Menu Close

Tự Truyện – Kỳ 4

Bà Rosalie luôn miệng nói rằng đây là ý Chúa. Chuyện bà làm quản gia cái khoảng không gian bao la trên vùng cao chót vót này không phải là sự ngẫu nhiên, và bà nhận thức rõ là bà có nhiệm vụ phải truyền tải thông điệp của đấng tối cao. Cụ thể là bà phải tiến hành việc xây dựng một nhà thờ Tin Lành trên đây.  Bà Rosalie nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi :

“Sau biết bao nhiêu chuyện xảy ra cho con, tại sao con chưa trở thành người theo đạo Cơ-Đốc?”

Tôi không biết trả lời sao, chỉ nhún vai. Bà Rosalie hỏi tiếp:

“Thế con có tin nơi Thiên Chúa không?”

“Hiện tại thì không? Tuy nhiên, đôi khi có nhiều điều khoa học chưa giải thích được thì chúng ta tạm tin là có một đấng tối cao sắp xếp.”

Bà Rosalie có vẻ không hài lòng với câu trả lời ba phải của tôi. Bà bắt đầu huyên thuyên giảng đạo, bà kèm theo nhiều bằng chứng trích dẫn từ trong kinh Thánh như John 14, Psalm 23, và nhiều chương khác nữa. Cái hình ảnh của bà mẹ nuôi Rosalie Emery của 32 năm về trước hiện ra rõ mồn một. Tôi phải ngắt lời bà:

“Mẹ nên nhớ là bây giờ con đã già rồi. Con đã có niềm tin và suy nghĩ độc lập. Khác biệt giữa chúng ta trong vấn đề tôn giáo khó có thể xóa được.”

Ngay sau đó đề tài câu chuyện được xoay chuyển sang một hướng khác. Chúng tôi chụp vội một vài tấm ảnh kỷ niệm trước khi ra về. Lúc đầu bà Rosalie khăng khăng không muốn chụp hình vì bà chưa kịp chuẩn bị đầu tóc, nhưng rồi thấy ai cũng thiết tha nên bà chiều ý. Trước khi từ giã, tôi nói với bà một câu:

“Mẹ thấy không, con đã không quên mẹ, cho dù bẵng đi một thời gian quá dài. Con hứa sẽ liên lạc thường xuyên hơn từ giờ trở đi.”

Bà nghe vậy cảm động, ôm tôi thật chặt và hôn lên má nghe cái chót. Sau đó bà tiễn chân gia đình chúng tôi ra tận cổng. Chiếc xe lăn bánh rời trang trại Los Gatos, Tôi nhìn qua kính chiếu hậu thấy bóng bà khuất dần, chợt trong lòng tôi chạnh lại. Kể ra thì bà là người đàn bà can đảm, sống trên đỉnh núi này một mình. Khi đêm xuống, không gian vắng lạnh, nhà hàng xóm cách xa đến mấy dặm, nếu không có niềm tin tôn giáo thì làm sao bà chống chọi lại nỗi cô đơn.

Ngày hôm sau, theo chương trình chúng tôi ghé lại Children’s Shelter. Cái trung tâm mới này hoàn toàn khác lạ với cái trung tâm tạm cư của chúng tôi hồi đầu thập niên 80; nó mới, đẹp, và sạch hơn. Tôi và cô con giữa đi ra ngoài chụp vài tấm hình kỷ niệm trong khi chờ đợi. Vợ tôi bước ra, nói:

“Ổng đến rồi kìa!”

Tôi bước trở lại bên trong, hồi hộp quan sát. Ông Mỹ đen cao lêu nghêu đang bắt tay với các thành viên trong gia đình tôi. Ông quay qua nhìn tôi. Tôi không biết ông có nhận ra tôi không, còn tôi nhận ra ông ngay, giá bây giờ tình cờ gặp ngoài đường tôi vẫn nhận ra ông. Tuy rằng bây giờ ông hơi phốp pháp, đầu trọc, nhưng khuôn mặt và giọng nói thì sau hơn 30 năm vẫn còn y nguyên. Ông Doyle ôm tôi thật chặt, tôi nhìn thấy ánh mắt ông hơi hoe đỏ. Ông quay qua nói với các con của tôi:

“Bố của mấy cháu ngày xưa đã có một thời lận đận. Từ một cậu bé tứ cố vô thân, bây giờ trở thành một người thành công. Tôi hãnh diện đã có một thời làm counselor của bố các cháu, tôi sung sướng đã đóng góp một phần nhỏ bé trong sự thành công của bố các cháu.”

alt

Ông Doyle và tác giả

Tôi tiếp lời và cố ý nói lớn cho các con nghe:

“Đúng vậy! Hồi đó bọn tôi nhỏ dại và bối rối. Chính nhờ sự hướng dẫn của các vị counselor như ông mà chúng tôi đã vượt qua thời gian khó khăn đó. Nếu không có các ông thì bọn tôi rất dễ sai đường, lạc lối!”

