Anh à, sắp tới Trung Thu, anh làm lồng đèn cho các con nghe anh.
– Làm lồng đèn rồi ai đi làm giùm đây? Ra chợ mua cho rồi đi.
– Hổng phải, bị trong trường có vụ thi làm lồng đèn, mấy đứa nhỏ lối xóm, đứa nào cũng có cha làm giùm hết.
– Thì nhờ ai đó làm đi.
– Anh nói sao kỳ vậy?
– Kỳ cái gì? Mấy chả không có công ăn chiện làm, mấy chả ở nhà, mấy chả làm giống gì mà không được, nói chi tới lồng đèn. Quen với cha nào thì nhờ chả làm giùm!
– Thôi, anh đừng nói nữa, tui sẽ làm lồng đèn cho sắp nhỏ.
Tiếng máy xe lam nổ cà xịch cà đụi ngoài sân, rồi tan nhanh trong khối không gian ồn ào bất di bất dịch của khu lao động. Chị Tư nhìn theo làn khói đen xỉn phun lại phía sau, lắc đầu ngao ngán.
Mười năm trước, chị Tư từ Hà Tiên lên Sài Gòn, làm công trong quán café ở chợ An Đông. Anh Tư lái xe lam chở khách từ miệt nhà thương Chợ Quán, tới chợ An Đông, rồi thẳng ra chợ Bến Thành. Anh là khách thường xuyên của quán. Sáng nào anh cũng ghé làm ly café đá. Anh khen café chị pha thiệt ngon, anh ưng ý lắm. Nói chuyện qua lại đâu chừng mấy tháng, anh Tư nói anh ưng chị, muốn cưới chị. Chị không nhớ hồi đó chị tính thế nào, nhưng kết quả là chị có bầu 2 tháng và về làm vợ anh Tư mà hổng có đám cưới.
Anh Tư mướn một căn nhà nhỏ gần chợ An Đông cho hai vợ chồng. Chị Tư ở đó tới khi sanh đứa con đầu lòng, thì anh Tư sanh tật đèo bòng, dắt về một phụ nữ khác. Chị Tư đòi ẵm con đi thì anh Tư nói: “À, đi là đi luôn à nghen, đừng trách tui sao ác nhơn. Tui nói rồi, con tui tui nuôi, muốn đi đâu thì đi, để đứa nhỏ lại”. Hai người giằng co, sau cùng chị Tư phải ở lại vì con. Căn nhà nhỏ xíu, anh Tư ngăn hai, phần trong dành cho anh và vợ kế, phần ngoài dành cho chị và đứa con. Hai người đàn bà trong nhà, là tình địch của nhau, nhưng làm như ai cũng biết số phận của mình, nên cũng ít có điều tiếng qua lại.
Người vợ kế của anh Tư, bà con lối xóm kêu là Tư nhỏ, mang bầu con so mà sao cái bụng lớn còn hơn mang con rạ, gần tới ngày sanh, cổ đi lặc lè tới lui thấy thiệt tội. Một bữa, cổ bưng quần áo đi giặt, bị trợt chân té, phải chở vô nhà thương, bữa đó cổ sanh luôn. Sanh đôi, hai đứa con gái giống nhau in chang hai giọt nước. Tư nhỏ sanh con mà hổng có sữa, báo hại chị Tư cầm lòng không đậu, vừa nuôi mẹ, vừa nuôi sữa hai đứa nhỏ, làm chị xất bất xang bang. Tư nhỏ nằm nhà thương 1 tuần lễ thì về nhà. Hai đứa nhỏ cứng cáp mặc dù bị sanh sớm, nhưng sức khoẻ Tư nhỏ coi mòi bết bát. Cổ ăn không được, ăn vô ói ra, chị Tư lo lắng nói với anh Tư: “Anh coi có đem cổ vô lại nhà thương điều trị, chớ để ở nhà, tui lo lắm”, anh Tư tỉnh bơ: “Ôi, chuyện đàn bà sanh con dễ như gà đẻ trứng, nó nhõng nhẽo ít bữa, rồi đòi có con liền liền, có gì mà lo.” Bịnh tình Tư nhỏ trở nặng, bà con lối xóm chung tiền mướn xe đưa cổ vô bịnh viện, chị Tư mỗi ngày bới cơm vô nuôi bịnh. Đâu chừng hai ngày sau, Tư nhỏ thều thào: “Chị à, em cúi đầu tạ lỗi, xin chị tha thứ cho em, chắc em hổng qua nổi rồi, chị nuôi hai đứa nhỏ giùm em, kiếp tới em nguyện đền đáp công ơn trời biển này”. Chị Tư hoảng hốt: “Tư nhỏ à, em nói cái gì vậy, có bịnh thì chữa, thủng thẳng bác sĩ cho uống thuốc hai ba bữa sẽ lành bịnh, đừng nói bậy bạ nghen. Còn lỗi phải gì giữa hai chị em mình? Lỗi là lỗi anh Tư đem dạ đèo bòng, phụ rẫy tình phu phụ, chớ em hổng có lỗi gì hết trọi. Ráng dưỡng bịnh rồi còn nuôi con nữa. Anh Tư tới năm bảy lá gan, chị em mình hổng trông chờ được đâu.” Hôm sau, chị Tư đem cơm vô cho Tư nhỏ, thì bịnh viện nói Tư nhỏ đã qua đời hồi hôm.
