Thưa hai anh, có mùa nước lên, có nước phân đồng như vậy thì tất nhiên sẽ có mùa nước xuống vì nước lên hoài làm sao dân tình mình chịu cho nổi. Phải vậy hông hai anh? Và mùa nước xuống này, dân quê gọi là mùa nước giựt. Theo thứ tự mà tui nhớ rất rõ là sau ngày nước phân đồng vào 25 tháng Chín âm lịch, thì mực nước cứ cầm cự án binh bất động như vậy cho tới cuối tháng Chín và đầu tháng Mười, dù những ngày đầu tháng Mười này có nước rong nhưng mực nước trên đồng không lên cao bao nhiêu; cho tới đúng ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, tức là ngày nước chánh kém giữa tháng Mười, nước bắt đầu rút mạnh, người ta thấy rõ mực nước trên đồng chảy ra các kinh rạch rất mạnh và mực nước trên các kinh rạch cũng giựt nhanh ngó thấy.

Châu Đốc Lụt 1961 (Đi học bằng xuồng) (Nguồn:Thatsonchaudoc.com)
Theo kinh nghiệm nhà quê mà tui biết thì dấu hiệu trước tiên để biết nước sắp sửa giựt là những đàn cò trắng bắt đầu ra đứng tại các bờ rạch bờ kinh ngay các cựa gà chỗ nước rút xuống kinh mương để chờ cá ra. Dân quê gọi hiện tượng này với cái tên rất quen là “cò ra sông”. Thành ra, nước đang lên mà cò ra sông là nước sắp giựt. Hợp cùng hiện tượng nước giựt nhanh này các loài cá trên đồng ào ào lội theo dòng nước tràn ra sông, và dân quê gọi mùa này là “mùa cá ra”. Đặc biệt khởi đầu cho dấu hiệu mùa cá ra chính là giống cá linh, rồi sau đó mới tới cá mè dinh, cá dãnh, cá trèn, cá thác lác các loại rồi mới tới hai loài cá ra gần chót báo hiệu nước trên đồng gần cạn đó là cá rô biển và cá rằm. Kinh nghiệm cho thấy khi nào mình giăng lưới mà dính rặt hai giống cá này thì coi như cá trắng trên đồng sắp ra sông hết rồi. Dĩ nhiên các loại cá đen như cá trê, cá lóc, cá rô thì một số ra sông sớm, nhưng một số cũng nấn ná ở lại các lung vũng đìa bàu nên mới có mùa làm lóng, tát mương, tát đìa làm mắm sau này vào mùa nắng tháng Hai, tháng Ba âm lịch.