Ông Doyle đưa gia đình tôi đi thăm các khu sinh hoạt của các trẻ thiếu niên bị cha mẹ bỏ rơi ở trong này. Chúng tôi để ý số trẻ em rất thưa, có thể gọi là đếm trên đầu ngón tay, so với con số hàng trăm thời của tôi. Tôi nêu lên câu thắc mắc này và được ông Doyle giải thích:

“Lý do là ngày hôm nay chúng tôi có tiềm lực và kinh phí tốt hơn. Con số trẻ em bị bỏ rơi vẫn tăng, nhưng chúng tôi có khả năng tìm được nơi ổn định cho các em ở trong gia đình foster hoặc trong group home nhanh chóng hơn, trung bình các em chỉ vào trong đây vài ngày thay vì vài tháng như trước kia.”

Tôi phải công nhận cái Children’s Shelter này quá tân tiến hiện đại và đầy đủ tiện nghi, chỉ cần nhìn vào cái sân bóng rổ trong nhà là biết liền, nó đẹp và sang không khác nào sân bóng rổ của các đội NBA. Doyle nói trung tâm nhận được rất nhiều ngân khoản bảo trợ từ các công ty lớn trong vùng. Ông dừng lại một góc sân và chỉ cho chúng tôi chữ ký của quarterback một thời của đội San Francisco 49ers là Joe Montana. Doyle nói Joe Montana đã vào đây thăm viếng và biếu gần một triệu đô cho trung tâm. Tôi nói với ông Doyle:

“Tôi không bao giờ quên nơi chốn này. Các ông đã quá tốt đối với tôi, đã lo cho tôi cơm nước, áo quần, mặc dù tôi là kẻ hoàn toàn xa lạ. Tôi không quên công ơn này đâu. Tôi muốn đóng góp phần nào để giúp đỡ trung tâm. Rất tiếc tôi không được giàu có như Bill Gates, nếu không thì tôi đã ký cái check vài triệu (vừa nói vừa cười). Tuy nhiên, trong hãng của tôi hàng năm nhân viên được khuyến khích đóng góp phần lương vào các hội đoàn bất vụ lợi qua chương trình Combined Federal Campaign (CFC). Chắc Children’s Shelter này có trong danh sách CFC chứ?”

Ông Doyle Jones gật đầu. Tôi nói tiếp: “Từ rày về sau tôi sẽ bắt đầu chuyển phần quyên góp của mình về đây”. Mấy năm nay tôi vẫn đóng góp CFC vào trong quỹ từ thiện của nữ tài tử Kiều Chinh, bắt đầu từ năm tới chắc có lẽ tôi phải đổi lại. Sau đó, Ông Doyle cho biết thành phố đang tính đến chuyện bán cái shelter này lại cho một nhà thờ để mở trường học tư và cái shelter mới sẽ nhỏ hơn nhưng cũng đầy đủ tiện nghi. Lý do thành phố làm vậy là vì cái trung tâm này to quá trong khi số trẻ ở đây thì ít, giữ lại thì tốn kém lắm. Tôi nghe là tiểu bang California nói chung đang bị nợ nần thâm thủng, giáo viên còn bị cắt lương, giảm giờ thì chuyện trại Children’s Shelter được cải tổ để tiết kiệm là chuyện bình thường.

alt

Ông Doyle và gia đình BTL trước Children”s Shelter

Cuối cùng rồi chúng tôi phải nói lời chia tay. Tôi đưa cho ông Doyle tấm danh thiếp có số điện thoại và email của tôi. Ông nói sẽ đưa các thông tin này cho Bob Tamura, một counselor khác mà dạo đó tôi vẫn chơi bóng bàn với ông hàng đêm. Tôi hứa sẽ giữ liên lạc với ông thường xuyên hơn. Trước khi chia tay, ông Doyle hỏi tôi một thắc mắc hồi xưa ông không có dịp hỏi là hoàn cảnh nào đưa đẩy tôi vào trại tế bần. Tôi nói với ông là trường hợp của tôi rất đặc biệt; tôi không bị cha mẹ từ bỏ, nhưng tôi bị xa cách cha mẹ tôi cả một đại dương. Tôi hỏi ông có biết làn sóng thuyền nhân hồi thập niên 80 không. Ông trả lời là có. Bất chợt cả một vùng quá khứ bỗng hiện về trong tôi.

