Thị trấn đìu hiu – 25 giờ đồng hồ trên xa lộ. Cuối cùng, cái bến đỗ là một trạm xăng ở thị trấn Acton đèo heo hút gió.
Gặp Debra. Tôi chút ngỡ ngàng. Cái cảm giác tương phản giữa một chất giọng thanh thoát trên phone và một bộ dạng to lớn cỡ vài trăm pounds như ‘gấu mẹ’ ở đời thực. Nhà sinh vật học này đùa rằng hãy tạm làm cái rờ mọc đi nếu 2 người không muốn bơ vơ giữa rừng. Và thật, cái căn nhà nằm chơ vơ giữa sơn lâm, ma nào kiếm được. Chưa kể, cái cell phone giờ chỉ còn là một cục sắt không thể reng lên. Đoạn đường rừng ngoằn ngoèo, xanh đến kiệt cùng. Tôi mở cửa sổ xe đón gió vèo vèo, và rồi móc túi cái pocket máy ảnh chớp vài pô phong cảnh. Bà Debra như một con ngựa quen đường cũ, lái xe theo phong cách sì pọt. Andy ná thở bám sát, bảo rừng nào… gấu nấy mà.

Thị trấn Acton trong mưa
Ngôi nhà khuất lẩn trong góc rừng, vuông vức, nhỏ như một cái thùng gỗ cũ kỹ. Không tivi, không internet, không phone. Trung tâm nhà là một cái lò sưởi thời nguyên thủy, ống thông tận mái ngói. Debra bảo cái hệ thống sưởi cổ đại này vẫn rất cuồng… nhiệt lượng vào mùa Đông. Bà Debra là “snow bird”, những tháng Đông, bà lái xe về Florida để tránh lạnh. Dịp tình cờ, bà theo học lớp workshop của NAG Andy Nguyễn. Tôi ngồi nghe thầy trò họ rôm rả chuyện thời sự, rồi đến chuyện mấy con Loon.
Sớm, sương còn lãng đãng mặt hồ. Chúng tôi xuống ‘bến’. Tàu là chiếc pontoon đang thời rệu rạo. Debra khó nhọc lê cái bộ dạng nặng nề, chỉ mươi bậc thang cấp đã dừng thở gấp.
Mặt sông trong lặng như tấm kiếng khổng lồ. Động cơ tàu bạch bạch như con vịt xiêm bị nghẽn giọng. Thuyền trưởng Debra kiên cố ở bánh lái, thành thạo từng ngõ ngách trên sông. Con sông và chiếc tàu là một phần đời bà.

Hoàng hôn trên dòng sông Maine
Tàu tấp vào một cồn đảo giữa sông. Tôi bỏ dở ly café chỉ vừa hớp vài ngụm, Debra ra dấu cho chúng tôi là ‘mục tiêu’ xuất hiện rồi đấy. Nàng Loon sắc lông tuyệt đẹp, 2 baby Loon bơi lẽo đẽo theo mẹ trông như mấy con vịt con xấu xí. Nhà sinh vật bảo rằng loài Loon này không mắn đẻ, mỗi lứa nhiều nhất chỉ 3 trứng. Tiểu bang Maine đang ra sức bảo vệ loài Loon đang trong nguy cơ tuyệt chủng. Một số Loon chết chỉ vì ăn phải phao chì của người câu cá. Và công việc của bà là duy trì dân số Loon, bà nghiên cứu để cho ra một loại phao chì không nguy hại đến ‘sinh mạng’ của các loài chim lặn.
Tôi đọc một bài phóng sự đề tài “Tàn sát chim trời bằng cái máy nhử chim của Trung Quốc”. Ở VN, phong trào chơi chim, hốt ổ chim, bẫy chim, tàn sát chim lại phát triển đến độ đi đâu cũng thấy. Cái máy nhử chim do Trung Quốc sản xuất, chỉ cần cây chói tre có bôi keo dính chuột, rồi mở cái máy nhử, có thể hàng ngàn con chim sa bẫy. Một sát thủ cầm điểu ở đất Quảng phát biểu rằng: mấy ông cán bộ, đại gia bây giờ thích uống rượu máu chim, ăn thịt chim sẻ và các loại chim lạ. Nhờ vậy, dân bẫy chim làm tiền dễ. Ý thức bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên đất nước của người dân đã không được giáo dục, mạng người còn rẻ huống chi chim.

