Menu Close

Vài loài bông trong vườn – Kỳ 8

Trong văn học cổ Trung Hoa, bạn có còn nhớ câu chuyện Vương Bột làm thơ trong bữa tiệc ở Đằng Vương Các do Diêm Bá Dư bày ra không? Do câu chuyện đó mà thơ Trung Hoa có câu: “Thời lai phong tống Đằng Vương Các”. Nghĩa là “Thời vận tới, thì có gió đưa tới gác Đằng Vương”. Câu Kiều: “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa.” cũng dùng điển tích này. (4)

alt

Bông Ô Môi

Thành ra, “gió đưa” là cái duyên hội ngộ rất tình cờ, người có duyên thì gặp nhau. “Gió đưa gió đẩy bông trang” là cái duyên lành của những cặp trai gái quê gặp gỡ tương phùng, bởi bông trang tượng trưng cho cái phong cách mộc mạc quê mùa bình dân ấy. Ở đây người ta không ai có thể lẫn lộn rằng bông trang để chỉ những người con gái thuộc hàng cao sang đài các được mà loại bông này tượng trưng cho các cô thôn nữ nơi các làng quê miền Nam. Trong niềm vui gặp gỡ ấy, cả hai người trẻ đang yêu nhau họ chia cho nhau từng niềm vui nho nhỏ mà nồng nàn như “bông búp, bông nở”. Cái nào yêu quý nhất như “bông búp” còn nguyên vẻ tinh anh thì chàng nhường cho nàng, còn chàng nhận cho mình “bông nở” vì bông tương đối đã phơi sắc phơi hương cùng nắng gió nhiều rồi… Cái cử chỉ nhường tặng ấy nó biểu lộ một tình yêu tha thiết của đôi trai gái đang yêu nhau! Đó là chưa kể cái tài chơi chữ  “bông búp về nàng” và “bông nở về anh” của tác giả mang tính chất tượng hình nữa. Thông thường, trong dân gian cũng như trong sách vở mỗi khi người ta dùng từ ngữ bông hoa là để diễn tả về đặc tính của phụ nữ, ít ai dùng bông để chỉ nam giới. Chẳng hạn như  “đoá hoa thầm kín”(5),“hoa mãn khai”  hoặc “khai hoa nở nhụy”… Nhưng trong thiên nhiên các loài cây thường có hai loại: cây đực và cây cái, như tre đực, đu đủ đực tương tự các loài bông cũng thường có hai loại: bông đực và bông cái. Trong trường hợp riêng của câu ca dao này, với những chữ “về anh”, “về nàng”, theo thiển ý của chúng tôi, “bông  nở” là bông cái, tượng trưng cho người phụ nữ đã đành; còn “bông búp về nàng”, để đổi lại, nó tượng trưng cho người con trai.

Tóm lại, cả hai cách hiểu về ý nghĩa câu ca dao “gió đưa gió đẩy bông trang…” này như vừa kể nó cho chúng ta thấy khi trai gái gặp mối duyên lành và họ biết giữ mối duyên lành ấy bằng cách nhận ra rằng họ là của nhau, thuộc về nhau. Điều ấy, phần nào cho thấy những mối lương duyên trên cõi đời này, hạnh phúc có được không chỉ có với các hạng người phong lưu đài các, mà nó còn có cả với những chàng trai cô gái quê bình dân với những tình yêu chân chất mà thấm thiết nồng nàn.

Có lẽ vì vậy mà ông Đào Văn Hội, tác giả cuốn “Phong Tục Miền Nam Qua Mấy Vần Ca Dao”(6), đã xếp câu ca dao này vào mục “Tình chồng vợ – gia đình đầm ấm”, trong đó ngoài hai câu ca dao “gió đưa gió đẩy bông trang, Bông búp về nàng, bông nở về anh.”, còn có nhiều câu ca dao khác nữa, chẳng hạn như:

“Sóng bên doi bỏ vòi bên vịnh,
Đôi đứa mình trời định đã lâu”

hoặc:

