Tôi bắt đầu làm quen với công việc giảng dạy ở đại học Hoa Kỳ từ năm 2000. Lúc đó tôi đang làm kỹ sư ngành không gian cho trung tâm NASA Marshall ở Huntsville, tiểu bang Alabama. Một hôm, tôi đọc được bản thông báo từ NASA Headquarter ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn về một chương trình đặc biệt gọi là NASA Administrator’s Fellowship Program (NAFP), một chương trình hợp tác và trao đổi chuyên môn của NASA với bên ngoài, được ông giám đốc của NASA dạo đó là ông Dan Goldin sáng lập. Mỗi năm chương trình tuyển chọn một số chuyên viên NASA và đưa đào tạo cấp tốc, sau đó họ được phép chọn một nơi làm việc ngoài NASA. Ứng viên có thể chọn làm việc ở một công ty tư nhân, một cơ quan quốc phòng, hay vào đại học để giảng dạy và nghiên cứu. Đồng thời ngược lại sẽ có một số giáo sư bên ngoài được tuyển chọn vào NASA nghiên cứu. Thời gian công vụ cho chương trình này là 2 năm.

Space and Rocket Museum, Huntsville, AL, 1991
Lúc này tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước đó một năm, cho nên tôi nghĩ là mình hội đủ điều kiện để ghi danh vào chương trình NAFP. Được sự ủng hộ của cấp trên, tôi mạnh dạn nộp đơn, rồi chờ đợi. Tôi không đặt kỳ vọng nhiều vì biết rõ chương trình này có rất nhiều người hưởng ứng, xác suất được chọn quá nhỏ. Nhưng rồi một tháng sau đó, tôi nhận được phong bì của National Research Council, cơ quan được NASA giao phó trách nhiệm tuyển chọn ứng viên cho NAFP. Lá thư cho biết là tôi đã được chọn vào chương trình NAFP và thời gian sắp tới tôi phải liên tục bay qua vùng Hoa Thịnh Đốn để huấn luyện. Sau này tôi mới biết là chính cái lá đơn viết tay kể về tiểu sử của mình, trong đó có đoạn tôi viết về chuyến vượt biển hãi hùng, đã gây ấn tượng mạnh, khiến các vị giám khảo quyết định chọn tôi và 6 ứng viên khác trong cả trăm lá đơn cho nhóm NAFP khóa 4, năm 2000-2002. Lúc đó tôi là người gốc Á Châu đầu tiên có mặt trong chương trình này.
Khác với các chương trình fellowship khác do NASA đề xướng và thành lập, chương trình NAFP phần lớn do ứng viên chủ động. Ứng viên phải tự liên lạc chỗ mình muốn làm việc, bởi vì tất cả do NASA đài thọ cho nên bất cứ chỗ nào mình gọi đến thì nơi đó nhận ngay. Tôi chọn bốn nơi công tác cho chương trình hai năm này. Ba nơi đầu tiên là trường đại học Alabama, công ty Boeing, và cơ quan nghiên cứu của Lục Quân Hoa Kỳ. Ba nơi này gần nơi tôi đang sống ở thành phố Huntsville, tiểu bang Alabama. Nơi cuối cùng tôi chọn là trung tâm Kennedy, còn được gọi là mũi Kennedy vì ở đây là vùng gồ ra từ Cape Canaveral giống như cái mũi. Kennedy là tên của tổng thống John F. Kennedy, vị tổng thống có nhiều quyết định quan trọng trong thời kỳ phôi thai của chương trình thám hiểm không gian Hoa Kỳ. Trung tâm Kennedy là nơi phóng phi thuyền Apollo và Space Shuttle (tiếng Việt gọi là phi thuyền con thoi). Ở trung tâm Marshall tôi miệt mài làm việc tính toán về khí động lực liên quan đến Space Shuttle thế mà chưa thấy phi thuyền này ngoài đời, cho nên tôi muốn về Kennedy để mục kích. Không ngờ quyết định này đã đưa tôi rời xa tiểu bang Alabama luôn.

