Menu Close

Tự Truyện – Kỳ 6

Căn phòng mà hai anh em chúng tôi thuê lại gần đại học San Jose State là một trong 6 căn phòng của một tòa nhà to lớn. Một gia đình Việt Nam thuê lại, xong chia ra từng phòng cho các đồng hương share phòng. Gia đình Việt Nam này ở tầng dưới và chúng tôi ít gặp mặt họ. Tầng trên gồm 3 phòng ngủ, tất cả đều để cho mướn. Hai anh em tôi ở trong một căn phòng thiệt nhỏ có kích thước studio. Phòng đối diện lớn hơn do hai anh em khác thuê lại, người em tên Trực là sinh viên năm thứ hai ở đại học San Jose State, còn người anh tên Chính làm thợ lắp ráp trong hãng điện tử. Căn phòng còn lại do một gã độc thân mướn lại, ông này sống kín đáo và không muốn giao thiệp với ai, cửa phòng lúc nào cũng khóa kín, thỉnh thoảng tôi gặp ông trên cầu thang nên cất tiếng chào xã giao. Ông cũng chào lại cho có lệ rồi biến nhanh như không muốn nói chuyện lâu.

alt

Hai anh em BTL tại Davis, California 1984

Căn phòng nhỏ bé chỉ đủ kê một cái giường nệm cá nhân. Gọi là giường cho sang chứ thật ra chỉ là một miếng nệm trải trên thảm. Anh Nam nằm trên nệm, còn tôi thì lót túi ngủ nằm dưới thảm. Anh Nam sống bằng tiền welfare dành cho người tị nạn một năm đầu, sau đó bị cúp welfare anh phải đi vay nợ để học tiếp trong college, thời giờ rảnh anh đi làm thêm work study trong trường, làm công việc lái xe fork-lift và khuân vác khá nặng, có nhiều đêm về anh phải dán cao khắp lưng. Còn tôi thì trên giấy tờ dưới tuổi vị thành niên cho nên không được đi làm, tôi cũng nhận được một số tiền trợ cấp của chính phủ chỉ đủ sống qua ngày. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi đi làm lén với anh Nam và lãnh tiền mặt, công việc cụ thể là khuân vác gạch đá và làm các việc vặt cho các nhà giàu trên núi. Mùa hè anh Nam lái xe chở tôi xuống Fresno hái trái cây với bọn Mễ. Công việc ngoài trời nắng gay gắt và những trái dưa hấu nặng trĩu vác muốn oằn lưng không làm tôi nhụt chí, lúc đó tuổi đang lớn cho nên tôi làm việc không thấy mệt. Còn bọn Mễ làm ở đây là di dân bất hợp pháp, đôi khi đang làm tôi bỗng thấy bọn chúng vắt giò lên cổ bỏ chạy, sau đó thấy xe cảnh sát xuất hiện. Thời gian đó phải nói là thời gian khá gian nan của hai anh em chúng tôi. Tuy nhiên không hiểu lúc đó tại sao tôi lại sống rất lạc quan, yêu đời. Sau này tôi mới biết là tôi đã vượt qua thời gian khó khăn đó là vì lúc đó tôi sống có một hoài bão. Tôi biết rõ cuộc sống hiện tại chỉ là tạm thời. Hai anh em chúng tôi có cùng một quan niệm là “bôn ba chẳng qua thời vận” và ngày mai xán lạn rồi sẽ đến.

