Tháng chín ni tui về Việt Nam lấy vợ đó chị.
“Hả, anh nói cái gì? Anh lấy vợ? rồi bà xã anh bỏ đâu?”, “Thì bà cũng đồng ý như rứa. Tui cưới xong, tui sẽ đưa hắn qua tiểu bang khác”, “Tui chưa hiểu, tại sao chỉ lại đồng ý cho anh lấy vợ?”, “Thì chị cũng biết rồi, vợ chồng ăn ở với nhau hơn 10 năm, mà bà không sanh con được, tui muốn con, bà cũng muốn con, thì phải tìm cách giải quyết thôi!”, “Hai ông bà đã đi bác sĩ chưa? Có biết lý do tại sao không?”, “Tui không cần đi bác sĩ, vì ông anh tui có tới 8 đứa con, không có trở ngại chi hết”, “Ông bà có nghĩ đến việc xin con nuôi, hoặc nhận con, nhận cháu mình làm con nuôi không?”, “Không, tui muốn đứa con của riêng tui.”, “Như thế ông hơi ích kỷ đấy, ông nghĩ đến đứa con của ông, hạnh phúc của ông, còn bả thì sao?”, “Để tui nói chị nghe, tui đâu có lấy người ngoài, tui lấy người trong dòng họ của bà.”, “Là ai vậy?”, “Chị biết không, cha mạ bà bày cho tui, chớ làm răng tui biết! Cách đây một năm, ôn nói với tui như ri nì: “Vợ mi hắn không sanh đẻ chi được, chừ mi về Việt Nam mi cưới con cháu hắn. Con ni là con gái đầu của chị hắn.”, “Trời, sao ông cụ lại đề nghị như vậy?”, “Vì tui tuy là rể, nhưng ôn thương tui như con trai vậy, ôn không muốn tui có con với người ngoài dòng họ ôn, nên ôn mới nói như rứa.”, “Nhưng còn ý kiến của vợ anh, ý kiến của cô gái ở Việt Nam nữa chứ. Thời này chứ đâu phải thời phong kiến mà sắp đặt hôn nhân! Thôi, anh khỏi chở tôi về nhà, anh cho tôi ghé thăm bác. Tôi phải thưa chuyện với ông cụ mới được!” Lực cười to, nhìn xéo tôi, rồi rồ ga cho xe chạy nhanh về phía xa lộ.
Tôi quen gia đình Lực từ năm 2008, trong dịp tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân 68. Tôi ngồi cạnh vợ Lực, khi buổi lễ gần bắt đầu, cô ta chạm nhẹ vào tay tôi và nói: “Chị ơi, chị vui lòng nhường cho cha em chỗ ni được không chị?” Giọng Huế thật nhẹ. Tôi thoáng thấy một khuôn mặt nhợt nhạt, vài sợi tóc lòa xòa trên trán, ánh mắt như rụt rè e sợ. Tôi gật đầu, đứng dậy, nhìn quanh: “Được chị, bác đâu?”, “Dạ, chồng em đang dắt cha em vô tê tề!” Tôi nhìn về phía cô ta đang chỉ, một thanh niên khoảng 45, 50, đang từng bước thận trọng dắt ông cụ trọng tuổi, có chòm râu bạc như cước về phía hội trường.
Tôi đứng sau cái ghế dành cho ông cụ, vì hàng ghế tôi ngồi là hàng ghế chót. Ông cụ vừa yên vị, cô ta nói nhỏ điều gì đó, ông cụ chậm rãi xoay người, ngước nhìn tôi, thì thào: “Cảm ơn bà!”. Âm Huế khào khào thân thiện. Tôi mỉm cười xoa xoa bờ vai ông cụ. Thốt nhiên, tay tôi rơi xuống một chỗ trũng, đúng hơn là một lỗ hổng sâu. Tôi rụt tay lại, rùng mình. Chỗ trũng bất thường trên vai ông cụ ám ảnh tôi.
Có tiếng người MC đang mời một vị khách phát biểu: “Dạ kính mời Bác Nguyễn Trung Nhân, xin mời bác lên máy vi âm chia sẻ với đồng hương về những ngày tang tóc của Huế trong Tết Mậu Thân 68 ạ!” Một phút, không thấy người được mời đứng dậy, Hội trường hơi xôn xao. Bỗng vợ Lực lay tay tôi: “Chị ơi chị phụ dắt cha em lên giùm, em run lắm, không dám lên!” Tôi lại gật đầu, cúi xuống nắm tay ông cụ, ông cụ tựa hết cả sức vào tay tôi và đứng dậy. Lực đứng ở phía sau chạy lên, cùng với tôi đưa ông cụ tiến về phía sân khấu của Hội trường đông nghẹt cả ngàn người. Đi với ông cụ được một quãng ngắn, tôi dặn Lực đỡ ông cụ, và đi nhanh đến người MC, đề nghị để ông cụ ngồi tại ghế nói chuyện. Người MC đồng ý và đi xuống, tôi trở lại phụ với Lực đưa ông cụ về chỗ ngồi.
