Menu Close

Đèn mọi

Cũng hơi lâu rồi, tôi có đọc một bài viết trong nước. Có hai vấn đề tôi không hiểu: một là không đủ trình độ để xác định đó là bài phiếm, tản văn, tuỳ bút, đoản văn, bút ký, hay… chắc chắn không phải là một truyện ngắn. Nói chung là một dạng viết mới, không chấm, phết, không xuống hàng, không viết hoa đầu dòng hay đại từ… Tôi có tham kiến với nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, được nghe chú nói, chú cũng đã đọc một tác phẩm trong nước – của một tác giả trẻ – viết liên tu bất tận đến 200 trang – cũng không chấm, phết, không xuống hàng, không viết hoa đầu dòng hay tên người, tên địa phương… gì hết. Nhưng chú cho biết đó là một “chùm chữ” (vì không biết xếp vào dạng gì). Theo chú Thiệp, đó là một cách viết mới, để chú gởi link cho tôi đọc, nhưng rồi chú quên.

alt

Bảo Huân

Cũng hơi lâu như nói ở trên, tôi đụng một chùm chữ, cũng không biết xếp vào dạng gì? Thôi thì chú mục vào nội dung, nhưng lại không hiểu! Đại khái chùm chữ kể về một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học vài năm. Họ có cơ hội gặp lại, nhân đám cưới một đôi bạn học chung ngày trước.

Trong tiệc đám cưới ấy, chuyện bạn học gặp lại thì vui phải biết! Phần này (bề nổi) tác giả tả rất tới những niềm vui hội ngộ – mà ai đã từng ra trường thì không cần giải thích. Nhưng mặt chìm – thì phải ra trường một thời gian hơi lâu, hoặc khá nhiều biến chuyển sau khi ra trường mới thấm thía! Nhân vật chính của chùm chữ lại không phải là cô dâu-chú rể mà là một anh ngố thời đi học; chả biết mèo mù vớ cá rán hay hốt vỏ sò mà sau khi ra trường thì anh lại có việc làm béo bở, đương nhiên phải song hành với vị hôn thê là con đại cán. Tóm gọn là một người bỗng giàu không chuẩn bị nên không thuyết phục.

Nhưng dù sao thì mọi sự đã khác, gái đẹp trong sân trường ngày nào không để mắt đến anh ngố thì trong bữa tiệc này, kẻ không được mời phải “chạy vé” để dự cái đám cưới; chỉ để gặp anh ngố, chứ cô dâu-chú rể đã làm đám cưới thì có gì để bàn! Các cô còn độc thân (ít nhất là tại chỗ), chỉ muốn diện kiến một người – chắc chắn không ai khác là anh ngố của thời đi học đã qua, nhưng nay lại là sao mới mọc dưới vòm trời Hà Nội; sao đô la thì ai chả muốn bắt quàng làm thiếp…

Chùm chữ tôi đọc hơi bôi bác về nhân cách của người Hà Nội mới. Tác giả cho biết là một người trong nhóm bạn; nhưng vạch áo cho người xem lưng ở Hà Nội bây giờ là mốt. (Họ bắt chước đám nợ máu; khi thất sủng, lúc hết thời thì viết nhăng viết cuội chút sám hối, ăn năn… để rửa nhơ tên tuổi trong sách sử). Tôi chỉ chú ý đoạn tác giả chứng minh bệnh “nổ” của giới trẻ Hà Nội nói riêng; con người nói chung trong nước; còn mở rộng ra thế giới như một triết thuyết mới ghê: bệnh nổ không thuộc về hiện tượng mà thuộc về bản chất. Chả có ai không thích nổ. Vì nổ là một hình thức tự sướng trong đời trầm luân. Anh lý luận tiếp: chỉ là nổ lớn hay nhỏ; nổ ngầm hay nổ hỗn. Người lịch duyệt chỉ nổ vừa đủ để thuyết phục đối tượng; dân càng dốt càng nổ vô tư vì điếc không sợ súng.