Thu xếp đám tang cho Tư nhỏ xong, chị Tư mới thấy đời sống thật khó khăn. Anh Tư đi làm chỉ đưa tiền chợ, còn chị, từ hồi sanh con tới giờ, chị bỏ công việc ở quán café, ở nhà nuôi con. Bây giờ, con của chị chưa đầy năm, thêm hai đứa nhỏ, con của Tư nhỏ còn đỏ hỏn, chưa đặt tên, làm sao chị lo nổi, chị Tư ôm ba đứa nhỏ khóc mùi mẫn, chị khấn Tư nhỏ phù hộ cho chị có đủ sức để nuôi ba đứa nhỏ.
Thời gian mới đó mà đã 10 năm, bây giờ lối xóm gọi chị là Tư đậu hủ. Chị bán đậu hủ nước đường nuôi ba đứa nhỏ từ hồi đó tới giờ. Nguyệt, con gái chị đã 10 tuổi, hai đứa con song sanh của Tư nhỏ, 9 tuổi rưỡi, chị đặt tên là Kiều và Vân, hai đứa càng lớn càng xinh xắn và giống nhau từ ngoại hình tới tính nết. Kiều có vẻ ít nói hơn nên được làm chị.
Ba đứa học cùng lớp, rất chăm học. Ngoài những buổi đến trường, sắp nhỏ giúp chị công việc trong nhà, nên chị cũng rảnh tay nấu thêm nồi đậu hủ bán ban đêm. Tiếng rao “đậu hủ nước đường hôn” của chị Tư đã trở thành tiếng rao thân thương trong cái xóm lao động tiền ít, tình nhiều này. Bà con mua đậu hủ của chị Tư vì cảm mến tấm lòng nhân hậu tử tế của chị và cũng để giúp chị có tiền nuôi ba đứa nhỏ. Cho nên từ nhiều năm nay, làm như cả xóm có thói quen ăn đậu hủ nước đường, sau bữa cơm trưa và cơm chiều.
Hồi hôm sắp nhỏ thỏ thẻ với chị: “Má à, cô giáo lớp con nói có thi làm lồng đèn, má làm cho tụi con nghe!” Chị liền hứa: “Để má nói ba làm cho bây, ba bây giỏi thủ công lắm”, nhưng chị không ngờ sáng nay anh Tư chặt ngang, còn nói hành nói tỏi. Chị tính rồi, chị sẽ làm ba cái lồng đèn trái trám cho ba đứa. Kiểu này dễ làm nhứt. Chị sẽ mua ba bó đũa tre, để làm khung sườn lồng đèn, và giấy bóng kiếng màu với hồ dán.
Khi nói ý định này với các con, thấy mặt mày tụi nó sáng rỡ, chị chảy nước mắt. Chị nghĩ các con chị phải được hưởng tất cả những gì đẹp nhứt dành cho tuổi thơ.
Buổi chiều bán xong gánh đậu hủ, chị ghé chợ mua ba bó đũa, xẹt ngang nhà sách mua giấy bóng kiếng. Chị bươn bả về nhà. Chị tưởng tượng đến đôi mắt của con Kiều, đôi mắt của nó sẽ sáng lên, nhìn chị dò hỏi và chạy a tới ôm eo chị, rúc đầu vào nách chị. Còn con Vân sẽ chạy tới gỡ nón cho chị, rồi đòi gánh gánh đậu hủ giúp má. Còn con Nguyệt thì đứng xớ rớ la hai đứa nhỏ: để má rửa mặt, nghỉ ngơi cho bớt mệt đã. Chị thường cảm ơn Trời Phật đã cho chị ba đứa con hiếu thảo, ngoan ngoãn.
Trời đã tối, chị Tư đồ chừng chắc bữa nay anh Tư không về. Ăn cơm xong, chị bày tất cả vật dụng trên tấm phản và bắt đầu làm lồng đèn. Chị dạy cho ba đứa nhỏ làm khung lồng đèn, từng chiếc đũa được cột với nhau theo hình 6 cạnh bằng dây kẽm nhỏ. Sau đó, chị cắt giấy bóng kiếng đủ màu dán lên từng mặt trái trám. Dán giấy tới đâu, sắp nhỏ trầm trồ tới đó, chị Tư ứa nước mắt vì sung sướng. Đêm đã khuya, tới lúc chị dán xong cái đèn thứ ba, thì ba đứa nhỏ đã ngủ ngon chung quanh chị.

