Menu Close

Tự Truyện – Kỳ 5

Sau nhiều mưu toan vượt biên bất thành bắt đầu từ năm 1977, phải nói đây là lần đầu tiên tôi thực sự lênh đênh trên mặt biển và rời xa đất liền. Mặc dù vẫn còn đang trong “cá nhỏ” trên đường gặp “cá lớn”, nhưng tôi có cảm tưởng lần này là tôi sẽ lìa xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn suốt 17 năm qua.

alt

Hình minh họa – Nguồn UNHCR.Org

Nửa giờ đồng hồ hồi hộp trôi qua, từ xa “cá lớn” hiện ra sừng sững trong màn đêm. Mặc dù mọi người trên tàu dường như cố gắng giữ yên lặng, nhưng chỉ cần nghe những tiếng thì thầm thì cũng đủ biết số người trên tàu không phải ít. Một sợi dây thang được ném xuống chiếc ghe máy tôi đang ngồi. Người lái chiếc ghe (sau này tôi mới biết tên là Sáu) là một thiếu niên trẻ trạc tuổi tôi, ra lệnh cho từng người leo lên. Sau đó một người tài công trên tàu trèo xuống và phụ Sáu khiêng lên nhiều bao tải được bao bố che kín. Người tài công nói nhỏ với Sáu:

“Thằng công an nó có giao đầy đủ hàng cả chứ. Mày đếm chưa Sáu?”

 “Đầy đủ cả. Đại ca yên tâm đi!”

Sau này tôi mới biết những bịch hàng đó bên trong chứa súng và lựu đạn. Chả là vì mấy tên tài công này có vợ con đi vượt biên trước bị hải tặc bắt và hãm hiếp. Trong chuyến đi này cũng có rất nhiều đàn bà và con gái, mấy chả rút kinh nghiệm nên thủ đầy đủ súng ống cho chắc ăn. Có lẽ chiếc  ghe chở tôi và bốn người đi cùng là chuyến bốc khách cuối cùng. Sau khi khuân hết mớ hàng lên tàu, Sáu cũng nhảy lên theo, để mặc chiếc ghe trôi lềnh bềnh trên biển. Chiếc tàu nổ máy, chầm chậm xé màn đêm mà đi. Tôi nhìn lại phía bờ, xa xa ánh đèn hải đăng từ phía núi nhỏ quét lên một vệt dài trên bầu trời. Tôi vẫn nhìn thấy ngọn núi lớn với tháp ra-đa đen ngòm. Bờ biển Vũng Tàu từ từ rút nhỏ lại, xa dần và xa dần. Mệt và đói làm tôi thiếp đi lúc nào không hay.

Tiếng con nít khóc đánh thức tôi dậy. Màn đêm đã bớt dầy đặc, phía đông mặt trời sắp ló dạng. Xa xa, phần đất liền của Việt Nam vẫn còn thấy được, mặc dù chỉ còn là một vệt nhỏ nằm ngang trên đường chân trời. Người tài công cho biết là lái đến chiều sẽ tới hải phận quốc tế. Biển yên, sóng lặng cho nên gã thả hết tốc lực cho tàu chạy thoải mái. Sau đó gã quay qua người phụ lái bên cạnh, nói lớn như muốn hét cho mọi người nghe:

“Tối hôm qua tối trời quá, bốc khách không kiểm tra kỹ, hình như có mấy người chưa nộp vàng”

Tên phụ lái nhảy phóc từ trên nóc xuống, nhìn vào đám đông đang nằm ngồi lổm nhổm, nói như đe dọa:

“ĐM mấy thằng đi canh me, quăng hết xuống biển”.

Từ “canh me” ám chỉ những người đi ké, không trả tiền. Tôi nghe kể có nhiều chuyến đi vượt biên, vượt khỏi bờ chủ ghe khám phá ra đám canh me, bực mình vì là bọn này không trả tiền mà còn làm cho tàu nặng thêm trọng tải cho nên chủ ghe quăng bọn canh me xuống để chúng bơi vào bờ. Đó là trường hợp cách bờ chừng cây số, chứ bây giờ con tàu này đã cách bờ cả trăm cây số, quăng người ta xuống biển khác nào giết người. Tôi hy vọng tên phụ lái này chỉ hù dọa cho có. Gã vừa nói vừa nhìn tôi đăm đăm:

“Ở trên này ai trả tiền, ai không ông đây biết hết cả!”

