Chị Năm thân mến,
Sáng nay điện thoại thăm chị mà hổng thấy chị bắt, tui mở máy computer viết thơ cho chị nè. Hồi hôm nhỏ em điện thoại hỏi: “Chị Hai, ngày Vu Lan người ta hay gắn bông lên áo để nhớ công ơn Mẹ, vậy mình phải xài bông gì chị Hai?”, Tui nói: “Bông cẩm chướng” Nó hỏi tiếp: “Vậy chớ mình xài bông hồng được hông chị Hai?”, Tui nói: “Cũng được, Út muốn xài bông nào cũng được, hổng có bắt buộc.” Nó nói: “Sao cái gì chị Hai cũng được hết trơn, vậy mình xài bông Huệ, bông Lan được hông chị Hai?”, Tui bắt đầu mệt đó chị Năm, tui nói: “Chị Hai nói rồi, bông nào cũng được hết, vấn đề là màu sắc của bông kìa”, “Dạ, em cũng tính hỏi chị Hai loại bông nào mình được xài, rồi từ từ tới màu sắc. Người ta nói hễ ai hổng còn mẹ, thì gắn bông màu trắng, ai còn mẹ thì gắn bông màu đỏ. Chị em mình mất mẹ, em biết mình gắn bông màu trắng rồi, nhưng mẹ chồng em còn sanh tiền, vậy rồi em gắn bông màu gì hả chị Hai, hổng lẽ một bên gắn bông trắng, một bên gắn bông đỏ?” Tui chưa biết giải quyết cách nào, nên nói kiểu hàng hai: “Út hỏi mấy người đồng cảnh ngộ coi họ tính cách nào, rồi mình bắt chước, chớ thiệt tình chị Hai cũng hổng biết tính sao!” Hai chị em tui sau đó nói ba điều bốn chiện rồi bye bye.

Bảo Huân
Chị Năm à, tui nghĩ sao người ta hổng xài một màu bông cho tất cả mọi người trong ngày Vu Lan há chị? Tui nhớ mấy năm trước, cũng trong dịp Vu Lan, tui ngồi kế chị bạn có mẹ mới qua đời. Chỉ đeo bông trắng, tui đeo bông đỏ. Tui thấy mình xa cách bạn mình hết sức. Tui thấy ánh mắt của chỉ buồn thiu khi nhìn vô cái bông đỏ tui đeo trên áo. Tui thấy màu bông khác nhau, đã vô tình làm tui ngại ngùng, khi muốn san sẻ nỗi buồn với chỉ. Tui gỡ cái bông đỏ xuống, tự nhiên tâm tư tui thiệt nhẹ nhàng, tôi nắm tay chị bạn mà cảm thấy thiệt gần gũi đó chị Năm.
Tui đã từng mơ ước, sẽ không có hai màu bông đỏ hay trắng trong ngày Vu lan. Tui ước mọi người sẽ gắn đủ mọi loại bông, với sắc màu rực rỡ, trong ngày báo hiếu mẹ, vinh danh công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Ngày Vu Lan báo hiếu sẽ là ngày vui của tất cả mọi người. Sẽ không ai biết người nào còn mẹ hay mất mẹ. Vì tui nghĩ như vầy nè chị Năm, như chị em tui, mất mẹ, nhưng tui nghĩ tới mẹ hàng ngày, những lúc vui, cũng như lúc buồn. Mà chị thấy rồi đó, đời sống vui buồn tới tiếp nhau mà, nên nhiều khi tui thấy làm như mẹ tui vẫn lung linh đâu đó chị Năm à, làm như mẹ tui vẫn sống trong tâm hồn tui chị Năm à.
Bởi vậy đã có lúc tui nghĩ cầu siêu hay cầu an cuối cùng cũng giống nhau, vì lời cầu nguyện đều hướng về mẹ với ước nguyện mẹ được bình an cả phần hồn và phần xác. Hổng biết chị có cảm nhận giống tui không?
