Menu Close

Ù tai – Thực phẩm

Tôi năm nay 52 tuổi, hiện nay đang bị 2 bịnh mà tôi không hiểu tại sao. Một là bịnh lắc đầu, hai là bịnh ù tai như ve kêu. Trước đó tôi có đi khám và chụp hình đầu, kết quả cho biết không có gì, nhưng tôi bị lắc đầu càng nhiều và lỗ tai phải cứ kêu như ve kêu.

Không biết là do ảnh hưởng của chứng lắc đầu hay là do môi trường làm việc quá ồn do tiếng máy chạy mà không đeo dụng cụ chống tiếng ồn. Xin BS giúp tôi hiểu nguyên nhân và có trị được không. Khoi Nguyen- Austin

Đáp

Chào ông Khôi

Hai chứng bệnh lắc đầu và ù tai mà ông kể đều khá phức tạp và cũng khó chữa.

Lắc đầu jerking head có thể là do tổn thương của hệ thần kinh hoặc một thói quen phản ứng lại với căng thẳng lo âu buồn phiền. Nhiều người lắc giựt đầu cũng là một cái tật do thói quen.

Ông không cho biết triệu chứng này xảy ra từ bao giờ, có trùng hợp với ù tai hay không. Nếu nó gây ra khó chịu cho sinh hoạt hàng ngày, ông nên đi bác sĩ chuyên về thần kinh nội để khám tìm nguyên nhân.

Ù tai là do sợi thần kinh ở tai trong bị xáo trộn, tiếp tục rung động sau khi âm thanh đã dứt, khiến não bộ tưởng âm thanh vẫn còn và tiếp tục làm việc.
Sau đây là một số nguyên nhân gây ra ù tai:

Một vài hóa chất dược phẩm như caffeine, nicotine, aspirin, ibuprofen, thuốc kháng sinh streptomycin, thuốc lợi tiểu tiện, nhóm quinine, vài loại thuốc trị ung thư.

– Rượu vang đỏ, chocolate cũng gây chứng ù tai ngắn hạn.

– Các bệnh như cao huyết áp, xơ cứng động mạch, u bướu tai và xương đầu, bệnh tiểu đường, thiếu hồng cầu đều gây ra ù tai trầm trọng và ta cần khám chuyên khoa ngay.

– Căng thẳng tinh thần hoặc trầm cảm buồn lo

– Chấn thương đầu, cổ

– Bệnh khớp thái dương-hàm;

Ù tai cũng xảy ra khi ống tai ngoài bị tắc nghẽn như có nhiều ráy tai hoặc có u nhọt, nhiễm vi trùng.

– Dị ứng cũng có thể gây ra ù tai. Lý do là khi bị dị ứng thì mạch máu ở tai trong có thể bị viêm nhiễm, chất lỏng nơi đây nhiều hơn, gây rối loạn cho thính giác như là ù tai.

Ngoài ra, rủi ro ù tai có thể do tiếp cận với tiếng động mạnh mà không mang thiết bị bảo vệ tai, như trường hợp của ông.

Điều trị căn cứ vào việc tìm ra nguyên nhân. Ông nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và thần kinh để khám rồi điều trị.


Nhờ bác sĩ chỉ giúp những loại thực phẩm nào ăn cùng chung một lúc với nhau đưa tới phản ứng nguy hiểm, vì tôi có người nhà ăn đậu hủ nhưng thay vì chan nước đường lại chan mật ong lập tức 15 phút sau trong người rất khó chịu.

Một người khác ăn mãng cầu xong ăn thêm thanh long cũng bị phản ứng mà còn nặng hơn. Bác sĩ có thể cho biết những loại thực phẩm nào không nên ăn chung với nhau. Vinh Nguyễn- Houston

Đáp

Thưa bà

Y giới thường hay nói tới tác dụng qua lại giữa thuốc và thực phẩm, chứ ít nói tới tác dụng giữa thức ăn với nhau. Theo ý kiến chung, tác dụng này nếu có cũng không gây ra khó khăn trầm trọng. Tuy nhiên nếu biết được để tránh thì cũng là tốt.

Chúng tôi cũng đã chịu khó tìm hiểu sau khi nhận được câu hỏi của bà, nhưng kết quả hết sức giới hạn.

Một tài liệu nói rằng trong nước trà có chất catechins, một loại flavonoids có tác dụng tốt đối với trái tim. Khi ta cho sữa vào nước trà thì một chất đạm trong sữa sẽ làm giảm nồng độ của catechins, khiến cho tác dụng của chất này với tim yếu đi. Đồng thời ở trong bao tử, 2 chất này cũng tác dụng lên nhau và  có thể kích thích bao tử, khiến cho ta nôn ói. Vậy mà dân Anh họ vẫn uống trà với sữa đấy.

Có tài liệu nói trong cà chua còn xanh có chất solamine và nếu dùng chung với rượu có thể làm buồn ngủ hơn. Như vậy ai mất ngủ, dùng chung 2 thứ này với nhau lại ngủ ngon.

Chúng tôi cũng thấy có tài liệu nói ăn trái cây khi ăn cơm có thể gây ra đầy bụng no hơi và được giải thích như sau: trái cây dễ được tiêu hóa trong dạ dày. Ăn khi đói bụng, trái cây xuống ruột ngay. Còn khi ăn với dạ dày nhiều thực phẩm khác thì chúng nằm lại trong dạ dày lâu hơn và tạo ra chất gas đồng thời chất chua trong dạ dày cũng tiêu hủy vài loại vitamin trong trái cây. Vì thế có gợi ý là nên ăn trái cây xa bữa cơm.

Bà bạn của bà ăn đậu hủ với nước đường thì không sao nhưng ăn với mật ong lại khó chịu có thể là bà ấy dị ứng với mật ong chăng hoặc là mật ong có chất acid formic sẽ kết tụ với protein trong đậu nành rồi gây ra khó tiêu. Còn trường hợp ăn thanh long với mãng cầu mà bị phản ứng thì tôi chào thua, không biết tại sao. Để khi nào tôi tìm ra giải đáp thì báo cho bà hay ngay.

Tôi đọc được mấy vần thơ dân gian mình như sau về kiêng cữ các món ăn, gửi bà và độc giả Trẻ đọc cho vui, chứ không bảo đảm là chúng đúng hay sai hoặc tại sao:

Thịt gà, kinh giới kỵ nhau?
Ăn cùng một lúc, ngứa đầu phát điên!
Thịt dê, ngộ độc do đâu?
Chỉ vì dưa hấu, xen vào bữa ăn!
Ba ba ăn với dền, sam
Bụng đau quằn quại, khó toàn vẹn thân!
Động kinh, chứng bệnh rành rành?
Là do thịt lợn, rang chung ấu Tầu!
Chuối hột ăn với mật, đường?
Bụng phình, dạ trướng, dọc đường phân rơi!
Thịt gà, rau cải có câu?
Âm dương, khí huyết thoát vào hư vô!
Trứng vịt, lẫn tỏi, than ôi?
Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng!

Chúc bà và gia đình luôn luôn khỏe mạnh.

NYD