Khoảnh khắc hiếm quý của baby loon trên lưng mẹ
Trung Quốc, vừa sản xuất máy tụng kinh, vừa sản xuất máy bẫy chim. Cái thủ đoạn công nghệ do bàn tay Tàu ta nhúng vào thì không có con chim nào có thể thoát được. Và rằng, một nhà báo ta ở hải ngoại cũng than thở thế này:
“….Và, trong câu chuyện cổ có câu: Có một thời, một giai đoạn lịch sử mà nhà nước chìa tay đón mừng người đến từ nước lạ. Những người từ nước lạ mang đến những phép lạ khiến cho những con chim lạ có thể bay từ trời cao bay thẳng vào nồi một cách rất lạ!”
Tôi nằm sấp trên boong tàu, cảm giác ê ẩm. Để có được những cú shot sát mặt nước phải ‘lăn lộn’ giữa sàn tàu. Chụp hình Loon đầy thử thách. Với loài chim lặn nước này thấy được đã hiếm. Thường, những chú Loon baby sau khi sinh chỉ được mẹ cõng trên lưng vài ngày rồi quăng xuống nước để tự bơi. Con Loon con vừa leo lên lưng mẹ, nằm chèo queo ngủ liền. Khoảnh khắc yêu thương của loài vật, tôi chợt nghe lòng đầy cảm xúc.
Phe ta reo hò thắng lớn với hàng loạt cú shot ‘hình độc’.
Gần giữa trưa. Nắng hục hặc trên đỉnh đầu. Captain ‘gấu mẹ’ cho tàu trở về bến. Andy bảo cần đi tìm cái gì bỏ bụng giờ lunch. Hai chiếc xe lại phóng ào ào qua mấy nẻo đường rừng. Tôi ngồi xe, sốt ruột nhìn đồng hồ. Hơn một tiếng rưỡi sau mới yên vị trong cái McDonald’s giữa phố thị hẻo lánh. Ăn lunch mà phải đày ải thế kia, tôi thà xực tô mì tôm mang theo trong xe mà yên bụng, đỡ bị ê mông.
Thị trấn Acton buồn hiu hắt. Bà Debra cho biết tiểu bang Maine có những quy định thoáng nhất về khỏa thân trong nước Mỹ. Phụ nữ được phép phơi ngực, nhưng không nhiều người chọn cách cởi hết vì dè chừng mấy cái nhìn soi mói. Luật khỏa thân ở đây chỉ cấm nam giới hay phụ nữ thoát y cùng bạn tình giữa chốn công cộng.

Andy Nguyễn tác nghiệp trên chiếc pontoon
Hơn 3 giờ đồng hồ chạy xe để chỉ bỏ bụng 10 miếng Chicken McNuggets và một cái large French fries, tôi nghe oải. ‘Gấu mẹ’ dường như chẳng hề quan tâm về khái niệm thời gian. Với bà, cái chốn vắng chẳng ma nào lai vãng, hai lãng tử nhà ta bỗng nhiên trở thành khách quý.
Về đến nhà, cái nóng giữa ngày hậm hơi, tôi cảm giác hai cánh cửa sổ tâm hồn mình đang nhíu khép. Bà Debra ngồi chải lông cho Prince Charming, cái tên gọi kiều mỹ cho chàng mèo Nam Tư. Loại mèo kiểng lông xù rậm rạp mang phong cách hoàng cung. Bà kể mùa hè là phải chải lông mỗi ngày để mèo không bị nấm da, chưa kể đến mấy bịnh lặt vặt như hắt hơi, sổ mũi liên tục, và tuyến lệ… buồn hay chảy nước mắt. Thói quen hằng lệ của bà là chải lông mỗi sớm và rửa mặt mỗi tối cho chàng mèo cưng. Bà bảo chàng Prince đã qua khỏi 7 mạng số, xém đi đong vì bịnh thận, và vừa lại đi mổ mắt về. Cái chi phí dịch vụ bác sĩ thú y ngốn bạc ngàn như chơi.
Tôi nhìn tấm chân dung Debra và hoàng tử mèo treo trên góc tường. Chợt nghe cảm giác cô độc giữa đời người.
Chiều muộn về trên sông vắng. Con tàu lại vòng vèo trên sông nước. Tôi nhìn mặt sông lượn lờ sóng. Chợt ngẫm về dòng sông của thiền sư Đạo Nguyên – một thi sĩ và là nhà thần bí phi thường, sống ẩn dật trong một tu viện sâu trong rừng núi, trên một dòng sông. Dòng sông trong những thi phẩm của Ngài là dòng sông của pháp giới, của sự luân hồi, thế giới vô minh và sự khổ đau của thế gian.
“dòng sông không mạnh cũng không yếu, không ướt cũng không khô, không chảy cũng không dừng, không lạnh cũng không nóng, không có có cũng không không, không mê cũng không ngộ…”

