Menu Close

Vai diễn “Siêu cường” trong kịch bản của chú Sam

Bàn về Trung cộng, có không ít nhận định ít nhiều vội vã, đưa anh khổng lồ này lên hàng siêu cường, ngang vai Hoa Kỳ. Trong loạt bài về Trung cộng, chúng tôi thử xem xét các phương diện khác nhau của Trung cộng, qua đó bật ra một xã hội thô sơ, một nền quốc phòng yếu kém, một hệ thống kinh tế lạc hậu, một thể chế chánh trị thiếu  ổn định. Khác Hoa Kỳ, cường quốc luôn cổ suý cho tự do và dân chủ, những giá trị bền vững, nhân bản, Trung cộng đến ngày nay còn loay hoay với món nợ chủ nghĩa cộng sản, một triết lý đã khánh tận. Trong khi người Mỹ khai phóng với tư tưởng tự do, tiếp tục cầm đầu thế giới, thì nhóm cầm quyền tối thượng ở Bắc Kinh lấm lét sợ tự do, dân chủ, mải mê với sự còn mất của chiếc ngai quyền bính cho riêng họ.

alt

Trung cộng chưa phải là siêu cường vì chưa có chiến lược ngoại giao rõ ràng, thẳng thắn, ít bạn đồng minh. Ngoài chiêu bài kinh viện trước các tiểu quốc, Trung cộng thiếu một ý thức hệ sáng sủa, đủ hấp dẫn đồng minh. Chẳng có mấy quốc gia muốn thấy mô hình thế giới với Trung cộng bá chủ bằng phương pháp bạo lực cộng sản. Mấy thập niên vừa qua, Trung cộng không chú trọng xây dựng khối đồng minh chiến lược. Cách chung, họ chỉ cố gắng giữ gìn mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ, tranh thủ chút thời gian phát triển kinh tế.

Đến những năm gần đây, khi Trung cộng đổi thái độ, mau lẹ khuếch trương thế lực ở Biển Đông, nhiều lân quốc nhỏ hơn — ngay cả chính Việt Nam — bèn xoay trở tìm cách cộng tác với Hoa Kỳ. Để thấy sự non tay của Trung cộng, có thể liên tưởng ngược lại: Hai láng giềng của Hoa Kỳ là Canada và Mexico chưa hề phải mưu tìm thế đồng minh tương trợ với Trung cộng để cân bằng thế lực với Hoa Kỳ ở Bắc Mỹ.

Nhiều thống kê đã cho thấy ảnh hưởng chánh trị của Trung cộng chỉ khả quan ở Phi Châu và vài nơi ở Nam Mỹ. Còn công chúng Âu Châu, Hoa Kỳ, cũng như Nhật Bổn (Japan), Nam Hàn (South Korea), Ấn Độ (India)… lại có cái nhìn, tiếp nhận Trung cộng khá dè dặt.

Về quân sự, đằng sau sự hùng hổ trên Biển Đông, Trung cộng yếu hẳn trên thế chiến lược. Trung cộng tuỳ thuộc vào hàng hải để đưa hơn 90% tài nguyên về Trung Hoa Lục Địa. Thế nhưng hải quân của họ còn khá khiêm tốn, chưa thể kiểm soát các đại dương. Đây có thể là một trong những lý do phe chủ chiến Trung cộng muốn lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, và cả Biển Đông của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam, như lịch sử nhiều lần chứng minh, luôn là khúc xương khó nuốt. Quanh vùng, các nước địch thủ đáng gờm khác còn có Indonesia, Malaysia, Philippines… Cuối cùng, Trung cộng chỉ có đồng minh Pakistan, Bắc Hàn (North Korea), Cambodia… Ngay cả Moscow cũng từ chối bán cho Trung cộng những hệ thống võ khí tối tân nhất. Ngoài nước Nga, Trung cộng còn vài đối thủ khó chịu nữa trong vùng: Ấn Độ, Nhật, Nam Hàn (South Korea). Trong khi Trung cộng thiếu các mạng lưới đồng minh chiến lược, người Mỹ sẵn có các hiệp ước yểm trợ an ninh với Nhật, Nam Hàn, Đài Loan (Taiwan)…

alt

Một xưởng quân trang của Trung cộng

Về võ khí, như trong bài trước chúng tôi đã đề cập, sức mạnh nguyên tử của Trung cộng còn khá khiêm tốn so với Liên Bang Nga và Mỹ. Chiến hạm, oanh tạc cơ chiến thuật… của Trung cộng chỉ hiệu quả quanh vùng, vừa đủ để răn đe Đài Loan và các nước quanh Biển Đông. Binh sĩ Trung cộng thiếu kinh nghiệm trận mạc, thiếu khả năng can thiệp quốc tế, vì Trung cộng chưa thiết lập căn cứ quân sự nào bên ngoài biên giới. Những yếu tố này khiến việc phát triển, mở mang quân sự của Trung cộng trở nên rất khó khăn.

