Phượng
Trong phim Ba Mùa (Three Seasons), xem cách đây đã lâu, có một cảnh hoa phượng đỏ đẹp tuyệt vời. Hải, bằng chiếc cyclo của mình, chở Lan đến dưới hàng phượng, như đưa nàng trở lại thời mơ mộng thuở xa xưa, khi phấn son chưa làm hoen ố tâm hồn ấy. Màu hoa phượng đỏ trở thành một thứ nước thánh, thanh lọc hết mọi ố tạp của cuộc đời.
Nhìn kia. Những cánh phượng bay trong gió, như một trận mưa màu đỏ. Ta chợt nhớ tới một lời ca rất đẹp của Trịnh Công Sơn: Hàng phượng bay mù không lối vào… Có phải lối vào trường em ngày xưa cũng có cơn mưa màu đỏ như thế, làm chúng ta như lạc vào một giấc mơ. Giấc mơ đó còn không?
Nó vẫn còn đó. Không ai quên được, dù đã cách xa cả một biển thời gian. Bên kia trời, phượng vẫn nở. Chỉ cần ngoảnh mặt nhìn lại là thấy ngay màu đỏ rực rỡ, chói chang. Không một loài hoa nào nồng thắm và bao la như phượng. Nó không nở cho riêng một ai, dù kỷ niệm của mỗi người là riêng tư. Và nó có một đời sống dài lâu trong trí tưởng của anh, của chị, của em. Cái cô bé ngày ấy, nay đã là mẹ của một đàn con, và có thể đã có thêm những đứa cháu, vậy mà nhắc tới hoa phượng một thời lòng vẫn còn rưng rưng.

Nói tới phượng, lại nghĩ tới những cây phượng tím ở Nam Cali. Trên nhiều con đường của Santa Ana, Westminster…, khắp vùng Orange County, có một loài cây cao như cây sầu đông ở Huế, hè về nở hoa màu tím. Nhiều nơi, nó kết lại thành vòm, rung động trong nắng gió. Gọi là phượng tím cho đỡ nhớ, thế thôi. Chứ còn đẹp và sâu sắc thì không thể nào bằng phượng của chúng ta được. Ông Mai Thảo, lúc sinh tiền, rất bực mình về cái phượng tím này. Với ông, chỉ có một thứ hoa phượng – phượng đỏ, nở trên những thành phố Việt Nam. Em có nghĩ như thế không? Các anh, các chị có nghĩ như thế không?
Xin cho tôi được về, dẫu chỉ một lần, đứng dưới màu đỏ của hoa phượng. Thế đấy, phượng đối với ta thân thiết biết chừng nào.
Những cây phượng nở đỏ ven bờ sông Hương, dọc theo hoàng thành.Tiếng ve kêu rợp những khu vườn, như một dàn đại hợp xướng, vừa mới lặng tiếng ở một nơi này, bỗng lại bùng lên ở một góc khác, một khu vườn khác.
Đó là mùa hè ở Huế, qua đôi nét phác thảo. Nhưng là một mùa hè đã xa, xa lắm. Năm mươi năm về trước lận. Tôi gặp Quách Thoại lần đầu tiên mùa hè ấy. Xa, quả là quá xa, vậy mà tưởng như vừa mới đây thôi.

Ngày ấy, Quách Thoại từ Sài Gòn về Huế, quê hương anh, định ẩn cư với đá và cây cùng chim muông trong vườn. Tôi gặp Thoại qua một người bạn, không nhớ rõ là ai. Thoại ăn mặc đẹp, dáng vẻ một dandy kiểu Baudelaire. Complet màu beige, mũ feutre. Tôi thì hãy còn là học sinh, đi chiếc xe đạp hiệu Saint-Etienne sơn đen, có một cái chuông rất lớn, một porte-bagages rất chắc. Những bài thơ, một vài tùy bút và truyện ngắn đầu tiên, hãy còn non dại lắm, đăng trên Đời Mới, Thẩm Mỹ, dưới bút hiệu Châu Liêm… gây được sự chú ý ở bạn bè xa gần. Đinh Cường, Tô Thùy Yên, Minh Đăng Khánh, Trần Lê Nguyễn, và Quách Thoại.
Thoại về Huế năm ấy, như đã nói, vào dạo hè. Mùa hè nóng như một cơn điên màu đỏ, nhưng có lúc chợt lãng đãng trong màu tím trôi trên sông. Ngồi ở đây, một thành phố miền Trung Mỹ, mà tôi như còn thấy lại hình ảnh Quách Thoại. Dáng anh cao, nghiêng, chiếc mũ dạ cũng nghiêng theo chiều gió, bước qua cầu, nhìn những lá đò trôi trên sông và dãy núi xa, mờ.
Một buổi chiều, chúng tôi họp mặt ở nhà anh Thái bên An Cựu, uống trà và nói chuyện thơ. Lần đầu tiên tôi được nghe Như Băng Trường Tình của Quách Thoại. Như Băng, một thời là người Thoại yêu, sau ẩn mình trong tu viện. Như Băng ơi, vì đâu mà lệ ứa, Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta… Chúng tôi kéo nhau đi ăn bánh bèo dưới chân núi Ngự. Thoại vui, nói chuyện có duyên. Anh có vẻ xanh, gầy, nhưng trong và sáng. Cuối buổi đi chơi, tôi chở Quách Thoại về miệt Bãi Dâu, trên chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của tôi. Thoại ngồi sau xe, lật tờ Đời Mới có đăng bài tôi, nói: “Văn anh viết như giọng văn Thạch Lam… “. Thời trẻ dại ấy, được nghe lời khen đó, tôi sướng lắm. Tôi chở Thoại tới nơi anh ẩn cư. Giường anh nằm giữa hai dãy giường dài, chung quanh cũng là những người gầy xanh như Thoại. Thì ra đây là nơi cho những người đau dưỡng bệnh.
Sau 1956, gặp lại Quách Thoại ở Sài Gòn. Quán cà phê hè phố Kim Sơn. Trên đường Catinat. Anh trông gầy và xơ xác đi nhiều lắm. Nhưng đôi mắt lấp lánh. Đây là thời của anh và các bạn. Thời tạp chí Sáng Tạo. Rồi mấy năm sau, anh mất. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của anh không phải là trên hè phố Sài Gòn. Mà là bên bờ sông Hương ở Huế. Và trong thơ:
Quách Thoại đi
giữa lòng cuộc đời
còn sót
lẻ loi
một bông
thược dược