Menu Close

Mưa SàiGòn ướt Tết Trung Thu

Ngay từ giữa Tháng Bảy âm lịch, khói hương vàng mã cúng cô hồn ở Sài Gòn đã bị mưa bay gió tạt nặng nề. Sang Tháng Tám Trung Thu, nước mắt vợ chồng Ngâu vẫn không ngừng nhỏ xuống khiến mỗi buổi chiều người Sài Gòn tan học, tan sở phải nhọc nhằn đội mưa, chen nhau “bơi” trên “đường-sông”.

alt

Các quầy bánh Trung Thu đem lại màu sắc ấm áp cho đường phố Sài Gòn

Tình cảnh thê thảm đến nỗi, dù những quầy bánh trung thu trên đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quang Định… trang hoàng đỏ rực, lộng lẫy, kèm những bảng giá giảm giá hấp dẫn, dựng sát vệ đường vẫn không thu hút được bất kỳ thượng đế nào tạt xe vào hỏi mua. Biết vậy, những đại lý bánh Đồng Khánh, Bibica, Kinh Đô, thay vì “mồi chài” khách qua đường lại quay sang tận dụng internet, tờ bướm quảng cáo, tin nhắn điện thoại, thậm chí cả lực lượng tiếp thị chào hàng tại các siêu thị, công ty, khu chế xuất, trường học, doanh nghiệp. Một nhân viên quảng cáo len lỏi trong dòng xe ngừng ở chốt đèn đỏ Phan Đình Phùng-Hoàng văn Thụ, vừa nhanh nhẹn bỏ tờ quảng cáo bánh Trung thu Đồng Khánh vào giỏ xe từng người vừa cho biết mua một hộp bánh “Bát Tiên Chúc Thọ” 450,000 đồng hay “Trăng Vàng Thượng Hải” 600,000 đồng của Đồng Khánh sẽ được giảm giá tới 40% tại bất kỳ quầy nào của công ty. Tại đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông khu Quận 5, đông người Hoa sinh sống, từng được coi là thủ đô của bánh Trung Thu, tình trạng bán buôn có vẻ rất “chợ chiều”, dù đã đồng loạt treo bảng “mua hai tặng một”. Giải thích về tình trạng ế ẩm, chủ tiệm bánh Ký Phát trên đường Ba Tháng Hai đổ tại thời buổi kinh tế khó khăn, người bình dân thất nghiệp nhiều, chạy ăn từng bữa, người đi làm công sở cũng “vắt cổ chày ra nước”, bánh Trung Thu bị họ coi là xa xí phẩm, không mua. Vì vậy, tiệm Ký Phát cò con của ông chỉ lấy trăm hộp bánh Trung Thu các loại bán cầm chừng, thay vì nhập số lượng lớn như vài năm trước.

alt

Bánh Trung thu Kinh Đô- thương hiệu quen thuộc nhất với người tiêu dùng SàiGòn

Theo nguồn tin từ lực lượng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố thì thị trường bánh Trung Thu năm nay không huyên náo, rầm rộ bằng năm ngoái dù đã bắt đầu từ hai tháng trước. Nhìn chung, cho tới nay, vẫn chưa thấy cơ sở sản xuất bánh Trung Thu lớn nào bị bắt quả tang vi phạm an toàn thực phẩm, cũng chưa có vụ ngộ độc bánh Trung Thu gây chết người nào được ghi nhận tại bệnh viện xã, huyện, thành phố. Có vẻ như Sài Gòn đang gặt hái một mùa Trung Thu yên ổn.

