuấn, tôi biết anh chẳng biết gì. Thậm chí đến những tục lệ gần gũi của Việt Nam cũng vậy, mặc dầu anh rời quê lúc đã gần hết bậc trung học, nhưng nhiều khi nói chuyện anh cứ ngây người ra. Nói chuyện với Tuấn riết đâm nhạt nhẽo, cái ấn tượng ban đầu về bề ngoài phong lưu mất dần. Nhưng điều làm tôi cảm thấy thiếu thoải mái khi gần Tuấn là sự so đo, chi li về tiền bạc của anh, dẫu khi nói chuyện anh lại thích nói toàn là những khoản thu nhập hay chi tiêu lớn lao. Khi tình cờ nhìn Tuấn đang phân vân thò tay bốc lại mấy chục xu tiền tip mà anh nghĩ là quá nhiều, tôi quyết định rất nhanh trong đầu. Không phải tôi quá nhỏ nhặt cho quyết định của mình vì những chuyện như vậy, nhưng  nó chỉ là giọt nước tràn cho cái cảm nhận của tôi về Tuấn. Hèn gì anh hay rủ tôi đi xem phim buổi trưa cho rẻ tiền. Tụi  tôi chia tay.

Hay kể cho mẹ nghe về chuyện riêng tư, tôi kể mẹ nghe quyết định của mình. Mẹ gật đầu “Ừ! Đàn ông con trai cần vững chãi và phóng khoáng“. Tự nhiên thấy thương mẹ. Nhiều người chỉ mong con gái lấy chồng sang giàu, bất kể thế nào. Mẹ không vậy.

II.

Khi dắt Phong về nhà giới thiệu mẹ, mẹ cũng chỉ gọn lỏn “Ừ! được …”. Phong thì quá khéo, đến nhà tôi chơi chỉ đon đả “bác, cháu” với mẹ. Vui vẻ, hoạt bát, Phong dễ lấy lòng người lớn. Ít khi to nhỏ, nói chuyện riêng tư  với tôi khi lại nhà tôi chơi, mà chỉ thao thao bất tuyệt với mẹ . Thỉnh thoảng lại ngọt xớt “Để cháu mua cho bác cái thuốc đau lưng này hay lắm…”. Hình như Phong quá kinh nghiệm trong bài học đầu tiên của những gã con trai đi tán gái: Lấy lòng mẹ vợ tương lai hay mẹ bạn gái mình.

Phong đẹp trai, chải chuốt, làm về tài chánh, bảo hiểm, lại kiêm cả về những dịch vụ luật sư, chuyên lo mấy vụ đụng xe. Tính tình Phong hợp với nghề hay nghề nghiệp tạo ra cá tính Phong, tôi không biết. Có điều Phong biết cách nói chuyện, dẫn dắt người khác. Công việc nhờ đó hình như cũng phát đạt. Phong là mẫu lý tưởng cho các cô thời thượng.  Thoạt đầu, nghe nói chuyện tôi cũng nghĩ Phong là người có tài, lại có tâm hồn. Phong hay nói về những giấc mơ có cánh buồm, có sóng biển . Phong thích màu xanh biển vì nó là màu hy vọng, màu của biển khơi có cánh hải âu tung cánh… Chỉ có điều tôi chưa hề thấy Phong xài bất cứ cái gì màu xanh biển mà thôi, mà là màu sáng chói của chiếc xe bóng loáng, hay của chiếc lắc, chiếc đồng hồ vàng chói Phong đeo. Và dần dà tôi cũng hiểu được, những chuyện làm ăn Phong hay tự hào là mấy vụ dàn dựng  đụng xe ăn tiền bảo hiểm mà “chẳng hãng nào biết được”. Cũng chẳng giấu giếm điều gì, coi những chuyện đó như là tài cán của Phong trong việc làm ăn.

Nhưng việc làm tôi khó chịu hơn là những lúc hay nói về những dự tính “vĩ đại” trong công việc hay những giấc mơ màu xanh biển, đôi mắt Phong chẳng mấy mơ màng mà hay đậu lại nơi khuy áo thứ hai phía trên chiếc áo tôi mặc. Và Phong cũng có thừa kiên nhẫn để đến sau dăm lần đi chơi, Phong chở tôi ghé vô một cái hotel nhỏ bên đường, sau một vài cái làm như vô tình đụng chạm vào người tôi, mà không thấy tôi phản ứng gì. Tôi thừa hiểu ý định của Phong. Bắt chước mẹ, tôi chỉ nói gọn lỏn: “Tôi muốn về”.
Đêm về kể mẹ, mẹ gật đầu “Ừ! đàn ông con trai cần chân thật và lương thiện”. Lại thấy thương mẹ. Người khác đã quýnh quáng cả lên, lo sợ cho con gái khi gặp kẻ bất lương. Mẹ thì không.
    