Từ lúc ở bên trại tị nạn Đông Nam Á tôi nuôi quyết tâm sau này qua Mỹ tôi sẽ học cho thật cao, thật giỏi để có thể ngẩng mặt lên với thiên hạ. Thời gian ở bên đảo đã thật sự thay đổi con người tôi. Thời thế đã làm mình trở thành người tị nạn chứ ai muốn như vậy, thế mà dân bản xứ Indonesia và Singapore đã nhìn người Việt chúng tôi bằng những ánh mắt miệt thị. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt khinh bỉ của bọn cảnh sát Nam Dương dành cho người tị nạn Việt Nam. Cái thái độ khinh miệt còn rõ hơn khi tôi qua trại chuyển tiếp ở Singapore chuẩn bị đi Hoa Kỳ định cư. Tôi còn nhớ rõ những cô gái gốc Hoa của Singapore ăn vận thật đẹp, da dẻ trắng muốt ở phi trường. Đám thanh niên tị nạn Việt Nam chúng tôi biết thân phận mình, nên không ai bảo ai đều khép nép, thậm chí không dám nhìn các cô gái bản xứ, trong khi những cô gái này đi ngang qua, ném vào đám Việt Nam chúng tôi bằng những tia nhìn và những cái nhếch mép đầy khinh miệt. Ngay trong giây phút đó, tự ái dân tộc nổi lên; tôi đã tự nhủ là một ngày nào đó mình phải đạt một địa vị thật xứng đáng trong xã hội, để cho thế giới này biết là những con người tị nạn này rất đáng được kính nể, chứ không thể bị coi rẻ như vậy được. Trong thời gian ở Singapore chờ chuyến bay đi Mỹ, tôi đã suy ngẫm rất nhiều. Nội chuyện tôi còn sống sót sau chuyến vượt biển cũng là một điều kỳ diệu. Tôi lại hồi nhớ đến hai tuần lễ chiến đấu với sóng gió, bão tố, và đói khát. Câu chuyện đó tôi không bao giờ quên và tôi đã kể đi kể lại cho các con nghe trong bữa cơm tối của gia đình.
Lội ngược dòng thời gian, đến cái đêm hãi hùng đối diện với cơn bão cấp 7 trên biển Đông.

Càng về tối, đại dương càng nổi cơn thịnh nộ. Trên trời thì mưa to, sấm sét gầm rú, dưới biển thì sóng nổi lên cuồn cuộn. Trong đêm đen như mực thỉnh thoảng có nhiều tia sét xé ngang bầu trời, chiếu rõ mặt biển gồ ghề như những ngọn núi. Chiếc ghe tiếp tục rẽ sóng lao đi trong đêm đen, có lúc chiếc ghe phải trèo lên những cột sóng cao trên 5 mét, sau đó rơi xuống độ sâu nghe cái “rầm” làm tôi có cảm tưởng chiếc ghe có thể vỡ đôi ra bất cứ lúc nào. Tôi nhìn lên trên nóc ghe, thấy gã tài công  đội áo mưa cầm tay lái chèo chống con tàu giữa cơn phong ba, bão tố. Gã tài công này là đàn em thân tín của chủ ghe và là một hoa tiêu tài ba, dày dạn kinh nghiệm trên biển cả. Sau này gã mới giải thích là lái tàu giữa lúc biển động nếu chạy song song chiều sóng sẽ bị lật ngang, đâm thẳng vào ngọn sóng sẽ bị lập úp, chỉ còn cách duy nhất là lao vào ngọn sóng ở một góc xéo. Tốc độ của chiếc ghe cũng là điều quan trọng, cần phải điều chỉnh cho thích hợp tùy tình huống. Nếu lúc đó ghe bị tắt máy thì coi như tiêu đời.