“Trăm năm ước bạn chung tình,
Trên trời dưới đất có mình với ta.” …

alt

Bông Ô Môi

Đó là kể chuyện về một trong các loài bông mộc mạc nơi này, bông trang hiền hòa và dễ thương như vậy. Nơi các làng quê bông trang được dân quê trồng gồm vài ba loại mà chúng tôi thường thấy là bông trang vàng, bông trang trắng và bông trang đỏ nhưng bông trang đỏ được trồng nhiều nhứt. Ngoài ra, theo sách vở về thực vật, tại miền Nam nước Việt trước đây còn có tới 14 loại bông trang khác nhau nữa. (7)

Nhưng nhắc đến các loài bông trong vườn mà không nhắc đến loài bông ô môi thì thật là thiếu sót. Ô môi ở nhà quê ít người trồng. Thuở xưa, thời mới khai hoang lập ấp, dường như các loại cây như ô môi, me nước, bứa, bần, gòn, bằng lăng, sao, dầu thường mọc hoang ngoài bờ ngoài vườn, rồi dân quê cứ để vậy tới mùa chúng trổ bông kết trái. Cây có trái ăn được thì dân quê cứ hái trái mà ăn, còn những cây như sao, dầu, bằng lăng thì chờ cây lớn mà dùng làm gỗ, đóng ghe, đóng xuồng. Sau dần dần dân cư đông, cây cối mọc hoang cũng bị chặt đốn để có chỗ che chòi, cất nhà, lúc bấy giờ người ta mới trồng lại các loài cây nào mà mình muốn trồng. Riêng ô môi cũng có trồng nhưng không nhiều. Cả làng chỉ vài ba nhà có trồng cây ô môi. Thường loại cây này tàn cây rất lớn, trái nhiều nhưng huê lợi không được bao nhiêu nên ít ai trồng trong vườn; chúng được trồng cùng với gòn, me nước nơi các bờ kinh mới đào, nơi đất mới nhiều phèn và mục đích là trồng cây để có tàn che nắng giữa đồng nội. Nhưng bạn sẽ không ngờ loại cây  ô môi với những thớ thịt vặn vẹo này lại cho bạn một loài bông thơm ngào ngạt khi chúng vào mùa đơm bông kết trái.

Diễn tả về bông ô môi, có lẽ không gì bằng  xin mời bạn xem qua những vần thơ sau đây của thi sĩ Việt Châu, người làng Tân Thạnh, thuộc Cao Lãnh, vừa tha thiết, vừa lãng mạn, trữ tình mà ông đã làm cách nay hơn sáu bảy chục năm:

HOA Ô MÔI

Tặng anh Nguyễn Thiệm, người biết hoa.

Bạn hãy dừng thuyền lãng ngắm xa…
In nền trời biếc một vùng hoa
Mơ màng bạn nói như đương mộng:
– Hay gác Đằng Vương, bóng lạc hà.

Bạn tới gần đi!… bạn tỉnh chưa?
Một loài hoa lạ sống tiêu sơ
Giữa vùng hoang dã trơ vơ đứng
Bên mé kinh nông nước đục lờ!
Xuân đã về đây, hoa nở rồi,
Màu phơn phớt đỏ, nụ như môi
Của nhiều trinh nữ – son chưa thắm
Trong bóng ngày xanh mủm mỉm cười.

Lá đổ tàn rơi tự lúc nào
Toàn thân hoa phủ đẹp làm sao!
Giục người cô nữ Thăng Long nhớ
Vườn cũ xuân quê, rộn ánh đào…

Có những loài hoa đẹp tuyệt vời
Âm thầm cam số phận ô môi
Cũng như những sắc tài không kẻ
Thương, hiểu, đành ôm hận mãn đời! (8)

