Menu Close

Thuốc quá hạn

Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Cách đây mấy ngày, tôi bị nhức đầu quá cho nên mới tìm trong ngăn kéo đựng thuốc, kiếm mấy viên thuốc để uống. Tôi tìm thấy một chai thuốc aspirin mua đâu hơn năm về trước và thấy còn tốt cho nên uống 2 viên. Nhức đầu bớt. Buổi chiều, nhà tôi đi làm về, tôi có kể cho ổng nghe và đưa cho ông chai thuốc, để hỏi coi thuốc có cũ không. Ổng coi thì thấy thuốc đã quá hạn gần 1 năm, và bảo tôi bỏ đi. Tôi thấy thuốc còn tốt, cho nên ậm ừ dấu cất đi.

Vậy thì bác sĩ làm ơn cho biết thuốc hết hạn có dùng được không và có gây ra hậu quả gì không?

Thank you, bác sĩ nhé – Mme Liên.

Đáp

Chào bà Liên

Cảm ơn bà đã nêu ra câu hỏi này, vì đây cũng là thắc mắc của nhiều bà con đồng hương mình. Có nhiều vị cất giữ để dành cả chục loại thuốc khác nhau để nếu cần thì mang ra dùng, kẻo ném đi phí của trời. Đây là một thói quen kể ra cũng hay, nhưng cũng lại có thể gây ra vài rủi ro cho sức khỏe. Thành ra, nêu thắc mắc như bà cũng là điều tốt, để chúng ta cùng học hỏi tìm hiểu với nhau.

Chúng ta biết rằng, trên mỗi chai hộp đựng thuốc từ nhà sản xuất đưa ra, ở một góc, ta thấy ghi hai hàng chữ: Lô Hàng Số và Ngày thuốc Hết Hạn (Lot number và Expired date).
“Ngày Hết Hạn” do nhà bào chế thuốc đưa ra.

Định Nghĩa

Theo Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ, “Ngày hết hạn ghi trên hộp, chai hoặc nhãn hiệu của một dược phẩm là để chỉ thời hạn mà thuốc được tin tưởng là còn ở trong các đặc điểm đã được chấp thuận về thời hạn dùng nếu cất giữ trong điều kiện đã được xác định. Sau thời hạn đó có thể là không được dùng”.

Đây là ngày do nhà bào chế tự chọn và có thể bảo đảm là thuốc còn công hiệu và an toàn, chứ không có nghĩa là thuốc công hiệu và an toàn trong thời gian bao lâu, như là 1 hoặc 2 năm.

Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, sau ngày hết hạn thuốc không hoàn toàn vô dụng nhưng hoạt tính có thể giảm đôi chút. Dùng thuốc quá hạn có thể chỉ giảm một ít hiệu năng so với hiệu năng ghi trên nhãn thuốc. Đôi khi cũng gây vài khó khăn không lường trước. Vì thế ý kiến của nhiều người là không nên dùng thuốc quá hạn, nhất là đối với các bệnh trầm trọng.

Thường thường thời gian thuốc còn ở tình trạng ổn định này là từ 2-3 năm kể từ khi được sản xuất. Khi hộp chứa nguyên thủy đã bị mở ra thì ngày hết hạn không còn hiệu lực, vì thuốc đã bị ảnh hưởng của môi trường, độ ẩm, hơi nóng… Dược phòng sẽ ghi trên chai thuốc giao cho người tiêu thụ một ngày gia hạn gọi là “beyond-use date”, thường là 1 năm kể từ lúc toa thuốc được thực hiện. Sau ngày này, thuốc không được dùng. Lý do là thuốc có thể bị thoái hóa sau khi thay đổi hộp chứa và người bệnh mở đậy nắp thường xuyên khi dùng.


Nguyên do sự hư hao của thuốc

Sự hư hao của thuốc có thể do:

– Thủy phân khi thuốc tiếp xúc với nước.

– Sự oxy hóa là nguyên nhân chính của hư hỏng dược phẩm. Để tránh sự oxy hóa, thuốc cần được gói đậy kín.

– Ánh sáng cũng làm thuốc hư hao vì thế cần được cất giữ trong bình chứa cản quang.