Sau này tôi mới biết là thằng công an khu vực, người có nhiệm vụ truyền vũ khí xuống tàu được chủ ghe cho phép đưa đi 3 người, có thể hắn nổi lòng tham và đưa lên tàu số người nhiều hơn giao kèo. Mặc dù mẹ tôi đã nộp đầy đủ số vàng cho bà Minh bún thang, không biết bà có đưa lại cho tên công an chưa và không biết là tên công an có khai tôi là một trong 3 người của hắn hay không. Không hiểu sao mấy tên chủ ghe lúc nào cũng nhìn tôi bằng ánh mắt không có thiện cảm.

Sáng hôm nay tôi đảo mắt nhìn quanh trên ghe thì phát hiện ra có một người bạn học có mặt trên boong. Đó là chị Nguyễn Thị Hoàng Chi, trong lớp ai cũng gọi là chị Chi bởi vì tuy học cùng lớp nhưng chị lớn hơn đa số bạn cùng lớp ít nhất 3 tuổi. Lúc đầu tôi tìm cách tránh né, quay mặt nhìn hướng khác, hy vọng chị không thấy tôi vì tôi lo là nếu bị bể phải quay trở về sợ chị đi kể cho các bạn thì nguy. Cho đến quá trưa, thấy ít còn có cơ hội quay trở về. Tôi mon men đến chào chị Chi. Chị nói:

“Sáng đến giờ thấy Thành Long trốn tránh Chi, mắc cười quá!  Thật ra thì sáng sớm nay Chi đã thấy Thành Long nằm ngủ gà ngủ gật.”

“Xin lỗi chị Chi nghe, tại vì mình sợ đi không lọt, về phải gặp lại bạn bè.”

Rồi hai đứa tôi nói chuyện về bạn bè, thầy cô, trường lớp, và chuyện tương lai vô định. Tôi thấy chị Chi hơi bị xúc động và tỏ vẻ rất lo lắng, tuy nhiên tôi cũng không an ủi gì cho chị được vì chính tôi cũng không biết là số phận con tàu này về đâu, chính bản thân tôi cũng lo lắng không kém. Cuối cùng tôi cũng nói được một câu an ủi chị cũng là tự an ủi chính tôi:

“Chuyện đến đâu hay đến đó. Đến nước này thì sống thác là do ý Trời!”

Đến chạng vạng tối thì đúng như lời gã tài công nói lúc sáng, chúng tôi đã ra đến hải phận quốc tế. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy nhiều chiếc tàu hàng to lớn hiện ra sừng sững giữa biển khơi bao la. Gã tài công nói với mọi người:

“Mình chỉ chọn mấy tàu tư bản thôi, gặp tàu Liên Sô vớt, nó sẽ mang trả lại Việt Nam.”

alt

Hình minh họa – photo Enjoy Every Sandwich

Nhưng không lâu sau đó chúng tôi khám phá ra một thực tế phũ phàng là chả có chiếc tàu nào, cả “tư bản” lẫn cộng sản, thèm vớt chúng tôi. Những chiếc tàu này mã lực lớn và chạy rất nhanh, chiếc ghe nhỏ bé dài khoảng 10 thước của chúng tôi làm sao đuổi kịp, cho nên gã tài công chạy bọc đầu, nhưng chạy gần đến nơi thấy tàu hàng tiếp tục chạy và không thuyên giảm tốc độ thì gã tài công phải dừng lại bởi vì đến gần sẽ bị các đợt sóng của tàu hàng xô lật ngay. Có nhiều chiếc tàu đang đậu neo, thấy chiếc ghe của chúng tôi đến gần thì liền rút neo và chạy mất tiêu. Sau một hồi chạy vòng vòng đến các chiếc tàu đều bị chúng tránh xa như tránh hủi, gã tài công nản chí, tắt máy và thả cho ghe trôi lềnh bềnh để tiết kiệm xăng. Tôi để ý suốt buổi chiều hôm đó chúng tôi đã gặp qua khoảng mười chiếc tàu mang đủ quốc kỳ, trong đó có tàu Hồng Kông, Macau, Ý, Thụy Sĩ, Liên Sô, Tiệp Khắc là những chiếc tôi còn nhớ được. Đến đêm, chiếc ghe đang trôi theo dòng nước thì từ xa chúng tôi thấy có ánh đèn sáng rực. Gã tài công cho ghe nổ máy và chạy gần về hướng ánh đèn. Đó là một chiếc tàu du lịch khổng lồ mang quốc kỳ nước Ý. Chạy đến cách khoảng vài trăm mét thì gã tài công dừng lại và tắt máy vì gã biết rõ đến gần thì nó cũng sẽ nhổ neo bỏ chạy. Chiếc du thuyền sáng rực cả một vùng biển, không khác nào một thành phố đang lên đèn. Tôi còn nhìn thấy có nhiều ông bà da trắng đang trần trùng trục, trong đó có nhiều ông to béo như con trâu nước, đang nằm dài trên các chiếc ghế bố cạnh bể bơi trên tàu vui chơi. Tiếng nhạc xập xình từ xa vọng lại nghe rất rõ.  Có vài người trong bọn họ còn chỉ chỏ về phía chúng tôi. Cuối cùng gã tài công nói:

