Menu Close

Dưới chân Đức Mẹ

“Nở rộ hôn nhân qua môi giới”. Đó là tựa đề của mẩu tin tôi đọc trên trang nhất báo Tuổi Trẻ từ nhiều năm trước và còn giữ lại nhiều ấn tượng. Bài báo đã làm đau lòng nhiều người trước một thực trạng xã hội: những cô dâu lấy chồng ngoại quốc. Có thể bạn sẽ nói rằng “Tưởng gì, chuyện xưa như trái đất!”, hay “Lấy chồng ngoại quốc thì đã sao, qua môi giới thì đã sao, miễn sao họ hạnh phúc với lựa chọn của họ.”…

alt

Đám cưới tập thể, ảnh minh hoạ – Nguồn Yume.vn

Nhưng bạn à, không chỉ đơn giản như thế đâu. Trong bài còn có tấm ảnh minh hoạ chụp một băng-rôn quảng cáo trên đường phố Seoul với nội dung thế này: “Hãy cưới cô dâu Việt Nam. Chú rể có thể là người độc thân, đã ly dị hay khuyết tật”. Có thể bạn cũng đọc bài báo này rồi, cũng có thể không đọc, nhưng tôi nghĩ chuyện này không còn là lạ với bạn, vì vậy tôi sẽ không nói thêm về những gì bạn đã biết. Vì đây là một vấn đề lớn, nếu muốn phân tích cho ra chuyện thì phải cần đến nhiều nỗ lực của các chuyên gia về các ngành xã hội, tâm lý… vân vân. Tôi chỉ muốn kể với bạn những gì mình thấy và cảm xúc trong buổi sáng Chủ Nhật vừa qua.

Những buổi sáng Tháng Chín trời Sài Gòn mây cao và nắng đẹp. Đôi khi tôi và vài người bạn ra ngồi uống cà phê ở vỉa hè bên góc đường Nguyễn Du và Đồng Khởi, một trong các góc phố đẹp nhất của Sài Gòn. Ngồi ở đây bạn có thể thả tầm mắt mình theo dòng xe cộ chảy xuôi con dốc đường Đồng Khởi. Có người cho rằng, nếu bạn ngồi ở đây và nhìn ra đường thì trong một buổi sáng chắc hẳn sẽ thấy được vài người quen chạy xe ngang qua.

Quả thật là vậy, vì góc phố này gần như là ngõ chính để vào trung tâm thành phố từ các hướng quận 3, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh… Những đêm thành phố có lễ lạt, con đường được giăng đèn màu lấp lánh trên các ngọn cây suốt một đoạn dài. Nhìn thẳng trước mặt là Vương Cung Thánh Đường, đỏ màu gạch non với hai ngọn tháp chuông cao vút vào nền trời xanh. Xế bên là ngôi nhà Bưu điện thành phố cổ kính mà nguy nga. Kỳ, biết bao nhiêu công trình mới xây dựng trên thành phố này trong những năm qua, nhưng đứng về mặt văn hoá và kiến trúc, thì những công trình của thời Pháp từ trăm năm trước vẫn là những giá trị và biểu tượng của thành phố, chúng chưa từng bị những thứ tân kỳ, hiện đại vượt qua mặt. Trước mặt nhà thờ có một khuôn viên nhỏ, cỏ xanh và hoa. Ở giữa khuôn viên là bức tượng bằng đá trắng Đức Mẹ Đồng Trinh, nét mặt người thanh tú và nhân từ nhìn xuống, tay ôm quả địa cầu áp vào ngực.

Tôi nhớ năm 2005 tín đồ Công giáo kéo về đây rất đông, mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người, vì người ta thấy trên mặt tượng Đức Mẹ có vệt nước chảy xuôi xuống như vệt nước mắt. Họ đứng cầu nguyện suốt ngày đêm, kéo dài cả tháng, dần dần mới nguôi đi.

alt

Tượng Đức Mẹ khóc năm 2005

Tôi thích nhất là cảnh những lần đi ngang đây vào lúc khuya, có khi 1 hay 2 giờ đêm, vẫn thấy một tín hữu lặng lẽ dâng hoa và quỳ gối khấn nguyện dưới chân tượng. Trong bóng tối, có khi chỉ một ngọn nến cháy lung linh trên tay người, mà trông thật huyền ảo và thiêng liêng. Lúc đó, tôi tin rằng Đức Mẹ đang cúi xuống lắng nghe và nhận lời những nỗi niềm của trần gian. 