Chị Năm biết hôn, Vu Lan 2010, tui đi chùa, một cô Phật tử cầm rổ bông, một bên bông đỏ, một bên bông trắng, đến bên tui hỏi: “Thưa, cô còn mẹ không?” Tui lắc đầu. Cổ đưa cho tui cành bông màu trắng, tự nhiên tui buồn và tủi thân chị Năm à. Đeo bông trắng lần đầu tiên, tui cảm thấy rõ mình là con mồ côi, cảm giác này tui không hề có trước khi bước chân vào chùa. Năm đó, tui vào lạy Phật rồi về liền, chớ không ở lại làm công quả. Tui buồn tới mấy ngày đó chị Năm! Vu Lan 2011 tui hổng đi chùa lễ Phật, tui sợ thấy mấy cành bông trắng, nó như màu áo tang, nó buồn lắm chị Năm à. Năm nay, tui cứng cáp hơn, tui sẽ đến chùa trong ngày Vu Lan, nhưng tui sẽ từ chối nhận bông. Tui muốn được sống với những kỷ niệm vui tươi của mẹ, tui muốn những lời kinh tui dành cho mẹ trong ngày Vu Lan là những lời cảm tạ công ơn mẹ, mẹ tui ở cõi Vĩnh Hằng sẽ vui, chị tính có được hông chị Năm? Chị có ý kiến gì khác, chị cho tui biết nghe chị Năm.
Cũng đêm hồi hôm, sau khi nói chuyện với con em xong, tui hạ điện thoại xuống, thì nó reng tiếp liền, nhìn số điện thoại lạ, tui ngập ngừng hổng muốn bắt, tới hồi quyết định bắt, nó hết reng. Tui quay xuống dưới bếp tính uống miếng nước, điện thoại reng nữa, tui nhìn số, đúng cái số hồi nãy, tui bắt, rồi allo, trời ơi chị Năm, chị nhắm coi đó là ai! Anh Tư, anh Tư Hú đó, chị nhớ hôn? Hồi còn ở Việt Nam, ảnh ở hẻm xe lửa số 6, mỗi lần bạn bè ghé chơi, nhằm lúc xe lửa chạy qua, hú còi điếc lỗ nhĩ, chị mới đặt cho ảnh cái tên Tư Hú, riết rồi cái tên đó đeo theo ảnh tới giờ này. Chắc chị cũng còn nhớ gia cảnh của ảnh phải hôn? Má ảnh mất sớm, ba ảnh chạy xích lô máy nuôi con. Sáu anh em ảnh được ăn học đàng hoàng. Tui nhớ có lần tui với chị tới học thi ở nhà ảnh, có gặp ba ảnh một lần. Ông Bác đen thui, ốm nhom, cái lưng còng còng, đầu đội mũ rơm, tụi mình có đứng dậy chào, mà hổng nhận ra ông Bác, tới lúc nghe anh Tư nói: “Ba để đó chút chiều con làm. Chiều nay con nấu món bông bí xào tỏi cho ba uống đế nghe ba, ba nhớ về sớm sớm”, tụi mình mới tá hỏa. Ông Bác nhìn tụi mình, cười khà khà: “Ừa, vậy con kêu hai cô đây ở lại ăn cơm luôn nghe, ba chạy bậy hai ba cuốc nữa thôi, đặng đủ tiền cho bây mua cuốn sách gì mà bây cần đó. Thôi tôi đi mần việc nghe hai cô.” Chị Năm biết hôn, lúc đó tui thấy thương ông Bác hết sức. Thôi, để tui viết tiếp cái chuyện anh Tư Hú điện thoại. Ừa, mà quên, anh Tư Hú ảnh ở vậy, hổng có lập gia đình đặng phụng dưỡng ba ảnh, chắc chị Năm biết chuyện này há?