“Biết đâu tụi này nhân đạo hơn!”

Rồi gã quyết định nổ máy, lao nhanh về hướng chiếc tàu du lịch khổng lồ. Ngay lập tức nó cũng “depart” và bỏ rơi chúng tôi lại đằng sau trong tích tắc!

Ánh đèn thành phố trên biển đã đi xa, trả lại màn đêm bao phủ không gian bốn bề vắng lặng. Gã tài công quyết định cắm neo, nghỉ lại đợi ngày mai tính sau. Lúc đó tôi mới nhớ ra là suốt hơn 24 tiếng đồng hồ, tôi không hề có một cái gì bỏ vô bụng. Nhịn đói thì được, nhưng nhịn khát chắc chắn là không. Cả ngày hôm nay chủ ghe cũng chia nước đồng đều cho chúng tôi uống, mỗi người cũng được uống khoảng gần một lon sữa bò nước. Ngoài chị Chi bạn học cùng lớp ra, tôi cũng bắt đầu làm quen được vài người bạn trên ghe, có người tâm sự buồn vui nên cũng đỡ chán. Suốt đêm hôm đó chúng tôi nói chuyện, đến gần tờ mờ sáng mới chợp mắt được khoảng một tiếng.

Một ngày mới bắt đầu. Sáng hôm nay tôi có dịp leo lên gần mũi tàu nhìn rõ bốn bề. Trên là trời, dưới là nước, không nhìn thấy đâu là bến bờ. Tự dưng tôi có một cái cảm giác thật ghê rợn khi thấy chiếc ghe đang chuyên chở mình thật nhỏ bé trên đại dương bao la. Lúc đó tôi đã nói với người bạn mới quen là nếu sống sót được sau chuyến hải trình này nhất định tôi sẽ viết sách kể lại kinh nghiệm đang trải qua. Giờ đây, sau 32 năm, tôi mới thực hiện được điều đó.

Đến chiều hôm đó, tức là sau 2 ngày lênh đênh trên biển, mặt biển đang phẳng lặng như tờ giấy bỗng nhiên gợn sóng. Mây đen vần vũ kéo đến. Gã chủ ghe cho hay bão đang kéo đến và biển sắp bị động mạnh. Gã nói là kinh nghiệm đi biển lâu năm đã mang lại cho gã cái giác quan đặc biệt; chỉ cần ngửi và nghe sự biến chuyển trong không gian mà gã dám chắc là sắp có bão cấp 7 trở lên. Gã cũng cho hay là không thể nấn ná ở ngoài hải phận quốc tế này mãi được. Chiếc ghe đổi hướng trên hành trình tiến về các hòn đảo nằm ở phía nam trong các quốc gia Nam Dương, Mã Lai và Singapore. Theo gã tài công thì phải mất ít nhất là 2 ngày hai đêm thì mới chạy đến quần đảo gần nhất ở phía nam; như vậy là chắc chắn chiếc ghe này sẽ bị dính bão. Từ trong khoang dưới, tiếng kinh cầu bắt đầu vang lên.

BTL