Menu Close

Dưỡng phụ Dưỡng tử

Lê Xuân Mỹ là bạn hồi trung học. Mỹ là một trong những người bạn rất tốt bụng, và nhiều tình cảm nhất của nhóm Phan Chu Trinh 63-70 ở Bắc Cali. Trong các lần họp bạn, những việc liên quan đến chụp hình, thực hiện DVD, hoặc những kỹ thuật liên quan tới computer, chúng tôi thường réo Mỹ với niềm tin tuyệt đối là công việc ấy sẽ được thực hiện hoàn hảo, đôi khi trên cả tuyệt vời.

Lần này tôi ghé thăm vợ chồng Lê Xuân Mỹ và khu vườn nhỏ của bạn. Nơi đó có cây Điệp đỏ đang nở hoa và một giàn bầu sai trái. Nơi đó cũng có những chậu bonsai cứng cáp được cắt tỉa công phu, xen giữa những cây táo Nhật cành lá xum xuê với những hoa trắng li ti chờ đơm quả.

alt

Bảo Huân

Thấy tôi chăm chú nhìn cây bonsai Đỗ Quyên vừa hết hoa, Lê Xuân Mỹ nói: “Cây ni ông anh cho, bên ông nhiều lắm. Ông là người mê bonsai, bao nhiêu tiền bạc ông đổ vào bonsai hết”. Tôi nói: “Tui không thích bonsai”, “Vậy hả? Tui thấy bonsai cũng đẹp chứ!?”, “Nhưng tui không thích loại này, chúng như bị làm cho thương tật, nên câm nín, chịu đựng. Bọn chúng như không có sinh lực bình thường tự nhiên, tôi hơi sợ và không cảm thấy thoải mái khi đứng bên cạnh chúng”. Mỹ lại nói: “Tại bây chừ ông anh đang bị đau nặng, ông bị ung thư thời kỳ cuối, ông đang mệt, nếu không, thì tui dắt bà qua coi cái vườn bonsai của ông, đẹp lắm, bà sẽ mê liền”. Để minh chứng, vợ Mỹ cho tôi xem hình chụp khu vườn của ông anh. Tôi nhìn lướt qua những chậu lớn nhỏ để trên các bệ đá vuông vức cao chừng non một thước. Những cây Tùng, Bách, Đỗ Quyên, Trà Hoa Nữ v.v… như bị ấn dẹp xuống, khiến phần dưới cong quẹo, phình to sần sùi. Cành lá chung quanh nhỏ bé, lúp xúp. Tôi xếp cuốn album, để lại trên bàn. Dù chỉ nhìn thoáng qua, nhưng thân và cành cây bị những cọng thép quấn quanh, khiến hằn những vết sẹo, đã hiện rất rõ trước mắt tôi. Một nỗi thương cảm huyền bí lan nhanh trong tôi, tôi nói có chút phẫn nộ: “Không, tui không thích bonsai. Dứt khoát là như thế!”. Vợ chồng Mỹ thoáng ngạc nhiên về thái độ quyết liệt của tôi, Mỹ nói: “Nhìn trong hình nhiều khi thấy cứng và lạnh, nhưng nếu bà nhìn cả khu vườn bonsai, bà sẽ thấy nét nghệ thuật độc đáo sống động, thể hiện ở độ uốn của từng loại cây.” Tôi không trả lời Mỹ.

o O o

Tháng sau, tôi có dịp ghé thăm Lê Xuân Mỹ. Trời đang vào Thu, nên đã trưa, mà nắng vẫn dịu, có phần hơi lạnh. Vợ Mỹ đón Cẩm Lai và tôi ở cửa và nói: “Bữa ni tụi tui qua thắp hương cho ông anh, nhân tiện mời bà và bà Cẩm Lai qua coi cho biết cái vườn bonsai của ổng!”