Bảo Huân
Nhìn các con, chị bỗng nhớ ngày chị còn nhỏ. Hồi đó mỗi lần tới Trung Thu, ba chị làm cho bốn đứa con, mỗi đứa một lồng đèn con cá. Chờ trời tối, trăng vừa ló ở đầu ngọn tre, bốn con cá bằng giấy bóng kiếng xanh, đỏ, tím, vàng được thắp nến sáng rực. Đám trẻ trong xóm bắt đầu rước đèn và hát “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bướm bướm…” Chị cùng các em len vào đoàn trẻ đang rồng rắn đi vòng khắp khu xóm. Trăng Trung Thu rất tròn, rất to và rất sáng, nhìn rõ được chị Hằng trên cung trăng, và cái bóng nhỏ nhỏ gù gù kế bên chị Hằng là chú Cuội. Tuổi thơ qua mau, chị ngỡ nó phai nhạt theo thời gian, nhưng có ngờ đâu, tuổi mình càng lớn, thì ký ức tuổi thơ càng nặng. Có đôi lần chị ước được trở về tuổi thơ và đứng lại ở đó, đừng lớn hơn nữa. Vì cuộc đời sau tuổi thơ là những bất trắc và nhiều sầu thảm.
Chị dọn ba chiếc lồng đèn để trên bàn và bồng các con vô giường. Sau đó, như một thói quen trong vô thức, chị xuống bếp ngâm đậu nành cho nồi đậu hủ ngày mai.
Thấm thoát ngày Trung Thu đã tới, học trò trong lớp rối rít nói chuyện về chiếc lồng đèn của mình. Đứa thì khoe lồng đèn bươm bướm ông nội phải làm tới hai tuần lễ mới xong; đứa thì khoe có lồng đèn con cá ba mới dán giấy xong hồi hôm; đứa thì khoe có lồng đèn xếp ba làm hồi năm ngoái….
Ba đứa nhỏ say sưa nhìn những chiếc lồng đèn lộng lẫy và nghe các bạn nói chuyện, thỉnh thoảng lại nhìn chiếc lồng đèn trái trám được giấu dưới gầm bàn. Khi cô giáo kêu từng học trò đem lồng đèn lên để cô chấm điểm, những tiếng xuýt xoa, ngưỡng mộ lại vang lên, khiến cả lớp ồn như đàn ong vỡ tổ. Đến phiên Kiều, con bé cầm chiếc lồng đèn trái trám, run rẩy bước lên bục gỗ, cả lớp im phăng phắc, bỗng một giọng cười con trai hô hố vang lên, cả lớp hùa theo. Mặt con Kiều tái xanh, nước mắt tuôn xối xả. Cô giáo đập bàn giữ trật tự. Cô ôm Kiều nói gì đó, con bé nín khóc về chỗ ngồi. Đến phiên Nguyệt và Vân, hai đứa không dám đứng lên, chỉ ngồi khóc nức nở. Ba chiếc đèn trái trám được để trên bàn cô giáo.
Chị Tư bữa đó đi bán về sớm, chị cũng hồi hộp không biết lồng đèn của con mình ra sao? Chị biết rất rõ ba cái lồng đèn trái trám sẽ được điểm chót, nhưng đó là tất cả những gì chị có thể cho các con. Chị quyết định ghé trường đón con. Kẻng tan trường đã qua tới hiệp hai, mà vẫn không thấy tăm hơi ba đứa nhỏ. Chị lo lắng đi vô sân trường nhìn dáo dác. Cô giáo và ba đứa con đang đi về phía chị. Chị không tin nổi những gì chị đang thấy: ba đứa cầm ba cái lồng đèn con cá và ba lồng đèn trái trám, đứa nào đứa nấy hớn hở tươi vui, với những vệt nước mắt quằn quện trên mặt. Con Kiều chạy nhanh đến trước mặt chị hổn hển nói: “Má, má ơi, ba làm cho con lồng đèn con cá nè”. Con Vân, con Nguyệt cũng kịp chạy tới, hai đứa dành nhau nói: “Ba làm lồng đèn cho tụi con, ba gởi cô giáo đó má!” Chị nghẹn lời, nước mắt lưng tròng.
Đêm khuya, trăng đã lên cao và sáng vằng vặc, ba đứa nhỏ đã ngủ say sau đêm Trung Thu hạnh phúc nhất đời tụi nó. Mỗi đứa có hai lồng đèn, một của má, một của ba. Được rước đèn, được ăn bánh được hát với các bạn đồng trang lứa. Có tiếng máy xe xình xịch ngoài sân rồi tắt hẳn, chị ngó ra, anh Tư chậm rãi bước xuống xe. Chị bước vội ra nói nhỏ: “Tui cảm ơn anh đã làm lồng đèn cho các con”, “Hổng có gì”, “Sao bữa hổm, anh nói anh hổng có thời giờ?”, “Đúng là hổng có thời giờ, nhưng nhớ em kể chuyện hồi đó, tới Trung Thu, ông già làm đèn con cá cho con cái, nên tui cũng muốn bắt chước ông già, ráng thức mấy đêm làm cho tụi nó.” Nước mắt chị Tư lăn nhanh trên má. Chị bắt đầu tin giữa những khổ đau, luôn luôn có mầm hạnh phúc, giữa dòng đời nghiệt ngã, luôn luôn có những chở che huyền bí.