Chiếc ghe cưỡi sóng suốt cả đêm, thậm chí đến sáng hôm sau biển vẫn còn động. Ban ngày mới thấy rõ các cơn sóng bạc đầu khủng khiếp đến mức nào, có nhiều ngọn sóng cao đến nóc nhà, lúc chiếc ghe lao chéo vào các ngọn sóng này ở một góc xéo và thẳng đứng, tôi có cảm giác là nó sẽ bị lật ra đằng sau bất cứ lúc nào. Thế rồi nó cứ tiếp tục leo lên dốc rồi trượt xuống dốc cả ngày hôm đó, mạn tàu tiếp tục bị vùi dập nghe “bụp bụp” theo từng đợt lên xuống. Trên ghe mọi người gần như kiệt sức, những ai dễ bị say sóng thì đã nôn mửa từ hồi khuya, mật xanh mật vàng đã ra hết bây giờ chẳng còn gì để cho ra. Đám đàn bà con gái nằm la liệt như bất động, đàn ông thanh niên thì còn tỉnh nhưng ai nấy nét mặt bơ phờ. Hôm đó chủ ghe chẳng phải phân phát nước, vì nếu khát thì chỉ việc há miệng ra đớp nước mưa. Cơn đói ùa tới, mấy hôm nay tôi ăn ké số lương khô của chị Chi, bạn học trường Trần Nguyên Hãn. Chị Chi đi chung với cậu em trai tên Tý và người cậu tên Phong, cho nên họ chuẩn bị rất chu đáo, nhưng cho đến hôm nay có lẽ phần lương thực bắt đầu cạn cho nên không thấy họ mời. Thấy tôi đói, chủ ghe tốt bụng ngoắc ra đằng sau và đưa cho nửa ổ bánh mì và bắt đứng đó ăn trước khi trở về khoang đằng trước. Tất cả hành khách vượt biên nằm ở phía trước nơi dùng để chứa cá, từ buồng lái trở ra phía sau là chỗ ăn ngủ của gia đình chủ ghe. Cầm ổ bánh mì tôi phân vân suy nghĩ vài giây, nhưng cái đói đã lấp đi lòng tự ái, tôi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến và ăn xong khúc bánh mì trong một thời gian kỷ lục. Tôi cám ơn chủ ghe, xin ca nước để uống, xong trở lại khoang trước.

Đến chiều thì sóng bớt đi nhiều, mặt biển vẫn còn gồ ghề, tuy không được phẳng lì như ngày đầu tiên nhưng so với 24 tiếng đồng hồ qua thì đỡ hơn rất nhiều. Lái thêm 2 ngày 2 đêm nữa vẫn không thấy bến bờ, mọi người trên ghe bắt đầu nghi ngờ khả năng hàng hải của gã tài công. Gã có mang theo la bàn, nhưng ít thấy khi dùng vì gã quen định hướng theo các vì sao trên trời. Đến một buổi chiều đúng một tuần lễ kể từ khi ghe rời Việt Nam thì chúng tôi nhìn thấy giàn khoan của Indonesia. Mấy tên thợ người Indo đen như chà và không tên nào biết tiếng Anh, cuối cùng có một ông  trắng trẻo hơn, có lẽ người gốc Hoa và là xếp của mấy tên thợ gi0.0àn khoan đứng từ trên cao nói vọng xuống là họ không thể giúp gì được cho chúng tôi. Sau đó ông chỉ hướng cho chúng tôi đi về phía Singapore, vì theo ông này ở đó có Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Thế là chiếc ghe tiếp tục hành trình, lái cho đến trưa ngày hôm sau thì chúng tôi thấy bờ. Từ xa, hòn đảo của xứ sở sư tử vàng hiện ra thật hùng vĩ. Mọi người trên ghe reo mừng, bến bờ tự do hiện ra trước mắt, ai cũng nghĩ là thoát chết rồi.

 Bỗng dưng từ trong bờ 2 chiếc tàu của cảnh sát tuần duyên Singapore phóng ra thật nhanh, trong phút chốc  đã sừng sững hiện ra trước mắt và kẹp sát hai bên thành của chiếc ghe tị nạn chỉ nhỏ bằng phân nửa so với tàu cảnh sát. Lính Singapore súng ống trên tay, nét mặt đằng đằng sát khí, có lẽ họ nhận ra chúng tôi là dân tị nạn. Họ không nói không rằng, cột dây cáp vào mũi tàu của chúng tôi và bắt đầu nổ máy, kéo chiếc ghe tị nạn trở ra hướng đại dương bao la. Đi được khoảng 10 phút thì chúng tôi thấy từ xa có một chiếc tàu khác mang cờ Hồng Thập Tự quốc tế đi ngược hướng chúng tôi. Lập tức chiếc tàu còn lại của cảnh sát Singapore chạy ngay bên hông làm lá chắn, che không cho tàu Hồng Thập Tự thấy chiếc ghe tị nạn nhỏ bé. Lái thêm một giờ đồng hồ nữa thì thấy bờ biển chỉ còn chút xíu. Chiếc tàu cảnh sát cắt dây cáp và quay ngược vào bờ, trước khi đi bọn chúng còn quơ tay xua đuổi và dùng tay ra hiệu cấm chúng tôi quay vào bờ, không thì chúng sẽ bắn bỏ.