Tác giả tường thuật đoạn rượu vào lời ra của anh ngố – mới hết chữ Hà Nội! Vị hôn thê của anh ngố không ưng những ngôi nhà bắt chước kiến trúc hải ngoại; không phù hợp phong thổ và phong thuỷ Hà Nội. Giải pháp đau đầu là anh phải mua đất cất nhà; miếng đất vài trăm ngàn đô la không quan trọng bằng thiết kế thuyết phục; anh phải chứng minh cho mọi người thấy óc sáng tạo của anh trong thiết kế xây dựng hiện đại; sự kết hợp hài hoà giữa bản sắc dân tộc và văn minh phương Tây vì căn nhà tương lai của vợ chồng anh sẽ phải đón khách (bạn bè) phương Tây mỗi ngày; căn nhà do anh thiết kế sẽ là mẫu mực cho ngành kiến trúc hiện đại ở Hà Nội…

Đọc đến đây, tôi phục sát đất cái tư tưởng của anh ngố vì anh đã ăn đứt người được tung hô là tư tưởng vĩ đại. Xạo lên bác là xưa rồi bác Hồ; bây giờ đã có anh ngố xạo hàng ông! Nói gì các cô bạn của anh ngố, ngồi nghe choáng váng chới với với anh ngố năm xưa. Một nhân tài bỏ sót thì ăn thua gì với Hà Nội người tài nhiều hơn trẻ mồ côi; nhưng cái anh ngố này đích thực là lắm tiền nhiều của. Anh ta hãy còn ngố, nhưng tiền của anh ta thì cứ là tiền tươi; còn không mau bắt quàng… làm thiếp.

Sự cố gái bu anh ngố làm cho một người bạn học cũ ghen tức, anh ta mỉa: “Giỏi cho cậu vung xích chó, mẹ bố xây nhà lắm gạch nhiều công rồi dùng đèn mọi. Cái ngữ giàu xổi; trưởng giả học làm sang ở Hà Nội này thì cậu còn sanh sau đẻ muộn hơn vạn người. Đừng có phét!”

Tôi đọc, và chú ý đến hai từ “đèn mọi” của cánh vung xích chó. Ngồi nhớ thời xuôi ngược Bắc-Nam khi còn trong nước, sao ta lại không biết đèn mọi? Cũng có thể “đèn mọi” trong ngữ cảnh đoạn văn trên là từ lóng; một từ khinh miệt. Chứ làm gì có đèn mọi, mọi xài đuốc chứ đâu xài đèn… Tôi để lòng mãi đến hôm nói chuyện với anh bạn còn trong nước qua điện thoại, tôi hỏi đến “đèn mọi” vì anh ta chánh mọi, chả là khi còn đi học, cả lớp chả gọi anh ta là “Thắng mọi” đó sao!

Nhưng Thắng mọi của lớp tôi bây giờ đi xe hơi, ở nhà có máy lạnh, làm việc có văn phòng, có thơ ký bắt điện thoại… nên “mọi” chỉ biết xài đèn LED để soi gái. Mọi trả lời chảnh không chịu được, “thì tụi mọi ngoài đó không xài đèn mọi thì xài đèn gì?” Thắng không biết là tôi nghĩ về hố phân cách Bắc-Nam đã và sẽ không bao giờ san bằng được. Cái hố phân cách mà nhiều học giả đã từng nói đến thì phân đã tràn hố… và không có cách.

Dù sao hai từ “đèn mọi” trong tôi bị xếp vào quên lãng của người hải ngoại-đời sống khô khan. Đến hôm qua, tôi có ông bạn mới quen; cũng mới trong nước ra định cư. Anh đến nhà nhờ tôi xem qua cái máy ảnh mà anh định mua lại của người hàng xóm trong apartment. Nội nghe điện thoại về “cái dự án mua một máy ảnh kỹ thuật số (digital)” của anh tôi đã chói tai. Nhưng không dám nói thẳng như người ở Mỹ lâu với nhau; sợ người trong nước mới ra ưa tự ái vặt, (lại leo “cầu vượt” mà tự tử… thì oan!). Không ngờ anh lại còn kỹ đến chỉ đặt cọc cho người hàng xóm mười đồng; để lấy cái máy, đem cho tôi xem. Khi tôi nói mua được, thì anh mới trả thêm bốn chục.
Tóm lại là anh mua cái máy ảnh cũ, giá năm chục – không tính thuế… chuyện còn lớn chuyện người khác đi mua cái xe năm chục ngàn, hay người thua bạc ở casino cả trăm ngàn mà nín thinh…

Ông thần ve chai đến nhà tôi với cái “máy ảnh kỹ thuật số”, nghe nó cứ lủng cà lủng củng như không phải tiếng Việt! Lại còn, “nhà chú, phải qua bao cầu vượt…! Thật là thối cho giao thông xứ Mỹ! Làm anh mất phương hướng mấy phen…”. Tôi ứa gan chứ sao không, xóc lại anh ta:   

“Sao anh không đi tollway cho gần?”

“Tốn tiền!”

