Thơ hồi âm anh Hai An Phú về “Mùa nước lên”
Kinh xáng Bốn Tổng
Ngày 29 tháng 08 năm 2012
Kính thăm anh chị Hai,
Trước nhứt vợ chồng tui xin cảm ơn thơ hồi âm của anh Hai và kính thăm sức khoẻ anh chị cùng gia đình bình an, vui vẻ; sau nữa có mấy lời hồi đáp này hầu chia sẻ cùng anh chị một chút tình quê qua những gì anh nhắc qua các kỷ niệm “mùa nước lên” trên An-Phú mà dân quê vùng mình còn gọi là “mùa nước ngập” vì anh cũng làm tui nhớ về những ngày tuổi thơ của tui quá mạng.

Trẻ con ưa lội nước vào những ngày nước ngập- Nguồn:http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php
Chẳng hạn như anh kể: “Nhớ khi nước “bò” từ từ lên trên mặt đường, bọn con nít chúng mình thường đi tới đi lui dưới nước cho mát chưn, da chưn ngâm nước hoài bị lở, vừa ngứa vừa rát, người lớn nói là “nước ăn chưn”.”
Thiệt vậy anh Hai! Hồi đó, vào những ngày rằm, mười sáu, mười bảy Tháng Bảy âm lịch, ông bà mình có nói “mười bảy nước nhảy khỏi bờ”, ở dưới Mặc Cần Dưng, nơi quê ngoại tui vào mấy năm 1947, 1948, tụi tui mới có sáu bảy tuổi nên mê vọc nước dữ lắm; thấy nước bò bò lên mé sân là cứ xúm nhau lại lội xuống nước cho mát chưn như anh Hai nhắc vậy. Rồi nước ăn chưn ngứa thấy trời. Mấy chị tui mới hái lá gáo, còn có cái tên là cây “huỳnh bá”(1), đâm với một chút muối hột và phèn chua cho nát nhừ ra rồi vắt lấy nước thoa vô mấy chỗ kẽ ngón chưn bị nước ăn, nó rát gần chết nhe anh Hai; vậy mà sáng ra là mấy chỗ bị nước ăn nó khô mặt và hết ngứa, và món thuốc nam này hay lắm! Nhưng anh Hai ơi, chứng nào tật nấy, hết ngứa và hết rát mỗi khi xức lá gáo như vậy vài bữa, thế rồi gặp nước bò lên sân lại cứ rủ nhau vọc nước nữa, hổng biết sợ nước ăn rát chưn rát cẳng gì hết.
Rồi anh Hai lại nhắc: “Nhớ nước lên cao khỏi mặt đất độ ba bốn tấc, phù sa đã tràn vào đồng ruộng, nước trong dần, mình nhìn qua kẽ ván sàn nhà thấy cá ròng ròng từng bầy bơi lội tung tăng, cá lóc, cá rô đồng lội nhởn nhơ tìm mồi, chỉ cần một sợi nhợ gắn lưỡi câu móc mồi trùn thả xuống qua kẽ ván sàn nhà, con cá rô từ từ lội tới đớp mồi, xốc xốc nuốt vào, nuốt vào, rồi kéo phăng lưỡi câu, ta cố giữ sợi nhợ câu, ta kéo, nó ghì, cuối cùng ta giựt, thêm một con cá rô mề để mẹ kho tộ.”