Tiếng nói run run, đứt quãng, chậm rãi: “… đã 40 năm qua, nhưng những kinh hoàng trong ngày Tết Mậu Thân 68 đã và đang theo sát cuộc đời tôi. Hắn để lại trên vai tôi một cái hố chôn người và tước đi mọi tinh anh của con gái tôi, lúc nớ mới 10 tuổi. Bọn hắn phá cửa vô nhà tôi, không tìm thấy tôi, bọn hắn bắn nát trần nhà, vì nghi tôi trốn trên nớ. Thực sự tôi đã ở trên nớ 3 ngày rồi. Tôi nép sát người vào thành tường nhưng cũng bị trúng đạn ở vai. Nếu được cứu chữa kịp thời thì không đến nỗi, nhưng vì không dám xuống và không dám ra khỏi nhà, nên vết thương làm độc, tới khi được cấp cứu thì vết thương đã bị nhiễm trùng nặng, bác sĩ phải đào xuống, làm thành cái lỗ sâu trên vai. Còn con gái tôi, vợ tôi kể lúc đó sợ quá khóc ré lên, bọn hắn lấy báng súng đập vào đầu con tôi, con tôi té xuống bất động. Đâu chừng mấy tiếng đồng hồ sau mới tỉnh và ngu ngơ cho tới bây giờ, dù nó đã trên 50… Xin cảm ơn quý đồng hương.” Xúc động chợt bùng vỡ, mọi người đứng lên vỗ tay hướng về ông cụ. Ông nắm tay tôi, cố đứng lên cúi đầu chào cám ơn mọi người. Từ đó, thỉnh thoảng tôi ghé thăm ông bà cụ và gia đình Lực.
“… Khi nớ, con chị vợ thằng Lực đã 30 tuổi. Hắn đẹp nhứt nhà, nhưng vì bị đập trên đầu, nên hắn khờ khạo như con nít. Hắn học không được, nên không trường mô nhận cả, đành phải ở nhà.
Ai nói hắn cũng tin. Rồi một bữa, mạ hắn thấy hắn ói, rồi chê cơm tanh cá, mạ hắn khóc, than trời hành hắn rồi. Không biết ai thất nhân ác đức làm hại đời con tôi. Gia đình tôi lo cho hắn sanh nở. Đứa con gái mà bà hỏi là con hắn đó.”, “Nhưng sao bác lại đề nghị anh Lực lấy cháu ruột của vợ mình, như thế có tội nghiệp cho cháu gái quá không? và cũng khổ tâm cho vợ Lực nữa?”, “Tôi và mạ hắn cũng suy nghĩ lung lắm. Vợ chồng tôi qua đây theo diện HO, không đem theo mạ con hắn được. Khi đi, tôi gởi hai mạ con hắn cho bà con, và gởi tiền về nuôi. Năm ngoái cháu tôi viết thơ xin ôn mệ ngoại bảo lãnh cho nó qua Mỹ học. Tôi thương cháu côi cút, có mạ nhưng không nhờ vả được gì, còn cha thì không biết là ai. Khi biết ý thằng Lực muốn tìm đứa con, tôi mới nghĩ tới chuyện…”, “Cháu hiểu ý của bác rồi, bác muốn cô cháu sang Mỹ qua đường làm hôn nhân giả, nhưng….”, “Không, tôi muốn nó lấy thằng Lực, thằng Lực là người tốt, tôi không có con trai, nên rất thương thằng Lực, tôi muốn một trong những đứa con, đứa cháu trong nhà có con với thằng Lực”, “Ý của vợ Lực thế nào ạ?”, “Lúc đầu, hắn không ưng, hắn khóc ghê lắm, nhưng tôi khuyên là nếu còn thương thằng Lực, thì nên giữ hắn lại, để hắn lấy con cháu mình cho có đứa con, như rứa thằng Lực vẫn ở nhà, con cháu được qua Mỹ, và có thêm được đứa cháu ngoại cho cha mạ. Hắn nghe ra, chừ không nói chi nữa hết!”, Còn cháu ngoại của bác, cô ấy nghĩ thế nào?”, “Hắn nói hắn chưa muốn chồng, chỉ muốn đi học. Tôi nói muốn đi Mỹ, thì ưng làm vợ thằng Lực. Ở bên Mỹ có chồng có con đều đi học được. Hắn vẫn chưa chịu. Nhưng thằng Lực đã coi hình rồi, ưa rồi, đã làm giấy bảo lãnh, tháng tới ni, thằng Lực về làm đám cưới luôn, rồi đem hắn qua bên ni”.