                    
III.

Mẹ hay bảo chị em tôi “Làm đàn bà con gái khổ lắm con ơi!”. Tôi chắc mẹ đã vậy thật. Ba mất năm tôi mười ba tuổi, còn nhỏ Lan em gái tôi vừa lên mười. Mẹ tôi còn xuân sắc cứ ở vậy nuôi con. Những ngày giỗ ba, tôi hay thấy mẹ lau vội giọt nước mắt vừa rớm. Qua Mỹ, mẹ làm đủ nghề. Từ thợ may, làm hãng, nấu ăn nhà hàng… để nuôi chị em tôi ăn học. Giờ thì cả hai đứa đã ra trường, có công việc ổn định, đàng hoàng. Tụi tôi hay bảo mẹ nghỉ làm, hai đứa đủ sức để lo cho mẹ. Nhưng mẹ chẳng bao giờ chịu nghe. Dù mẹ đã nghỉ ở nhà từ vài năm nay, nhưng vẫn ở nhà nhận làm bánh bèo, chả giò… đủ mọi cái hầm bà lằng mà người ta đặt tiệc. Cứ tất bật suốt ngày. Cuối tuần lại càng thêm bận rộn bởi người ta tiệc tùng nhiều. Đi làm về, tụi tôi cũng hay phụ mẹ. Nhưng cứ thấy áy náy trong lòng khi thấy mẹ vất vả. Mẹ hay bảo “ Bao giờ tụi bây có chồng con thì mẹ nghỉ .” Rồi bao giờ cũng thêm:

– Lấy sớm để mẹ còn sức lo cho mấy đứa con bây chớ….

Mẹ cười, nhưng tụi tôi rơm rớm nước mắt. Thấy thương mẹ. Hy sinh cả đời cho con, bây giờ lại lo về cháu. Hình như tóc mẹ dạo này đã bạc nhiều.

IV.

Tôi quen Nam ở tiệm sửa xe. Xe bị chứng gì, cứ đến ngã tư đèn đỏ là chết máy. Đem đến cả hai tiệm gần nhà, mất mấy tiếng đồng hồ chờ đợi mà cuối cùng mấy người thợ bước ra :

– Sorry, we did the best but ….

Nhỏ bạn giới thiệu tôi đến một tiệm sửa xe Việt Nam mà lòng không tin tưởng mấy. Sáng thứ Bảy ngồi đợi ở tiệm sửa xe cũng chẳng thích thú gì, nhưng đành chịu. Nhưng chỉ nửa giờ sau, người thanh niên nhận xe ra bảo:

– Xe cô bị hư cái air flow meter nên nó …”

Thấy tôi trố mắt, anh tiếp:

– À! cái bộ phận điều khiển gió vào bình xăng con …

Không đợi anh dứt lời, tôi mừng rỡ :

– Vậy nhờ anh coi sửa dùm, miễn chạy thì thôi.

alt


Tranh: Bảo Huân

Tôi đâu có hiểu biết gì về xe cộ. Điều anh nói, tôi mù câm. Thật, nhà toàn đàn bà con gái, dăm lúc đụng chuyện mới thấy bất tiện. Bất chợt tôi nghĩ giá như mình có ông anh hay đứa em trai cũng đỡ. Hay… phải một người đàn ông.

– Xong rồi, bây giờ cô có thể yên tâm. Không có gì lo ngại cả.

Người thanh niên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

– Con người cũng cần phải thay thế một vài điều, huống chi là máy móc, xe cộ. Có gì cô cứ đem lại cho tôi – người thanh niên cười. Câu nói ngồ ngộ không hợp với bộ đồ dầu máy lem luốc làm tôi kín đáo nhìn lên. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ khuôn mặt rắn rỏi hay cười cười của anh. Có cái gì đó thật tự tin và dễ mến.

