Menu Close

Lá thư từ Kinh Xáng – Kỳ 11

Mùa Nước Lên

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 18 tháng 08 năm 2012

alt

Kính gởi anh Bảy Tân Châu và anh Hai An Phú,

Trước hết, tui xin có lời kính thăm hai anh cùng gia đình với lời chúc sức khoẻ cùng gia đạo bình an, hạnh phúc; thứ đến, như có hứa với hai anh là tui sẽ nhắc một chút về mùa nước lên nơi sông rạch miền Tây Nam nước Việt của mình, mà đặc biệt là vùng Long-Xuyên, Châu-Đốc, Cao -Lãnh, Sa-Đéc, Cần-Thơ, Rạch-Giá… từ hồi trước tới giờ để hai anh xem qua chơi hầu hồi tưởng lại những năm dài qua mau trong chớp mắt!

Thưa hai anh,

Số là mực nước hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang bình thường vào những tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư âm lịch hằng năm thì mỗi ngày có nước lớn, nước ròng. Khi nước lớn thì dòng sông theo nước thủy triều dâng lên, khi nước ròng nước lại rút xuống. Vào những ngày mùng mười và hai mươi lăm âm lịch mỗi tháng nước càng rút xa khỏi bờ hơn các ngày khác, dân quê gọi là nước kém; đến ngày rằm và ngày ba mươi âm lịch thì nước lại dâng lên cao, dân quê gọi là nước rong. Nhưng tới cuối tháng Tư âm lịch và bắt đầu mùng Năm tháng Năm âm lịch thì nước sông bắt đầu đục hơn những ngày trước đó và dường như lúc nào dòng nước cũng chảy mạnh từ phía trên Châu-Đốc đổ xuống các vùng phía dưới mỗi ngày mỗi mạnh hơn, nên dân quê gọi mùa nước vào những ngày là nước đổ. Tức là dù nước lớn hay nước ròng gì dòng sông vẫn chảy xuống càng ngày càng mạnh hơn lên và vào những ngày này các rạch lớn rạch nhỏ gì nước cứ óc ách hoài không bị cạn khô như các tháng nắng hạn trước kia nữa.

Nguyên do vì vào mùa này là mùa mưa và nước trên sông Cửu Long dâng cao tràn vô Biển Hồ trên Cao Miên làm hồ đầy và lượng nước tăng lên này tràn xuống hạ lưu làm các tỉnh phía dưới như Châu-Đốc, Long-Xuyên, Sa-Đéc, Cao-Lãnh… nước cứ lên dần dần cho đến rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm là mực nước sông bắt đầu bò lên các miếng ruộng sau nhà. Và cứ thế, theo đà nước đổ, rồi cọng thêm với mùa mưa tháng Bảy, tháng Tám mà mực nước sông Cửu Long cứ dâng lên hoài cho tới lúc nước tràn bờ đầy ruộng đầy đồng nhe hai anh.

alt

Mùa nước đổ (Nguồn: http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php)

Vào mùa này mực nước sông mỗi ngày cứ dâng lên hoài, có ngày nước dâng năm ba phân, có ngày nước dâng lên cả tấc tùy theo lượng nước mưa trên thượng lưu cũng như lượng nước mưa vùng hạ lưu của mình nhiều hay ít mà lưu lượng sông Cửu Long mạnh hay yếu, nhưng mức nước lên không bao giờ giảm. Chính vì vậy mà từ tạo thiên lập địa ông bà ngày xưa của mình gọi mùa nước vùng mình những ngày này là “mùa nước lên” nhe hai anh; chứ đời trước hổng có ai kêu là “mùa nước nổi” như bây giờ!

Thưa hai anh,

Trời đất có cái hay là nước dù lên tưởng chừng không bao giờ ngừng như vậy, thế rồi, đến ngày 25 tháng Chín âm lịch mực nước đang lên thơi thới trên các nhánh sông, trên các kinh rạch, trên các cánh đồng ấy bỗng nhiên ngưng lại, đứng yên một chỗ không lên không xuống giống như có cái máy thiên cơ khóa lại sức chảy của lưu lượng dòng Cửu Long và dân quê của mình gọi hiện tượng nước ngưng lên này là “nước phân đồng”.Theo đó, nước phân đồng cũng chính là mực nước tối đa của mùa nước lên. Theo kinh nghiệm, dân quê thường lấy vôi, lấy than củi ghi mực nước phân đồng hằng năm như vậy để so sánh mùa nước lên năm nào cao thấp hơn năm nào và người ta cũng căn cứ vào những mức ghi dấu ấy để bồi đắp vườn tược, hoặc đổ nền nhà thêm lên nếu cất nhà nền đất hay nâng sàn nhà cao thêm nếu cất nhà sàn hầu tránh nước ngập nhà cửa vườn tược sau này.

alt

Công viên Châu Đốc lụt 1961 (Nguồn: ThatsonchaudoC.com)

alt

Sân trường Thủ Khoa Nghĩa – lụt 1961 (Nguồn:Thatsonchaudoc.com)

(còn tiếp)