Tôi chọn chuyên ngành wildlife, là ngành chụp ảnh chim thú hoang dã. Phụ nữ, chẳng ai “dại” chi chọn cái nghề khổ như thế, tôi chắc vậy. Tôi từng có kinh nghiệm chụp nhiều thể loại ảnh nghệ thuật, thế nhưng chỉ luôn thích thử thách ở góc cạnh “gai góc”. Sự phấn kích tột cùng luôn đem lại cho tôi cảm giác thú vị như một người thợ săn bị cuốn hút bởi con mồi.

Một lần, cùng một tốp thợ săn đi săn nai rừng, nhưng tôi lại không có thú sát sinh, chỉ gia nhập để tìm hiểu thú tiêu khiển của họ. Cậu em họ trạc tuổi, sử dụng súng và dàn cung thiện nghệ để săn nai. Sau hàng giờ kiên nhẫn săn rình, tôi chợt hiểu cái cảm giác “hồi hộp nghẹt thở, phấn kích cao độ” như cậu em diễn đạt. Và rồi tôi liên tưởng đến sự đồng điệu sự kích độ với thú “săn ảnh” hoang dã. Bấm máy lành hơn bóp cò; nên tôi vẫn chưa hề bạo tay sát hại bất kỳ một sinh linh nào trên trái đất này.
Andy Nguyễn lập kế hoạch đi săn ảnh Sandhill Crane, loài hạc Đồi Cát đang mùa sinh nở. Chụp ảnh wildlife rất quan trọng ở kiến thức chuyên sâu về môi sinh, hành vi biểu hiện của chim thú. Nhiếp ảnh gia cầm điểu phải tường tận hiểu biết xác định loài chim để theo dõi và hiểu cuộc gọi chim (bird call).
Cái tổ Sandhill Crane tìm kiếm đến nhọc công. Tổ của loài hạc này thường lẩn khuất trong đầm lầy.Thực hiện loạt hình ảnh về baby Sandhill Crane ở Florida, chúng tôi phải trực diện với mối lo ngại chết người: cá sấu. Ở những vùng đầm lầy hoang dã, cá sấu ở mọi nơi, mọi lúc. Một lần, tôi mê miết “phục kích” mấy con hạc, và rồi bất chợt ngước lên, giật mình. Một con cá sấu bự khủng hoảng đang ngoác bộ răng hàm lởm chởm, và chỉ cách chỗ tôi nằm vài sải chân. Tôi bật dậy như cái lò xo, tức tốc tẩu nhanh, nhưng cũng không quên vác đống đồ nghề mà chạy.

Vừa chui ra khỏi cánh mẹ
Để có được những cú shot ngang tầm mắt (eye level). Tôi phải đa dạng với các thao tác nằm bò, chổng mông, chúi mũi. Khứu giác luôn bị “hiếp dâm” kinh niên với mùi sình lầy hôi nồng. Năm tuần lễ liên tục và bền bỉ, từ thời điểm ấp trứng và sinh nở của hạc Đồi Cát. Mỗi ngày, cái bộ đồ tôi mặc luôn bám rít mùi hôi, ẩm ướt vì lầy lội giữa chốn hoang dã sình lầy.Từ mỗi sớm trước lúc mặt trời mọc, chúng tôi đã phải có mặt tại địa điểm “phục kích”. Rồi mấy cái trứng nở, cho ra đời những hình hạc bé bỏng chỉ bằng nhủm tay.
Mối giao cảm mẫu tử của loài vật thật sinh động, tuyệt vời ở giai đoạn đầu đời. Cái tổ Hạc Đồi Cát khá gần với môi sinh của bầy cá sấu. Khu đầm lầy này cá sấu nhiều vô kể. Hàng giờ, tôi thấp thỏm lo ngại mấy cái nanh vuốt tử thần của lũ sấu chờ chực, hăm he mấy con hạc. Andy đùa dọa hãy coi chừng “mồi” là tôi, chớ không hẳn là mấy cái bộ xương chim nhét kẽ răng lẻ tẻ kia đâu. Cá sấu trên bờ không linh hoạt như ở dưới nước, nhưng không hề chậm chạp, chớ lầm tưởng!.Cũng một lần khi săn ảnh, tôi bị một con cá sấu mẹ rượt chạy muốn sút quần. Lần ấy, tôi ham dõi chụp một cái tổ Sandhill Crane khác. Và không hề biết tổ trứng của cá sấu gần đó. Mùa động tình, lũ sấu gầm gừ những thanh âm rợn người, và cực kỳ hung hãn, nguy hiểm ở thời kỳ sinh nở.
Tôi không nhớ đã bao giờ đồng hồ lăn bò, cổ đau nhừ, mắt nhòa, lầy lội nơi cái vũng đầm hôi nồng ấy. Và lạ, chỉ cần vài cú shot ngoạn mục là cái cảm giác gian nan ấy thuộc về dĩ vãng. Hàng giờ, tôi kiên trì vác ống kính lần theo dấu chân hạc, chỉ để thực hiện cú shot hoàn hảo: cảnh hạc mẹ dẫn con đi kiếm ăn.