Khi thì thay dầu nhớt, khi thì tune-up, khi thì chỉnh cái này cái nọ. Xe cộ có đủ ngàn lý do để đụng đến. Vậy là những lần gặp gỡ sau đó đã tạo cơ hội cho tôi và Nam quen  nhau.  Bên trong cái vẻ lem luốc của người thợ máy, tôi nhìn ra Nam những sự tốt bụng, cái hiểu biết và một tâm hồn nhạy cảm không ngờ. Nam côi cút, sống một mình ở Mỹ. Ba anh mất sớm, anh chịu tang mẹ khi rời quê với gia đình người chú được năm năm. Tôi còn mẹ, vẫn may mắn hơn anh, nên dễ cảm thông  với anh. Hay bởi sự gần gũi, tự nhiên và dễ mến của anh đã tạo cảm tình nơi tôi, tôi cũng không biết. Nam  học dở dang, nhưng lại đọc nhiều. Anh bảo để tránh những sự trống trải của một người đơn côi và để bù khuyết việc học dở dang của anh.

Như ở một đôi người đàn ông đầy cá tính, trong người Nam có một em bé và một cụ già luân chuyển. Cái em bé hiện ra bằng sự chân chất, hiền lành và luôn cần được yêu thương, vỗ về. Và cụ già bước ra bằng sự sâu sắc, chiêm nghiệm về cuộc đời, cũng như dáng vẻ từng trải của anh. Chính cái cá tính dường như mâu thuẫn và thu hút đó, tôi bắt đầu yêu anh.

V.

Tình yêu cũng mong manh như ngọn lửa tàn, biết thổi thì nó bùng lên, còn không biết cách khơi thì nó lụi dần, ai đó bảo thế. Tôi và Nam ngày càng khắng khít. Dắt Nam về ra mắt mẹ, mẹ cũng chỉ bảo ngắn gọn như mọi khi: “Ừ! được …”, nhưng đôi mắt mẹ dịu dàng hơn. Tôi cười, nói nhỏ với mẹ:

– Bộ mẹ sợ con ế chồng hay sao mà ai mẹ cũng “được” hết trơn vậy.

Mẹ cười hiền lành:

– Con biết rõ hơn mẹ chớ.

Tôi hiểu mẹ muốn cho tôi cái quyền quyết định hạnh phúc đời mình. Vả lại chắc mẹ cũng thừa hiểu cái tính “picky” của tôi, như bạn bè tôi hay chọc, để chọn cho mình một người chồng. Đêm về tôi thỏ thẻ với mẹ :

-“Con cũng thương ảnh, nhưng điều con suy nghĩ là đằng nào con cũng có ăn học, bằng cấp còn ảnh chỉ là người thợ  máy…”

Cuộc sống vật chất cùng sự giao tiếp những người khô cạn tâm hồn ít nhiều đã tiêm nhiễm vào tôi cái thói quen so  đo, cao thấp, sang hèn. Nếu không có sự yêu thương, tấm lòng chứa chan tình người, hơn là những bề ngoài danh lợi của mẹ thì có lẽ dần dần tôi cũng sẽ biến thành một kẻ hợm mình như một đám người đâu đó ngoài  cuộc đời kia. Mẹ vuốt tóc tôi, chậm rãi:

– Chữ nghĩa nhiều khi làm người ta ảo tưởng về chính mình và thủ đoạn với những người khác thôi con. Cần cái tâm trước đã rồi đến chữ nghĩa con ạ.

Tôi bỗng bật cười:

– Mẹ bữa nay giống triết gia quá.

Mẹ cũng cười :

– Tao chẳng biết triết “da” triết “xương” gì hết. Ba cái đồ trang sức của đám võ vẽ dúm chữ tụi bây chứ gì.

Đứa em gái tôi, Lan,  phòng bên chạy sang ồn ào :

– Gì mà hai người rầm rì to nhỏ vậy. Chị Hai muốn lấy chồng chứ gì?

Nhỏ cười ha hả. Thiệt cứ như con nít, nó thua tôi có vài ba tuổi chứ nhiêu đâu.

VI

Đứa con đầu lòng của tôi ra đời ngay ngày sinh nhật của Nam, chồng tôi. Thiệt là trùng hợp. Ở Mỹ đàn ông con trai được cho phép vào tận phòng sinh của vợ, nên trong cơn đau, tôi vẫn thấy Nam đi lại lo lắng, bồn chồn. Hình như cơn đau của tôi cũng là cơn đau của anh. Khi bàn tay ấm áp, vỗ về của anh nắm chặt tay tôi, giữa những cơn đau, những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt lăn dài trên má, tôi cảm nhận được cái hạnh phúc tuyệt vời của mình. Hình như đó là lúc đứa con của chúng tôi chòi bụng mẹ chào đời. Tôi chỉ kịp nghe mấy tiếng “oe, oe…” bé bỏng, thần tiên trước khi ngất lịm đi. Đó là lúc rạng sáng.