Gã tài công buột miệng chửi thề:

“ĐM tụi mày, ông đếch thèm. Thôi bây giờ mình đi về hướng Mã Lai và In-Đô.”

Sau đó chúng tôi bị lạc hướng và lênh đênh trên biển thêm mấy hôm nữa, đến ngày thứ 10 thì chủ ghe cho biết là nguồn nước trên ghe bắt đầu cạn, bây giờ phải xài tiết kiệm, mỗi người một ngày chỉ uống được một nắp can bình xăng thôi. Mấy ngày hôm nay trời nắng chang chang, không một giọt mưa, một ngày uống một nắp can chỉ bằng mấy đầu ngón tay thì làm sao mà thỏa mãn được cơn khát! Có lúc khát quá tôi định vớt nước biển lên uống mặc dù biết là không nên. Một người bạn Sài Gòn cản tôi:

“Mày muốn chết thì cứ việc nốc.”

Bụm mớ nước biển xanh rì trong lòng hai bàn tay, tôi dằn vặt và cuối cùng cũng phải mở lòng bàn tay để tất cả trôi qua kẽ hở ngón tay và trở về với biển. Đến tối hôm đó trời không mây không mưa nhưng biển lại nổi sóng, chiếc ghe lại chồng chềnh cưỡi sóng mà đi. Hồi chiều tôi có rủ đám bạn tối nay mò ra đằng sau ăn cắp nước mà uống, cơn khát đã chinh phục tôi, làm lu mờ lý trí của kẻ lương thiện. Tôi biết rõ đằng sau cabin có cái lu chứa rất nhiều nước, hồi sáng tôi còn thấy vợ con chủ ghe rửa mặt và súc miệng một cách phung phí. Mấy thằng bạn chết nhát không thằng nào hưởng ứng kế hoạch ăn trộm nước của tôi. Đến nửa đêm tôi đã hoàn toàn bị cơn khát chế ngự. Tôi quyết định mò ra đằng sau một mình.

alt

Tác giả và gia đình, 1972

Chiếc ghe chòng chành theo từng ngọn sóng, nhưng nhìn chung thì vẫn rất đằm, không có gì nguy hiểm cả. Đêm nay lại không trăng, trời tối nên rất tiện bề hành động. Tôi chồm dậy và lần theo bên hông chiếc ghe trên đường lần ra phía sau đuôi ghe, nơi tôi biết rõ lu nước nằm chỗ nào. Hai chân tôi mò mẫm theo mạn tàu, hai tay bám chặt vào hông tàu như con thằn lằn. Đi được hơn nửa đoạn đường thì bỗng dưng chiếc ghe bị nhồi sóng, nghiêng qua một bên và nhảy tưng lên. Cả thân người của tôi bị hất tung lên không trung và rơi tỏm xuống biển. Trong đêm đen như mực không nhìn thấy gì hết, theo bản năng tôi quơ hai tay ra đằng trước và may mắn bám được mạn tàu, lúc đó gần nửa người của tôi đã bị ướt mèm. Tôi dùng hết sức bình sinh đu thật mạnh và mang toàn thân trở lại chiếc ghe, sau đó tôi lần mò ra phía trước. Mọi người lúc đó đang ngủ say, không ai biết chuyện gì mới xảy ra, và không ai thấy tôi đang run lập cập, không phải vì lạnh mà là vì sợ hãi. Tôi biết mình vừa mới thoát chết trong gang tấc. Trong giây phút đó tôi tự nhủ thà chết trong cơn khát còn hơn làm mồi cho cá mập.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc khi bình minh vừa ló dạng. Hôm nay trời quang mây tạnh, mặt biển bắt đầu phẳng lặng trở lại. Gã tài công ngồi trên nóc nói vọng xuống:

“Bà con kiểm tra lại xem có mất ai không?  Đêm hôm qua tôi nghe có tiếng động giống như có người rơi xuống biển đó. Trời tối quá, muốn quay lại cứu vớt cũng không được!”

BTL