Tôi chụp loạt ảnh này ở một xóm người Việt sống trên Biển Hồ, Campuchia, cách trung tâm thành phố Siem Reap chừng 20 phút đi thuyền máy.

Xóm Việt ven sông
Họ – những người gốc Việt này – tha hương, rồi tụ lại đây sinh sống theo nhiều đợt. Có người đến Campuchia sinh sống từ trước 75, có người làm nghề nuôi cá bè bị thất bại, có người vượt biên qua Thái Lan không được hoặc bị chính phủ Thái trả về, có người bỏ xứ vì lý do nào đó rồi lưu lạc đến đây, có người là bộ đội ở lại sau chiến tranh… nhưng họ đều có một mẫu số chung, một hoàn cảnh chung, là nghèo. Quá nghèo. Nghèo đến không còn đường sống. Một trong những nguồn thu nhập chính của họ là ăn xin du khách, phần nhiều do phụ nữ và con nít hành nghề. Phần đông họ không có giấy tờ, không lý lịch, không nhân thân về mặt hành chánh. Không khai sanh, không căn cước, không hôn thú, không hộ khẩu, không hộ chiếu. Và kết quả là: không tổ quốc. Việt cũng không mà Campuchia cũng không, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Những đứa trẻ được sinh ra nơi này vẫn nói được tiếng Việt khá lưu loát, toàn giọng Nam. Câu nói cửa miệng của chúng là: “Cho con một ngàn đi cô.” Cô hay bác, chú… tùy độ tuổi và giới tính của người đối diện. Chúng bơi lặn giỏi như rái cá. Nhiều đứa vắt trên vai một con trăn, vừa làm bạn vừa là công cụ của nghề ăn xin. Có người cho rằng tương lai những đứa bé này mù mịt. Không, tôi nghĩ, cái tương lai ấy không mù mịt chút nào. Vì mù mịt là cái mà ta chưa biết, là cái mà con người vẫn có thể trông chờ vào, dẫu trông chờ vào phép lạ. Nhưng không, không phải vậy. Cái tương lai ấy nó hiển hiện trong trí tôi, rất rõ. Là những nhà thổ. Là nhà tù. Là tối tăm, hôi hám, tai ương, bệnh hoạn, sa đọa… và tất cả những tính từ có thể mô tả kiếp người tồi tệ nhất.

Siêu thị nổi
Những người đàn bà ở đây cũng thế. Ai cũng có một đứa bé mới sanh, hay chừng một hay hai tuổi trên tay. Rất hiếm khi tôi thấy đàn ông. Những người đàn ông thấp thoáng trong những căn nhà bè rách nát. Họ ở trần, đang ngồi nhậu. Đang la hét với nhau trong cơn say hay im lặng ngó khi thuyền chúng tôi lướt qua.
Không cường điệu lắm nếu gọi nơi này bị quên lãng, và những con người này là những kẻ bị quên lãng. Bị quên lãng, hay tệ hơn, bị ruồng bỏ. Như một câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương: “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh…”.
Có dịp nào đó du lịch đến Siem Reap, xin bạn bỏ chừng 2 giờ đến thăm những em bé Việt trên Biển Hồ này. Biết đâu trong số các bạn sẽ có người nghĩ ra, hay có khả năng giúp đỡ, một cách nào đó, những đồng bào của mình. Biết đâu…
Vì, thế nào đi nữa, máu chảy ắt hẳn ruột mềm.


Xin chào thế giới!
Chèo chống
Chúng tôi sẽ lớn
Nhà hàng
Nó tên Cu Trăn, nó là bạn của con!
Bươn chải
Cũng có khi mơ mộng…
Tương lai ở phía những tấm lòng