Buổi sáng vừa thức giấc, Nam đang ngồi bên cạnh, mặt mày hớn hở :

– “Con gái như bác sĩ khám. Khoẻ mạnh, bụ bẫm lắm em ơi. Y tá đang lo cho nó phòng kế, họ đẩy sang liền giờ.

Tôi nhìn mặt Nam hốc hác, thấy thiệt thương :

– Em khoẻ rồi, anh về tắm rửa cho tỉnh người rồi chở mẹ và Lan vào đây.

– Việt, bạn của Lan, đang chở mẹ và Lan vào thăm em đó. Mẹ thức cả đêm qua, cứ đòi vào thăm em lúc rạng sáng anh  gọi báo tin em đã mẹ tròn con vuông. Em cứ nghỉ đi, đừng lo cho anh – Nam nói nhanh, không giấu vẻ tươi tỉnh trên mặt.

Nhỏ Lan bao giờ cũng  ồn ào, ùa vào phòng tôi trước. Mẹ theo sau, kế là chàng thanh niên kiếng cận, tay ôm chậu hoa và mấy cái bong bóng. Mẹ nắm tay tôi, dồn dập :

– Con khoẻ chưa? Em bé đâu rồi, có khoẻ không, mấy ký? Nam lễ phép tiếp lời mẹ :

– Dạ ! bác sĩ bảo vợ con sinh dễ dàng lắm mẹ à, chắc mau hồi sức lắm, mẹ đừng lo gì. Em bé to lắm mẹ à, tám pound mấy lận, hơn bốn ký đó mẹ. Y tá đang …

Tiếng gõ cửa phòng cắt ngang lời Nam. Người y tá Mỹ đẩy chiếc nôi em bé vào phòng, mỉm cười chào mọi người, chỉ đứa con tôi nói, trước khi tháo lui :

– Chúc mừng! Cô bé khoẻ mạnh và dễ thương quá.

– Cảm ơn – Nhỏ Lan cảm ơn người y tá, rồi quay sang me – Bả cũng khen em bé dễ thương và khoẻ mạnh.

Mẹ tôi choàng người xuống nôi, thận trọng bế con gái tôi lên, mặt rạng rỡ :

– Ui cha, cháu của bà, cháu ngoại của bà…

– Con nhỏ này giống anh Hai lắm nghe, con gái giống cha là giàu ba họ đó – Nhỏ Lan, xen vô.

Nam thấy mẹ vợ quấn quýt bên cháu, lại nghe Lan khen con mình, khuôn mặt lại tươi hơn, tràn đầy hạnh phúc. Bất chợt anh nắm chặt tay mẹ :

–  “ Cám ơn mẹ đã sinh thành…, nuôi nấng, dạy dỗ… và gả cho con một người vợ hiền…, để hôm nay tụi con có được niềm hạnh phúc như vầy …” Giọng anh lắp bắp, đứt quãng.  Mẹ rơm rớm nước mắt. Tôi cười, cũng rớm nước mắt, nắm tay mẹ:

–  Mẹ thấy không, làm đàn bà con gái đâu phải lúc nào cũng khổ đâu …

Mẹ tư lự, rồi nói nhỏ :

–  Ừ! Tụi bây chừ phải đỡ hơn chứ …

Nhỏ Lan cười, chỉ vào em bé :

–  Mai mốt cái con nhỏ này còn sướng hơn nữa đó mẹ à.

Rồi quay sang Nam nó lí lắc:

– Anh Hai thiệt là khéo nói nghen, nói một câu mà “nịnh” được cả mẹ và chị Hai. Sao anh hông thêm em vô cho đủ bộ, “kỳ thị” hả?.

Nam cười:

– Vậy cái anh chàng sau lưng em “nịnh đầm” chưa đủ sao?

Chàng thanh niên nghe nhắc tới mình, mặt đỏ bừng, luống cuống cúi xuống vờ cột mấy cái bong bóng vào thành giường.

Ngoài khung cửa sổ những giọt nắng đầu tiên trong ngày đã leo đầy lên cửa sổ. Hình như chúng đang đùa giỡn, bàn tán về sự chào đời đứa con  đầu tiên của chúng tôi. Một ngày nắng ấm đã bắt đầu ngoài trời. Mùa thu đã về. 

ĐYT