Về tiềm lực kinh tế, văn hoá, xã hội của Trung cộng, cũng nhiều phần được phóng đại. Cách những cao ốc chọc trời hào nhoáng ở Bắc Kinh hay Thượng Hải không xa, vẫn còn nhiều khu ổ chuột, bần hàn, kém vệ sinh — là nơi trú mưa nắng bốn mùa của hằng ngàn nhân công di dân từ các nơi thôn quê đổ về. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội của Trung cộng cũng còn thua sút nhiều quốc gia phát triển. Như chúng tôi có đề cập trước đây, hơn phân nửa dân số người Hoa vẫn còn sống trong những ngôi làng thô sơ, không điện nước, thiếu thốn giáo dục căn bản. Càng đi sâu vào nội địa, điều kiện sinh sống tương tự như một nước thuộc thế giới thứ 3 càng rõ rệt: công ăn việc làm khan hiếm, giáo dục cẩu thả, thương mại nghèo nàn, đầu tư hầu như vắng bóng. Với đà đô thị hoá khoảng 1% mỗi năm, sau 3 thập niên nữa, vẫn còn 1/4 dân số Trung cộng sống bằng nghề nông đơn giản từ ngàn năm trước.

alt

Tương phản Thượng Hải

Thêm vào đó, những hạn chế ngặt nghèo về tư tưởng giới hạn khả năng sáng tạo của dân chúng, khiến các ngành nghệ thuật văn chương âm nhạc phim ảnh tuyệt đường phát triển. Nơi học đường, tỉ lệ gian dối cao. Các trường đại học Mỹ có không ít kinh nghiệm dở khóc dở cười với những hồ sơ xin nhập học ma quái của học trò Trung cộng: ít nhất 70% bài văn tự giới thiệu là viết mướn;  học bạ bị sửa hoặc làm giả; ứng viên thuê người thi trắc nghiệm khả năng Anh ngữ giùm, v.v…

Hệ thống chánh trị Trung cộng, dưới bề ngoài hào nhoáng, thật sự nội tình cũng không ổn định. Một mặt, Trung cộng được nhiều người nâng lên hàng siêu cường vì dân số và lãnh thổ khổng lồ. Mặt khác, cũng chính vì bao gồm nhiều dân tộc, lãnh thổ mênh mông, thật khó cho một chánh quyền trung ương điều hành hiệu quả. Trung cộng có không ít mâu thuẫn và thử thách nghiêm trọng. Các tỉnh địa phương kèn cựa nhau. Văn hóa dị biệt giữa miền bắc và nam. Chưa kể những vận động theo tinh thần quốc gia tự trị ở Tây Tạng (Tibet), Tân Cương (Xinjiang) và Nội Mông (Inner Mongolia). Thiếu những vùng đất giàu tài nguyên này, lãnh thổ Trung Hoa của người Hán bị thu hẹp đáng kể, có thể chỉ đáng được gọi là cường quốc khu vực.

alt

Bản đồ vùng Tân Cương (màu sậm) phía tây bắc lãnh thổ Trung cộng hiện tại.

alt

Đức Dalai Lama, vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng lưu vong, từ năm 1959 đến nay bền bỉ đòi hỏi quyền tự trị dẫn đến độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của đảng cộng sản từ Bắc Kinh.

Ngược lại với nhiều nhận định, trong những năm tới, Trung cộng còn phải bận bịu đối phó với những bất ổn nội tại này, không đủ lực để bành trướng ra bên ngoài. Trước nguy cơ tan rã từ bên trong, Bắc Kinh phải điều động nhiều đơn vị tinh nhuệ của quân đội đi… giữ đất.

alt


 Bắc Kinh dùng quân đội đàn áp dân chúng Tân Cương năm 2007 khiến hằng trăm người thiệt mạng. Đa số dân Tân Cương là người Uyghur theo Hồi Giáo.

Trung cộng cũng không có uy tín của một siêu cường. Siêu cường phải đủ nội lực và ngoại lực để khống chế và gây áp lực cùng ảnh hưởng tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Siêu cường phải có có quân đội hiện đại, nền kinh tế hùng hậu, kèm một ý thức hệ đủ thu phục lòng người. Những điều này Trung cộng đều thiếu ít hoặc nhiều. Thu nhập đầu người dân Trung Hoa chỉ ngang hoặc bằng Iran, Mexico hay Kazakhstan. Siêu cường cũng không thể có thành tích môi trường bi đát nhất thế giới, với tham nhũng lan tràn, và hệ thống nhà tù giam cầm hằng ngàn người bất đồng chánh kiến. Siêu cường không chỉ dựng lên từ hấp lực đồng Dollar viện trợ, mà phải đi qua lịch sử và những ràng buộc văn hoá, chánh trị sâu xa.

Trung cộng, vì vậy, có thể gọi là một siêu cường ảo tưởng. Tìm hiểu xuất xứ của màn hào quang ảo này có thể mang lại không ít ngạc nhiên thú vị. Để hiểu kịch bản “siêu cường” Trung cộng và bàn cờ Biển Đông, người ta cần soi xét lại những nước cờ thâm sâu của TT Nixon đầu thập niên 1970. Người Mỹ lúc đó hạ lá bài… vỗ béo Trung cộng, để đổi lấy một đồng minh đương cự với thế lực Nga sô. Ngày nay, Liên Hiệp Âu Châu dần vươn lên làm siêu cường. Ở Á Châu, Nhật Bổn vẫn là siêu cường duy nhất. Để Trung Hoa hoàn thành giấc mộng… cá chép vượt Vũ Môn, hoá rồng, Bắc Kinh phải xoá bỏ ràng buộc, để xã hội và con người Trung Hoa phát triển tự do, bồi đắp xã hội dân sự. Tuy nhiên, những điều này đe doạ sự tồn vong của chính đảng cộng sản. Dân tộc Trung Hoa sẽ vượt thoát, hay tiếp tục đeo chiếc vòng kim cô buồn thảm của chủ thuyết cộng sản – câu trả lời dứt khoát có lẽ không còn bao xa nữa.

TD