Anh Tư ảnh điện thoại hỏi tui có rành Phật Pháp hôn? Tui nói: “Mắc giống gì mà bữa nay anh hỏi vậy? Ảnh nói: “Bị nếu chị am tường giáo lý nhà Phật, chị giải thích giùm, mình kêu Vu Lan mùa báo hiếu, mà sao mọi người làm như chỉ nhằm báo hiếu mẹ mà hổng báo hiếu cha? Có mẹ mà hổng có cha thì sao có mình hả chị? Như mấy anh em tui, hổng có má, cha tui một đời nuôi nấng dạy dỗ mấy anh em, tụi tui mang ơn cha tui nặng lắm chị à. Mỗi kỳ Vu lan tới, tui thấy thương cha mình, mà hổng biết làm sao đặng bày tỏ lòng hiếu thảo.”
Chị Năm à, nghe ảnh nói, tui nghẹn ngào hổng kềm được nước mắt, tui nói với ảnh: “Anh Tư à, anh biết rồi, đạo Phật là đại đạo Tự Do, Đức Phật chỉ là người Thầy hướng dẫn cho mình điều hay lẽ phải, rồi nên hay không là do mình anh à. Đức Phật dạy kinh Vu Lan Bồn, hay kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đều có ý nghĩa là làm con phải nhớ ơn sanh thành dưỡng dục của song thân. Kinh Vu Lan Bồn kể chuyện thầy Mục Kiền Liên qua huệ nhãn, thấy mẹ bị đọa A Tỳ địa ngục. Ngài xót thương mẹ, nên xin chư Phật cùng nguyện cầu gia ân cứu độ cho mẫu thân thoát khỏi kiếp trầm luân. Bị câu chuyện liên quan tới mẹ, nên chúng sanh nhớ tới mẹ nhiều hơn, vậy thôi. Mà mẹ cũng gần gũi với mình, mình nằm trong bụng mẹ tới chín tháng 10 ngày, biểu sao tình cảm không ưu ái đậm đà? Tui nói thiệt nghe, nếu bà mụ hổng cắt cuống rún, chắc đám con như tụi mình sẽ đeo theo mẹ như dàn cây chùm gởi, mẹ chết, đám con cũng chết theo. Anh nghĩ có đúng hôn? Đó, nãy giờ tui nói, anh thấy Đức Phật dạy phải báo hiếu song thân, chứ nào có phân biệt phụ mẫu? Ngặt một nỗi, vì mình là chúng sanh, nên vẫn còn nhiều phần vô minh, bởi vậy mới phải tu học sao cho tinh tấn. Tui nghĩ như vầy nè anh Tư, nội cái chuyện anh không lập gia đình, ở vậy để chăm sóc cha già, tui thấy là anh đang báo hiếu song thân đó. Anh cơm bưng nước rót hầu hạ cha hàng ngày, có nghĩa là anh thực hành kinh Vu Lan Bồn Đức Phật chỉ dạy trong từng sát na đó anh Tư à. Tui hiểu mình báo hiếu song thân cách nào, thì tùy vào nhân duyên phước đức của từng người. Hoàn cảnh của anh, tui nghĩ anh là người được đại phước đó anh Tư. Anh đừng buồn phiền gì nữa. Vu Lan năm nay, tui với anh đi chùa, mình cầu phước cho cha mẹ, đâu có ai ép mình chỉ được cầu cho mẹ hay cho cha, anh thấy hôn? Cửa chùa là nơi thiêng liêng, cũng là nơi Tự Do nhứt để chúng sanh thổ lộ ước nguyện. Anh Tư cũng biết rồi đó, chú em tui, nó có hoàn cảnh thuận lợi, nên rước cha mẹ tui về ở với gia đình chú nó. Cha mẹ tui có thời gian an hưởng tuổi già, có con cháu quây quần, chăm sóc. Tui nhớ hồi mẹ tui đau nặng nằm bịnh viện, tụi tui lo cho mẹ, có hồi làm như quên mất tiêu cha mình. Có bữa tui thấy cha tui ăn cơm nguội với xì