Khoảnh khắc lẫm đẫm đầu đời của hạc con
Chim thú cực nhạy cảm với sự có mặt của con người. Tôi thường trực ở tư thế “bò nấp” trong bụi rậm mới có thể thực hiện được loạt hình ảnh này. Thời khắc để có được hậu cảnh “clear”, ánh sáng tuyệt hảo lệ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người cầm máy, và một chút may mắn. Khi đã khá quen thuộc với môi trường và góc cạnh ánh sáng. Sự sắp xếp bố cục hình ảnh đã trở thành bản năng tự nhiên trong tôi. Và kiên nhẫn luôn là mẹ… ghẻ của thành công! :-))
Dần quen với sự xuất hiện của hai vị khách không mời, gia đình hạc tự nhiên hành động theo bản năng. Chim thú cực nhạy cảm, săn rình cũng đòi hỏi kỹ thuật, và tường tận hành vi của loài vật. Thời điểm “action” là luôn phải dự đoán trước khi hành động xảy ra. Vì mỗi thời khắc các “pha hành động” chỉ xảy ra trong tích tắc. Để ghi nhận hình ảnh hiếm hoi của baby Sandhill Crane chui khỏi cánh mẹ là chỉ được vài giây bấm máy, nhưng hao tốn hàng ngày giờ kiên nhẫn chờ đợi. Thú con mới nở luôn cảm giác an toàn được ấp ủ trong lông cánh mẹ, và hiếm khi muốn rời khỏi “cái nôi” ấm cúng.
Tôi nhớ cái giây phút lẫm đẫm đầu đời của hạc con, đầm ấm yêu thương, và đầy che chở của cha mẹ. Loài vật thể hiện mối giao cảm tuyệt vời như con người vậy.
Một sớm, gia đình hạc rời tổ. Lúc này, mấy hạc con đã gần một tuần tuổi đang lẽo đẽo theo mẹ kiếm ăn. Hai cái cánh còn cụt ngủn trông ngộ nghĩnh. Ánh sáng tuyệt, bố cục hình ảnh đã có trong tư tưởng, và chỉ cần thời khắc để bấm máy. Hai hạc con mãi ham ăn, rồi lạc mẹ. Và dóng tìm dáo dác tựa hai đứa trẻ lạc. Trong bụi rậm, tôi cảm giác phấn kích cao độ. Tuyệt, ánh sáng và bố cục đẹp như một bức tranh. Tôi nín thở, bóp cò.
Và tác phẩm “Looking for Mom” ra đời, vượt qua hơn 20,000 tác phẩm dự thi, và lọt vào chung kết của giải 2012 Nature’s Best Photography Windland Smith Rice International Awards – một giải thưởng danh dự quốc tế. Wish me luck! Cùng năm, tôi đoạt giải Nhất 1st Place – Milvus International Nature với tác phẩm “Heron in Heaven”, và giải danh dự của Hội nhiếp ảnh FIAP thế giới với tác phẩm “Bloody Battle”.

