Menu Close

Yêu nhau mấy lớp cũng học cùng

Tuổi vào đời

Tôi cho rằng, không phải là một điều ngẫu nhiên khi người Việt chúng ta đặc biệt lãng mạn hóa thời cắp sách. Hình ảnh mái trường luôn gần gũi trong tâm thức những ai đã từng sinh sống và trưởng thành tại quê nhà. Tại hải ngoại, các Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên của các trường – từ cấp trung học đến bậc đại học – đã đua nhau chào đời trong hơn ba thập niên qua, và vẫn tiếp tục duy trì các sinh hoạt phong phú khắp nơi, biểu dương tình thầy trò, tình bạn bè, và các truyền thống văn hóa Việt Nam khác.

alt

Thời gian đại học không chỉ là giai đoạn đào sâu chuyên môn, nhưng quan trọng hơn hết, nó là giai đoạn hình thành cá tính và phong cách của một con người. Giai đoạn định hình bản tính cá nhân này là cơ hội để mỗi con người khám phá chính mình và khám phá cuộc đời. Một thế giới muôn màu muôn sắc mở ra, và tuổi thanh niên được trải nghiệm những kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống, và chọn cho mình một chỗ đứng trong xã hội.

Không phải ai ở tuổi vào đời cũng có cái may mắn được theo đuổi một giấc mơ tại giảng đường đại học. Do đó, tôi nghĩ, thời sinh viên đẹp nhất là vì những ai được đến trường ở tuổi này sẽ vào đời trong một hoàn cảnh thật lý tưởng. Đó là, họ thu thập kiến thức mới, được quyền mơ mộng về một chân trời chuyên môn mà họ thích, và vào đời giữa những tình bạn vô tư và thi vị, chưa phải vội vàng đối diện với những thách đố đời thường. Những người bạn ở môi trường đại học chính là những người bạn chí tình mà chúng ta có thể ‘giữ’ cả cuộc đời. Người Đại Hàn có câu ngạn ngữ, “Bạn tốt giống như đôi giày cũ, rất dễ chịu” Tôi nghĩ, bạn bè thời đại học chính là những đôi giày rất cũ và rất dễ chịu theo cái nghĩa ấy.

Yêu như sinh viên

Bài viết này được nẩy mầm từ những câu chuyện trao đổi với các em sinh viên Việt Nam tại Nam California mà tôi có dịp cố vấn, với tư cách một người chị hay trong cương vị cố vấn chính thức tại các trường đại học. Những vấn đề tôi xin phép đưa ra ở đây đến từ kinh nghiệm trực tiếp của một số em sinh viên đã tìm gặp và hội ý với tôi. Tôi mong rằng bài viết này sẽ tạo một nhịp cầu để giúp quý phụ huynh biết rõ thêm phần nào đời sống tình cảm và sinh hoạt bạn bè của các con em đang theo học đại học. Qua đó, quý phụ huynh có thể trò chuyện một cách gần gũi và thông cảm với các em, để giúp các em có những suy nghĩ và quyết định sáng suốt trong quan hệ tình cảm của mình.

Vậy, sinh viên yêu làm sao? Có lẽ nhiều phụ huynh ở Mỹ cảm thấy ngán ngẩm khi con cái bước vào tuổi trưởng thành, lo lắng về vấn đề học hành và nghề nghiệp cho con, và phập phồng nghĩ đến chuyện hẹn hò và những hoàn cảnh có thể xảy đến như có thai, hay xao lãng trong việc học. Có một em sinh viên thố lộ, “Em chỉ muốn yêu – đơn giản như vậy thôi. Yêu và không cần phải suy nghĩ chuyện môn đăng hộ đối, không phải bận tâm đến việc khác tôn giáo, đến lương bổng nghề nghiệp sau này.”

