Menu Close

Đi thăm St. Petersburg

Du thuyền rời Helsinki thủ đô Phần Lan 6 giờ chiều ngày hôm truớc, thì 7 giờ sáng hôm sau, khi ánh bình minh  lên, ánh nắng ban mai chan hòa trên mặt biển, tàu đến bến cảng to nhất nước Nga: hải cảng St. Petersburg. Nơi đây còn có nhiều bến cảng khác nhỏ hơn cho tàu thuyền đưa đón hành khách đi-đến và vận chuyển hàng hóa. Bến cảng lớn nhất có tên “Moskor Harbor”. Từ đấy đến Nevsky Propekt, trung tâm St. Petersburg mất khoảng 30 phút đi taxi. Du khách nếu không theo đoàn du khách của du thuyền, thì nên đi taxi vì tài xế phần lớn biết chút ít Anh ngữ.

alt

Dân số, ngôn ngữ

Nga rộng 17,075,200 cây số vuông, gần bằng 1.8 diện tích  Hoa Kỳ. Khoảng  5 triệu dân cư ngụ ở St. Petersburg. Họ nói tiếng Nga nhưng có thể trao đổi, giao dịch  bằng tiếng Thụy Điển, Phần Lan…Theo tài liệu tàu Constellation, St Petersburg có 65 sông rạch chảy ngang qua thành phố, có hơn 512 cầu và được gọi là  Venice of The North gồm 150 lâu đài, (anh hướng  dẫn bảo 600 lâu đài?) nơi tập trung âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa…, là kinh đô cũ của Nga trên 200 năm. Theo người hướng dẫn viên, thành phố đổi tên là Leningrad sau Cách mạng Nga 1917, xong đến tên Petrograd và nay trở lại tên St. Petersburg. Các nước láng giềng của Nga gồm Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Estonia, Luthuania, Ba Lan.

Tiền tệ, giao thông

Tiền tệ chính thức của người Nga là Ruble (đồng rup) nhưng họ  vẫn nhận Mỹ kim. Khi mua hàng hóa nếu trả bằng Mỹ kim nên dùng tiền mới hay còn phẳng phiu, không bị nhàu nát. Nhà hàng không nhận tiền cũ bị hư rách hay nếu nhận, tiền sẽ bị tính theo giá thấp. Trong thị trấn có nơi đổi tiền ngoại quốc cho du khách.

Dân Nga dùng xe bus, metro, xe điện (tramway) và trolley để di chuyển. Cũng có xe taxi, vài chiếc Mercedes, Lincoln còn mới và nhiều xe bốn cửa nhỏ cũ kỹ. Taxi chiếc có đồng hồ, chiếc không, tốt hơn nên thỏa thuận giá cả trước khi đi. Du khách đi tự túc, không theo đoàn du lịch du thuyền nhớ mang visa vì xe sẽ bị chận ở trạm kiểm soát để xét giấy nhập cảnh.

alt

Cung điện mùa đông – Nguồn petersburg lodging.com

Khí hậu

St. Petersburg từ tháng 10 đến tháng 4 trời lạnh và lạnh nhất từ các tháng 12 đến tháng 2, lạnh từ âm -10 độ F đến âm -50 độ F. Khí hậu ấm áp từ tháng 5 trở đi, có thể lên đến 90 độ F. Ngày 22 tháng 7 là ngày dài nhất tới 18 giờ 53 phút và ngày 22 tháng 12 là ngày ngắn nhất, 5 giờ 52 phút. Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7 đến khuya trời vẫn còn sáng (white night).

Mua sắm

Du khách khi mua sắm không nên mua các loại quốc cấm như các cổ vật trên trăm tuổi, các đồng tiền cổ, các bức tượng để thờ phượng, đồ vật bằng lông thú trừ nón, áo lông. Trứng cá caviar, đặc sản nổi tiếng của Nga cũng bị hạn chế mang ra nước ngoài. Các thứ khác thì mua thoải mái như nữ trang bằng hổ phách (amber), vàng, đồ sứ, các nghệ phẩm, tranh, khăn quàng Nga. Du khách tránh mua đồ vỉa hè vì cũng như những nơi khác, thường là hàng nhái.