Giăng lưới mùa nước ngập – Nguồn: http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php
Thưa anh Hai,
Qua cái cảnh cá lội dưới sàn nhà, rồi cảnh anh câu cá rô trên An Phú hồi đời xưa vào mùa nước lên, tui thấy nó giống y chang miệt Mặc Cần Dưng dưới tui hồi đó anh Hai à! Hồi đó, vùng Mặc Cần Dưng chạy dài vô miệt Vàm Nha, Vàm Xáng, Hang Tra, Vĩnh Hanh rồi đổ xuống Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng, Định Mỹ gần trong Núi Sập, rồi chạy tuốt qua miệt Bờ Ao, Bắc Dục, Phú Hòa, Vĩnh Chánh hay qua miệt Thốt Nốt cùng các làng mạc miệt Lấp Vò, con nước rằm Tháng Tám âm lịch dâng cao, dâng cao dần làm nhà nền đất có khi bị ngập, còn nhà sàn thì nước ngập lé đé tới mí ván. Nước mùa này là nước cỏ, nên nước trong leo lẻo. Cá linh, cá lòng tong đá, lòng tong mương, cá chài, cá he lội có bầy, có bầy, lượn tới lượn lui mà bắt mê. Bọn con nít tụi tui dưới này cũng câu cá như các anh câu trên An Phú vậy. Hồi đó, nhớ mỗi khi đi học thì thôi, còn dìa tới nhà rồi là quăng cái cặp đệm qua một bên, ăn vội ba hột cơm nguội là cắm đầu cắm cổ đi móc hang cua kiếm cua ốm làm mồi câu cá. Cá ở đây nó thích mồi trùn như trên anh Hai mà nó cũng thích mồi cua ốm nữa. Nhớ hồi đó, đi học ngoài trường “Đạo Đức Học Đường” bên cạnh Thánh Thất Cao Đài, xã Bình Hòa, tụi tui đứa nào cũng mang cơm theo ăn trưa tại nhà ăn trưa của trường, mà tui còn nhớ cái tên rất hay và lạ là “Ngọ phạn điếm”. Do vậy mà, câu cá lòng tong, cá rô vậy mà rồi cũng có thức ăn trong những bữa ăn trưa ở “ngọ phạn điếm” của trường sơ học này nhe anh Hai! Ngày nay, mỗi lần có dịp đi ngang qua Thánh thất Cao Đài vùng Mặc Cần Dưng, tui cứ miên man nhớ lại trường cũ, nhớ lại các thầy cũ, nhớ lại những bữa cơm trưa đạm bạc nhà nghèo và dĩ nhiên rồi, tôi cũng nhớ lại song thân tôi có một thời tản cư chạy giặc từ Lấp Vò chạy lên Mặc Cần Dưng cơ khổ biết dường nào cùng những ngày thơ dại của mình mà bồi hồi!
Anh Hai lại kể tiếp: “Nhớ những lần trong mùa nước lên, ngồi trên chiếc đò tắc ráng chạy bình bịch ven sông, nhìn bông điên điển vàng tươi mà thèm mắm kho và rau với bông điên điển, nhớ nồi canh cá linh nấu với bông điên điển hương vị ngọt ngào. Nhớ những chiếc xuồng ba lá di chuyển đó đây. Mấy bà Miên bơi xuồng cặp sát hiên nhà bán bún nước lèo.”
Thưa anh Hai,
Miệt Mặc Cần Dưng dưới này hổng có bà Miên bơi xuồng bán bún nước lèo như trên anh Hai nhưng vào mùa nước lên Tháng Tám, Tháng Chín dưới này xuồng hàng bán dạo bán đủ thứ anh Hai ơi! Người bán mía, kẻ bán bắp hầm, bắp chà; người bán cá rô câu, kẻ bán bông súng, bông điên điển; người rao bán dưa môn, kẻ bán đậu hủ chan nước đường; người bán bánh lọt nước cốt dừa, kẻ bán cốc, bán ổi, bán me…, nhiều lắm không kể xiết nhe anh Hai. Rồi còn xuồng ghe từ các nơi đổ dìa miệt Luỳnh Huỳnh, Tri Tôn đốn tràm, mò tràm lụt nữa. Họ đi chừng vài ngày và khi trở dìa thì xuồng ghe nào cũng chở đầy tràm lụt, tràm xanh, thấy biết ham!
Anh Hai chắc còn nhớ “tràm lụt”? Anh Hai nhớ hồi đời xưa vùng Đồng Tháp Mười, vùng Luỳnh Huỳnh là rừng tràm bạt ngàn thiên dã, người xưa kể hễ đi vô rừng mà hổng để ý, hổng làm dấu thì khi đi ra thế nào cũng bị lạc. Vả lại, hồi đời trước, lúc đất lâm minh mông trời đất, cây rừng ít ai đốn phá làm gì do vậy rừng tràm lâu năm hổng ai đốn, nó bị gió mưa làm gãy ngã chìm trong nước năm này qua năm khác rồi bị phù sa bùn lầy lấp lên lâu dần, lâu dần nên lớp vỏ ngoài bị mục, chỉ còn cái lõi bên trong gần thành than và người ta gọi những thân tràm bị ngâm vùi lâu năm dưới lớp đất bùn ấy là tràm lụt.
(Còn tiếp)
Cước chú:
1) Cây gáo còn có tên là cây “huỳnh bá”, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, chiều cao có khi tới 15 thước, lá hình trái tim hoặc hình tròn tròn, bông nở rất thơm, trái chua chua, ăn với muối ớt rất ngon, mọc vùng kinh rạch miền tây của mình rất nhiều.