Cái gì cũng phải học, phải tập, từ lúc còn trong gia đình cho tới khi ra ngoài xã hội. Một trong những điều phải học tập ấy là phép lịch sự lúc ăn uống. Nó hết sức quan trọng trong giao tiếp hằng ngày.
Một nữ độc giả biên thư hỏi bà Peggy Post: Ông bạn trai của tôi có thói quen ăn uống rất xấu. Tôi có nên nói cho anh ấy biết để sửa chữa hầu đi chơi, đi ăn với nhau được dễ chịu và vui hơn không?
Trả lời: Đã có nhiều người than phiền về điều này. Và đây là một trong những thói xấu hàng đầu của các anh chàng mày râu –nghĩa là ẩu tả và lơ là trong cách ăn uống khi ngồi vào bàn ăn. Nếu liên hệ giữa cô và ông bạn kia đã dài lâu và đủ thân tình thì cô nên đưa vấn đề ra. Nhưng nhớ là phải cẩn thận. Hẳn là cô không muốn làm bẽ mặt anh chàng. Hãy cố gắng tạo một hoàn cảnh thoải mái khi chỉ có hai người với nhau. Đây là vấn đề sửa đổi thói quen và cách cư xử trong cuộc sống. Cô có thể nói đại khái như sau: “Cưng ơi, em để ý là đôi khi anh nhai mà không khép bớt miệng lại và cầm nĩa không đúng cách khi chúng ta ngồi ăn với nhau. Em biết là tuần tới anh đi ăn ngoài với một khách hàng quan trọng cho nên em thấy tốt hơn hết là em nói ra. Em không muốn anh chàng Joe Bigshot nghĩ rằng anh cũng tầm thường như em vậy.” Đó là khi thâm tình của hai người đã sâu nặng. Còn nếu như chỉ là sơ giao thì tốt hơn hết là cô nên ngậm miệng, kiểu ngậm bồ hòn làm ngọt. Phê bình thói xấu của cá nhân là bước vào bãi mìn đấy. Cô cần phải thận trọng lắm mới được.

Nhân đây, cũng cần lưu ý những anh chàng và cô nàng ba trợn về phép lịch sự lúc ăn kẻo người đối diện có cái nhìn sai về giáo dục trong gia đình mình: Chẳng những lúc ăn không nên há miệng quá to, nhai ngồm ngoàm mà còn không được chép miệng quá lớn, không được khua muỗng nĩa. Kỵ nhất là chuyện trò lớn tiếng lúc ăn làm bắn thức ăn ra bàn.

(theo Emily Post)