Chúng tôi theo tour du thuyền viếng các lâu đài St. Petersburg. Lúc xe chạy hướng dẫn viên thao thao thuyết minh bằng Anh ngữ vì du khách có đến hàng chục quốc tịch, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Theo anh hướng dẫn, Nga Hoàng Peter Đại Đế (Peter The Great) sáng lập St. Petersburg từ năm 1703, xây pháo đài Peter & Paul Fortress ở St. Petersburg để gìn giữ thành phố chống sự xâm lăng của Thụy Điển. Trong phạm vi St.Petersburg có nhà thờ Peter and Paul, lấy tên của một trong các vị tông đồ. Sau đó pháo đài cũng lấy tên Peter and Paul Fortress. Lúc mới xây pháo đài bằng gỗ và đất. Về sau pháo đài được sửa sang, xây cất lại bằng đá theo lối  kiến trúc người Âu Châu. Pháo đài chưa dùng vào việc chống xâm lăng lần nào nhưng đã có thời kỳ dùng làm nhà tù giam giữ các tù nhân chính trị. Người tù đầu tiên là con trai của Nga Hoàng Peter the Great, người dám chống  lại đường lối canh tân nhà vua (sách St.  Petersburg, trang 6 do nhà xuất bản Abris). Thời kỳ đang trị vì, Nga Hoàng đi chu du nhiều nơi các nước Âu Châu. Trở về Nga, ông mời các kỹ sư, kiến trúc sư người Anh, Pháp, Ý đến Nga để xây cung điện, nhà thờ theo kiểu cách xinh đẹp tráng lệ như Âu Châu. Vua  kêu gọi các quý tộc về St. Petersburg cư ngụ, xây cất lâu đài, dinh thự đồ sộ, nguy nga, làm thành nơi tập trung kinh tế, thương mại, văn hóa… Đến năm 1712 vua lấy St. Petersburg làm kinh đô nước Nga. Đối với người Nga, St. Petersburg là thành phố Âu Châu vì các kiến trúc theo kiểu cách Âu Châu.

alt

Từ bến cảng đến St Petersburg đường xe có 6 chiều ngược xuôi, vỉa hè rộng nhưng bẩn. Xe chúng tôi đi ngang qua xưởng chế tạo vũ khí làm súng, xe tăng rất lớn, có hàng rào sắt bao quanh. Trường Hải quân (Marine Academy) chiếm phạm vi rộng nhưng cũ kỹ, màu sơn phai nhạt vì thời gian hay thời tiết. Dinh Tổng Thống Putin (Putin Palace) đẹp, to  gấp mấy lần Dinh Độc Lập Sài Gòn nhưng vắng vẻ, tĩnh mịch, cách xa mặt lộ. Trong sân cỏ cây xanh mướt. Anh hướng dẫn cho biết thỉnh thoảng ông Putin về ở đấy, còn lại sống tại Moscow. Trước biệt điện đường chỉ có 4 chiều. Nhà thờ Peter và Paul St Petersburg, cũng là nơi an táng vua Peter the Great và phần lớn các Nga Hoàng.

Chúng tôi đi ngang siêu thị gần các dãy condo cao chục tầng. Anh hướng dẫn cho biết chung cư đó của chính phủ bán rẻ cho người hội đủ điều kiện, có khi hai gia đình cùng ở chung căn và dùng chung một bếp. Họ phải trả tiền điện nước, điện thoại riêng. Anh cho biết trước người Nga ăn mặc kiểu cách khác nhau. Phụ nữ Nga thường mặc áo rộng rãi, nam giới Nga không còn thắt cà vạt, mặc jacket mỗi khi ra đường như xưa. Họ phục sức giống như người Hoa Kỳ hiện nay. Gia đình nào 3 con được ở 3 phòng nhỏ. Dọc theo đường thỉnh thoảng chúng tôi thấy các nhà lầu 4, 5 tầng kiểu xưa, trông cũ kỹ.

Cái nổi bật nhất làm hấp dẫn du khách, không phải những gì có từ sau cuộc cách mạng 1917, mà là những gì đã có từ thời Nga Hoàng: đó là những cung điện nguy nga tráng lệ.

NH
(còn tiếp)