Menu Close

Đi thăm St. Petersburg – Kỳ 2

Cung Điện Nữ Hoàng Catherine Chúng tôi vào thăm Cung điện Nữ Hoàng Catherine cũng là hoàng cung của Peter The Great (Peter Đại Đế). Gần đến cung điện cảnh trí thay đổi hẳn. Lối vào tráng nhựa sạch sẽ, xe chạy giữa hai hàng cây tươi mát. Một bên là cung điện, phía đối diện cung điện là vườn hoa rộng lớn với nhiều loài hoa lạ đang lúc nở rộ. Hoa hồng thật nhiều, trồng riêng biệt một khu vực. Mấy nhân viên lúi húi bón phân tỉa lá cho cây ở góc vườn xa xa. Các pho tượng điêu khắc mỹ thuật đặt trên bệ cao rải rác theo lối vào. Bồn hoa, cây kiểng cắt tỉa xinh xắn ở sân trước là cả công trình mỹ thuật. Chung quanh cung điện và phía sau có các kiến trúc khác như cầu, hồ nước có vòi phun, vườn hoa, The Japanese Pavillon, The Ruin Folly, Catherine Park, The Chinese Summer House… Tất cả do công trình của các kỹ sư canh nông, các nhà kiến trúc chuyên ngành thiết kế. Vừa đến cung điện là thấy toán nhạc công đồng phục sáng ngời kèn trống chào mừng. Vào cửa cung điện mọi người phải mang thêm đôi giày cao su rộng thùng thình bao kín đôi giày của mình (shoe covers) trước khi vào phía bên trong lâu đài. Áo mưa, ví, dù gởi lại phòng nhỏ gần phòng tiếp tân. Nhìn từ bên ngoài lâu đài thật đồ sộ, huy hoàng, giống như điện Versailles ở Paris, Pháp. Tiền sảnh hay mặt tiền cung điện dài độ 300 mét, sơn màu xanh nhạt, vàng và trắng. Được biết màu vàng ở mặt tiền là vàng thật, phải tốn khoảng 100 ký vàng để mạ phần màu vàng.

alt

Anh hướng dẫn cho biết Nữ hoàng Catherine xinh đẹp là vợ thứ hai của Nga Hoàng Peter the Great, người phụ nữ có nhiều uy quyền thời bấy giờ. Bà tiếp tục xây cất thêm cung điện hoặc bành trướng rộng thêm dù trước đó cũng đã rộng rãi lắm, sưu  tầm hàng chục ngàn vật quý trên thế giới, tranh ảnh, thảm, bàn ghế, đồ sứ, tơ lụa, vật dụng bằng đồng, tác phẩm điêu khắc v.v… tất cả trên 20 ngàn món để trang hoàng 12 gian phòng rộng rãi ở lâu đài.

Gian Đại Sảnh (Great Hall) rực rỡ với các chùm đèn treo vĩ đại hàng trăm bóng đèn lóng lánh sáng ngời, những bức tranh to khung mạ vàng sáng chói. Trần nhà, tường, cột, nơi nào cũng chạm khắc tinh xảo, màu sắc vô cùng tươi đẹp huy hoàng, người xem như lạc vào thế giới thần tiên trong các chuyện cổ tích xa xưa… tưởng như không thể có thật. Dụng cụ, bàn ghế, dù trải qua gần 300 năm hãy còn tốt đẹp, rực rỡ màu sắc. Các phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, y phục thật xa hoa lộng lẫy dù đã bị phần nào hư hỏng trong trận thế chiến thứ 2.

Gian phòng màu hổ phách (Amber Room) với các đồ vật trang trí một màu hổ phách óng ả tuyệt đẹp, các bức tượng, các điêu khắc tỉ mỉ và nghệ thuật ở cửa, hoa văn nhiều màu sắc ở vòm và sàn nhà, những bức tranh, thảm lót từ cầu thang, các vật dụng hoàng gia làm du khách thưởng ngoạn bàng hoàng về sự sang trọng tột cùng của các Nga Hoàng thuở xưa.

Phòng Đại triều (Throne room) rộng rãi, choán nguyên căn phòng. Tường, khung cửa chạm khắc tỉ mỉ. Trần, sàn nhà trang trí hình vẽ cùng khắp, các đèn treo khổng lồ tỏa ánh sáng khắp phòng nhưng không thấy vật dụng bàn ghế chi cả.

alt

Gian đại sảnh

Phòng Blue Chinese: Tranh vẽ che kín các bức tường trình bày phong cảnh hay sinh hoạt người Trung quốc, nền xanh màu da trời cho người xem cảm giác mát mẻ, nhẹ nhàng. Trong phòng có lò sưởi, bình hoa, chân đèn kiểu Trung Hoa.

Phòng Egyptian Vestibule trang trí hình tượng người Ai Cập. Các phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc nơi nào cũng cầu kỳ, sang trọng, xa hoa…  Còn nhiều cung điện chúng tôi chưa thăm viếng hết. Phải chăng cung điện cực kỳ tráng lệ và cuộc sống huy hoàng của hoàng gia trong khi phần lớn dân chúng khó khăn, chật vật sinh kế là nguyên nhân cuộc Cách Mạng Nga 1917?

Ngoài ra còn có lâu đài “The Hermitage” như một Bảo tàng viện, lưu trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn hạng 2 trên thế giới, có 225 danh họa nổi tiếng Âu Châu và 3 triệu đồ vật đặc biệt như các đồng tiền cổ, huy chương, tượng đồng hay đá, các tác phẩm điêu khắc, tranh, y phục, v.v… gồm đồ vật của các nước La Mã, Hy Lạp, các nước Âu Châu (theo sách St Petersburg của nhà xuất bản Abris, trang 45), nếu xem mỗi món 1 phút, mỗi ngày 8 tiếng sẽ mất 15 ngày mới xem hết các thứ trong The Hermitage. Trong các bức tranh có một số do các họa sĩ danh tiếng như Leonardo da Vinci, Rembrandt, Rubens, Van Dyck.

Các cung điện St Petersburg lộng lẫy nguy nga nhưng ngoại ô không sạch sẽ trù phú như nhiều người tưởng tượng về đế quốc có tiếng là một trong các quốc gia  giàu mạnh.

Còn vài nơi nổi tiếng nữa thuộc thành phố St Petersburg  này như Peterhof Park & Fountain, là nơi các hoàng đế Nga nghỉ mát. Chúng tôi sẽ đến vào ngày hôm sau.

Sau khi mua ít quà lưu niệm chúng tôi trở về du thuyền. Du thuyền lộng lẫy, với tôi không kém gì một cung điện nổi nhưng cung điện ấy, ít ra cũng còn dành cho những thường dân như tôi. Những thường dân của một xã hội văn minh dân chủ…

alt

Sảnh Lyon

NH