Thưa hai anh, Nhận xét về các mùa nước lên vào những năm rất xa, có tới bảy mươi lăm năm, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần đã nhắc :
“Phải. Từ Mộc-Hóa tới Vịnh Xiêm La, từ phía trên Châu-Đốc tới Cần-Thơ ruộng nương đường sá chỗ nào cũng ngập. Năm 1937 nước lên rất cao, những châu thành Châu-Đốc, Long-Xuyên không khác chi thành Venise.Người ta bơi xuồng đi trên những đại lộ. Còn ở nhà quê thì nhiều nhà nước lên gần tới nóc.

Vì nước lên từ từ, ngày nào nhiều nhất là 25-30 phân nên tuy lụt lâu (kéo dài hàng tháng) mà tai nạn ít, đồ đạc hao không bao nhiêu, không như những trận lụt chớp nhoáng ở Trung-Việt, nước lên trong một ngày là mấy thước, người chết, của trôi rồi chỉ một hai hôm lại rút hết. Tuy nhiên lụt lớn thì mùa màng ở đây cũng hại đến 50 phần trăm và có lần bà Thủy đã bắt trọn một đám cưới. Từ Hồng Ngự họ đưa dâu về một làng ở phía dưới, trong Đồng Tháp. Muốn tránh những con rạch ngoằn-ngoèo, người ta băng ra đồng, không ngờ gặp một cơn dông, sóng đồng nổi lên cao ngất, dìm hết một đoàn ghe không một người sống sót.
Tới mùa nước lụt cảnh đẹp lắm. Nhà sàn sơn xanh đỏ chiếu xuống dòng nước lờ đờ, ghe xuồng đi lại tấp nập, cá lội ngay dưới cửa sổ nhiều vô cùng, không một thước vuông nào không có hàng chục con; đây một em nhỏ cầm cây đinh ba chăm chú nhìn dòng nước, đợi cá qua là đâm; kia một ông lão thả câu trên chiếc cầu cong cong, dưới gốc dừa, cánh đồng lúa xanh mơn-mởn điểm những bông súng trắng, hoặc phơn-phớt tím, còn trước nhà, sau nhà điên-điển rũ những bức mành xanh xanh điểm vàng, lơ-thơ như liễu…”(1)
Riêng hai anh thì tui nhớ hai anh cũng đã nhắc qua những mùa nước lên này. Với anh Hai An Phú thì “Nội Ngoại Đều Thương”, còn anh Bảy Tân Châu thì trong “Đời Thủy Thủ”. Dù mỗi anh nhắc mỗi cách vì hoàn cảnh mỗi anh có khác nhau nhưng tui nghĩ dù cách nào thì hai anh cũng dành chút tình cho vùng sông nước quê mình, nó mãi mãi là những chất liệu thiêng liêng làm hai anh không cách gì rời xa nó được. Đó chính là nhựa sống của riêng hai anh mà cũng là nhựa sống của tui cùng biết bao bà con cùng có quê là miền Tây Nam nước Việt của mình nữa vậy! Phải vậy hông, thưa hai anh?

Bông điên điển mùa nước lên
Thưa hai anh,
Thế là tuổi đời của tui nay cũng già hơi bộn bộn rồi! Những mùa nước lên mà tui biết cũng có tới hơn bảy chục năm rồi hai anh à! Nay ngồi nhớ lại hơn bảy chục năm trời ấy có biết bao dời đổi mà với tâm trí một người nhà quê già như tui có khi hổng đủ chữ nghĩa ghi chép lại cho đầy đủ các chi tiết được. Kính mong hai anh lượng tình thông cảm và bỏ qua giùm cho em út nếu còn nhiều thiếu sót mà tui chắc chắn là thế nào cũng còn sơ sót nhiều lắm. Trời đất vốn biến di vô cùng tận, dòng đời thay đổi hoài làm cho mình nhiều lúc biết ngộp thở luôn nên con người cũng khờ luôn theo mọi biến dịch của cơ Trời. Hồi xưa, hai anh thấy bắt đầu tháng Năm là các con rạch vùng mình nước bắt đầu đục ngầu và cầm rạch rồi, nay là tháng Sáu, tháng Bảy âm lịch rồi nhưng rạch lại khô rang thì thử hỏi Trời Đất bây giờ đâu có giống hồi xưa nữa, nói chi là con người ngày nay đã khác xưa cũng là cái lẽ thường tình phải hông hai anh!?! Chính vì thế, có lẽ vài chục năm nữa mấy cái vụ nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước ươn, nước cầm rạch, nước đổ, nước nhảy bờ, nước lên, nước phân đồng, nước giựt… chắc hết còn ai nhớ ba cái vụ linh tinh này nữa rồi hai anh ơi! Người ta sẽ đổi tên lại ráo trọi cho mà coi! Thôi thì chỉ biết đành phú cho Trời Đất định liệu vậy! Phải vậy hông, thưa hai anh?

Bông súng mùa nước lên tháng Tám
Thưa hai anh,
Nhơn nhắc tới mùa nước lên, nhắc tới tuổi già và lại nhớ những ngày “về vườn” của mình rồi tui lại nhớ bài từ “Về Vườn” cùa Đào Tiềm, nên xin chép ra đây vài đoạn cuối bài từ này để hai anh xem qua chơi cho vui vào những ngày man mác nhớ về đất trời ngày cũ, những năm tháng đã cách nay quá lâu rồi, phải thế hông hai anh!?!:
“….
Dưới khe nọ nước vòng uốn éo,
Bên đường kia gò kéo gập ghềnh,
Cỏ cây mơn mởn màu xanh,
Suối tuôn róc rách bên ghềnh chảy ra.
Ngắm muôn vật đương mùa tươi tốt,
Ngán cho ta thời trót già rồi.
Thôi còn mấy nỗi ở đời,
Khứ lưu sao chẳng phóng hoài tự nhiên.
Cớ chi nghĩ thêm phiền tấc dạ,
Đi đâu mà tất tả vội chi?
Giàu sang đã chẳng thiết gì,
Cung tiên chưa dễ hẹn gì lên chơi.
Chi bằng lúc chiều trời êm ả,
Việc điền viên vất vả mà vui,
Lên cao hát một tiếng dài,
Xuống dòng nước chảy ngâm vài bốn câu.
Hình thể này mặc dầu tạo hóa,
Tới lúc nào hết cả thì thôi,
Lòng ta phó với mệnh trời,
Đừng ngờ chi nữa, cứ vui vẻ hoài.” (2)
Lời vắn nhưng tình dài, một lần nữa kính chúc hai anh nhiều sức khoẻ, vạn an.
Nay kính thư,

Rau chàng và rong đuôi chồn giữa đồng nước ngập(Nguồn: http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php)
Cước chú:
1/ Trích “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Loại sách “Học Làm Người”, Sài Gòn năm 1954, trang 94-95.
2/ Trích trong “Cổ Văn Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê, mục Đào Tiềm, nguyên văn “Qui Khứ Lai Từ”, do Từ Long dịch “Bài Từ Về Vườn”, Sài Gòn (1965) và nhà Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản (không ghi năm), trang 184.