Mỹ có hai Cơ quan In ấn Quốc gia (Bureau of Engraving and Printing – BEP) trực thuộc Bộ Tài Chính. Một ở Washington D.C và một tọa lạc tại số 9000 Blue Mound Rd., Fort Worth. Hai nơi này chịu trách nhiệm thiết kế, khắc bản và in ấn tất cả các loại tiền giấy và các giấy tờ quan trọng như sổ thông hành, thẻ quân nhân, thư mời của Tòa Bạch Ốc, giấy chứng nhận nhập cư, nhập tịch, tem thư, money order…

Từ thập niên 90, các loại giấy tờ liên quan đến chính phủ trả lại cho Cục In ấn Chính phủ quản lý; Tem thư, Money order do Cơ quan Bưu điện tự in. BEP chỉ đảm nhận in tiền giấy cho Cục Dự trữ Liên bang (FED). Riêng tiền xu do nhà máy đúc tiền kim loại (United States Mint) ở Denver sản xuất. Vì thế cơ quan sản xuất tiền giấy này có thể gọi tắt là nhà máy in tiền (Money Factory).

Không phải đợi những lúc nền kinh tế có vấn đề, các cỗ máy in tiền mới vận hành hết công suất. Tiền vẫn luôn được in ra hàng ngày để phục vụ nhu cầu cân bằng các thanh khoản của ngân hàng dự trữ liên bang. Chuyện in tiền, số lượng phát hành hàng tháng, hàng năm không phải là bí mật quốc gia đối với các nhà máy in tiền. Có dịp đến nhà máy in tiền ở Fort Worth, mới thấy các công đoạn in ấn đồng đô la lớn nhỏ và nếu ai có thắc mắc liên quan, nhân viên tại đây sẽ giải đáp một cách tường tận. Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, việc tổ chức in, sản xuất tiền luôn được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, để vào tham quan khu vực sản xuất khách phải đi qua một cửa kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Điện thoại di động, các thiết bị điện tử, balô, máy ảnh, vũ khí bị cấm mang vào. Mỗi đợt vào xem chừng hai chục khách, có người hướng dẫn thuyết minh các phần việc từ chế bản đến in ấn. Ai chưa đến lượt, có thể vào khán phòng xem phim tư liệu về lịch sử in tiền. Vào cửa hoàn toàn miễn phí. Ai đến trước phục vụ trước.
Trong suốt 45 phút đi theo nhóm người nhìn qua lớp kính quan sát từng giai đoạn, từ phần giấy in đến lúc máy chạy ra những tờ đô la xanh, cắt xén, đóng cọc từng bó tiền, tôi lại thấy mãnh lực đồng tiền dường như không hề hấp dẫn. Nhìn những bó tiền không khác gì các tờ quảng cáo trong một nhà máy in bình thường. Tất nhiên, người xem chỉ được giới thiệu qua vài giai đoạn của quy trình in và mỗi người dân phải gánh nợ cho nhà nước trên 52 ngàn đô. Người ta thường nói người Mỹ không mắc nợ thì đâu phải là người Mỹ. Vậy ra nước Mỹ không mắc nợ thì đâu còn là nước Mỹ. Lời thuyết minh cũng chỉ gợi mở đôi nét về kỹ thuật in chồng bản, in nổi, in chìm và cuối cùng là kỹ thuật nén giấy bạc bằng sức ép vài ngàn cân tạo ra độ nhám phân biệt giữa tiền thật và tiền giả.

Vấn đề tiền thật giả là một câu chuyện dài nhiều tập với kỹ thuật “chế biến” ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, những tờ tiền in sau 1996 thật khó làm giả được vì có sự cải tiến chất liệu giấy, mực và kỹ thuật quang học để phân biệt một cách nhanh chóng. Số lượng tiền in hàng tháng tại các nhà máy in tiền dùng để thay thế số tiền giả được phát hiện thu hồi và bù đắp lượng tiền hư hỏng đang lưu hành trong thị trường. Bình thường mỗi tháng nhà máy in cho ra bảy tám triệu đô, nhưng có biến động tài chính hoặc trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, các cỗ máy in tiền sẽ hoạt động ngày đêm. Chính vì thế nhiều nhà kinh tế hiện nay vẫn cho rằng Fed quá dễ dãi với chuyện in tiền cứu nguy nền kinh tế trong thập niên qua khiến mỗi đồng đô la được in thêm thì chính bản thân nó đã mất đi một phần giá trị và sức mua của đồng tiền này cũng giảm, kéo theo đó là giới đầu tư nước ngoài càng ít tiếp tục cho Mỹ vay tiền, ngay cả việc mua trái phiếu của Bộ Tài Chính hay bằng tiền đô la mà họ có.
Khái niệm “in tiền” thật ra phải hiểu theo hai nghĩa bóng và đen. Theo giải thích của các chuyên gia kinh tế, đúng là lượng tiền trong lúc cứu nguy được in thêm nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là đem ra phát hành lưu thông trên thị trường kinh tế. Số tiền này được tích trữ trong các ngân hàng dự trữ trung ương dùng để hỗ trợ lượng tiền mặt để đối phó với tình hình đột biến rút tiền ra của khách hàng qua các ngân hàng thương mại hay thanh toán ngân khoản giữa các ngân hàng. Lượng tiền in ra được phát hành qua trái phiếu định kỳ Chính phủ được các ngân hàng và các định chế tài chánh bán trực tiếp cho Fed. Như vậy bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương sẽ cân bằng và tất nhiên sẽ phình to đúng bằng số tiền mới “in thêm”. Các ngân hàng thương mại bán lại trái phiếu này, hình thức thanh toán chỉ qua cộng các con số vào tài khoản của ngân hàng này, ngân hàng kia thêm chừng đó tiền. In tiền thêm thuật ngữ tài chính gọi là Quantitatively Easing (QE) “nới lỏng định lượng” hay “nới lỏng số lượng”. Thực tế tiền chỉ là những con số trong sổ sách kế toán, chứ không phải là lượng tiền mặt thu vào cất trong két sắt.