Thuốc từ dược phòng về nhà nhiều khi không được cất giữ trong điều kiện an toàn, mở nắp chai thuốc nhiều lần khiến cho thuốc ẩm mốc, dễ dàng biến chất.

Nhiều người chúng ta có thói quen là đặt tủ thuốc gia đình trong phòng tắm. Thực ra, đây là nơi cất giữ thuốc xấu nhất vì thường xuyên ẩm ướt rồi nhiệt độ trong phòng lên cao khi ta tắm bằng nước nóng cũng ảnh hưởng tới thuốc.

Chúng ta nên cất giữ thuốc nơi khô mát, không có ánh sáng mặt trời như trong ngăn kéo tủ quần áo, tại phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp (nhưng đừng gần lò nấu), thuốc có thể an toàn công hiệu lâu hơn. Nhưng nhớ đậy kín nắp chai lọ.

Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn lên sự thoái hóa của hoạt chất thuốc: Cứ mỗi tăng 10 độ thì sự thoái hóa lại tăng gấp đôi.

Ngoài ra:

– Nên loại bỏ thuốc đã đổi mầu, viên thuốc mủn thành vụn bột hoặc có mùi mốc; thuốc nước bị vẩn đục, mầu thay đổi hoặc thuốc thoa đã khô cứng.

– Nên loại bỏ các thuốc trị bệnh trầm trọng đã quá hạn vì công hiệu có thể giảm đi rất nhiều, như thuốc về tim, thuốc cao huyết áp, thuốc trị bệnh thận…

– Không để thuốc viên này lẫn lộn với thuốc viên khác vì có thể có tương tác giữa các hóa chất với nhau.

– Cất thuốc ở nơi xa tầm tay trẻ em để tránh các cháu tò mò uống nhầm;

– Vứt bỏ cục bông gòn trong chai thuốc vì bông gòn rất hút nước

– Các thuốc dễ hư như insulin hoặc vài loại dung dịch kháng sinh rất dễ hư hỏng, vì vậy nên dùng theo đúng hạn và để trong tủ lạnh.

Theo Robbe Lyon, một Giám Đốc của FDA: “Dược phẩm mất công hiệu khi quá ngày hết hạn do đó hiệu nghiệm và khả năng hòa tan của chúng có thể bị ảnh hưởng. Đối với bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc để sống còn, như là thuốc bệnh tim, thuốc hết hạn có thể trở nên nguy hại vì chúng có thể không giữ được toàn vẹn khả năng trị liệu của thuốc”.

Nếu thuốc quá hạn vài năm và nếu bệnh của ta cần loại thuốc công hiệu 100% thì nên mua thuốc mới.

Và nếu có thắc mắc gì về ngày hết hạn, hãy hỏi ý kiến dược sĩ của mình. Dược sĩ là nguồn cung cấp thỏa đáng các dữ kiện về thuốc cho mọi người.

Chúng tôi cũng xin nhắc lại với bà và quý độc giả của tuần báo Trẻ là, khi đi mua thuốc, ta có thể hỏi vị dược sĩ bất cứ điều gì mà ta muốn biết về thuốc. Các vị này đã được đào tạo đầy đủ về công dụng của thuốc, tác dụng phụ, cách dùng cũng như cách cất giữ. Xin bà con đừng ngần ngại.

Hy vọng những góp ý này thỏa mãn yêu cầu của bà. Riêng chai aspirin mà bà đang giữ, bà hãy mở ra coi xem viên thuốc còn giữ mầu trắng hay không hoặc đã chuyển sang mầu ngà, nắn coi viên thuốc còn cứng hay đã mềm ìu, nếm coi xem còn hơi chua chua hoặc đắng. Nếu còn trắng, còn chặt còn chua thì dùng thêm vài tháng nữa. Nhưng mà thưa bà, aspirin nó cũng rẻ thôi. Nếu e ngại thì quẳng nó đi. Kẻo ông nhà biết được thì lại nghe rầy rà là sao mà hà tiện quá zậy, mình ơi!!!

Chúc bà luôn luôn vui mạnh.

NYD