o O o

Chiếc xe honda đưa tôi từ nhà ở Vũng Tàu đến một căn nhà hoàn toàn xa lạ ở Rạch Dừa. Tôi được dẫn vào một căn phòng tối om, được dặn là ngồi im và chờ. Thời gian là thượng tuần tháng 5, năm 1980 và đang là mùa thi tốt nghiệp. Hôm nay tôi mới thi xong môn văn, ngày mai là môn toán. Hồi chiều, tôi đang đứng giải mấy bài toán hình học quỹ tích trên bảng thì mẹ tôi ùa vào và hối đi. Tôi có cái thói quen hay viết mấy bài toán ra trên bảng phấn thay vì trên giấy. Nhìn thấy thái độ hớt hải của mẹ là tôi biết bà muốn nói đi đâu. Tôi đã không lạ gì những dấu hiệu ra đi này nữa; sự thật thì tôi đã trải qua ít nhất là mười lần vượt biển bất thành. Tôi nói với mẹ:

“Con không đi đâu hết! Ngày mai thi đến nơi.”

“Lần này tin tưởng lắm con à. Có bác Minh bún thang đi cùng.”

Bác Minh là bạn hàng buôn bán của mẹ tôi, gọi là bà Minh “bún thang” là vì nhà của bà hồi xưa mở tiệm bán bún thang, nghe cái tên đó là biết ngay bà gốc Bắc kỳ di cư, cũng như cha mẹ tôi. Tôi biết là giằng co với mẹ cũng vô ích vì tôi biết quá rõ mẹ mình, một khi bà muốn gì thì bà sẽ làm đến cùng. Tôi đành miễn cưỡng ra đi, trong lòng không một tí hào hứng nào. Tôi nghĩ chắc cũng sẽ thất bại như chục chuyến đi khác cho nên tôi chẳng thèm mang theo hành trang nào khác ngoài chiếc áo sơ mi và cái quần xà lỏn. Tôi ra đi với một tâm trạng rối bời vì mùa thi tốt nghiệp đang diễn ra, tôi có biết bao nhiêu hoài bão chưa thực hiện được. Tôi định thi xong là nộp đơn lên đại học nguyên tử Đà Lạt hay Bách Khoa ở Sài Gòn. Ngày mai tôi sẽ không có mặt trong phòng thi, chuyến đi này không thoát nếu không vào tù thì tương lai cũng sẽ vô cùng tăm tối.

Ngồi trong một căn phòng tối đen như mực, tôi có cảm giác là có ít nhất vài người nữa đang có mặt trong căn phòng này. Mặc dù họ im lặng tuyệt đối nhưng tôi vẫn cảm giác được sự hiện diện của họ. Tôi hiểu rõ tâm trạng của họ cũng như mình mà thôi. Tôi định cất tiếng hỏi han nhưng nhớ lời người hướng dẫn là tuyệt đối im lặng nên tôi đành ngồi im. Bóng tối làm hai mắt tôi trĩu nặng, nhưng tôi không dám ngủ. Tôi đến đây hồi trời còn sáng, thời gian trôi qua là bao lâu? Tôi hoàn toàn mất hết khái niệm về thời gian. Tôi ngồi bệt xuống đất, co hai chân và dựa lưng vào tường. Tôi cầu mong nếu chuyến đi này bị bể thì làm ơn bể cho sớm, để tôi còn kịp về nhà, ngày mai còn kịp thi môn toán. Rồi tôi nghĩ đến bạn bè, thầy cô. Người mà tôi nghĩ về nhiều nhất là cô Chi dạy môn Anh văn. Phải nói tôi là học trò cưng của cô, lý do đơn giản là tôi giỏi Anh văn nhất lớp. Các bạn cho là tôi có năng khiếu trời cho, nhưng đâu có ai biết được là cha mẹ tôi đã muốn tôi đi vượt biên từ năm 1977, ông bà đã cho tôi học thêm Anh văn có thầy đến kèm tại nhà hàng đêm. Tôi lại nhớ đến thầy Thành dạy môn Toán, môn mà tôi yêu thích nhất trong tất cả các môn học. Sở thích và năng khiếu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hồi nhỏ tôi có năng khiếu viết văn, bài luận văn nào tôi cũng được điểm cao, các thầy cô khen là tôi có đầu óc sáng tạo, nhưng lớn lên không hiểu sao tôi lại ghét môn luận văn này lắm. Tôi chỉ thích các môn Toán, Vật lý, và Hóa học.

Đang ngồi suy nghĩ mông lung thì cánh cửa phòng hé mở, ánh đèn leo lét quét vào cho tôi thấy trong căn phòng nhỏ bé này ngoài tôi ra còn có bốn người khác. Người vừa mở cửa nói rất khẽ, chỉ vừa đủ nghe:

“Chuẩn bị xuống ghe. Cá lớn đang chờ ở ngoải!”

Lúc đó là khoảng nửa đêm.

(Xin đón đọc Tự Truyện kế tiếp)