Chỉ cần bước qua một con đường, đã đến nhà ông anh của Mỹ. Một bàn thờ nhỏ được đặt ở căn phòng bên trái ngay lối vào, nến hương leo lét, nhưng đủ soi rõ khuôn mặt tinh anh của người vừa mất, chủ nhân khu vườn. Vào sâu trong nhà, bàn ghế, tranh ảnh chỉ toàn màu đen, trắng và xám, khiến căn nhà mang vẻ cô tịch. Đứng ở phòng khách đã thấy khu vườn bonsai. Cẩm Lai và tôi cùng bước ra ngoài. Khu vườn không lớn như tôi mường tượng khi xem hình chụp, nhưng từng chậu bonsai đủ mọi dáng vẻ, kích thước, được đặt trên những trụ đá cũng khiến khu vườn có tầm vóc đặc biệt. Bên tay phải là hồ cá nhân tạo, với hòn non bộ cao dựa hẳn vào một vách tường, nước chảy róc rách. Đàn cá Koi hơn chục con, đủ màu sắc quý hiếm, thản nhiên bơi lội, chắc chúng chẳng để ý gì đến người chủ của chúng đã mất.

Tôi nhìn từng cây bonsai, chúng như giương mắt nhìn lại, lạnh lùng chẳng muốn chào. Khác với cây cối ở nhà Xinh, một người bạn thân khác của tôi. Cây cối ở vườn nhà Xinh như biết nói, và chúng nói rất nhiều. Mỗi lần tôi đến, cây cối trong vườn như xôn xao, có những cành trĩu quả, cũng ráng ngẩng đầu cười chúm chím. Tôi vuốt ve thăm hỏi từng cây. Có lần tôi nghe tiếng phụng phịu tủi thân của cây Ngọc Lan. Tôi nuôi nó từ ngày còn nhỏ, đã trổ hoa hai ba mùa, sau này tôi tặng cho Xinh. Tôi đã phải ghé sát vào nó thì thầm rằng: tôi cũng nhớ nó lắm, nhưng nó chính là tặng vật ý nghĩa nhất dành cho tình bạn thân thiết của Xinh và tôi, tôi mong nó hãy hành xử sao cho đúng lòng mong đợi của tôi. Sau này, Ngọc Lan không còn phụng phịu nữa, trái lại, nó tươi tắn, cành lá xum xuê, vươn cao đầy sức sống với những đóa hoa trắng muốt thơm ngát.

Tôi đi chầm chậm qua từng dãy bệ đá, một hàng gần 10 cây Đỗ Quyên và Trà Hoa Nữ đã hết hoa, bắt đầu đâm chồi lá non từ gốc, nom chúng nhếch nhác, lem luốc như những đứa trẻ không được chăm sóc. Tôi nói với Mỹ: “Hình như không có ai cắt tỉa cây phải không?”, “Từ hồi anh mất tới giờ, mấy đứa con có thuê người chăm sóc, nhưng họ làm vậy vậy thôi, không như anh hồi trước. Hàng ngày anh bẻ từng lá sâu, tỉa từng cành mọc vô trật tự như bà thấy đó.”  Hàng tùng bách phía sau cũng ủ ê. Thân cây bị quấn chặt bởi những vòng kẽm lớn, ăn sâu vào lõi, khiến vòng mộc bị sùi ra ngoài. Tôi rờ rẫm những vết sẹo, chắc khi bị uốn, cây đau lắm. Hai ba cành vươn ra ngoài và cong lên như những cánh tay cô đơn. Những cọng lá xanh rũ xuống xen lẫn vài cọng lá vàng khô. Tôi lại hỏi Mỹ: “Họ không cắt tỉa đàng hoàng, nhưng cũng phải tưới nước đầy đủ chứ, tui thấy hàng tùng bách này như bị thiếu nước trầm trọng, thiệt tội nghiệp! Ôn Mỹ à, tôi không chịu nổi khi nhìn cây bonsai, đúng là không bình thường, chúng như bị tước bỏ quyền sống tự nhiên”, “Thì bà cũng biết rồi, bonsai là cách nuôi giữ cây ở dạng nhỏ, cho dù cây bao nhiêu tuổi. Phải cắt bỏ những cành không cần thiết. Phải biết uốn cành theo tâm tình mình muốn trao gửi vào cây. Nuôi bonsai cũng không dễ, vì lượng đất tối thiểu, nên đất phải luôn luôn ẩm để đủ nước nuôi cây, ông anh cho tụi nó uống nước hàng ngày, mỗi ngày một chút. Chừ nhờ người khác chăm sóc, cả tuần mới tới một lần, thì cây héo là đúng rồi.” 