Bẵng đi hơn nửa năm, tôi gặp Lực ở quán cơm tấm: “Lâu quá không gặp anh, sao, gia đình anh tới đâu rồi?”, “Thì cũng vậy chị”, “Là sao, năm ngoái anh nói về Việt Nam lấy vợ, chuyện tới đâu rồi, cô dâu qua chưa?”, “Chưa”, “Chưa hả, tại sao vậy, Anh nói nghe xôm tụ lắm mà!”, “Thì tính vậy, nhưng tình hình khác rồi chị ơi!”, “Sao vậy?”, “Thì chị biết rồi đó, tui muốn cưới vợ, muốn có con, nhưng tui muốn hai vợ chồng phải có sự rung động yêu thương nhau, thì đứa con mới thông minh, nếu không có tình yêu giữa cha mẹ, chắc đứa nhỏ trở thành robot! Nên tui quyết định về Việt Nam, âm thầm tìm tới quê vợ. Tui làm quen với hắn. Ban đầu hắn hơi mắc cỡ, nhưng một hai lần hắn dạn hơn, hắn hỏi: “Anh lớn tuổi rứa mà răng chưa có vợ?” Tui nói chừ tui muốn cưới hắn, vậy có ưng tui không?” Hắn nói: “Anh mới quen em, chưa biết tánh ý em, mà đòi lấy em, lỡ mai sau có chuyện chi thì hai đứa hối tiếc lắm. Em không muốn lấy chồng ở ngoại quốc, vì như rứa sẽ phải xa mạ”. Tui ở lại Việt Nam một tháng, tình yêu giữa tui với hắn nảy nở. Tui cũng vui vì sắp thực hiện được ý nguyện. Một hôm tui đang ở trong nhà hắn, bất thần một người đàn bà ở nhà trong bước ra, hắn kêu: mạ ra đây làm chi. Người đàn bà vẫn còn xuân sắc, tuy hơi lam lũ, nhìn tui không chớp mắt: “Phải chú là em anh Khang không? Giọng Huế thật nhẹ như làn gió thoảng. Tui ngạc nhiên hỏi lại: “Sao bà biết anh Khang”, “Hồi nớ anh Khang yêu tui, nhưng bỏ tui rồi.” Đôi mắt chợt xa xăm, giọng nói thật nhỏ. Bà ta lại nhìn tui chằm chằm: “Anh Khang giao con cho tui, rồi đi biệt”. Chị biết không, tui đổ mồ hôi hột, tui hỏi bà ta: “Con anh Khang đâu?”, Bà ta nhìn quanh, cái nhìn đậu trên mái tóc thề của hắn: “Đó, con anh Khang đó”. Lúc nớ tui vừa muốn xỉu, vừa muốn tạ ơn Trời Phật, tui suýt phạm tội làm ô uế đạo lý luân thường. Anh Khang là người anh lớn của tui. Anh đi lính, sau 30 tháng tư 75, bị đi tù cải tạo. Năm năm sau anh được tha về, anh luôn tìm đường vượt biên. Sau nhiều lần đi hụt, chuyến cuối cùng anh đi luôn và không có tin tức gì cho đến hôm nay. Tui không biết anh Khang gặp người đàn bà này lúc nào, hai người thề non hẹn biển ra sao.

Bảo Huân
Tui chưa kịp nói chi, bà ta chậm rãi nói tiếp: “Chú ơi, con tui kể cho tui nghe ý định của ôn ngoại hắn, tui không hiểu biết nhiều, nhưng nhìn hình của chú, tui thấy quen lắm, lại biết chú quê bên Gia Hội, nên tui chợt nhớ đã gặp chú hồi chú còn nhỏ. Hồi đó, tui hay qua chơi bên nhà chú và gặp anh Khang, tui nhớ anh Khang, lâu rồi anh không về thăm”. Nghe mạ nói, hắn thảng thốt: “Mạ, mạ nói chi rứa, anh ni là bạn con, không phải chú nớ, mà hình ở mô mà mạ nói rứa?”, “Hình đám cưới chú với cô Út hồi nớ, con không biết mô!”. Hắn căng mắt nhìn tui, nước mắt chảy dài: “Anh ơi, răng lại nghiệt như ri. Em không đồng ý lấy chú, mà răng anh lại lừa em?”. Tới nước này tui đành phải khai thiệt: “Em ơi, cho dù anh muốn có một đứa con, nhưng anh coi trọng tình vợ chồng, anh muốn chúng ta có tình với nhau, thì cuộc sống sẽ tự nhiên và tốt đẹp hơn, nên mới giả dạng người lạ để làm quen với em. Nhưng bây giờ thì chúng ta không thể nào tiến tới với nhau được. Trước đó, dù rất khó khi nghĩ đến việc lấy cháu của vợ, nhưng chú nghĩ ít ra chúng ta cũng không có ràng buộc huyết thống. Bây giờ chú là chú ruột của cháu thì xin cháu đừng gọi chú bằng anh nữa”, “Anh ơi, tình yêu mới nhen nhúm chừ phải tắt lịm rồi”, “Đừng gọi chú bằng anh nghe cháu, có tội lắm đó!”, “Anh ơi!”, “Trời ơi, xin đừng gọi chú bằng anh, chú về đây!”.