Châu Đốc Lụt 1966 (Bồ Đề Đạo Tràng)(Nguồn: Thatsonchaudoc.com)
Ngày xưa, vào các năm của thập niên 1940-1950 của thế kỷ trước, dân quê vùng Châu Đốc – Long Xuyên của mình làm rặt một mùa lúa mùa, nên mùa nước giựt từ các cánh đồng lúa mùa nước cỏ, nước phèn chảy ra ào ào, nên cá mùa này bị nước cỏ làm cho hai con mắt của chúng bị đỏ và không lội xa được mà cứ nổi ngay tại chỗ quơ râu quơ kỳ quây quần lòng vòng chung với nhau từng bầy, từng bầy và dân quê gọi mùa này là mùa cá dại. Dại ở đây hiểu như nghĩa cá bị khờ, hổng biết đường nào mà lội cứ lòng vòng lẩn quẩn cùng nhau như vậy chờ cho sắp nhỏ vác chĩa sà di làm bằng căm xe đạp hoặc bằng kèo dù đi dọc theo bờ rạch lựa những con cá ngon để đâm cả xâu dài thòn, biết ham nhe hai anh! Mùa cá dại này có cá nhái là đông nhứt, rồi tới cá rô biển, cá éc, cá trèn, cá mè, cùng các loại cá trắng khác nữa nhưng riêng loài tôm chúng cũng góp mặt với mùa cá dại này bằng cách bò cặp theo hai bên con đường lộ đá Long Xuyên – Tri Tôn quơ râu quơ càng nhiều lắm. Riêng các loại cá đen như cá rô, cá trê, cá lóc vì là loài cá mạnh, chịu được các loài nước phèn, nước cỏ này, nên chúng ít khi nào nổi lờ đờ như các loài cá trắng. Vào mùa cá dại này, hồi nhỏ hổng gì vui bằng đi đâm cá, đâm tôm phải hông hai anh?
Thưa hai anh,
Nhơn nhắc mùa nước lên ở vùng sông nước miền Tây của mình, hồi xưa ông bà mình có phân biệt khi nào nước lên quá mức bình thường như ngập vườn tược, nhà cửa, đường sá cầu cống thì mới gọi nước lụt hoặc có mưa dông lớn làm mực nước dâng nhanh bất thường thì mới gọi là bão lụt, như bão lụt năm Thìn mà người xưa nào cũng nghe nói và nhắc tới. Riêng trong đời tui thì mùa nước lụt lớn nhứt vùng mình thì có lẽ là mùa nước năm 1960 mà tui biết. Hồi đó, tui học lớp Đệ Tứ, nhà trọ từ cầu Cái Sơn (Long Xuyên), tôi đi bộ lên trường qua chỗ ngã tư đèn bốn ngọn (chỗ ngã rẽ vô Núi Sập) nước ngập tới háng, nước chảy băng băng qua đường như giữa lòng rạch lớn.

Thầy cô giáo giờ nghỉ giải lao trước sân trường Thủ Khoa Nghĩa mùa nước lên năm 1966 (Nguồn:Thatsonchaudoc.com)
Rồi hồi còn nhỏ hơn nữa, lúc tui học lớp Ba trường Sơ đẳng Tiểu học bên cạnh chùa Kỳ Viên, chỗ ngã ba Vàm Nha, đường lộ đá đi vô chợ Vàm Xáng, Cầu Số Năm, Tri Tôn, năm 1949, đường làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) nước năm đó lên quá cao làm ngập nhiều khúc đường, nước chảy băng băng, nhứt là khúc đường trước nhà ông thầy thuốc bắc mà bà con hay gọi nhà ông thầy Sáu Màu, nước ngập sâu tới lưng quần. Vì sợ trôi đất, nên những khúc đường ngập sâu như vậy, chủ nhà thường chặt chà me nước lấp ngang cho người ta đừng lội làm đất bị trôi. Tụi tui vì quá nhỏ và đường ngập sâu như vậy nên thường đi học bằng xuồng, thay vì đi vòng đường sông từ cầu ông Nhà Lầu bơi vô Vàm Nha, chị tôi chống xuồng tắt qua cánh đồng lúa mùa từ sau nhà vô lộ đá Long Xuyên – Tri Tôn và chống dọc theo con đường lộ đá này băng vô trường. Nhớ những ngày còn nhỏ đi học vào mùa nước ngập ấy vui lắm!
Có lẽ mùa nước lên ngập lụt lớn gần đây nữa là vào năm 1978. Vào mùa nước lên này nhà cửa bị nước ngập sâu đã đành mà đường sá cũng lầy lội lắm. Nhớ năm 1978, gạo lúa thắt ngặt quá mạng, nên dân ruộng không biết làm gì hơn là giăng lưới cá trắng. Cũng may là cá dính lưới ôi thôi là cá, người nhà quê đem về nấu cháo ăn cho đỡ đói vì mùa lúa thần nông Hè Thu năm ấy bị chìm nên gạo thóc thất bát quá mạng!

Châu Đốc Lụt 1966 (Nguồn:Thatsonchaudoc.com)
Cước chú:
1/ Trích “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Loại sách “Học Làm Người”, Sài Gòn năm 1954, trang 94-95.