“Theo mẹ kiếm mồi”
Khi bạn thưởng thức một tác phẩm wildlife sẽ chỉ nghĩ đến vẻ đẹp, là đủ. Tôi luôn biết ơn cuộc sống, và tận hưởng giá trị của mỗi vẻ đẹp bằng sự sáng tạo nghệ thuật. Thành công, không ngẫu nhiên ở sự may mắn. Với tôi, đó là một quá trình gian nan, nỗ lực, hy sinh không ngừng của bản thân. Góp mặt bằng những thành quả nghệ thuật, tôi luôn tự hào được là NAG gốc Việt.
Trên trang nhà www.hanhphoto.com. Những tác phẩm wildlife của tôi luôn được nhiều nhã ý khen tặng là mang vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt hảo như một bức tranh.Và xu hướng nghệ thuật ở bố cục và màu sắc, tôi luôn gắng thể hiện thuần tục bằng sự trung thực. Bởi thiên nhiên là vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa. Càng không thể “hollywood” như ảnh người mẫu, hay trở thành sản phẩm photoshop.
Ảnh wildlife, một bức ảnh phản ảnh một sự kiện thực, và một nhiếp ảnh gia giỏi sẽ ghi nhận khoảnh khắc thật bằng sự trung thực. Các cuộc thi ảnh nghệ thuật wildlife tầm vóc quốc tế, luôn đòi hỏi sự chân thực trong các tác phẩm dự thi. Thí sinh không được phép sử dụng bất kỳ thủ thuật photoshop để chỉnh sửa bôi xóa, hay dàn dựng bố cục hình ảnh. Và chim thú trong những tác phẩm dự thi phải thuần là thú hoang dã.
Năm 2009, cùng năm với NAG Andy Nguyễn đoạt giải Wildlife Photographer của BBC Wildlife. NAG wildlife, Jose Luis Rodriguez -người đoạt giải thưởng lớn trong cuộc thi này với tác phẩm “Jumping Wolf”. Nhưng chỉ sau khi phát giải, ông đã bị thu hồi giải thưởng. Nguyên do là Ban Giám Khảo cuộc thi đã phát hiện và kết luận có sự gian lận trong cuộc thi. Con chó sói trong tác phẩm đoạt giải của ông lại là một thú thuần dưỡng được đào tạo để “thuê với mục đích chụp ảnh”. Điều này đã vi phạm quy tắc luật thi.

“Heron in Heaven”- tác phẩm đoạt giải nhất 1st Place-Milvus International Nature
Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Mark Carwardine là một trong những giám khảo cuộc thi, ông đã phát biểu với BBC News, rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử 46 năm và BBC Wildlife sẽ không có một người chiến thắng giải lớn. Ông giải thích là các giám khảo đã thu thập chứng cớ, và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về chó sói đi đến quyết định của họ. Các chuyên gia này đã so sánh hình ảnh của con chó sói trong tác phẩm đoạt giải, và con sói có tên Ossian của đời thực. Và đây chính là một con sói được thuần hóa sống tại một thú dã viên động vật gần Madrid có tên Canada Real. NAG đoạt giải “hụt” kia đã bị nghiêm cấm không được tham gia bất kỳ cuộc thi của BBC Wildlife trong tương lai. Và thế, những tác phẩm đoạt giải Wildlife quốc tế luôn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật lẫn giá trị thiên nhiên.
Một NAG wildlife chuyên nghiệp luôn rất cẩn trọng với những tác phẩm của mình, và luôn tự trọng với sự trung thực, dẫu rằng đó chẳng phải là những tác phẩm dự thi. Bạn có thể gặp sự may mắn đấy, nhưng thiếu đi kinh nghiệm cầm máy và sự sáng tạo, “tác phẩm” của bạn cũng chỉ là những hình ảnh tư liệu.
Nghề nào cũng lắm gian nan. Sáng tạo nghệ thuật sẽ đào thải khi lửa đam mê nguội tắt. May mắn, lửa vẫn trong tôi, âm ỉ.
Nhưng để “lượm” thêm vài cái giải thưởng nữa, tôi nghĩ mình cũng dễ bị… vô hòm sớm lắm!
Website:www.hanhphoto.com