Tác giả trên boong tàu
Con tàu sau vài giờ lòng vòng trên sông nước, bà Debra bảo rằng vẫn chưa tìm ra dấu vết của bầy Loon hoang dã…
Cơm tối, tôi ngồi nghiền ngẫm mấy cái ức gà nướng cấp tốc, thịt còn dai hơn cả thịt gà đi bộ. Vegetable là vài cọng broccoli hấp, vàng tựa màu cải úa. Giữa chốn sơn lâm, đấy là đại tiệc.
Gió phây phây từ sông, tôi ngồi nghe Debra kể chuyện nắng mưa, chuyện nghề nghiệp. Bà yêu thích động vật hoang dã, thích chụp nhất là chim đại bàng. Bà kể, một lần đi vào rừng chụp Eagles. Bà đã đối diện với một con rắn lục lạc cực độc Eastern Diamondback Rattlesnake: “Trời ạ, tôi tưởng rằng đã giẫm phải lên nó rồi. Này nhé, nó chỉ cách tôi chưa tới một sải tay.Cái đầu con rắn ngỏng dậy, lớn hơn nắm tay tôi, và thân hình nó thì cỡ cổ tay tôi. Con rắn trông rất rợn người. Tôi và nó chăm chăm nhìn nhau”.
Bà không sợ à? Tôi hỏi, giọng hồi hộp. “Tôi chỉ cảm giác tê liệt như bị thôi miên vậy. Cái con rắn lớn quả thật ám ảnh rợn người. Cái chuỗi thanh âm rung đuôi chợt như cảnh tỉnh tôi. Và rồi thật chậm, thật chậm, tôi khẽ lùi dần về phía sau. Thế là thoát nạn”. Tôi nghe xong, chợt ngẫm, nếu lỡ bà giẫm phải con độc xà này, không biết ai sẽ là kẻ bỏ mạng.
Tôi hỏi bà rằng ở căn nhà giữa chốn rừng rú này, bà đã bao giờ đối diện với thú dữ chưa. Chuyện nhỏ, rừng này đâu thiếu bọn gấu đen, bà cười ha hả nói. Lũ gấu khi đêm đến từ rừng hay lân la party ở cái thùng rác ấy, chúng lục tung tóe để kiếm thức ăn. Gặp gấu là chuyện thường ngày, bà dặn tôi nếu muốn xem gấu party, hãy chờ đến đêm sẽ gặp đấy.
Debra good night và bảo là phải rửa mặt cho chàng mèo Prince.
Căn phòng ngủ tường gỗ cũ kỹ, 2 cái giường con trải lớp “ra” vá víu. Trên tường là hình ảnh Debra đang cầm trên tay một con cá Bass tổ chảng đang há miệng. Debra là tay câu rất thiện nghệ.
Khuya ấy. Tôi thức giấc giữa những âm thanh sột soạt. Và rồi mở cửa, rén nhẹ ra ngoài bìa rừng. Tôi nín thở, nhịp tim đập disco. Trước mặt tôi là một thân dáng đồ sộ của một con gấu rừng. Rất chậm, tôi điềm tĩnh rút lui, và rồi bay vèo vào nhà, lục tìm cái máy ảnh.
Tôi trở ra, chỉ còn lại cái thùng rác ngả nghiêng. Chàng gấu đã hút mất trong bóng đêm, tự bao giờ.
Sớm, chia tay Debra. Chúng tôi thắm thiết ôm bà, từ giã với lời cám ơn chân tình. Rời thị trấn heo hắt, chiếc xe nhập vào xa lộ I-95. Một đoạn dài 120 dặm phải chi 44 đô tiền toll, thuế mãi lộ. Andy lầu bầu rằng về sẽ viết blog về cái nạn thuế bóc lột này.
Tôi cảm giác xô bồ giữa dòng đời…

Chụp lưu niệm với nhà Sinh vật học Debra
Website:www.hanhphoto.com