dầu, bị mẹ tui bịnh nặng, nên hổng có đứa nào muốn ăn uống gì, nên hổng nấu nướng chi hết. Nước mắt tui tuôn tràn vì tội lỗi. Cha tui hổng một lời than van, cha tui nói: “Đừng lo cho cha, cha còn khoẻ mà, cả nhà mình phải để tâm lo cho mẹ con, mẹ con có bề gì cha ân hận lắm.” Cha tui xuống sắc thấy rõ, vì chạy ngược chạy xuôi lo cho mẹ. Một bữa kia, chú em tui lo âu nói: “Chị Hai à, em thấy cha làm như yếu lắm, coi chừng bất thần cha đi trước mẹ đó!” Anh Tư biết hông, tụi tui thắt tim luôn vậy đó, nên đã chia phiên nhau, chăm sóc cha và mẹ. Ngày mẹ tui mãn phần, tụi tui khóc dữ lắm, cha tui nói một câu như vầy: “Các con yên tâm, mẹ luôn luôn ở bên các con, cần gì cứ nói với mẹ, mẹ chưa trả lời thì còn có cha đây, các con yên tâm.” Anh thấy hôn? Cha tui già rồi, mà vẫn lo cho đám con đã trưởng thành. Công ơn trời biển này, tụi tui làm sao đền đáp nổi, chỉ còn biết chăm sóc phụng dưỡng cha hàng ngày thôi. Tóm lại, anh Tư à, ngày Vu Lan chỉ là mốc điểm thời gian mỗi năm mình học lại lời Phật dạy, phải nhớ ơn song thân. Cũng như tụi mình, cha mẹ phải dạy tới dạy lui, dạy qua dạy lại, tụi mình mới đuợc như ngày nay, chớ đâu phải một sớm một chiều mà nên người hữu dụng, phải hôn anh Tư?
Chị Năm biết hôn, tui nói một hơi, ảnh im re, khi nghe tui dứt tiếng, ảnh nói: “Nghe chị nói tui hiểu thêm lời Phật dạy sâu xa, nhưng cái này hổng phải tui hổng biết. Điều tui phải cảm ơn chị là chị giúp tui gỡ bỏ cái mặc cảm bất hiếu. Bị thấy người ta báo hiếu mẹ trong ngày Vu Lan, tui không còn mẹ, nên trong nhà lạnh tanh. Ra vô chỉ có bóng cha già, mà cha mình thì một đời cực khổ lo cho con, mình hổng có gì cho cha trong ngày Vu Lan báo hiếu, nên sanh lòng nghi kỵ. Chị giải thích rõ ràng, tui hiểu, tui mang ơn chị đó chị Hai à. Trời Phật sẽ cho chị hưởng phước báu”.
Chị Năm à, anh Tư ảnh cũng màu mè hết biết chị thấy hôn? Tui nói cảm ơn ảnh, tụi tui nói thêm ba cái chiện làm ăn rồi bye bye.
Đọc tới đây thì chị biết nguyên do tại sao tui điện thoại cho chị. Tui cần chị em mình hội đàm, ý kiến liền liền, chớ viết thơ như vậy, rồi chờ tới khi chị mở máy đọc thơ, sau đó chị rảnh, chị mới trả lời. Mà cái tuổi già của tụi mình, muốn ngồi viết cái thơ điện tử, hổng phải dễ dàng. Phải kiếm cái kiếng, rồi chờ cái máy lên màn hình, phải nhớ cái bí số để mở hộp thơ, phải bấm trúng tên người nhận, chớ không thì tổ trác đó chị Năm. Có hồi đang đánh máy, cái thơ nó biến mất tiêu như bị ma giựt vậy. Ôi thôi, đủ thứ khó khăn, chi bằng mình điện thoại, rồi mình bàn thảo, biết ý kiến của nhau tức thời, nó khoẻ gì đâu. Hổng chừng chút xíu nữa, tui điện thoại lại cho chị, đặng nói mấy cái chuyện này. Hễ chị bắt máy, thì coi như cái thơ này thành kỷ niệm nghe chị Năm. Thân mến, tui.