“Thì đi cầu dây văng, hình như hôm nay dây vắng nên đường lên thiên đàng hơi trống…”

Nhưng anh không hiểu ý tôi nên huề vốn! Cứ nhất định bắt mở máy computer lên, mở website Nikon ra để ông tin là cái máy ông định mua là loại máy tốt. Ông còn nghe người ta nói phải vào những “trang mạng” mua bán đồ điện tử để biết mình có bị mua hố giá hay không? Ông có đến hàng trăm câu hỏi xoay quanh cái máy ảnh kỹ thuật số. Nhìn ông “bức xúc” đến bơ phờ…

Thôi thì tôi trót dại đã hứa, “anh mới qua, có gì cần cứ gọi…” Ai dè tôi ôm cái còm để tìm hiểu information về cái máy ảnh kỹ thuật số của ông. Trong khi ông biến đi đâu mất trong nhà tôi chả biết! Cuối cùng ông tái xuất, lôi tôi đi… cải tạo! Ông dẫn tôi vào cái restroom nhà mình mới buồn cười, “Chú mày ở Mỹ lâu mà dại thế! Bọn Mỹ, chúng nó dốt, thì để chúng độc quyền. Xem. Anh vừa làm lại dàn đèn “nhà xí” cho chú mày. Đi đái thì một bóng đèn đã quá dư sáng; chỉ có Mỹ mới xài sáu bóng đèn một lần. Cái này không phải là sang mà là… ngu.”

Ông hăng tiết vịt mới ghê gớm hơn nữa, “cái chiêu đèn mọi này xuất xứ từ Hà Nội. Xây nhà thì phải lắm đèn cho sang cả như ngoại quốc. Phải sang hơn ngoại quốc, cỡ nhà xí nhà chú ở Hà Nội thì phải gắn mười hai  bóng… cho choáng ngợp – mới thích. Nhưng chỉ xài những hôm nhà có khách thôi! Ngày thường, đái vườn, đỡ tốn nước dội cầu, không hao điện mở đèn, lại tốt rau…”

Ông bạn về, tôi trở lại thời đồ đểu để biết ông chỉ vặn chân đèn ra chút xíu cho khỏi ăn điện thì bóng đèn không cháy; nhỡ có ai vào nhà bất tử thì vẫn thấy dàn đèn “hoành tráng” đấy chứ! Cứ nghĩ đến những từ ông dùng mà cười một mình. Cảm ơn ông đã giải tỏa được ấm ức cho tôi hai từ “đèn mọi”. Kể ra cũng lắm nhà người Việt ở Mỹ xài đèn mọi, nhưng lý do tế nhị hơn là bị chói mắt!

Dù sao tôi cũng không vui vẻ gì khi sáng sớm, gặp mùa Đông-trời còn tối âm u, lăn xuống giường, chui vô bathroom với dàn đèn sáng như sân vận động. Tôi hỏi anh hàng xóm Mỹ, “Sao người Mỹ, thích đèn phòng khách mờ mờ; nhưng đèn trong bathroom lại quá sáng?”

Anh ta giải thích đơn giản: “Phòng khách là nơi trò truyện, cần không gian lãng mạn hơn ánh sáng; trong khi nhà tắm là nơi cần thức tỉnh; cần nhìn rõ mình để cạo râu, cạo lông, thoa kem, thoa thuốc… đàn bà đánh phấn, thoa son…”

Anh hàng xóm giải thích có lý quá chứ! Gặp anh chàng khôi hài, vui tính, cho tôi hỏi đủ thứ chuyện không hiểu về nước Mỹ thì cũng có hôm tổ trác, anh kể tôi nghe: “Ngày trước, trong hãng tao làm có con nhỏ người Việt.
Nó single mom. Tao lại thích nó nên la cà. Hôm nó mời nhiều người đến nhà ăn phở vào dịp cuối tuần. Tao cũng có cách để đến. Thấy restroom còn mỗi một bóng đèn. Tao lặng lẽ lái xe ra Home Depot, mua một túi bóng đèn… về làm trò cười cho mọi người! Từ đó tao hiểu, hễ căn nhà nào thắp đèn trắng ở phòng khách cho sáng vì ít hao điện; nhưng không dám nhìn rõ mình trong nhà tắm – là nhà Việt Nam.”

Mẹ kiếp thằng Mỹ đểu. Nhưng nghĩ kỹ cũng chưa đểu bằng Việt Nam. Trời hại thằng Mỹ đểu, có con vợ Việt – lại có con riêng. Nhưng nghĩ kỹ còn thua xa một bậc…

P