Đứng ở góc độ người trong nghề, cầm trên tay chiếc bánh dẻo bánh nướng do nhà Đồng Khánh sản xuất, ông PVN, thợ cả của bốn nhà sản xuất bánh Trung Thu nổi tiếng Hà Nội trước năm 45 là Đức Thịnh, Đức Hương, Đức Hinh, Đức Thành Ký, nhận xét rằng, so với bây giờ tấm bánh Hà Nội ngày xưa không khác mấy. Nguyên liệu làm nhân bánh cũng sử dụng các loại hột (hột điều, hột trám, hột hạnh nhân, hột sen, hột dưa, hột mè), trứng muối, mứt bí, lạp xưởng, vi cá, jambon, gà quay. Nhưng ngày ấy bánh dẻo tính bằng cân ta. Một cân ta là 600 gam, bốn bánh dẻo vào một cân. Bánh nướng tính bằng cân tây. Một cân tây 1000 gam. Bốn bánh nướng vào một cân tây. Hình thức bánh xưa nay vẫn hai hình vuông-tròn căn bản (tượng trưng mặt đất vuông, ánh trăng tròn). Dù người thợ bây giờ “biến tấu” vài nguyên liệu mới, làm những loại bánh Trung Thu trái cây, rau câu, cà phê, hải sản, dược liệu lạ mắt thì vẫn không chinh phục được khẩu vị của đại đa số người Việt. Một dân Hà Nội “ri cư” vào Nam năm 54 nói thẳng là, đối với “người Tràng An chúng tôi”, Trung Thu không có thì thôi. Có thì ít nhất phải bày biện ấm trà tử tế, hai cái bánh cúng trăng, một bánh nướng, một bánh dẻo. Bánh nướng, phải thập cẩm. Bánh dẻo phải đậu xanh hạt sen. Trước đây có nhãn hiệu Đông Hưng Viên ăn khá. Bây giờ là “anh” Đồng Khánh, Như Lan. Bánh nướng thập cẩm hai trứng 250 gam của họ giá 80,000 đồng, tạm được. Hơi đắt hơn nhưng có vẻ sạch hơn, ngon  hơn là bánh nướng của “hai anh Tây” Givral, Brodard, giá 110,000 đồng một cái. Chọn bánh dẻo hay nướng, đắt hay rẻ, còn tùy mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.

alt

Đội mưa gửi đèn Trung Thu tặng học sinh nghèo

Ngoài bánh Trung Thu, chiếc lồng đèn Trung Thu cũng góp phần làm nên phong vị độc đáo của Tết Nhi Đồng. Mặc dù thời hoàng kim của đèn giấy bóng kính đã qua, cùng sự lịm tắt của tục rước đèn, phá cỗ, múa sư tử ở các thành phố lớn, song đã thành lệ, từ trước ngày trăng tròn Tháng Tám một tuần, Nhà thiếu nhi, hội đoàn từ thiện, trường đại học, chùa chiền đều tổ chức thi làm đèn giấy kính, đèn xếp tặng trẻ đường phố, trẻ cô nhi viện, trẻ điều trị tại bệnh viện Ung Bướu. Hỏi chuyện anh Hồ Khởi, trưởng nhóm thiện nguyện Lạc Hồng, đang say sưa cùng các bạn trẻ ngồi làm đèn trong công viên, anh thật thà kể, lớn lên trong trại mồ côi tỉnh Gia Lai, chưa từng biết niềm vui rước đèn. Bây giờ trưởng thành, có việc làm, có tiền, rất thương các trẻ thiệt thòi, cơ nhỡ. Dịp Trung Thu năm nào, anh cũng “hò” mọi người làm đèn xếp, đèn tre, đèn ống lon các loại đem phát cho trẻ nghèo ở lớp học tình thương, xóm bãi rác, xóm chòm mả. Cũng có tấm lòng vàng như anh Khởi, nhưng thay vì ngồi kỳ cạch làm đèn, bà Song và chị Hải, tiểu thương chợ Bà Chiểu, lại tìm tới làng đèn Phú Bình trên đường Lạc Long Quân còm-măng hai trăm chiếc đèn giấy bóng kính, đủ màu, đủ kiểu, đem ra Xa cảng miền Tây gửi xe đò Bạc Liêu. Hai chị từ chối chụp ảnh đăng báo vì “Có gì đáng đâu! Chỉ  hai triệu đồng mà mua tới ba cái mừng. Mình mừng vì cho được mấy lớp mẫu giáo bị lụt dưới quê. Con nít mừng vì có đèn rước. Người Phú Bình mừng vì có người đặt hàng số lượng lớn, đỡ thất nghiệp…”.

Trong khi đó, guồng quay cạnh tranh của các nhà sản xuất bánh Trung Thu Sài Gòn đang vào hồi quyết liệt. Mặc trời mưa, đường sá nhớp nháp, lòng người ngổn ngang nỗi lo xăng lên giá, tiền trường đầu năm, tiền bệnh viện leo thang…, các nhân viên quảng cáo vẫn đội mưa đi từng ngõ, gõ từng nhà phát tờ quảng cáo. Các trang thư điện tử cũng liên tục bị hắc-cơ tấn công bằng những lời chào mời giảm 40% hoa hồng cho mỗi hộp bánh Trung Thu. Người lớn ngán ngẩm bực bội. Trẻ em cũng không mấy háo hức. Chỉ vầng trăng thu là vẫn như xưa, trong trẻo tròn đầy in bóng “cây đa to, thằng Cuội già, ôm một mối mơ”, nhô lên trên nền trời Sài Gòn vần vũ mây đen, thoắt mưa thoắt tạnh.

alt

Biểu tượng dễ thương của Trung Thu
XH