Không ai làm chủ được tình yêu. Có lẽ đây là một trong những nan đề lớn của con người – làm sao để hiểu tình yêu, và làm chủ nó. Đã ở vào tuổi giữa đời người, tôi nhìn lại quãng đời thanh niên của mình, và tuy tôi chọn đứng ngoài chuyện hẹn hò cho đến năm tôi ba mươi tuổi, tôi thấy tình yêu của tuổi mới lớn quả thật diệu kỳ. Diệu kỳ ở chỗ hai tâm hồn trẻ, hớn hở tập bay vào khung trời ‘người lớn,’ giúp nhau hiểu chính mình và hiểu đối phương. Và cho dù một đôi tình nhân không đi đến cùng trong một tình yêu mới lớn đi nữa, thì cái kinh nghiệm yêu ấy vẫn góp phần rất lớn trong sự trưởng thành về tình cảm và tư duy của cả hai.

Như cô sinh viên ở trên bày tỏ, yêu một cách vô tư vô ưu là một diễm phúc mà có lẽ cô ấy không có được. Khi tôi thực hiện những dự án nghiên cứu và dấn thân chống nạn buôn bán phụ nữ, tôi càng thấy quyền được yêu và được chọn người mình yêu là một xa xí phẩm đối với những phụ nữ Việt Nam đang bị buôn bán khắp nơi. Ở đây, nếu nhìn vào khung cảnh đại học, thì tình yêu đến với các bạn sinh viên một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Trong một mức độ nào đó, giảng đường đại học tạo cho các bạn trẻ một sự tự do tương đối, nhất là các bạn vẫn còn sống với bố mẹ hay còn giữ quan hệ mật thiết với gia đình. Giữa khuôn viên đại học và trong các giảng đường, sinh viên có một bầu trời riêng để yêu và để dệt mộng.

Những tình yêu bền bỉ

Có những đôi bạn trẻ yêu nhau từ thời sinh viên đã cùng nhau xây dựng tương lai từ những ngày đầu. Tình yêu tuổi trẻ không phải lúc nào cũng bồng bột như người ta thường nghĩ. Sheila K. và Đức đã yêu nhau được bốn năm khi cả hai cùng xin học chương trình tiến sĩ dược khoa tại một trường ở Chicago. Trong mùa thu năm sau, họ sẽ tạm biệt Nam California nắng ấm để bay về một vùng trời mới, thăng tiến trong việc học và tiếp tục xây dựng tình yêu của mình. Các bạn bè, sau khi gặp Ba Mẹ của Sheila K. trong ngày lễ ra trường, đã đùa với Đức, “Ba của Sheila K. nhìn khó ghê! Mày phải tập làm rể từ bây giờ đi!”

Tuy các bậc phụ huynh Việt Nam vẫn luôn nghiêm khắc với con cái trong vấn đề tình cảm, sự bảo giám đó vẫn được nhiều con em trân quý và giúp các em vững vàng hơn trong quan hệ nam nữ. Nhiều thanh niên thật sự trân trọng ý trung nhân đã đến xin phép bố mẹ của cô gái cho phép mình được chính thức hẹn hò với cô ấy. Một bạn gái ngoài 20 đã phản ánh rằng, khi bạn trai của cô ấy quan tâm và kính trọng cha mẹ mình, cô ấy cảm thấy rất hạnh phúc, vì cha mẹ sẽ cảm thấy vui và an tâm khi con gái quen với một người biết phép tắc.

Xử sự tương kính với nhau là một điều rất cần thiết trong tình yêu, cho dù tình yêu ở tuổi mới lớn hay tình yêu ở những chặng sau của cuộc đời. Khi đôi bên tôn trọng nhau, sự tương kính ấy giúp cho cả hai biết lắng nghe và có những quyết định đẹp nhất cho chính mình.

Nhận định khôn ngoan

Có những cặp tình nhân không hạnh phúc, không phải vì họ không yêu nhau, nhưng có thể vì họ đều đang tập tễnh học làm người, chưa có đủ khôn ngoan để giải quyết những mâu thuẫn trong suy nghĩ và thách đố trong hoàn cảnh sống. Tuổi trẻ luôn mang theo họ những suy nghĩ đầy lý tưởng và một giấc mơ màu hồng nào đó về tình yêu.