Những buổi sáng đẹp trời như hôm nay, thời gian này vào đầu mùa cưới, có nhiều đôi tân hôn chọn nơi này để chụp hình, quay phim, ghi lại những hình ảnh ngày đầu tiên trong đời sống hôn nhân của mình.

Ngày xưa có một thời tôi theo nghề quay phim video và chụp hình kiếm sống cho các dịp đám tang, đám cưới, hay các dịp gia đình người Việt ở nước ngoài về tổ chức đi chơi xa, hay tiệc tùng. Từ thói quen nghề nghiệp đó, tôi rất thích nhìn ngắm các góc độ bấm máy của những tay thợ quay phim và chụp hình trong các đám cưới. Vả lại, việc được nhìn ngắm niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt của hai kẻ yêu nhau mà được chia sẻ trăm năm cùng nhau luôn là một món quà mà đời sống dành tặng cho mình.

Sáng nay tôi cầm máy ảnh bước sang khuôn viên đó, lòng mong chụp được vài ảnh đẹp về mùa cưới. Có tất cả bảy cặp tân hôn đang sánh vai tạo dáng cho các ông thợ chụp hình dàn dựng để chụp. Màu trắng trinh nguyên của áo cưới soirée trên cỏ xanh, bay theo gió. Tôi bước đến gần. Bốn người thợ sắp xếp cho năm đôi uyên ương đứng bên nhau để chụp hình chung. Ồ, đám cưới tập thể chăng?

Một ông có vẻ như rất rành việc bố trí và đạo diễn cho màn chụp hình này, ông lăng xăng chạy tới chạy lui sắp xếp, sửa tư thế cho từng người, “Nào! Hai ba. Cười tươi lên nhé mấy cô dâu!”. Các cô dâu đồng loạt mỉm cười.
Họ đẹp quá. Non trẻ và tràn đầy thanh xuân. Tuy vậy hình như có điều gì không bình thường. Tôi thấy bên ngoài cửa nhà thờ có mấy người đàn ông đứng tuổi, áo sơ-mi quần tây, thắt cà-vạt tươm tất đứng lóng ngóng bên các bà vợ vận áo dài. Nhân dáng khác nhau, nhưng họ đều có chung một màu da đen sạm của nắng gió miền quê và có chung những cử chỉ lúng túng, ngượng ngùng. Có người đốt thuốc hút ra vẻ bồn chồn. À, họ là cha mẹ của đàng gái.

Người đạo diễn chạy lui tới, thỉnh thoảng nói một tràng tiếng Hoa dài. Năm chú rể đĩnh đạc khoác tay cô dâu bước lên xe hoa. Dĩ nhiên là đĩnh đạc vì không một ai trong họ bị khuyết tật; và có vẻ như họ ý thức được họ giá trị của những gì mà họ đã mang đến cho các cô dâu và các gia đình kia. Có người nhìn đã đứng tuổi nhưng trong bộ vest sang trọng và thời trang thì cũng khó nói rằng họ quá già, không xứng đôi với các cô dâu.

Họ là những chú rể đến từ Đài Loan.

Một bà mẹ bước đến quỳ trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện thật lâu. Vạt áo dài gấm tím của bà, có lẽ đã lâu mới được lấy ra khỏi rương, phủ lên mặt đá lấm bụi.

Đến giờ tới nhà hàng. Những đôi uyên ương lên xe hoa, các cô dâu bước líu ríu vì chưa quen với độ dài của áo cưới. Năm cặp cha mẹ của các cô dâu thì cùng lên chung trên một chiếc xe buýt 50 chỗ. Người đàn bà áo tím làm dấu thánh, rồi đứng dậy líu quíu đi theo chồng. Cô dâu nào trong năm cô kia là con của bà? Bà đưa tay áo lên chùi mắt, sao bà lại lặng lẽ khóc?

Đức Mẹ trên bầu trời cao và xanh kia có lắng nghe những điều bà cầu nguyện trong ngày cưới con gái mình?

Tôi tin là có.