alt

Cây Ô Môi bên nhà – Nguồn Yume.vn

Tóm lại, mỗi loài hoa có mỗi vẻ đẹp và mỗi loài hoa có một chỗ để tự khoe sắc hương. Là người nhà quê, mùa nào hít thở lấy cái hương sắc của bông hoa mùa ấy. Trẻ con cũng biết lấy bông lài kết thành xâu chuỗi để giả làm đám cưới rồi tặng nhau hoặc hái bông trang cài lên mái tóc những cô bé quê như làm đẹp thêm cái nét đẹp hồn nhiên của tuổi thơ. Cái đẹp ở những loài bông hoa trong vườn có khác gì nét đẹp của bao tâm hồn người dân quê sống nơi chốn tĩnh mịch ruộng đồng. Không se sua, không đua đòi, không tranh hơn tranh thiệt, cây tới mùa thì nở hoa thơm ngát lá cành. Đến nắng, đến mưa, đến gió cũng thơm lây cái hương thơm kỳ diệu của từng loài hoa khác giống. Khi hoa tàn, nhụy hoa kết thành trái. Trái non thì chát. Trái già bớt chua. Trái chín lại ngọt. Từ đó hoa trái bốn mùa mang lại cho đời bao chua ngọt nhiều lúc vô cùng thú vị. Thành ra, nếu có ai đó không biết thưởng ngoạn lấy cái quý của trời đất dành cho mình thì thiệt là uổng ! Bông không thiệt gì cho hoa mà chỉ có con người bị thiệt cho mình nếu bạn không nhận ra bông hoa là đẹp, dù là bông hoa trong vườn ở nhà quê!
Và dĩ nhiên rồi, cảnh nhà quê ngày xưa cách nay sáu bảy chục năm bông hoa làm thơm cây cỏ trong vườn đã đành mà chim chóc trong vườn líu lo tiếng hót trên những tàn cây cao bóng mát hòa cùng tiếng gà gáy vào những trưa vắng êm êm hoặc tiếng túc mồi của các anh chàng gà trống rất điệu nghệ dành cho các chị gà mái càng làm cho đời sống nơi miền quê thêm êm ái, thanh nhàn biết bao!

HT

(Sau 12 năm, đọc lại, sửa chữa, bổ khuyết thêm nhiều loài bông cùng hình ảnh minh họa, ngày 16 tháng 6 năm 2012)

Chú thích
4/ Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê dịch, chương Vương Bột, Sài Gòn ngày 15-5-1965, Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không thấy đề năm, trích lời bàn của dịch giả về bài Đằng Vương Các Tự, trang 215.
5/Trích bài Ráy trong Phiếm 11 của nhà văn Song Thao, Nhân Ảnh xuất bản, Canada, tháng 5 năm 2012, trang 278, nguyên văn: “Điểm G trong tai là điểm tương tự như điểm G trong đóa hoa thầm kín của phụ nữ. Nhậy cảm là cái chắc!”
6/Phong Tục Miền Nam Qua Mấy Vần Ca Dao của Đào Văn Hội, viết xong tại Sài Gòn, ngày rằm tháng tám năm Mậu Tuất, nhằm ngày 27-9-1958. Do Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không thấy ghi năm.
7/ Trong “Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, do Trung Tâm Học Liệu – Bộ Giáo Dục xuất bản lần thứ nhứt tại Sài Gòn, năm 1970, in lần thứ nhì năm 1972,có bồi bổ và sửa chữa, quyển II, trang 464 có liệt kê các loại bông trang như dưới đây:
1. Bông trang trắng (Ixora finlaysoniana).
2. Bông trang hẹp, trang  Tàu (Ixora Chinensis) 
3. Bông trang đỏ, trang to (Ixora Macrothyrsa).
4. Bông trang son (Ixora Coccinea).
5. Bông trang vàng (Ixora Lutea).
6. Bông trang Lào (Ixora Laotica)
7. Bông trang lá to (Ixora Champeauxiana).
8. Bông trang Đồng Nai (Ixora Dongnaiensis)
9. Bông trang bún (Ixora Nigricans)
10. Bông trang nhọn (Ixora Cuneifolia).
11. Bông trang láng (Ixora Krewanensis).
12. Bông trang grandifolia (Ixora Grandifolia)
13. Bông trang cọng dài (Ixora gracilipes)
14. Bông trang dọt-sành (Ixora Pavettaefolia).
Ngày nay khoa học càng ngày càng tiến bộ, người ta có thể lắp ghép và lai tạo thêm nhiều giống bông trang mới nữa. Theo “Wikipedia, The free Encyclopedia” sưu tầm, bông trang khắp nơi trên thế giới gồm có cả thảy 22 loại khác nhau.
8/Trích trong Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê, Tập I, do nhà xuất bản Văn Nghệ California (Hoa Kỳ) ấn hành tháng 10 năm 1989, trang 324.