Giảng dạy tại Alabama A&M University, 2000
Lần đầu tiên tôi lên dạy ở trường đại học Alabama A&M, tôi run vô cùng mặc dù đây là trường đại học thiểu số và phần đông là sinh viên da đen. Ông giáo sư gốc Hoa giao cho tôi dạy lớp Fluid Mechanics (Cơ Lưu Chất), là lớp tủ của tôi, thay ông. Ông còn tin tưởng đến nổi không thèm vào lớp để xem tôi giảng dạy ra sao. Trước đó cả tuần lễ, tôi đã mượn giáo án của ông để xem trước, thế mà hôm đó tôi lên lớp cũng không ổn. Lý do là tôi đi quá sâu vào chi tiết, mất nhiều thời giờ và càng làm cho sinh viên rối trí thêm. Sau này tôi mới rút ra được kinh nghiệm là chỉ nên dạy những điều sinh viên cần biết được ghi rõ trong giáo trình mà thôi, sinh viên nào muốn hiểu thêm sâu thì sẽ tự tìm tòi hoặc hỏi thêm giáo sư sau giờ học. Ngoài phụ giảng lớp Fluid Mechanics, tôi còn dạy thêm lớp Grid Generation thuộc chương trình cao học, và nghiên cứu thêm về việc lập trình các phép tính song song. Niên khóa mùa Xuân và mùa Hè cũng êm trôi. Sau này khi về làm việc cho trung tâm Kennedy, gặp được một ông giáo sư ở đại học Florida Tech, biết tôi có kinh nghiệm giảng dạy, ông đã mời tôi dạy các lớp đêm qua hợp đồng của Adjunct Professor, và tôi đã chính thức bắt đầu sự nghiệp giảng dạy suốt từ đó (năm 2004) cho đến nay.
Bước kế tiếp trong chương trình NAFP của tôi là Boeing Aerospace ở Decatur. Vào làm việc ở đây tôi mới thấy các kỹ sư hãng tư nhân làm việc căng thẳng hơn trong NASA nhiều. Họ lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, làm việc cật lực, chạy theo thời gian. Tuy nhiên một điều mà tôi thấy rõ là các kỹ sư ở Boeing vẫn còn thua NASA một bực. Không phải là tôi bênh “gà” nhà, nhưng sự thật thì trình độ của nhân viên NASA vẫn cao hơn. Có lẽ vì chúng tôi có nhiều điều kiện nghiên cứu hơn, và các kỹ sư của NASA được tuyển chọn gắt gao hơn. Một điều rõ ràng là kỹ sư NASA làm việc trong một không khí thoải mái, không bị áp lực nặng nề cho nên các công trình nghiên cứu đương nhiên có phẩm chất hơn. Ông sếp tạm thời của tôi trong 3 tháng làm việc ở Boeing tên là Sam Dougherty, là một kỹ sư kỳ cựu có nhiều đóng góp cho chương trình phi thuyền con thoi hồi ông còn làm ở công ty Rockwell. Ông Sam rất có ấn tượng về khả năng hiểu biết của tôi về kỹ thuật không gian, sau ngày tôi rời Boeing ông Sam cũng xin nghỉ hưu non, sau đó ông kiếm việc ở một công ty nhỏ hơn có khế ước dài hạn với NASA. Nhờ đó mà tôi và ông vẫn gặp lại nhau ở các cuộc họp quan trọng được NASA tổ chức về sau.
Chỗ công tác cuối cùng là trung tâm Kennedy ở tiểu bang Florida. Việc di chuyển, ăn ở hơi bị trở ngại. Mặc dù NASA Headquarter đài thọ mọi chi phí, nhưng tôi cũng phải tự đi kiếm mướn apartment và di chuyển một số đồ dùng cá nhân cần thiết. Lúc đó vợ tôi đã có công ăn, việc làm ổn định ở thành phố Madison, Alabama. Hơn nữa, chúng tôi chỉ nghĩ là đi công tác mấy tháng lại về cho nên chỉ có một mình tôi đi. Vào thời điểm này tôi đã có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới có vài tháng tuổi, và để nhẹ bớt gánh nặng cho vợ nên tôi dẫn đứa con đầu lúc đó được 5 tuổi theo tôi về Florida. Một điều may mắn là lúc đó mẹ vợ của tôi từ Atlanta đến giúp con gái và 2 cháu ngoại cho nên tôi ra đi cũng yên tâm phần nào. Năm 2001, hệ thống webcam cũng đã bắt đầu phát triển, tối nào tôi cũng nối mạng để nói chuyện với vợ con.
Về Kennedy, tôi được giao phó cho công việc tính toán ảnh hưởng của sức gió khi di chuyển phi thuyền từ nhà chứa ra dàn phóng. Sau này tôi mới biết là trung tâm Kennedy định khoán công việc này lại cho công ty tư nhân làm, nhưng họ đòi cao quá, hơn 100 nghìn đô, cho nên dùng dằng mãi chưa xong. Tôi bắt tay vào việc và hoàn tất xong trong vòng một tháng. Ông Charlie Stevenson, một trong những nhân vật then chốt trong chương trình tàu con thoi ở Kennedy, rất thỏa mãn với kết quả tính toán của tôi. Sau đó, trung tâm Kennedy ngỏ ý muốn mời tôi ở lại để dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về việc giảm thiểu các chấn động âm thanh và rung chuyển khi phóng phi thuyền. Nghiên cứu này được bộ không quân Mỹ tài trợ hàng năm gần nửa triệu, và người dẫn đầu nhóm này sắp di chuyển qua nhóm khác. Tôi thấy công việc này lý thú nên rất muốn nhận ngay, nhưng vì đây là quyết định quan trọng nên tôi nói cần phải có thời gian để suy nghĩ. Nếu nhận công việc này tôi phải dọn về Florida sống lâu dài. Việc khó khăn trước mắt là trung tâm Marshall ở Huntsville không muốn mất người của họ, do đó ông Stevenson phải viết thư lên tận Headquarter để xin chuyển tôi về Kennedy. Tối hôm đó, tôi gọi điện thoại cho vợ và thông báo là có thể sắp phải giã từ tiểu bang Alabama, nơi tôi đã sống và làm việc suốt 13 năm. Trước khi dọn hẳn về Florida, chúng tôi gửi 2 cô con gái nhỏ qua Atlanta để ông bà ngoại trông giùm, vợ chồng tôi và đứa con đầu là Mỹ Trúc về Việt Nam trong dịp cuối năm 2002.