Tôi chợt nghe văng vẳng có giọng khào khào chào hỏi: “Chào bà, bà là người khách lạ đầu tiên ghé thăm và quan tâm đến chúng tôi. Thân phận chúng tôi đã quen với kiếp sống què quặt và nhiều kỷ luật này. Chúng tôi được chăm sóc tỉ mỉ để góp phần vào lãnh vực nghệ thuật của con người, chúng tôi hãnh diện và hạnh phúc. Chúng tôi xa rừng già từ thuở ấu thơ, chưa từng được hưởng không khí đó, nên không ngưỡng vọng cuộc sống tự nhiên ngoài đó. Cũng vì thế, chúng tôi không muốn so sánh hay đánh giá đời sống bị gò bó khép kín với cuộc đời bên ngoài. Đời sống bonsai dạy chúng tôi lòng chung thủy và biết ơn, chúng tôi đau đớn vì ông chủ rất kính mến đã ra người thiên cổ. Chúng tôi từ chối mọi dinh dưỡng. Chúng tôi nguyện đi theo ông chủ”, “Thực thế sao?”, “Vâng, chúng tôi đã ở khu vườn này, được ông chủ chăm sóc hơn 30 năm nay. Bà có thì giờ không, tôi kể chuyện từ ngày chúng tôi còn nhỏ…”, “Có chứ, bạn kể đi.”

“…Cách nay hơn 30 năm, ở một vùng quê tôi không nhớ địa danh, vào một buổi sáng mùa Đông, trời còn tối và lạnh, bọn chúng tôi gồm 5 đứa được đưa lên xe. Tôi nghe loáng thoáng chúng tôi sẽ được đưa ra bán ở chợ trời. Cả bọn thở dài không biết cuộc sống ngày mai ra sao? Có được ở chung với nhau hay mỗi đứa sẽ đi mỗi ngả? Chợ được họp trên khu đất trống bên cạnh con lạch nhỏ. Xe ông chủ cũ của tôi đậu sát con lạch, ông múc nước dưới lạch, rưới nhẹ lên chúng tôi, khiến đứa nào cũng tỉnh ngủ và tươi rói. Ông trải tấm khăn màu xanh xuống đất và sắp từng món đồ cũ ngay hàng thẳng lối: cái máy xay trái cây; chiếc quạt máy từ thời ông bành tổ; bộ ấm trà mất cái tách; mấy chục cái đĩa sứ trắng có hình cô gái Nhật Bản cài trâm, mặc Kimono; ba cái ghế nhựa, mấy đôi giày há mõm… Sắp xếp xong, ông chủ nói chuyện trên trời dưới đất với chủ hàng bên cạnh. Năm đứa chúng tôi vẫn còn ngồi trên xe.

Trời sáng rõ, nắng chói chang, chợ bắt đầu ồn ào náo nhiệt. Chúng tôi say sưa nhìn người qua lại, mua bán ì xèo, chẳng mấy chốc những món hàng ông chủ bày ra ban sáng đã bán hết.

“Mấy cây trên xe bán không anh?”, “Bán chớ”, “Bao nhiêu?”, “Cho tui 15 đồng đi, “Chi mà mắc dữ vậy?”, “Trời ơi, cây quý đó, 5 cây cùng độ tuổi, để dành cho bonsai đó anh!”, “Tui thích tự mình huấn luyện và uốn nắn cây từ lúc nhỏ. Đâu, anh cho tui coi thử coi”. Ông chủ xách cổ từng đứa đưa cho khách. Chúng tôi nín thở, ráng tươi tỉnh, khách nhìn chúng tôi chăm chú, gật gù và nói: “Tui thích cách ra cành đều của mấy gốc này. Tất cả 10 đồng đó, được không?”, “Cho tui 15 đi, năm cây cùng họ khó kiếm lắm anh ơi!”, “Rồi, anh cho tui xin cái thùng để tụi nó vô, chớ bỏ bao sợ gẫy, hư hết!”

