Menu Close

Hình ảnh người ông

Ông bà thường yêu và chiều trẻ. Cho nên hình ảnh của ông bà là cái gì thương quý nhất trong tuổi thơ của cháu và sẽ ở với cháu suốt đời. Người ông trong mẩu chuyện sau đây là một hình ảnh như thế.

alt

Bảo Huân

“Được rồi, chúng ta sẽ đi bây giờ đây.”

Câu nói đó báo hiệu sự chấm dứt của cuộc viếng thăm của ông tôi khi tôi còn là một chú bé con. Khi thốt ra câu đó, ông bật dậy khỏi cái sofa đang nằm, nhét vội những tờ đô la vào tay tôi và các anh tôi, rồi chở chúng tôi đi trong chiếc xe tải sơn trắng đã tróc sờn, chiếc xe mà ông vẫn lái đi sơn nhà cửa cho người ta.

Là một người đàn ông cương nghị, ông gợi cho người ta nghĩ đến một chàng Romeo của thành La Mã cổ xưa, với mái tóc đen dày gợn sóng, sau này biến thành bạc trắng, đồng thời vẫn giữ được độ dày ngày trước. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy cái mùi của ông – mùi của nước hoa cạo râu trộn với mùi sơn thoang thoảng.

Ông đến xứ sở này vào thập niên 1930, tuy vậy ông không bao giờ đánh mất âm sắc của người công dân La Mã. Ông là con người của những điều trái ngược – mặc chiếc áo khoác không hợp với màu quần, nhưng luôn luôn chỉnh tề và lịch sự. Ông không bao giờ quên hôn tay người phụ nữ bước vào phòng ông. Lực lưỡng, cương quyết và bộc trực, nhưng vẫn luôn luôn trang nhã, quyến rũ. Đó là hình ảnh của ông còn mãi trong ký ức chúng tôi.
Bàn tay rắn chắc của ông đúng là bàn tay của một người thợ, đồng thời cũng rất nhẹ nhàng, đầy đam mê của người nghệ sĩ – những nghệ sĩ đứng vẽ tranh trên bờ phía Tây của Paris. Ông vẽ được hết mọi thứ – từ mái hiên nhà đến chân dung của chính ông, bức chân dung thật đẹp mà ông đã tặng tôi.

Một lần tôi về thăm dự lễ sinh nhật thứ 81 của ông. Vừa bước vào nhà mẹ tôi, tôi thấy ông đứng trên chiếc ghế đặt trên bàn học trong phòng ngủ thời nhỏ của tôi. Ông đang sơn nhà, một mình sơn toàn thể ngôi nhà. Để làm gì vậy? Ông nói: ngôi nhà cần phải đẹp trong lễ mừng sinh nhật.

Một vài năm sau, ông bắt đầu có dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Đây là một đòn rất nặng giáng xuống gia đình chúng tôi. Kể từ thời điểm đó, chúng tôi dồn nỗ lực tạo ra một hình thức săn sóc thích hợp cho ông. Chúng tôi cố gắng tạo ra một thế giới trong đó ông vẫn thấy được vai trò của mình đồng thời bảo đảm cho ông được an toàn. Trung tâm chăm sóc người già ban ngày là nơi làm việc của ông. Mỗi ngày ông đứng bên ngoài khu nhà của ông đợi xe buýt tới “sở làm”. Vào những ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, ông được “nghỉ vacation”. Người giám đốc trung tâm là “boss” của ông.

Khi bệnh của ông trở nặng, ông được chuyển tới một “nursing home”. Tôi thích những buổi ở gần ông, cầm tay ông và chuyện trò. Thời gian ở bên ông thật sung sướng và tôi muốn được nhìn ông mỉm cười, đưa tay chỉ lên má bảo hôn. Ông thường vỗ vỗ lên đầu, ý muốn nói ông không còn thể suy nghĩ như xưa nữa.

Một hôm trước khi tôi lên đường đi xa lo công việc làm ăn, tôi nhìn vào đồng hồ đeo tay của mình: 9:45 sáng. Ngồi trên sofa ở phòng mình, tôi chăm chú nhìn bức chân dung tự họa của ông treo trên tường. Còn đâu vẻ rắn rỏi, đẹp trai hồi xưa. Thay vào đó là hình ảnh một khuôn mặt in dấu vết thời gian đã trở thành quen thuộc với tôi bao nhiêu năm nay.

Tôi rời nhà với hình ảnh chân dung ông bừng sáng trong tim. Trên đường ra phi trường, tôi nhận được điện thoại của người anh báo ông đã ra đi lúc 9:45. Lần này thì ông không nhét nắm giấy bạc vào tay tôi nữa, nhưng ông đã để lại cho tôi một kho tàng to lớn. Tôi mỉm cười nhớ lại khuôn mặt sáng trưng của người đàn ông trong bức chân dung. “Được rồi, chúng ta đi thôi.”

NS
(theo Gary Narg)