Tiền in nhiều làm đồng tiền yếu đi, nói nôm na là mất giá. Mỗi lần in thêm tiền xem như nhà nước áp dụng chính sách nới lỏng định lượng, mà theo giới chuyên gia, mục tiêu của Mỹ là làm cho đô la giảm giá để có khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất cảng, một việc làm tương đương với việc phá giá đồng tiền hiện hữu. Điểm qua một vài con số công bố trên báo chí, ta có thể hình dung mức lượng tiền in trong thập niên đầu thế kỷ 21. Từ năm 1999 để ngăn chặn virus Y2K làm tê liệt hệ thống ngân hàng, Fed đã quyết định in thêm 73 tỉ. Sau vụ tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ngày 11-9-2001, Fed lặp lại việc này khi cho in ra thêm 40 tỉ đưa vào thị trường luân chuyển tiền tệ. Năm 2008, khủng hoảng tài chính xảy ra, Ngân hàng Lehman Brothers phá sản, Fed đã không ngần ngại in thêm 1,600 tỉ để cứu nền kinh tế Mỹ. Sau đó một năm (2009), lại có thêm 1,700 tỉ cho gói kích thích kinh tế lần thứ nhất (QE1) trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng. Tháng 11-2010, Fed đã tung thêm gói kích thích thứ hai trị giá 600 tỉ (QE2) vào nền kinh tế. Và mới đây, Fed tung tiếp QE3 không xác định giá trị tuyệt đối mà tất cả đều được mở. Theo đó, Fed sẽ mua vào 40 tỷ đô tài sản mỗi tháng cho tới bao giờ “thị trường lao động được cải thiện một cách bền vững”. Lãi suất gần 0% được duy trì cho tới giữa 2015 (thay vì tới cuối 2014 như trước đó) và tiếp tục thực hiện chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist). Tổng cộng, cả 2 chương trình này sẽ làm tăng lượng trái phiếu dài hạn Fed nắm giữ lên thêm 85 tỷ đô mỗi tháng. Đây cũng là một sự việc chủ ý của Obama trong chiến dịch tranh cử sắp tới.
Vào xem nhà máy in tiền, dễ hiểu nhất và hấp dẫn nhất ở phòng trưng bày khi thấy được các tờ tiền mệnh giá lớn được Chính phủ phát hành lần đầu tiên vào năm 1861. Các tờ $500, $1,000, $5,000, và tờ chứng nhận $10,000 vàng ra đời năm 1865. Có nhiều kiểu mẫu các tờ mệnh giá cao. Tiền mệnh giá cao thịnh hành vào thời điểm chúng được phát hành với số lượng nhỏ vào năm 1929 cùng lúc với các tờ $1 đến $100. Các mệnh giá tiền được so sánh đi cùng với giá trị sức mua tương đương đến năm 2010, tức sau 80 năm theo chỉ số lạm phát trung bình cao hơn 13 lần (trừ tờ 100,000, được so sánh với năm nó được phát hành là năm 1934): 500 tương đương 6,351; 1,000 tương đương 12,701.75; 5.000 tương đương 63,508.77; 10,000 tương đương 127,017.54; 100,000 tương đương 1,624,937.66.
Việc lưu hành các tờ giấy bạc mệnh giá lớn này bị ngưng lại vào năm 1969 theo lệnh hành pháp của Tổng Thống Richard Nixon như là một cách đối phó chống lại tội phạm có tổ chức. Ngân hàng dự trữ liên bang bắt đầu thu hồi lại các tờ giấy bạc mệnh giá cao không cho lưu hành vào năm đó. Tính đến nay, có khoảng chừng 336 tờ bạc $10,000; 342 tờ bạc $5,000; và 165,372 tờ bạc $1,000 vẫn còn được sang tay. Vì sự khan hiếm của chúng nên những nhà sưu tầm phải trả nhiều hơn giá trị thật của chúng. Phần nhiều các tờ giấy bạc này trước kia (khi được lưu hành) chỉ được các ngân hàng và chính phủ liên bang sử dụng trong các giao dịch tài chính có giá trị lớn, đặc biệt là các tờ giấy chứng nhận bản vị vàng từ năm 1865 đến 1934. Tuy nhiên, sự ra đời của hệ thống tiền điện tử đã khiến cho các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn trở nên lỗi thời. Vì thế đến nay và trong tương lai Bộ Tài Chính không có kế hoạch cho in tiền với mệnh giá lớn.
Mỗi lần in thêm tiền, Chính phủ càng thêm công nợ. Số nợ quốc gia hiện nay đã lên đến hơn 16 ngàn tỉ, trung bình.