Chúng tôi nhìn nhau vui mừng vì được ở chung một nơi, tôi lén nhìn ông chủ mới. Ông còn trẻ, nhưng nét phong trần ẩn hiện sau đuôi mắt. Chúng tôi được sắp hàng dọc ở cuối vườn, tôi nhớ ông chủ nói: “Các con ở đây cho quen không khí thành phố, mai mốt ta sẽ hướng dẫn các con đời sống mới đặc biệt, nhưng nhiều khổ hạnh. Ta hy vọng các con sẽ chấp nhận.” Hồi đó, chúng tôi còn nhỏ xíu, đứa nào đứa nấy non nớt, những bó li-be mộc khẳng khiu mềm èo, chỉ cần một cơn gió, hoặc bị mưa xối xả, lưng chúng tôi đã oằn xuống, có đứa bất tỉnh nhân sự. Sau vài tuần lễ được chăm sóc nuôi dưỡng đặc biệt, chúng tôi bắt đầu trổ mã, với những lá non xanh trên đầu và những vòng gỗ mộc đặc biệt của dòng họ Tùng bắt đầu xuất hiện ở gốc cây. Cũng từ thời gian này, ông chủ mới đã trở thành dưỡng phụ và cũng là người bạn tâm giao tri kỷ của chúng tôi. Những vòng kẽm bà thấy hôm nay ăn sâu vào da thịt chúng tôi không phải là vòng kẽm duy nhất, chúng tôi phải trải qua nhiều thời kỳ uốn nắn với độ cứng khác nhau của kẽm. Độ cứng càng lớn, cái xiết càng đau. Ông chủ vừa uốn nắn, vừa cho chúng tôi biết vai trò khó khăn của mình trong lãnh vực nghệ thuật cây cảnh bonsai. Ông nói như vị tướng hiệu triệu trước ba quân: “Ráng nghe các con, ráng chịu đau, ráng quên mình để sống theo khuôn thước kỷ luật, để hiến thân làm vật biểu hiện cho ý chí của người quân tử: Quyết liệt và Trung kiên, ví dụ như những cảm tử quân Nhật Bản ở thế chiến thứ hai trong trận Trân Châu Cảng. Các con là dòng họ Tùng Bách anh hùng, hãy tỏ ra xứng đáng để xiển dương những cảm tử quân ấy.”

Tôi vừa nghe lời trần tình, vừa thổn thức xoa nhẹ những vết thương, vừa thấu cảm cuộc đời của những cây bonsai. Tôi thì thầm: “Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Tôi thường nghĩ những hy sinh đều nên là tự nguyện. Tôi ngưỡng phục những cảm tử quân Nhật Bản, cũng như hàng triệu người trên thế giới đã hy sinh vì đất nước của họ. Họ không mong cầu được vinh danh, lại càng không trông đợi ai đó hiến thân để làm biểu tượng vinh danh cho mình. Tôi hiểu nghệ thuật cây cảnh bonsai nhằm ca ngợi sự chịu đựng và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Nhưng tôi tin sự hàm ơn của con người là có thật. Ông chủ đã chỉ dạy cho các bạn sự hàm ơn và trả ơn qua phong cách đẹp nhất.

Chúng ta mới quen nhau, nhưng tôi ao ước được nói một điều: các bạn hãy sống như đã từng sống bên cạnh người bạn tâm giao. Đừng từ chối cuộc sống khi nó đến với mình. Hãy sống để giữ ước nguyện của dưỡng phụ các bạn nữa chứ!” Tôi nghe như có tiếng nấc, xen lẫn tiếng nước lăn tăn đang vỡ.

PDH 9/12