Sở dĩ chúng tôi quyết định về Việt Nam là vì đây là cơ hội thuận tiện, giữa lúc chuyển việc làm, nơi mình ra đi họ không còn thiết tha gì với mình, còn nơi mình sắp đến họ cũng biết mình cần thời gian ổn định cho nên chưa có áp lực trong công việc. Vào ngay thời điểm này, qua một trung gian thứ ba, tôi quen được giáo sư Nguyễn Thiện Tống đang giảng dạy ngành hàng không ở đại học Bách Khoa, tức là đại học Phú Thọ trước năm 1975. Biết tôi sắp về Việt Nam, giáo sư Tống mời tôi vào trường đại học thuyết trình công việc tôi đang làm ở NASA. Chắc ăn, tôi lên văn phòng “export control” ở trung tâm Marshall, đưa cho họ xem và kiểm duyệt bài nói chuyện của tôi. Sau 2 tuần, tôi nhận được sự chấp thuận của trung tâm Marshall, chúng tôi vừa nhờ văn phòng địa ốc đăng bán căn nhà ở Madison, Alabama và mua vé bay về Việt Nam từ phi trường Atlanta. Đó là vào cuối tháng Giêng năm 2002, tức là chuẩn bị Tết Nguyên Đán.

Bùi Thanh Liêm & Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, Saigon, 2002
Sau 22 năm lưu lạc xứ người, rốt cuộc tôi cũng trở về cố quận. Chúng tôi đi hãng hàng không của Phi Luật Tân, phục vụ của họ rất tốt. Khi máy bay đáp xuống phi trường Manila để chuyển qua máy bay nhỏ hơn bay về Việt Nam, chúng tôi thấy rõ sự thay đổi từ phong thổ cho đến con người và biết rõ là mình đã xa nước Mỹ thật sự. Từ Manila về Việt Nam là một khoảng cách ngắn, càng về gần Việt Nam cái cảm giác bồi hồi càng tăng lên. Trước khi về Việt Nam tôi đã liên lạc với một người bạn học cũ ở trường trung học Trần Nguyên Hãn, Vũng Tàu và nhờ người bạn này tổ chức một bữa họp mặt ở Vũng Tàu sau Tết. Chương trình ở Việt Nam của chúng tôi rất bận rộn, ở Sài Gòn tôi sẽ ghé thăm ông chú ruột của tôi và ông cậu ruột của vợ. Sau đó chúng tôi bay ra Đà Nẵng và Hội An thăm quê vợ, rồi bay ra Hà Nội thăm ông cậu ruột của tôi. Và về quê ở Cổ Lễ, Nam Định thăm họ hàng thân thuộc của Ba Má tôi. Từ Hà Nội bay về Sài Gòn tôi sẽ đi thuyết trình ở đại học Bách Khoa, sau đó đi tàu cánh ngầm xuống Vũng Tàu thăm ông anh rể và họp mặt bạn cũ của tôi. Cuối cùng là về lại Sài Gòn họp mặt bạn cũ của vợ tôi.
Trong lúc máy bay len lỏi giữa đám mây bồng bềnh trên hành trình tiến vào không phận Việt Nam, tôi ráng nhìn qua cửa kính để xem có thấy được đại dương bên dưới không. Có lẽ phi cơ đang bay cao quá, tôi không nhìn thấy gì hết. Tuy nhiên, tôi biết rõ ở một khoảng không gian ngay bên dưới kia hồi hai thập niên trước đã từng dấy lên làn sóng thuyền nhân. Tôi bỗng nhớ một câu trong nhạc khúc Chiều Tây Đô của Lam Phương: “Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương”. Tôi lại nhớ đến cái đêm vượt biên và hơn hai tuần lễ vật lộn với tử thần hồi 22 năm về trước.
(Xin đón đọc Tự Truyện kế tiếp)
Ngày 23 tháng 9, 2012