Thế nên, trong những hoàn cảnh “Bỏ thì thương, mà vương thì tội” các bạn trẻ rất lúng túng và giằng co khi phải quyết định chia tay. Có nhiều bạn trẻ tâm sự với tôi, “Em muốn anh ấy là người yêu đầu tiên cũng như người tình cuối cùng của em.” Vì giấc mộng ấy, có nhiều bạn gái đã không dứt khoát để chia tay với một cuộc tình nhiều nước mắt và đầy trắc trở. Họ chấp nhận đau khổ, bực dọc, gây gổ, chỉ vì ‘anh ấy là mối tình đầu của em.’

Nhưng cũng có những bạn trẻ khác nhìn vào vấn đề một cách sáng suốt và dứt khoát hơn. Một cô sinh viên, trong một tối tâm sự giữa chị em bạn gái với nhau, đã nói, “Em cũng yêu anh ấy, và cũng thiết tha với anh ấy vì đó là mối tình đầu của em. Nhưng gia đình em còn nhiều khó khăn, mà ảnh thì lại không biết tự lo cho mình. Ảnh đã ngoài ba mươi, mà vẫn chưa ổn định được hướng đi cho cuộc đời mình. Em có trách nhiệm với Mẹ em, vì sau khi Ba bị ung thư và qua đời, Mẹ chỉ biết trông cậy vào em. Em không thể chọn một người bạn đời không đủ bản lãnh để lo cho chính mình được.” Và cô ấy đã chia tay với mối tình đầu của mình, để yêu không ân hận, và sống không ân hận.

Tuy tình yêu tuổi trẻ có cái vô tư đáng yêu của nó, các bạn trẻ cũng cần phải nhìn đường xa khi bước vào ngưỡng cửa tình yêu. Nếu một mối tình dài ba năm chỉ đầy nước mắt và gây gổ, thì đương sự cần đặt lại vấn đề nếu muốn tiếp tục mối quan hệ ấy. Dĩ nhiên mỗi con người đều cho ta lý do để lưu luyến, nhưng cần phải thận trọng và sáng suốt nhận định vấn đề, để không tiếp tục mang đến đau khổ cho nhau chỉ vì hai chữ ‘tình đầu,’ hay đơn giản vì ‘anh ấy rất yêu em.’

Yêu nhau, mấy lớp cũng học cùng

Tuy ai cũng muốn đi đến cùng đích của mối tình đầu của mình, nhưng không phải ai cũng có cùng một kinh nghiệm ấy. Dĩ nhiên, con đường nào cũng có cái đẹp của nó, miễn là người trong cuộc suy nghĩ sâu sát và quyết định một cách sáng suốt. Nếu chọn ở lại với một mối tình nhiều bấp bênh, rất mong rằng các bạn gái (vì tôi là phái nữ, xin gửi riêng lời khuyên này đến các bạn cùng giới) hãy yêu một cách mạnh dạn, dứt khoát, và sáng suốt.
 
Tất cả những lời khuyên hay nhận định của các nhà tâm lý chỉ là những phương tiện giúp các bạn soi rọi lại chính suy nghĩ và quyết định của mình. Mỗi cuộc tình là một thế giới với những quy luật của riêng nó. Không ai hiểu rõ thế giới ấy và những quy luật trong ấy bằng chính đôi tình nhân. Do đó, tất cả những lời khuyên hay góp ý chỉ là phụ, chính hai người trong cuộc phải tự quyết định cho mình, và yêu một cách viên mãn và có trách nhiệm.

Ở những giảng đường đại học khắp nơi, hằng ngày, vẫn có bao bạn trẻ cùng nhau cắp sách đến lớp, cùng nhau học hành, cùng nhau trưởng thành. Người ta đồn đãi rằng 70% sinh viên tại Đại học Stanford kết hôn với nhau sau khi ra trường. Thế nên, khi vào đại học, có kẻ học chữ, có kẻ học yêu, có kẻ học làm người – có kẻ học tất cả.

TG&TN